Quyết định 69/2009/QĐ-UBND

Quyết định 69/2009/QĐ-UBND công bố bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh thuộc ngành Thanh tra tỉnh Bình Phước do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành

Quyết định 69/2009/QĐ-UBND công bố bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh đã được thay thế bởi Quyết định 1320/QĐ-UBND năm 2012 danh mục văn bản Bình Phước hết hiệu lực và được áp dụng kể từ ngày 27/06/2012.

Nội dung toàn văn Quyết định 69/2009/QĐ-UBND công bố bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh


UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 69/2009/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 31 tháng 12 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

CÔNG BỐ BỘ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH THUỘC NGÀNH THANH TRA TỈNH BÌNH PHƯỚC

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 – 2010;

Căn cứ Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 – 2010;

Căn cứ Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính;

Căn cứ Công văn số 217/CCTTHC ngày 07 tháng 8 năm 2009 của Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ đạo các sở, ban, ngành căn cứ vào Quyết định của các bộ, ngành Trung ương công bố trước ngày 15/8/2009 để thống kê đầy đủ về số lượng, đúng về tên gọi của thủ tục hành chính;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại Tờ trình số 399/TTr-TTr ngày 29 tháng 10 năm 2009 và đề nghị của Tổ trưởng Tổ công tác thực hiện Đề án 30 tỉnh tại Tờ trình số 764/TTr-TCT ngày 16 tháng 11 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Công bố kèm theo Quyết định này bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh thuộc ngành Thanh tra tỉnh Bình Phước.

1. Chánh Thanh tra chịu trách nhiệm về tính chính xác của tất cả các nội dung thủ tục hành chính được công bố tại Quyết định này.

2. Trường hợp thủ tục hành chính nêu tại Quyết định này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ sau ngày Quyết định này có hiệu lực và các thủ tục hành chính mới được ban hành thì áp dụng đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải cập nhật để công bố.

3. Trường hợp thủ tục hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng chưa được công bố tại Quyết định này hoặc có sự khác biệt giữa nội dung thủ tục hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và thủ tục hành chính được công bố tại Quyết định này thì áp dụng theo đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải cập nhật để công bố.

Điều 2.

1. Chánh Thanh tra có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Tổ công tác thực hiện Đề án 30 tỉnh thường xuyên cập nhật để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh công bố những thủ tục hành chính nêu tại khoản 1, Điều 1, Quyết định này. Thời gian cập nhật, công bố thủ tục hành chính này chậm nhất không quá 10 ngày, kể từ ngày văn bản quy định thủ tục hành chính có hiệu lực thi hành.

2. Đối với các thủ tục hành chính nêu tại khoản 2, Điều 1, Quyết định này, Chánh Thanh tra có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Tổ công tác thực hiện Đề án 30 tỉnh trình Uỷ ban nhân dân tỉnh công bố trong thời hạn không quá 10 ngày, kể từ ngày phát hiện có sự khác biệt giữa nội dung thủ tục hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và thủ tục hành chính được công bố tại Quyết định này hoặc thủ tục hành chính chưa được công bố.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2213/QĐ-UBND ngày 10 tháng 8 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh - Tổ trưởng Tổ công tác thực hiện Đề án 30 tỉnh, Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- TCTCT của Thủ tướng CP;
- Cục Kiểm tra văn bản( BTP);
- TTTU, TT.HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT, PCT;
- Như Điều 4;
- LĐVP , CV các phòng, TTCB,TTTH;
- Lưu :VT, (TCT).

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH THUỘC NGÀNH THANH TRATỈNH BÌNH PHƯỚC

(Ban hành kèm theo Quyết định 69/2009/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh )

Phần I. DANH MỤC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA NGÀNH THANH TRA TỈNH BÌNH PHƯỚC

STT

Tên thủ tục hành chính

I. Lĩnh vực giải quyết khiếu nại

1

Giải quyết khiếu nại lần đầu

2

Giải quyết khiếu nại lần 2

3

Giải quyết tố cáo

4

Trình tự thủ tục xử lý đơn

5

Tiếp công dân

II. Lĩnh vực phòng chống tham nhũng

6

Trình tự thủ tục xác minh tài sản, thu nhập

 

Phần II. NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA NHỮNG THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA NGÀNH THANH TRA TỈNH BÌNH PHƯỚC

I/ Lĩnh vực khiếu nại, tố cáo:

1/ Thủ tục Giải quyết khiếu nại lần đầu:

a-Trình tự thực hiện:

Bước 1: Tiếp nhận đơn khiếu nại: Người khiếu nại phải gửi đơn và các tài liệu liên quan (nếu có) cho cơ quan cấp tỉnh (sở và cấp tương đương).

Bước 2: Thụ lý đơn: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, cơ quan nhận đơn thụ lý để giải quyết; trường hợp không thụ lý để giải quyết thì nêu rõ lý do.

Bước 3: Tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại; thẩm tra, xác minh nội dung khiếu nại: Đại diện cơ quan giải quyết trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại. Cơ quan giải quyết thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền lợi ích liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc gặp gỡ, đối thoại. Khi gặp gỡ, đối thoại, đại diện cơ quan giải quyết nêu rõ nội dung cần đối thoại; người tham gia đối thoại có quyền phát biểu ý kiến, đưa ra những bằng chứng liên quan đến vụ việc khiếu nại và yêu cầu của mình. Việc gặp gỡ, đối thoại được lập thành biên bản; biên bản ghi rõ ý kiến của những người tham gia; tóm tắt kết quả về những nội dung đã đối thoại, có chữ ký của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký xác nhận thì phải ghi rõ lý do. Trong quá trình xem xét giải quyết khiếu nại, cơ quan giải quyết tiến hành thẩm tra, xác minh nội dung khiếu nại.

Bước 4: Ra quyết định giải quyết khiếu nại: Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương; Giám đốc sở và cấp tương đương; Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản và gửi quyết định cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan quản lý cấp trên.

b- Cách thức thực hiện: Tổ chức, công dân có thể gửi đơn qua đường bưu điện, đến trực tiếp tại cơ quan.

c-Thành phần hồ sơ: Hồ sơ bao gồm Đơn khiếu nại (Viết tay hoặc đánh máy và đảm bảo về nội dung theo Mẫu số: 32 Ban hành kèm theo Quyết định số 1131/2008/QĐ-TTCP ngày 18 tháng 6 năm 2008 của Thanh tra Chính phủ ). Các chứng cứ có liên quan. Số lượng hồ sơ 01 bộ gồm: Đơn khiếu nại – bản chính, chứng cứ khác có liên quan có thể bản chính hoặc bản phôtô. Giấy ủy quyền khiếu nại (trong trường hợp người khiếu nại ủy quyền); giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện.

d- Thời hạn giải quyết: 30 ngày, hoặc không quá 45 ngày đối với khu vực vùng sâu, vùng xa. Đối với vụ việc phức tạp thì không qúa 60 ngày.

e- Đối tượng thực hiện TTHC: Cá nhân hoặc tổ chức.

f- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Giám đốc sở và cấp tương đương; Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương. Cơ quan trực tiếp thực hiện: Thanh tra cấp tỉnh, các sở và cấp tương đương thuộc UBND cấp tỉnh; các phòng chuyên môn thuộc sở và cấp tương đương.

g- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định hành chính.

h- Lệ phí: Không phải đóng bất kỳ một khoản phí, lệ phí nào.

i- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Đơn khiếu nại. Giấy ủy quyền khiếu nại (nếu thông qua người đại diện).

j- Yêu cầu hoặc điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

+ Người khiếu nại là người có quyền, lợi ích hợp pháp chịu tác động trực tiếp bởi Quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại.

+ Người khiếu nại phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp thông qua người đại diện thì người đại diện phải hợp pháp, phải có giấy ủy quyền được UBND cấp xã nơi người ủy quyền cư trú xác nhận và người đại diện chỉ được khiếu nại trong phạm vi được ủy quyền.

+ Người khiếu nại phải làm đơn khiếu nại gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời hiệu, thời hạn giải quyết.

+ Việc khiếu nại chưa có giải quyết khiếu nại lần 2.

+ Việc khiếu nại chưa được tòa án thụ lý.

k- Căn cứ pháp lý của TTHC:

- Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 và Luật khiếu nại, tố cáo đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005;

- Nghị định số 136/2006/NĐ-CP về việc hướng dẫn thị hành một số điều Luật khiếu nại tố cáo;

- Quyết định số 1131/2008/QĐ-TTCP ngày 18 tháng 6 năm 2008 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc ban hành mẫu văn bản trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo;

- Quyết định số 83/2008/QĐ-UBND ngày 31/12/2008 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Mẫu đơn, mấu tờ khai kèm theo: Đơn khiếu nại, Giấy ủy quyền khiếu nại.

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tư do – Hạnh phúc
-------------------------------------

......., ngày....tháng .....năm...

ĐƠN KHIẾU NẠI

Kính gửi:................................................(1)

Họ và tên:....................................................................(2); Mã số hồ sơ .......................(3)

Địa chỉ :.............................................................................................................................

Khiếu nại.......................................................................................................................(4)

Nội dung khiếu nại........................................................................................................(5)

...........................................................................................................................................

(Tài liệu, chứng cứ kèm theo – nếu có)

 

 

Người khiếu nại

(ký và ghi rõ họ tên)

 

(1) Tên cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

(2) Họ tên của người khiếu nại,

- Nếu là đại diện khiếu nại cho cơ quan, tổ chức thì ghi rõ chức danh, tên cơ quan, tổ chức mà mình đại diện.

- Nếu là người được uỷ quyền khiếu nại thì ghi rõ theo uỷ quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân nào.

(3) Nội dung này do cơ quan giải quyết khiếu nại ghi.

(4) Khiếu nại lần đầu (hoặc lần hai) đối với quyết định, hành vi hành chính của ai?

(5) Nội dung khiếu nại

- Ghi tóm tắt sự việc dẫn đến khiếu nại;

- Yêu cầu (đề nghị) của người khiếu nại (nếu có);

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------------------------------

......., ngày ....tháng..….năm ....…

GIẤY UỶ QUYỀN KHIẾU NẠI

Họ và tên người uỷ quyền:............................................................................................(1)

Địa chỉ :.........................................................................................................................(2)

Số CMND:.....................................................................Cấp ngày…...tháng…...năm.......

Nơi cấp:…..........................................................................................................................

Họ và tên người được uỷ quyền………………………………………………………....

Địa chỉ:...………………………………………………………………………………...

Số CMND:..................................................................Cấp ngày......tháng…..năm............

Nơi cấp:………………………………..............................................................................

Nội dung uỷ quyền:.......................................................................................................(3)

Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người được uỷ quyền có trách nhiệm thực hiện đúng nội dung uỷ quyền.

 

Xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi người uỷ quyền cư trú

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Người uỷ quyền

(Ký và ghi rõ họ tên)

 

2/ Giải quyết khiếu nại lần 2:

a- Trình tự thực hiện:

Bước 1: Tiếp nhận đơn khiếu nại: Nếu khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan cấp tỉnh (Giám đốc sở và cấp tương đương; Chủ tịch UBND cấp tỉnh) là khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và các tài liệu liên quan (nếu có) cho cơ quan nói trên giải quyết.

Bước 2: Thụ lý đơn khiếu nại:Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, cơ quan thụ lý đơn để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu biết; trường hợp không thụ lý để giải quyết thì thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại và nêu rõ lý do.

Bước 3: Thẩm tra, xác minh vụ việc khiếu nại: Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, cơ quan giải quyết có các quyền sau:

+ Yêu cầu người khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu và những bằng chứng về nội dung khiếu nại;

+ Yêu cầu người bị khiếu nại giải trình bằng văn bản về những nội dung khiếu nại;

+ Yêu cầu người giải quyết khiếu nại lần đầu, cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan cung cấp thông tin, tài liệu và những bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại;

+ Mời người bị khiếu nại, người khiếu nại đến để tổ chức đối thoại (nếu cần);

+ Xác minh tại chỗ (nếu cần);

+ Trưng cầu giám định, tiến hành các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức khi nhận được yêu cầu nêu trên phải thực hiện đúng các yêu cầu đó.

Bước 4: Ra quyết định giải quyết khiếu nại: Giám đốc sở và cấp tương đương; Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản và gửi quyết định cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, lợi ích liên quan, người đã chuyển đơn đến, cơ quan quản lý cấp trên trong thời hạn chậm nhất là 7 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết.

b- Cách thức thực hiện: Tổ chức, công dân có thể gửi đơn qua đường bưu điện, đến trực tiếp tại cơ quan.

c- Thành phần hồ sơ: Hồ sơ bao gồm Đơn khiếu nại (Viết tay hoặc đánh máy và đảm bảo về nội dung theo Mẫu số: 32 Ban hành kèm theo Quyết định số 1131/2008/QĐ-TTCP ngày 18 tháng 6 năm 2008 của Thanh tra Chính phủ ). Quyết định giải quyết lần đầu, trường hợp ủy quyền cho người khác khiếu nại thì có Giấy ủy quyền theo đúng quy định và các giấy tờ chứng minh người đại diện hợp pháp. Các chứng cứ có liên quan. Số lượng hồ sơ 01 bộ gồm: Đơn khiếu nại, Quyết định giải quyết lần đầu. Chứng cứ khác có liên quan có thể bản chính hoặc bản phôtô.

d- Thời hạn giải quyết: Theo Điều 43, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo 2005: Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết.

e- Đối tượng thực hiện TTHC: Cá nhân hoặc tổ chức.

f- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Giám đốc sở và cấp tương đương; Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương. Cơ quan trực tiếp thực hiện: Thanh tra cấp tỉnh, các sở và cấp tương đương thuộc UBND cấp tỉnh; các phòng chuyên môn thuộc sở và cấp tương đương.

g- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định hành chính.

h- Lệ phí: Không phải đóng bất kỳ một khoản phí, lệ phí nào.

i- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Đơn khiếu nại, giấy ủy quyền khiếu nại nếu việc khiếu nại được ủy quyền cho người khác.

j- Yêu cầu hoặc điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

+ Người khiếu nại phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp chịu tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại.

+ Người khiếu nại phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật; trong trường hợp thông qua người đại diện để thực hiện việc khiếu nại thì người đại diện phải theo quy định tại Điều 1 Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ.

+ Người khiếu nại phải làm đơn khiếu nại và gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn, thời hiệu theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.

+ Việc khiếu nại chưa có quyết định giải quyết lần hai.

+ Việc khiếu nại chưa được toà án thụ lý để giải quyết.

k- Căn cứ pháp lý của TTHC:

- Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 và Luật khiếu nại, tố cáo đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005;

- Nghị định số 136/2006/NĐ-CP về việc hướng dẫn thị hành một số điều Luật khiếu nại tố cáo;

- Quyết định số 1131/2008/QĐ-TTCP ngày 18 tháng 6 năm 2008 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc ban hành mẫu văn bản trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo;

- Quyết định số 83/2008/QĐ-UBND ngày 31/12/2008 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Mẫu đơn, mẫu tờ khai: Đơn khiếu nại, Giấy ủy quyền khiếu nại (Đính kèm tại Thủ tục 1).

 

3/ Giải quyết Tố cáo:

a- Trình tự thực hiện:

Bước 1: Tiếp nhận đơn: Người tố cáo gửi đơn đến cơ quan cấp tỉnh (sở và cấp tương đương thuộc UBND cấp tỉnh). Trong đơn tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo; nội dung tố cáo. Trong trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người có trách nhiệm tiếp nhận ghi lại nội dung tố cáo, họ, tên, địa chỉ của người tố cáo, có chữ ký của người tố cáo.

Bước 2: Thụ lý để giải quyết: Chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày nhận được tố cáo, đơn tố cáo được thụ lý giải quyết.

Bước 3: Xác minh việc tố cáo: Giám đốc sở và cấp tương đương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định về việc tiến hành xác minh nội dung tố cáo. Người giải quyết tố cáo có quyền và nghĩa vụ sau:

+ Yêu cầu người tố cáo cung cấp bằng chứng, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo.

+ Yêu cầu người bị tố cáo giải trình bằng văn bản về hành vi bị tố cáo.

+ Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo.

+ Trưng cầu giám định, tiến hành các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Bước 4: Kết luận về nội dung tố cáo: Giám đốc sở và cấp tương đương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định kết luận về nội dung tố cáo, xác định trách nhiệm của người có hành vi vi phạm, áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý đối với người vi phạm..

b- Cách thức thực hiện: Tổ chức, công dân có thể gửi đơn qua đường bưu điện, đến trực tiếp tại cơ quan.

c- Thành phần hồ sơ: Hồ sơ bao gồm Đơn tố cáo (Theo Mẫu số: 46 Ban hành kèm theo Quyết định số 1131/2008/QĐ - TTCP ngày 18 tháng 6 năm 2008 của Thanh tra Chính phủ ). Các chứng cứ có liên quan. Số lượng hồ sơ 01 bộ gồm: Đơn tố cáo, chứng cứ khác có liên quan.

d- Thời hạn giải quyết: 60 ngày, hoặc 90 ngày đối với vụ việc phức tạp.

e- Đối tượng thực hiện TTHC: Cá nhân.

f- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Giám đốc sở và cấp tương đương. Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Thanh tra cấp tỉnh, các sở và cấp tương đương thuộc UBND cấp tỉnh; các phòng chuyên môn thuộc sở và cấp tương đương.

g- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định hành chính.

h- Lệ phí: Tổ chức và công dân không phải đóng bất kỳ một khoản phí, lệ phí nào.

i- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Đơn Tố cáo.

j- Yêu cầu hoặc điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

+ Người tố cáo phải gửi đơn đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Trong đơn tố cáo phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo; nội dung tố cáo. Trong trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người có trách nhiệm tiếp nhận phải ghi lại nội dung tố cáo, họ, tên, địa chỉ của người tố cáo, có chữ ký của người tố cáo.

Không xem xét, giải quyết những tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký hoặc những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới.

k- Căn cứ pháp lý của TTHC:

- Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 và Luật khiếu nại, tố cáo đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005;

- Nghị định số 136/2006/NĐ-CP về việc hướng dẫn thị hành một số điều Luật khiếu nại tố cáo;

- Quyết định số 1131/2008/QĐ-TTCP ngày 18 tháng 6 năm 2008 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc ban hành mẫu văn bản trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo;

- Quyết định số 83/2008/QĐ-UBND ngày 31/12/2008 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Mẫu đơn, mẫu tờ khai: Đơn tố cáo (Đính kèm dưới đây).

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------------------------------

……..., ngày..….tháng....….năm ......…

ĐƠN TỐ CÁO

Kính gửi: .......................................................(1)

Tên tôi là:....................................................................................................................

Địa chỉ:.......................................................................................................................

Tôi làm đơn này tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của:........................................(2)

Nay tôi đề nghị:……..............................................................................................(3)

.....................................................................................................................................

Tôi xin cam đoan những nội dung tố cáo trên là đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu cố tình tố cáo sai.

 

 

Người tố cáo

(Ký, ghi rõ họ tên)

 

(1) Tên cơ quan tiếp nhận tố cáo.

(2) Họ tên, chức vụ và hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo.

(3) Người, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo xác minh, kết luận và xử lý người có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

 

4/ Thủ tục xử lý đơn:

a- Trình tự thực hiện:

Bước 1: Nhận đơn: Tiếp nhận đơn, vào sổ công văn đến.

Bước 2: Phân loại và xử lý đơn:

- Đối với đơn khiếu nại:

+ Đối với đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan cấp tỉnh (Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương; Giám đốc sở và cấp tương đương; Chủ tịch UBND cấp tỉnh) và có đủ các điều kiện để giải quyết thì cơ quan có thẩm quyền thụ lý để giải quyết và gửi thông báo về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho cá nhân hoặc tổ chức chuyển đơn. Trong trường hợp đơn khiếu nại có chữ ký của nhiều người thì hướng dẫn người khiếu nại viết thành đơn riêng để thực hiện việc khiếu nại.

+ Đối với đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nêu trên nhưng không đủ điều kiện để thụ lý giải quyết theo quy định tại Điều 2 Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ thì có văn bản trả lời cho người khiếu nại biết rõ lý do không thụ lý.

+ Đối với đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nêu trên, đơn khiếu nại về vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì cơ quan không thụ lý nhưng có văn bản chỉ dẫn, trả đơn người khiếu nại (có phiếu trả đơn khiếu nại). Việc chỉ dẫn, trả lời chỉ thực hiện một lần đối với một vụ việc khiếu nại; trong trường hợp người khiếu nại gửi kèm các giấy tờ, tài liệu là bản gốc liên quan đến vụ việc khiếu nại thì cơ quan trả lại các giấy tờ, tài liệu đó cho người khiếu nại.

- Đối với đơn tố cáo:

+ Nếu tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thì phải thụ lý để giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Khiếu nại, tố cáo.

+ Nếu tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thì chậm nhất trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được phải chuyển đơn tố cáo hoặc bản ghi lời tố cáo và các tài liệu, chứng cứ liên quan (nếu có) cho người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

+ Nếu tố cáo hành vi phạm tội thì chuyển cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

- Đối với đơn phản ánh, kiến nghị:

Gửi cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu, nắm bắt thông tin, giải quyết.

b- Cách thức thực hiện: Tổ chức, công dân có thể gửi đơn qua đường bưu điện, đến trực tiếp tại cơ quan.

c- Thành phần hồ sơ: Hồ sơ bao gồm Đơn khiếu nại, tố cáo (Theo Mẫu số: 32, 46 Ban hành kèm theo Quyết định số 1131/2008/QĐ-TTCP ngày 18 tháng 6 năm 2008 của Thanh tra Chính phủ ). Các chứng cứ có liên quan. Số lượng hồ sơ 01 bộ gồm: Đơn tố cáo, khiếu nại và chứng cứ khác có liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo.

d- Thời hạn giải quyết: 10 ngày.

e- Đối tượng thực hiện TTHC: Cá nhân hoặc tổ chức.

f- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Giám đốc sở và cấp tương đương; Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Cơ quan trực tiếp thực hiện: Thanh tra sở và cấp tương đương; Cơ quan thường trực tiếp công dân của UBND cấp tỉnh.

g- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Văn bản trả lời, văn bản hướng dẫn hoặc văn bản thụ lý giải quyết khiếu nại, tố cáo.

h- Lệ phí: Không phải đóng bất kỳ một khoản phí, lệ phí nào.

i- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Đơn Tố cáo, Đơn khiếu nại.

j- Yêu cầu hoặc điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Không.

k- Căn cứ pháp lý của TTHC:

- Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 và Luật khiếu nại, tố cáo đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005;

- Nghị định số 136/2006/NĐ-CP về việc hướng dẫn thị hành một số điều Luật khiếu nại tố cáo;

- Quyết định số 1131/2008/QĐ-TTCP ngày 18 tháng 6 năm 2008 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc ban hành mẫu văn bản trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo;

- Quyết định số 83/2008/QĐ-UBND ngày 31/12/2008 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

- Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 10/3/2009 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của công dân, tổ chức về quy đinh hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Mẫu đơn, mấu tờ khai: Đơn khiếu nại, Đơn tố cáo (Đính kèm tại thủ tục số 1 và thủ tục số 3).

 

5/ Thủ tục tiếp công dân.

a- Trình tự thực hiện:

Bước 1: Tiếp xúc ban đầu: Đề nghị công dân xuất trình giấy tờ tuỳ thân. Nếu công dân không trực tiếp đến thì có thể uỷ quyền cho người đại diện hợp pháp; người này phải có giấy uỷ quyền, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người uỷ quyền cư trú.

Bước 2: Quá trình làm việc:

- Yêu cầu công dân trình bày trung thực sự việc, cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo.

- Trường hợp có nhiều người khiếu nại, tố cáo đến nơi tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo cùng một nội dung thì yêu cầu họ cử đại diện trực tiếp trình bày nội dung sự việc.

- Cán bộ tiếp dân lắng nghe, ghi chép vào sổ theo dõi tiếp công dân đầy đủ nội dung do công dân trình bày và đọc lại cho người trình bày nghe và có ký xác nhận.

- Người tiếp công dân tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo và các tài liệu liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh do công dân cung cấp và phải viết, giao giấy biên nhận các tài liệu đã tiếp nhận cho công dân.

- Xử lý khiếu nại, tố cáo tại nơi tiếp công dân:

+ Trong trường hợp công dân đến khiếu nại trực tiếp mà vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền của cơ quan mình thì người tiếp công dân hướng dẫn họ viết thành đơn hoặc ghi lại nội dung khiếu nại và yêu cầu công dân ký tên hoặc điểm chỉ. Nếu vụ việc khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì hướng dẫn công dân khiếu nại đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

+ Đối với tố cáo thì người tiếp công dân phải ghi rõ nội dung tố cáo, tiếp nhận tài liệu liên quan, phân loại đơn và xử lý theo thủ tục xử lý đơn thư.

Bước 3: Kết thúc: Kết thúc tiếp công dân, người tiếp công dân thông báo cho công dân biết cơ quan có thẩm quyền giải quyết để họ liên hệ sau này.

b- Cách thức thực hiện: Trực tiếp tại nơi tiếp công dân

c- Thành phần hồ sơ: Đơn khiếu nại, đơn tố cáo hoặc văn bản ghi lại nội dung khiếu nại, tố cáo (có xác nhận hoặc điểm chỉ của công dân); Các tài liệu, giấy tờ do người khiếu nại, tố cáo cung cấp.

d- Thời hạn giải quyết: Cho đến khi kết thúc việc tiếp công dân.

e- Đối tượng thực hiện TTHC: Cá nhân hoặc tổ chức.

f- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Giám đốc sở và cấp tương đương; Cơ quan trực tiếp thực hiện: Cơ quan thường trực tiếp công dân của UBND cấp tỉnh; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thanh tra sở và cấp tương đương..

g- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Giấy biên nhận tài liệu, chứng cứ do người khiếu nại, tố cáo cung cấp; Phiếu hướng dẫn.

h- Lệ phí: Không phải đóng bất kỳ một khoản phí, lệ phí nào.

i- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Đơn khiếu nại, đơn tố cáo.

j- Yêu cầu hoặc điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Khi tiếp công dân, người tiếp công dân có quyền:

+ Từ chối không tiếp những những trường hợp đã được kiểm tra xem xét, xác minh đã có quyết định hoặc kết luận giải quyết của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và đã trả lời đầy đủ cho đương sự.

+ Từ chối không tiếp những người đang trong tình trạng say rượu, tâm thần và những người vi phạm quy chế, nội quy nơi tiếp công dân.

+ Yêu cầu công dân trình bày đầy đủ, rõ ràng những nội dung khiếu nại, tố cáo, lý do và những yêu cầu giải quyết, cung cấp các tài liệu chứng cứ liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo.

Trường hợp công dân trình bày bằng miệng các khiếu nại, tố cáo, khiến nghị, nếu thấy cần thiết thì yêu cầu viết thành văn bản và ký tên xác nhận.

k- Căn cứ pháp lý của TTHC:

- Nghị định 89/NĐ-CP ngày 07/8/1989 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tiếp công dân;

- Thông tư số 1178/TT-TTNN ngày 25 tháng 9 năm 1997 của Thanh tra Nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định số 89/CP ngày 7 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ ban hành quy chế tổ chức tiếp công dân;

- Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 và Luật khiếu nại, tố cáo đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005;

- Nghị định số 136/2006/NĐ-CP về việc hướng dẫn thị hành một số điều Luật khiếu nại tố cáo;

- Quyết định số 1131/2008/QĐ-TTCP ngày 18 tháng 6 năm 2008 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc ban hành mẫu văn bản trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo;

- Quyết định số 83/2008/QĐ-UBND ngày 31/12/2008 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

- Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 10/3/2009 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của công dân, tổ chức về quy đinh hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Mẫu đơn, mẫu tờ khai: Đơn khiếu nại, Đơn tố cáo (Đính kèm thủ tục số 1 và thủ tục số 3).

 

II/ Lĩnh vực phòng, chống tham nhũng:

1/ Xác minh tài sản thu nhập:

a.Trình tự thực hiện:

- Khi công dân phát hiện các đối tượng là cán bộ, công chức thuộc diện phải kê khai tài sản có dấu hiệu không trung thực trong việc kê khai thì có quyền tố cáo, phản ánh đến cơ quan trực tiếp quản lý CBCC đó; hoặc trong trường hợp cấp có thẩm quyền yêu cầu xác minh việc kê khai tài sản của CBCC.

- Khi nhận được tố cáo, phản ánh của công dân hoặc yêu cầu của cấp có thẩm quyền cơ quan chuyên môn sẽ tham mưu ra quyết định xác minh và báo cáo kết quả xác minh.

b.Cách thức thực hiện: Tổ chức, công dân có thể gửi đơn qua đường bưu điện hoặc đến trực tiếp tại cơ quan.

c. Thành phần hồ sơ: Đơn tố cáo, phản ánh (Viết tay hoặc đánh máy và đảm bảo về nội dung theo Mẫu số: 46 Ban hành kèm theo Quyết định số 1131/2008/QĐ-TTCP ngày 18 tháng 6 năm 2008 của Tổng Thanh tra Chính phủ Chính phủ về việc ban hành mẫu văn bản trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ) hoặc các văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền và các văn bản, chứng cứ có liên quan. Số lượng hồ sơ 01 bộ gồm: Đơn tố cáo, phản ánh hoặc văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền– bản chính, chứng cứ khác có liên quan có thể bản chính hoặc bản phôtô.

d. Thời hạn giải quyết: 15 ngày.

e. Đối tượng thực hiện TTHC: Cá nhân hoặc tổ chức.

f. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Cơ quan có thẩm quyền quyết định là UBND tỉnh. Cơ quan thực hiện TTHC là Thanh tra tỉnh.

g. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Văn bản kết luận.

h. Lệ phí: không phải đóng bất kỳ một khoản phí, lệ phí nào.

i. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: không.

j. Yêu cầu hoặc điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Không.

k. Căn cứ pháp lý của TTHC:

- Luật Phòng, chống tham nhũng.

- Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng;

- Nghị Định 37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập;

- Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày 13/11/2007 của Thanh tra Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 69/2009/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu69/2009/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành31/12/2009
Ngày hiệu lực10/01/2010
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 27/06/2012
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 69/2009/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 69/2009/QĐ-UBND công bố bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 69/2009/QĐ-UBND công bố bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu69/2009/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Bình Phước
                Người kýTrương Tấn Thiệu
                Ngày ban hành31/12/2009
                Ngày hiệu lực10/01/2010
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 27/06/2012
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Quyết định 69/2009/QĐ-UBND công bố bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh

                      Lịch sử hiệu lực Quyết định 69/2009/QĐ-UBND công bố bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh