Quyết định 59/2007/QĐ-UBND

Quyết định 59/2007/QĐ-UBND về Quy định quản lý hoạt động Quảng cáo - Cổ động trực quan trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

Quyết định 59/2007/QĐ-UBND quản lý hoạt động Quảng cáo đã được thay thế bởi Quyết định 2422/QĐ-UBND công bố kết quả hệ thống hóa văn bản pháp luật Vĩnh Phúc 2015 và được áp dụng kể từ ngày 09/09/2015.

Nội dung toàn văn Quyết định 59/2007/QĐ-UBND quản lý hoạt động Quảng cáo


UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 59/2007/QĐ-UBND

Vĩnh Yên, ngày 18 tháng 10 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO - CỔ ĐỘNG TRỰC QUAN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC.

UỶ BAN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Quảng cáo số 39/2001/PL-UBTVQH ngày 16/11/2001;

Căn cứ Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13/3/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo;

Căn cứ Thông tư số 24/2003/NĐ-CP">43/2003/TT-BVHTT ngày 16/7/2003 của Bộ Văn hoá-Thông tin hướng dẫn thực hiện Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13/3/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT/BVHTT-BYT-BNN&PTNT-BXD ngày 28/2/2007 của Bộ Văn hoá-Thông tin, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng hướng dẫn thủ tục cấp phép thực hiện quảng cáo theo mô hình một cửa liên thông;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá-Thông tin tại Tờ trình số 10/TTr-VHTT ngày 24 tháng 8 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về quản lý hoạt động Quảng cáo - Cổ động trực quan trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với quy định được ban hành kèm theo Quyết định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hoá-Thông tin, thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Phi

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO VÀ CỔ ĐỘNG TRỰC QUAN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
 (Ban hành kèm theo Quyết định số: 59/2007/QĐ-UBND ngày 18 tháng 10 năm 2007 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc).

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng điều chỉnh

Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo, tuyên truyền chính trị dưới hình thức thông tin cổ động trực quan trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, thuộc đối tượng điều chỉnh của Quy định này.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Ngoài việc thực hiện những quy định của Đảng và Nhà nước và của tỉnh về tuyên truyền chính trị dưới hình thức cổ động trực quan và các quy định pháp lý hiện hành trên lĩnh vực quảng cáo: Pháp lệnh quảng cáo, Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13/3/2003 của Chính phủ, Thông tư số 24/2003/NĐ-CP">43/2003/TT-BVHTT ngày 16/7/2003 của Bộ VHTT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13/3/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh quảng cáo, Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT/BVHTT- BYT- BNN- BXD ngày 28/2/2007 và các văn bản pháp lý có liên quan, quy định này cụ thể hoá một số nội dung về quảng cáo và cổ động trực quan trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đối với:

1. Hoạt động quảng cáo trên các phương tiện nhằm giới thiệu về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ, thương hiệu, nhãn hiệu.

2. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh dưới hình thức thông tin cổ động trực quan bằng các phương tiện bảng, biển, pano, áp phích, băng rôn (gọi tắt là cổ động trực quan).

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO

Điều 3. Những hoạt động quảng cáo được khuyến khích

1. Hoạt động quảng cáo theo phương thức xã hội hoá kết hợp quảng cáo thương mại với cổ động trực quan trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời.

2. Hoạt động quảng cáo các sản phẩm du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, hoạt động quảng cáo tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, miền núi, khu công nghiệp, khu đô thị mới.

3. Hoạt động quảng cáo bằng các phương tiện quảng cáo có công nghệ hiện đại, vật liệu bền, an toàn, hình thức sinh động, hấp dẫn, sản phẩm quảng cáo có tính an toàn xã hội cao.

Điều 4 . Khu vực cấm quảng cáo

1. Khu vực Trụ sở Tỉnh uỷ (đoạn đường Kim Ngọc, dốc Tỉnh Uỷ và đoạn đường Hùng Vương, hành lang đi bộ trước mặt trụ sở Tỉnh Uỷ- thành phố Vĩnh Yên)

2. Trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp, tổ chức chính trị- xã hội, doanh trại quân đội, trụ sở công an, trường học, bệnh viện.

3. Trong khu vực di tích lịch sử văn hoá, di tích cách mạng, kháng chiến, cơ sở tôn giáo.

Điều 5. Hình thức, phương tiện quảng cáo không phải giấy phép

Quảng cáo trên dù che, xe đẩy, thùng hàng, cờ phướn không phải xin giấy phép thực hiện quảng cáo nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo và các quy định sau:

1. Đối với quảng cáo trên xe đẩy, thùng hàng gắn trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp và các hình thức tương tự khác không được sử dụng âm thanh, diện tích quảng cáo không quá 0,5 m2 cho một mặt quảng cáo.

2. Đối với quảng cáo bằng dù che, cờ phướn và các hình thức tương tự chỉ được đặt trong khuôn viên của nơi kinh doanh, địa điểm tổ chức.

Điều 6. Quảng cáo bằng băng rôn

Quảng cáo bằng băng rôn phải thực hiện phù hợp với Quy hoạch quảng cáo của tỉnh và đảm bảo các điều kiện sau:

1. Các băng rôn quảng cáo không được dùng nền mầu Quốc kỳ, không được chăng ngang đường giao thông, thời hạn treo thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định 24/2003/NĐ-CP ngày 13/3/2003 của Chính phủ.

2. Băng rôn có kích thước: chiều rộng: 01 mét, chiều dài: 08 mét. Trên băng rôn phải ghi rõ tên đơn vị tổ chức thực hiện, số giấy phép, thời gian treo.

3. Treo băng rôn trên hệ thống cột và điểm treo theo Quy hoạch quảng cáo của tỉnh.

Điều 7. Quảng cáo bằng bảng, biển, pa nô gắn với công trình xây dựng đã có trước

Quảng cáo bằng bảng, biển, pa nô gắn với công trình xây dựng dân dụng phải đảm bảo các điều kiện sau:

1. Bảng, biển quảng cáo đặt tại mặt tiền nhà có chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà, chiều cao tối đa là 1,5m. Đối với bảng, biển dọc có chiều dài không vượt quá chiều cao công trình, chiều rộng tối đa là 01m.

2. Trường hợp nhà có nhiều tầng thì được lắp đặt biển, bảng quảng cáo tại mặt tiền từng tầng nhưng không quá tầng thứ 10.

Điều 8. Quảng cáo bằng biển đèn neon sign, bạt thả gắn khung ốp

Các trung tâm thương mại, siêu thị, cao ốc, ga tàu (văn phòng- nhà ở) được phép quảng cáo bằng biển đèn neon sign, bạt thả gắn khung đặt ốp trực tiếp vào tường công trình xây dựng, diện tích không quá 40 m2/biển (trừ sơn vẽ trực tiếp), phải bảo đảm phù hợp với cảnh quan kiến trúc chung của khu vực và an toàn công trình.

Điều 9. Quảng cáo bằng Biển hộp đèn trên cột đèn chiếu sáng và dải phân cách giao thông

Phải tuân thủ theo Quy hoạch quảng cáo của tỉnh và đảm bảo các điều kiện sau:

1. Quảng cáo bằng biển hộp đèn trên các trục đường quốc lộ: Mỗi cột đèn chiếu sáng đặt 01 biển, kích thước thống nhất: cao 1,2 mét; rộng 0,6 mét; dày 0,2 mét, vị trí đặt biển cao 6m tính từ mặt đất.

2. Quảng cáo bằng biển hộp đèn trên các tuyến đường nội thành, nội thị: Mỗi cột đèn chiếu sáng đặt 01 biển, kích thước thống nhất: cao 0,6 mét; rộng 01 mét; dày 0,2 mét, vị trí đặt biển cao từ 2,5m đến 3,5m tính từ mặt đất.

3. Quảng cáo bằng biển hộp đèn trên dải phân cách: khoảng cách giữa 2 trục hộp đèn là 60m, diện tích tối đa của hộp đèn là 4,5m2.

4. Quảng cáo bằng biển hộp đèn trên đỉnh cột treo băng rôn: khoảng cách giữa 2 cột lắp biển hộp đèn là 08m, diện tích tối đa của hộp đèn là 1,5 - 2,0m2

Điều 10. Quảng cáo bằng màn hình điện tử

Việc đặt màn hình điện tử để quảng cáo phải tuân theo Quy hoạch quảng cáo của tỉnh, phù hợp với quy hoạch đô thị và đảm bảo các điều kiện sau:

1. Có kết cấu chân cột vững chắc (kiểu dáng một cột trụ), chiều cao tối đa 15m và diện tích màn hình tối đa 80 m2;

2. Không được đặt trong hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia; không che khuất biển báo, đèn tín hiệu giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng;

3. Quảng cáo bằng màn hình điện tử phải phù hợp với mỹ quan và cảnh quan môi trường, đảm bảo an toàn xã hội;

4. Quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo treo, đặt, dựng ở ngoài trời không được dùng âm thanh.

Điều 11. Quảng cáo bằng biển, bảng, pa nô tại các tuyến giao thông đường bộ, đường thuỷ

1. Tuyến đường bộ (Tuyến đường chạy qua địa phận Vĩnh Phúc: 2A, 2B, 2C, Bắc Thăng Long- Nội Bài và các tuyến đường tương tự khác)

a. Cho phép thực hiện quảng cáo tại làn 1: là loại 02 mặt, diện tích 7,5 m2, chiều cao tối đa tính từ mặt nền đường đến mép trên của biển là 04m, cách mép đường 05 m;

b. Cho phép thực hiện quảng cáo tại làn 2: là loại 02 mặt, có 01 cột trụ, diện tích 120 m2 (8m x 15m), chiều cao tối đa tính từ mặt nền đường đến mép trên của biển là 17 mét, cách mép đường 25 mét;

c. Cho phép thực hiện quảng cáo tại làn 3: là loại 02 mặt, có 01 cột trụ, diện tích 200 m2 (10m x 20m), chiều cao tối đa tính từ mặt nền đường đến mép trên của biển là 27 mét, cách mép đường 45m;

2. Tuyến đường thuỷ (dọc theo bờ sông Hồng thuộc địa phận tỉnh quản lý)

Cho phép thực hiện quảng cáo bằng bảng, biển, pa nô 02 mặt, có 02 cột trụ, diện tích tối đa 500 m2, khoảng cách tối thiểu là 400m

Điều 12. Quảng cáo bằng biển, bảng, pa nô trong nội thành, nội thị

1. Biển, bảng quảng cáo trong khu vực nội thành, nội thị có diện tích mỗi mặt không quá 60m2

2. Biển, bảng quảng cáo có chất liệu thích hợp, đảm bảo độ bền công trình, an toàn và mỹ quan đô thị.

Điều 13. Quảng cáo bằng biển, bảng, pa nô tại các khu di tích- danh thắng

Quảng cáo tại các khu di tích- danh thắng phải đảm bảo các quy định trong Luật Di sản và các điều kiện sau:

1. Khu danh thắng cho phép thực hiện quảng cáo bằng biển, bảng, pa nô có chất liệu thích hợp đảm bảo độ bền công trình quảng cáo, có diện tích một mặt dưới 40m2 và phù hợp với cảnh quan môi trường xung quanh. Cho phép thực hiện quảng cáo bằng biển hộp đèn trên các cột đèn chiếu sáng trong khu vực danh thắng theo quy định tại Điều 9 Quy định này.

2. Khu di tích: cho phép thực hiện quảng cáo bên ngoài khu vực di tích, diện tích mặt biển, bảng, pano dưới 60m2 một mặt.

Điều 14. Quảng cáo bằng biển, bảng, pa nô tại Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp

1. Quảng cáo bằng bảng, biển, pa nô tấm lớn tại các Khu công nghiệp của tỉnh thực hiện theo quy định tại Điều 11 bản Quy định này.

2. Quảng cáo bằng biển hộp đèn trên cột đèn chiếu sáng, dải phân cách trong Khu công nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 9 bản Quy định này.

Điều 15. Quảng cáo tại nhà chờ, ca bin điện thoại và các hình thức tương tự khác

1. Quảng cáo tại nhà chờ xe buýt phải đảm bảo diện tích quảng cáo không vượt quá 06 m2; không được quảng cáo trên nóc nhà chờ xe buýt.

2. Quảng cáo tại ca bin điện thoại công cộng và các hình thức tương tự được phép thực hiện tại 3 mặt của phương tiện quảng cáo.

Điều 16. Quảng cáo bằng tờ rơi, áp phích, xe loa di động

1. Quảng cáo bằng tờ rơi, áp phích chỉ được treo, đặt, dán, dựng tại phía trong các cửa hàng, đại lý; đảm bảo an toàn, thẩm mỹ; thời gian quảng cáo không quá 30 ngày.

2. Quảng cáo bằng xe loa di động phải tuân theo các điều kiện sau:

a. Không quảng cáo trong giờ hành chính (từ 07h đến 11h 30 và từ 13h đến 17h hàng ngày trừ Thứ 7 và Chủ nhật) tại các tuyến đường, phố: Hùng Vương, Kim Ngọc, Tôn Đức Thắng, Lý Thái Tổ, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng (thuộc thành phố Vĩnh Yên)

b. Khu vực khác thời gian quảng cáo từ 6h30 đến 21h30.

c. Phương tiện thực hiện quảng cáo phải có đủ điều kiện lưu hành theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Hồ sơ xin cấp phép thực hiện quảng cáo

Hồ sơ, thủ tục, trình tự cấp phép thực hiện quảng cáo thực hiện theo quy định tại Mục II, Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT/BVHTT- BYT- BNN- BXD ngày 28/2/2007.

Mục 2. HOẠT ĐỘNG CỔ ĐỘNG TRỰC QUAN

Điều 18. Các cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp, tổ chức chính trị- xã hội tuyên truyền chính trị bằng hình thức trực quan (Panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, cờ phướn…) bên ngoài khu vực trụ sở phải thông báo với Sở Văn hoá Thông tin để được hướng dẫn treo, đặt và hình thức, phương tiện tuyên truyền đúng với vị trí quy hoạch quảng cáo, cổ động trực quan của tỉnh.

Mục 3. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Điều 19: Trách nhiệm của Sở Văn hoá-Thông tin

Sở Văn hoá-Thông tin chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trên địa bàn, có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Tiếp nhận hồ sơ xin cấp Giấy phép thực hiện quảng cáo, phối hợp với các ngành liên quan (nếu cần), tiến hành thẩm định và cấp giấy phép thực hiện quảng cáo, thu phí, lệ phí theo quy định.

Sau khi trả kết quả cho tổ chức, công dân, Sở Văn hoá-Thông tin gửi bản sao Giấy phép thực hiện quảng cáo cho Phòng Văn hoá-Thông tin và Thể thao huyện, thị xã, thành phố biết.

Tiếp nhận hồ sơ, chủ trì thẩm định trình UBND tỉnh cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên địa bàn;

2. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND huyện, thị, thành phố xây dựng quy hoạch chi tiết một số loại hình quảng cáo, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn thực hiện Quy định này và các quy định pháp luật hiện hành về hoạt động quảng cáo;

3. Chỉ đạo Phòng Văn hoá-Thông tin và Thể thao huyện, thị xã, thành phố về công tác quản lý hoạt động quảng cáo tại địa phương;

4. Thực hiện công tác thanh tra kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo, phối hợp với UBND các huyện, thành, thị trong việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các phương tiện quảng cáo trái phép theo đúng quy định pháp luật hiện hành;

5. Báo cáo định kỳ với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh.

Điều 20. Trách nhiệm của Sở, ngành liên quan

Các Sở, ngành liên quan: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hoá-Thông tin cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo, văn bản thoả thuận về địa điểm, các phương tiện, nội dung quảng cáo (nếu cần) theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT/BVHTT-BYT-BNN-BXD và xử lý các vi phạm trong hoạt động quảng cáo theo thẩm quyền.

Điều 21. Trách nhiệm của UBND huyện, thành phố, thị xã

UBND huyện, thành phố, thị xã trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

1. Phối hợp với Sở Văn hoá-Thông tin và các cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo tại địa phương và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật hiện hành.

2. Báo cáo định kỳ với UBND tỉnh và thông báo với Sở Văn hoá Thông tin về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo tại địa phương.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động quảng cáo được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân khi thực hiện quảng cáo làm mất mỹ quan, không an toàn, gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhà nước và các tổ chức, cá nhân thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo tuân theo các quy định tại Nghị định 56/2006/NĐ-CP ngày 6/6/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Văn hoá-Thông tin.

3. Cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ có hành vi vi phạm các quy định về việc cấp, thu hồi giấy phép thực hiện quảng cáo, giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, cản trở hoạt động quảng cáo đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân, sách nhiễu hoặc có hành vi vi phạm các quy định hiện hành thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Điều khoản thi hành

1. Sở Văn hoá-Thông tin, các Sở, ngành liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện nội dung Quy định này và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quảng cáo; đảm bảo việc tiếp nhận đơn và hồ sơ xin cấp giấy phép thực hiện quảng cáo theo đúng thẩm quyền đã được phân công và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các sai phạm trong hoạt động quảng cáo trên lĩnh vực, địa bàn do mình quản lý.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Sở Văn hoá-Thông tin có trách nhiệm tổng hợp ý kiến trình UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung Quy định này cho phù hợp.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 59/2007/QĐ-UBND

Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 59/2007/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành 18/10/2007
Ngày hiệu lực 02/11/2007
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Thương mại
Tình trạng hiệu lực Hết hiệu lực 09/09/2015
Cập nhật 7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 59/2007/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 59/2007/QĐ-UBND quản lý hoạt động Quảng cáo


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

Văn bản liên quan ngôn ngữ

Văn bản bị đính chính

Văn bản được hướng dẫn

Văn bản đính chính

Văn bản bị thay thế

Văn bản hiện thời

Quyết định 59/2007/QĐ-UBND quản lý hoạt động Quảng cáo
Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 59/2007/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Ngọc Phi
Ngày ban hành 18/10/2007
Ngày hiệu lực 02/11/2007
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Thương mại
Tình trạng hiệu lực Hết hiệu lực 09/09/2015
Cập nhật 7 năm trước

Văn bản gốc Quyết định 59/2007/QĐ-UBND quản lý hoạt động Quảng cáo

Lịch sử hiệu lực Quyết định 59/2007/QĐ-UBND quản lý hoạt động Quảng cáo