Quyết định 661/QĐ-UB quy chế tạm thời huy động quản lý sử dụng quỹ xóa đói giảm nghèo Lâm Đồng 1994 đã được thay thế bởi Quyết định 313/QĐ-UBND năm 2011 công bố văn bản hết hiệu lực tỉnh Lâm Đồng và được áp dụng kể từ ngày 30/01/2011.
Nội dung toàn văn Quyết định 661/QĐ-UB quy chế tạm thời huy động quản lý sử dụng quỹ xóa đói giảm nghèo Lâm Đồng 1994
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 661/QĐ–UB | Đà lạt , ngày 19 tháng 7 năm 1994 |
QUYẾT ĐỊNH
“V/V BAN HÀNH QUI CHẾ TẠM THỜI VỀ HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ SỬ DỤNG QŨY XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO CÁC CẤP”.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp ngày 30/6/1989
-Theo tinh thần Nghị quyết số 07/NQ-TU ngày 26/5/1993 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Lâm đồng về chương trình xóa đói giảm nghèo và xét biên bản cuộc họp Ban điều hành xóa đói giảm nghèo cấp tỉnh ngày 11/6/1994.
QUYẾT ĐỊNH
ĐIỀU 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bản “Qui chế tạm thời về huy động, quản lý và sử dụng quỹ xóa đói giảm nghèo các cấp tỉnh Lâm đồng”.
ĐIỀU 2: Ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở ban ngành, Chủ tịch UBND huyện và thành phố Đà lạt căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký./.
| TM . UBND TỈNH LÂM ĐỒNG |
QUY CHẾ TẠM THỜI
V/V HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG QUỸ XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 661/Q Đ-UB ngày 19/7/1994 của UBND tỉnh Lâm đồng)
Để sử dụng có hiệu quả, đồng thời không ngừng duy trì phát triển quỹ xóa đói giảm nghèo ở các cấp, các ngành trong tỉnh theo Quyết định số 1402/QĐ-UB ngày 23/9/1993 của UBND tỉnh Lâm đồng.
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm đồng quy định việc huy động, quản lý và sử dụng quỹ xóa đói giảm nghèo ở các cấp, các ngành trong tỉnh như sau:
Điều 1: Quỹ xóa đói giảm nghèo được hình thành ở ba cấp: Tỉnh, huyện, thành phố, xã phường, thị trấn ( dưới đây gọi tắt là tỉnh, huyện, xã ). Ở cấp huyện và xã do Chủ tịch UBND huyện, xã làm chủ tài khoản ở cấp tỉnh, UBND tỉnh ủy nhiệm đồng chí Giám đốc Sở Lao động – TBXH làm chủ tài khoản.
Đối với đoàn thể quần chúng và tổ chức xã hội cấp tỉnh, quỹ xóa đói giảm nghèo thuộc đoàn thể và tổ chức xã hội nào thì do thủ trưởng cơ quan đó làm chủ tài khoản.
Điều 2 :
Việc huy động quản lý sử dụng quỹ xóa đói giảm nghèo ở các cấp, các đoàn thể quần chúng và tổ chức xã hội phải thực hiện đúng theo Quyết định số 1402/QĐ-UB ngày 23/9/1993 của UBND tỉnh và công văn hướng dẫn số 168/CV-TC ngày 25/10/1993 của Sở Tài chính - Vật giá; đồng thời đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc quản lý tài chính theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Các chủ tài khoản phải có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, kiểm tra để duy trì, phát triển nguồn quỹ, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện việc sử dụng quỹ xóa đói giảm nghèo về Ban điều hành xóa đói giảm nghèo cùng cấp và cấp trên.
Nguồn quỹ đã có mà chưa sử dụng hết, được phép gửi tiết kiệm tại Ngân hàng nhằm sinh lợi tăng thêm nguồn quỹ.
Điều 3 :
Quỹ xóa đói,giảm nghèo chỉ được sử dụng cho hộ gia đình thuộc diện đói nghèo vay để sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm xóa được đói, giảm được nghèo.
Lãi suất cho vay được tính 0,2% trên tháng.
Thời hạn vay: Căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh của từng ngành, nghề để xét thời hạn cho vay, tối đa không quá 36 tháng. Trường hợp, hết hạn cho vay mà hộ sản xuất, kinh doanh chưa có tích lũy, chưa vượt qua được đói nghèo thì có thể được xem xét cho vay tiếp.
Quỹ xóa đói giảm nghèo của cấp trên, có thể được dùng để hỗ trợ, bổ sung cho quỹ xóa đói giảm nghèo của cấp dưới trên nguyên tắc bảo toàn và tiếp tục phát triển nguồn vốn của qũy. Ban điều hành xóa đói giảm nghèo các cấp triển khai việc lập kế hoạch và thực hiện việc tiếp nhận qũy hàng qúy, 6 tháng, từng năm theo hướng dẫn. Sau khi lập đầy đủ thủ tục, qũy được chuyển về thì chủ tài khoản phải kịp thời chi cho các đối tượng sử dụng, nhằm làm cho đồng vốn mau sinh lợi.
Điều 4 : Thủ tục cho vay thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước như thủ tục vay vốn từ qũy quốc gia giải quyết việc làm, bao gồm: Đơn xin vay vốn của từng hộ gia đình, kế ước cho vay và giấy bảo lãnh của cá nhân hoặc tổ chức.
Cá nhân hoặc tổ chức đứng ra bảo lãnh phải do Ban điều hành xóa đói giảm nghèo ở mỗi cấp cử ra, có trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn hộ gia đình đứng ra vay vốn thực hiện được phương án sản xuất kinh doanh mà hộ gia đình đã đề ra cũng như chịu trách nhiệm trước Ban điều hành xóa đói giảm nghèo ở mỗi cấp về hiệu quả sử dụng vốn và thời hạn thu hồi vốn của Hộ gia đình mình nhận bảo lãnh.
Trong quá trình thực hiện quy chế tạm thời này có gì khó khăn, vướng mắc, Ban điều hành xóa đói giảm nghèo các cấp cần kịp thời phản ánh, báo cáo về Ban điều hành xóa đói giảm nghèo tỉnh để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét sửa đổi hoặc bổ sung cho phù hợp với thực tế.