Quyết định 694/QĐ-BCT năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất đã được thay thế bởi Quyết định 4977/QĐ-BCT 2018 bãi bỏ quy hoạch hàng hóa dịch vụ sản phẩm cụ thể và được áp dụng kể từ ngày 27/12/2018.
Nội dung toàn văn Quyết định 694/QĐ-BCT năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 694/QĐ-BCT | Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG SẢN XUẤT VÀ HỆ THỐNG PHÂN PHỐI THÉP GIAI ĐOẠN ĐẾN 2020, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2025
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006;
Căn cứ Kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025 của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp tại văn bản số 996/ATMT-TĐMT ngày 14 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ văn bản số 3539/VPCP-KTN ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải ủy quyền Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển
a. Phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, ngành Công Thương và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
b. Xây dựng, phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép theo hướng hiện đại, bảo đảm phát triển ổn định và bền vững; giảm dần sự mất cân đối giữa sản phẩm thép dài với sản phẩm thép dẹt, giữa sản xuất và lưu thông phân phối.
c. Xây dựng hệ thống sản xuất thép với công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên, năng lượng của đất nước, bảo vệ môi trường sinh thái tại các khu vực sản xuất và kinh doanh thép. Từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất nhỏ với công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, năng lượng và ô nhiễm môi trường.
d. Khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư sản xuất gang, phôi thép, thép thành phẩm, sản xuất thiết bị luyện, cán thép đạt tiêu chuẩn quốc tế. Có chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án sản xuất gang, thép hợp kim, thép chất lượng cao từ quặng sắt với quy mô lớn. Hạn chế đầu tư sản xuất các sản phẩm trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.
đ. Phát triển hệ thống phân phối hợp lý, phù hợp với các quy luật của kinh tế thị trường, bảo đảm quyền tự chủ, tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể, có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước.
2. Mục tiêu phát triển
a. Mục tiêu tổng quát
Phát triển ngành Thép Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu các sản phẩm thép cho nền kinh tế quốc dân, đảm bảo thị trường tiêu thụ trong nước ổn định và xuất khẩu. Phát triển ngành Thép bền vững và đảm bảo thân thiện với môi trường.
b. Mục tiêu cụ thể
* Đối với hệ thống sản xuất
- Sản xuất gang và sắt xốp: Đáp ứng đủ gang đúc cho sản xuất cơ khí và phần lớn nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất phôi thép trong nước.
Năm 2015 sản xuất đạt khoảng 6 triệu tấn; năm 2020 đạt khoảng 17 triệu tấn; năm 2025 đạt khoảng 28 triệu tấn gang và sắt xốp.
- Sản xuất phôi thép (từ gang, sắt xốp và thép phế): Năm 2015 đạt khoảng 12 triệu tấn; năm 2020 đạt khoảng 25 triệu tấn; năm 2025 đạt khoảng 40 triệu tấn.
- Sản xuất thép thành phẩm: Năm 2015 đạt khoảng 13 triệu tấn; năm 2020 đạt khoảng 23 triệu tấn, năm 2025 đạt khoảng 39 triệu tấn. Phát triển cân đối giữa sản phẩm thép dài và thép dẹt.
- Tăng dần tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm thép các loại. Tỷ lệ xuất khẩu năm 2015 khoảng 15%; năm 2020 khoảng 20% và năm 2025 khoảng 25% so với sản lượng.
- Giảm dần tỷ lệ nhập khẩu sản phẩm thép các loại. Tỷ lệ nhập khẩu năm 2015 khoảng 35%; năm 2020 khoảng 25% và năm 2025 khoảng 15% so với nhu cầu tiêu thụ trong nước.
* Đối với hệ thống phân phối
- Từng bước phát triển hệ thống phân phối thép theo hướng hiện đại, khoa học, minh bạch và hiệu quả.
- Đến năm 2015, bước đầu hình thành hệ thống phân phối thép hiện đại (xây dựng được 1 Sở giao dịch các sản phẩm thép tại Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh). Hình thành các trung tâm phân phối thép tại các vùng. Giao dịch qua Sở giao dịch và trung tâm phân phối thép đạt khoảng 7-10% sản lượng thép tiêu thụ trên thị trường.
- Đến năm 2020, hoàn thiện Sở giao dịch và các trung tâm phân phối thép tại các vùng. Giao dịch qua Sở giao dịch và các trung tâm phân phối đạt 10-15% sản lượng thép tiêu thụ trên thị trường.
- Đến năm 2025, giao dịch các sản phẩm thép qua Sở giao dịch và các trung tâm phân phối đạt 15-20%, đáp ứng nhu cầu về chủng loại, chất lượng các sản phẩm của khách hàng với giá cạnh tranh.
3. Định hướng phát triển
a. Định hướng phát triển hệ thống sản xuất
- Về sản xuất gang và sắt xốp, phôi thép, thép thành phẩm
Đầu tư các nhà máy sản xuất gang, sắt xốp từ nguồn nguyên liệu quặng sắt trong nước hoặc nhập khẩu để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy luyện thép, đồng thời chế tạo các sản phẩm từ gang đúc. Hoàn thành các mục tiêu về sản lượng gang, sắt xốp, phôi thép, thép thành phẩm.
Phát triển sản xuất thép trong nước theo hướng đa dạng hóa sản phẩm như thép xây dựng, thép cán nguội, thép tấm cán nóng, thép mạ kim loại. Đặc biệt khuyến khích đầu tư sản xuất thép chất lượng cao, thép hợp kim phục vụ cho cơ khí chế tạo, công nghiệp đóng tàu để thay thế nhập khẩu.
- Về chủng loại sản phẩm
Ưu tiên đầu tư sản xuất gang, phôi thép từ quặng sắt, một số chủng loại sản phẩm thép tấm cán nóng, thép hợp kim, thép không gỉ v.v...
- Về công nghệ và thiết bị
Đầu tư công nghệ và thiết bị tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, năng suất cao, thân thiện với môi trường.
- Tập trung đầu tư các dự án sản xuất thép ở Vùng duyên hải miền Trung; tiếp theo là Vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, đầu tư một số nhà máy luyện cán thép tại một số tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc (các địa phương có đủ nguồn nguyên liệu quặng sắt).
b. Định hướng phát triển hệ thống phân phối
- Xây dựng và phát triển hệ thống phân phối thép theo hình thức liên kết dọc và liên kết ngang, phù hợp với đặc điểm hàng hóa, xu hướng tiêu dùng và phân khúc thị trường; gắn khâu cung ứng và khâu tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường mối liên kết giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối, dịch vụ và khách hàng thường xuyên; ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch thương mại điện tử, cụ thể là:
+ Xây dựng và phát triển hệ thống trung tâm phân phối và dịch vụ hậu cần ngành thép tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và các vùng có quy mô đô thị hóa lớn nhằm đáp ứng nhu cầu sản phẩm thép cho thị trường;
+ Phát triển phương thức kinh doanh thương mại hiện đại như Sở giao dịch hàng hóa tập trung, trung tâm đấu giá, nhượng quyền kinh doanh, thương mại điện tử. Khuyến khích phát triển một số doanh nghiệp phân phối lớn, có tiềm năng, kinh doanh chuyên ngành hoặc tổng hợp, đủ sức cạnh tranh;
+ Đa dạng hóa phương thức phân phối. Hình thành và phát triển thị trường hàng hóa tương lai; hoàn thiện môi trường pháp lý và hạ tầng công nghệ thông tin, cung cấp các dịch vụ công hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử; khuyến khích sử dụng website điện tử để cung ứng hàng hóa, dịch vụ.
4. Quy hoạch phát triển
a. Dự báo nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép (gồm thép thanh, cuộn, hình, cuộn cán nóng, cuộn cán nguội, thép ống) trong nước đến năm 2020, có xét đến năm 2025
Chỉ tiêu | Năm 2013 | Năm 2015 | Năm 2020 | Năm 2025 |
Tiêu thụ thép /người (kg) | 156 | 176 | 252 | 373 |
Tổng nhu cầu tiêu thụ thép trong nước (triệu tấn) | 14 | 16 | 24 | 37 |
b. Quy hoạch sản xuất và phân bố theo vùng lãnh thổ
- Tổng công suất của các dự án dự kiến sản xuất gang, thép đến năm 2020, có xét đến năm 2015 như sau:
TT | Loại sản phẩm | Công suất (1000 tấn/năm) | |||
2012 | 2015 | 2020 | 2025 | ||
1 | Gang và sắt xốp | 1.900 | 9.500 | 23.500 | 33.250 |
2 | Phôi vuông | 7.740 | 15.300 | 24.000 | 25.630 |
3 | Phôi dẹt | - | 6.000 | 18.000 | 25.500 |
4 | Thép thành phẩm | 12.500 | 15.000 | 35.500 | 42.530 |
| Trong đó: - Thép dài (thanh, cuộn, hình) | 11.900 | 10.500 | 16.500 | 18.680 |
| - Thép cuộn cán nóng | 600 | 4.500 | 19.000 | 23.850 |
Nâng cao công suất các nhà máy sản xuất gang, thép (tối thiểu đạt 70% công suất thiết kế). Chú trọng đầu tư xây dựng một số dự án có quy mô công suất lớn tại các khu vực có nguồn nguyên liệu quặng sắt, thuận tiện giao thông v.v... để sản xuất một số sản phẩm chính như gang và sắt xốp, phôi thép, thép tấm cán nóng, thép cuộn cán nguội, thép xây dựng. Đối với khu vực có nguồn quặng sắt nhưng khó khăn trong việc vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm dự kiến đầu tư sản xuất gang đúc, phôi thép, thép chế tạo.
Trên cơ sở phân bố nguồn nguyên liệu quặng sắt, vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, giao thông, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm v.v... đến năm 2020 sẽ có một số dự án lớn do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà máy liên hợp sản xuất thép tấm cán nóng từ quặng sắt tại khu vực miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Ngãi); đồng thời, một số doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất phôi thép, thép xây dựng tại khu vực miền núi phía Bắc (Lào Cai, Thái Nguyên).
Nghiên cứu đầu tư một số dự án sản xuất gang, thép từ quặng sắt bằng công nghệ lò cao hoặc công nghệ phi cốc với quy mô vừa tại Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái nhằm khai thác sử dụng nguồn quặng sắt tại các khu vực nêu trên để sản xuất các sản phẩm gang đúc, thép cơ khí chế tạo thiết bị siêu trường, siêu trọng, thép phục vụ công nghiệp quốc phòng v.v... Hình thức đầu tư 100% vốn đầu tư trong nước hoặc liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài.
(Danh mục các dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2020, có xét đến năm 2025 của ngành Thép Việt Nam tại Phụ lục kèm theo)
- Quy hoạch phân bố theo vùng lãnh thổ
Phân bố năng lực sản xuất thép năm 2020 theo 6 vùng lãnh thổ
Vùng lãnh thổ | Năng lực sản xuất theo vùng (tỷ lệ %) | ||
Gang, sắt xốp | Phôi | Thép cán | |
Trung du miền núi phía Bắc | 22,42 | 11,62 | 8,61 |
Đồng bằng Sông Hồng | 1,63 | 17,51 | 19,38 |
Duyên hải miền Trung | 75,65 | 54,68 | 44,03 |
Tây Nguyên | 0,29 | - | - |
Đông Nam bộ | - | 14,30 | 25,38 |
Đồng bằng Sông Cửu Long | - | 1,90 | 2,60 |
Cả nước | 100,00 | 100,00 | 100,00 |
c. Quy hoạch hệ thống phân phối theo vùng lãnh thổ
Củng cố hệ thống phân phối của các doanh nghiệp sản xuất thép theo hướng liên kết ngang với các công ty phân phối, tham gia vào các trung tâm phân phối vùng và Sở giao dịch thép. Cơ cấu lại hệ thống thương mại, mở rộng mạng lưới bán hàng của các công ty theo nhiều hình thức liên kết và sở hữu khác nhau. Xây dựng các công ty thương mại nhằm điều phối, vận hành hệ thống lưu thông thép.
Quy hoạch phát triển hệ thống phân phối mới dựa trên giao dịch thương mại điện tử, kết hợp với sở giao dịch và các trung tâm phân phối vùng tạo tiền đề phát triển thị trường trong tương lai. Hệ thống phân phối theo các vùng lãnh thổ như sau:
* Vùng Đồng bằng Sông Hồng
- Đầu tư, củng cố hệ thống kho bãi, tăng cường phát triển hệ thống thông tin, nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ gia công thép nhằm thỏa mãn cao hơn nhu cầu các hộ tiêu dùng thường xuyên. Tổ chức lại các kênh phân phối thép xây dựng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng v.v...
- Giai đoạn 2011 - 2015, xây dựng từ 4 đến 6 trung tâm phân phối thép gắn với các cơ sở sản xuất thép lớn tại Hải Phòng, Hải Dương.
- Giai đoạn 2016 - 2020 hoàn thiện sở giao dịch và các trung tâm đã xây dựng. Đầu tư thêm từ 2 đến 3 trung tâm phân phối tại các tỉnh khác trong vùng.
* Vùng Trung du miền núi Bắc bộ
- Đến năm 2015 xây dựng các trung tâm phân phối gắn với các cơ sở sản xuất thép trong vùng, đặc biệt là ở Lào Cai, Thái Nguyên, Cao Bằng, Phú Thọ và Hòa Bình. Các tỉnh còn lại sẽ xây dựng các đại lý, kho chứa với quy mô vừa và nhỏ.
- Giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến xây dựng các trung tâm phân phối thép tại các tỉnh khác trong vùng, mở rộng đầu tư các trung tâm hiện có.
* Vùng Duyên hải miền Trung
- Đến năm 2015 xây dựng 6 trung tâm phân phối nằm trên các tuyến đường chính thuộc đô thị các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Khánh Hòa phục vụ nhu cầu thép xây dựng trên địa bàn.
- Giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng các trung tâm phân phối thép gắn với các cơ sở sản xuất thép lớn để tận dụng kho, bãi của nhà sản xuất, hạ tầng giao thông để cung cấp thép cho các vùng khác hoặc để xuất khẩu.
* Vùng Tây Nguyên
- Đến năm 2015 đầu tư các cơ sở dịch vụ hậu cần quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu thép xây dựng. Dự kiến xây dựng 1 trung tâm phân phối cỡ vừa tại Gia Lai hoặc Đắc Lắc.
- Giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến mở rộng, nâng cấp trung tâm đã xây dựng và đầu tư thêm từ 1 đến 2 trung tâm phân phối vùng.
* Vùng Đông Nam bộ
- Giai đoạn 2011 - 2015 củng cố hệ thống phân phối hiện có, nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ gia công thép. Tổ chức lại kênh phân phối thép xây dựng tại các thành phố lớn. Xây dựng từ 4 đến 6 trung tâm phân phối thép tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục củng cố, hoàn thiện sở giao dịch và các trung tâm phân phối thép của Vùng để tạo điều kiện tiêu thụ thông qua hình thức thương mại hiện đại.
* Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
- Đến năm 2015 xây dựng từ 1 đến 2 trung tâm phân phối ở Kiên Giang và Cần Thơ để cung cấp cho các tỉnh miền Tây. Đến năm 2020 mở rộng 2 trung tâm này và xây dựng thêm từ 3 đến 4 trung tâm đáp ứng nhu cầu tăng nhanh trong vùng.
- Giai đoạn 2011 - 2015 xây dựng 1 Sở giao dịch thép tại Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Hệ thống các giải pháp và chính sách thực hiện quy hoạch
a. Các giải pháp về đầu tư
- Về vốn đầu tư: Ổn định chính sách khuyến khích và thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để phát triển sản xuất và phân phối thép. Sử dụng vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào khu vực của dự án có quy mô lớn và các trung tâm phân phối. Có chính sách ưu đãi đối với dự án Nhà máy thép liên hợp. Ưu tiên đầu tư các dự án sản xuất gang, phôi thép, thép tấm cán nóng, thép hợp kim, thép chất lượng cao, thép hình cỡ lớn, thép không gỉ hiện nay trong nước sản xuất chưa đáp ứng đủ hoặc chưa sản xuất được.
- Về quản lý đầu tư: Sản xuất thép không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Cần có sự thống nhất trong quản lý đầu tư ngành thép theo quy định của pháp luật.
- Về diện tích mặt bằng: Dự án sản xuất thép cần được bố trí trong các khu công nghiệp, khu kinh tế đã được các địa phương quy hoạch. Trung tâm phân phối vùng cần bố trí trong quy hoạch hạ tầng thương mại và phát triển tại các đô thị, đảm bảo đủ diện tích và phù hợp với tiêu chí của trung tâm phân phối vùng.
b. Giải pháp bảo đảm nguồn nguyên liệu, năng lượng
- Quặng sắt, than cốc, thép phế là nguyên liệu chính để sản xuất thép thô. Chỉ thực hiện đầu tư các dự án sản xuất gang, phôi thép từ quặng sắt trên địa bàn sau khi đã xác định được trữ lượng tin cậy của nguồn quặng sắt, đảm bảo có đủ nguồn nguyên liệu ổn định, lâu dài (tối thiểu là 15 năm) và đảm bảo hiệu quả kinh tế của Dự án.
- Đảm bảo việc cung cấp thép phế ổn định trong nước, tham gia nhập khẩu phá liệu theo quy định của pháp luật. Thực hiện đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn nhập khẩu thép phế liệu và đảm bảo môi trường.
- Khai thác nguồn than mỡ trong nước; nhập khẩu than mỡ, than cốc đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước.
- Các dự án sản xuất thép bằng lò điện: do tiêu thụ nhiều điện năng, do vậy, để đảm bảo đủ nguồn điện cung cấp cho dự án, trước khi cấp phép đầu tư Chủ đầu tư cần có thoả thuận của ngành điện nơi đặt nhà máy luyện thép.
c. Giải pháp xuất, nhập khẩu, phát triển thị trường
* Đối với thị trường trong nước
- Bảo vệ thị trường nội địa bằng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng hợp pháp, ngăn chặn những sản phẩm kém chất lượng hoặc không phù hợp với xuất xứ hàng hóa được quy định trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
- Hoàn thiện các chính sách về đầu tư, sản xuất, kinh doanh và quản lý thị trường mặt hàng thép, đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Ổn định chính sách thuế xuất, nhập khẩu.
- Đẩy mạnh hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản để mở rộng thị trường thép nội địa, tăng sức tiêu thụ các sản phẩm thép.
- Tạo sự liên kết chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm giữa nhà sản xuất với nhà kinh doanh; nghiên cứu và hoàn thiện mạng lưới phân phối sản phẩm thép.
- Từng bước thiết lập hệ thống phân phối thép hiện đại, tạo lập thị trường công khai, minh bạch, giảm chi phí trung gian, góp phần bình ổn thị trường thép nội địa. Tích cực kiểm tra việc thực hiện Pháp lệnh giá; chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép trong nước.
* Đối với thị trường nước ngoài
- Nâng cao khả năng cạnh tranh về giá, chất lượng của các sản phẩm thép. Đối mới phương pháp tiếp cận thị trường nước ngoài. Khuyến khích các doanh nghiệp mở văn phòng đại diện ở nước ngoài để quảng bá, giới thiệu thương hiệu và cung cấp thông tin về nhu cầu sản xuất, tiêu thụ thép của Việt Nam, đặc biệt đối với các nước trong khu vực.
- Phát triển một số sản phẩm có lợi thế so sánh để xuất khẩu như: tôn mạ mầu, mạ kẽm, thép ống, thép hình các loại, gang đúc v.v...
d. Giải pháp gắn kết giữa hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép
- Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lớn đầu tư xây dựng các trung tâm phân phối thép tại các vùng; tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh được thuê mặt bằng, kho bãi, dịch vụ logistic nhằm tạo thuận lợi cho việc cung ứng sản phẩm. Các doanh nghiệp sản xuất thép củng cố hệ thống phân phối thông qua việc ký hợp đồng với các doanh nghiệp phân phối thép hoặc mở các đại lý, chi nhánh tại các trung tâm phân phối vùng hay trực tiếp tham gia Sở giao dịch thép.
- Các địa phương quy hoạch và dành quỹ đất thích hợp để xây dựng các trung tâm phân phối vùng. Địa phương hỗ trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các trung tâm phân phối vùng.
- Xây dựng mối liên kết dọc từ sản xuất - lưu thông - tiêu dùng sản phẩm thép. Có cơ chế ràng buộc trách nhiệm trong các khâu, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng các doanh nghiệp kinh doanh chuyên ngành, thương mại đa ngành, chuyên bán buôn với hệ thống kho hàng, trung tâm phân phối theo phương pháp hiện đại, cung cấp cho hệ thống bán lẻ.
- Xây dựng hệ thống trung tâm phân phối, dịch vụ tại các đô thị lớn, đảm bảo tính đồng bộ cao (kho bãi, vận tải, dịch vụ gia công theo yêu cầu...). Bố trí lại các cơ sở hiện có phù hợp với từng địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông phân phối.
- Xây dựng các trung tâm phân phối và dịch vụ hậu cần ngành Thép phù hợp với quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, quy hoạch phát triển giao thông vận tải, đất đai, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tại các tỉnh, thành phố, các vùng kinh tế trong cả nước. Quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có của ngành, kết hợp với việc cải tạo nâng cấp và xây dựng mới, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, kinh doanh, bảo vệ môi trường sinh thái.
đ. Giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
- Đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Thép, đặc biệt là đội ngũ kỹ thuật viên có trình độ và tay nghề cao. Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, cải tiến chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
- Gắn đào tạo với sản xuất, đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa nhà trường với các cơ sở sản xuất gang, thép và các viện nghiên cứu.
e. Giải pháp về công nghệ
Áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại với suất tiêu hao nguyên liệu, điện năng thấp, đảm bảo các yêu cầu về phát thải, thân thiện với môi trường, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với khí thải.
- Quy mô công suất thiết bị luyện kim phải đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Công nghệ lò cao: Đối với khu vực không có nguồn quặng sắt tập trung, yêu cầu dung tích lò cao tối thiểu 500 m3 (không kể các lò cao chuyên dùng sản xuất gang đúc phục vụ ngành cơ khí); đối với khu vực có nguồn quặng sắt tập trung, yêu cầu dung tích lò cao tối thiểu 700 m3; đối với các dự án sử dụng quặng sắt nhập khẩu, bố trí tại khu vực ven biển, yêu cầu dung tích lò cao tối thiểu 1000 m3;
+ Công nghệ lò điện hồ quang: công suất tối thiểu 70 tấn/mẻ;
+ Công nghệ lò thổi ôxy: công suất tối thiểu 50 tấn/mẻ;
+ Dây chuyền cán thép: công suất tối thiểu 500.000 tấn/năm.
- Tăng cường đầu tư dự án sản xuất gang, sắt xốp theo công nghệ luyện kim phi cốc. Từng bước nâng cấp, thay thế các nhà máy sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu.
Đến năm 2020, cơ bản loại bỏ các nhà máy sản xuất gang, phôi thép, dây chuyền cán thép có công suất nhỏ (trừ lò cao sản xuất gang đúc phục vụ ngành cơ khí, lò chuyên dùng đúc chi tiết cơ khí, dây chuyền cán thép không gỉ và thép chất lượng cao). Từ năm 2013 trở đi không cấp phép đầu tư cho các dự án mới có công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng. Các dự án đầu tư phải tuân thủ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công nghệ, thiết bị sản xuất gang, thép do Bộ Công Thương quy định.
g. Giải pháp bảo vệ môi trường
- Hạn chế, giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường. Các dự án đầu tư mới phải trang bị công nghệ tiên tiến để kiểm soát ô nhiễm và xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường;
- Kiểm soát chặt chẽ khí thải, nước thải, bụi v.v... tại các cơ sở sản xuất gang, thép. Giám định việc nhập khẩu thiết bị luyện kim đã qua sử dụng;
- Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về môi trường đối với ngành thép, nâng cao năng lực và hiệu quả của các hoạt động quản lý chất phế thải; nghiên cứu và áp dụng công nghệ tái chế các chất phế thải rắn, bụi nặng, khí thải v.v.. được thải ra trong quá trình sản xuất gang, thép;
- Tăng cường quản lý và thể chế hóa pháp luật về bảo vệ môi trường. Kịp thời xử lý các hành vi vi phạm về môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
h. Giải pháp về quản lý
- Tăng cường kiểm tra, theo dõi và quản lý các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền. Phối hợp và quản lý chặt chẽ công tác cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án sản xuất gang, thép theo quy định;
- Từng bước xây dựng phương thức phân phối thép hiện đại, minh bạch nhằm đảm bảo ổn định thị trường thép;
- Hoàn thiện hệ thống chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu các sản phẩm thép. Nghiên cứu, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công nghệ, thiết bị sản xuất gang, thép;
- Kịp thời ngăn chặn và xử lý các doanh nghiệp không thực hiện các quy định về sản xuất kinh doanh mặt hàng thép. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, tích trữ, hàng giả, hàng nhái v.v...
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Công Thương:
- Chịu trách nhiệm công bố Quy hoạch, theo dõi và kiểm tra tình hình đầu tư, sản xuất kinh doanh của ngành thép theo Quy hoạch được duyệt. Định kỳ báo cáo tình hình thực hiện, đề xuất việc điều chỉnh Quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;
- Thẩm tra và góp ý kiến đối với các dự án đầu tư ngành thép theo quy định;
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc của dự án; đề xuất cơ chế, chính sách để phát triển ổn định và bền vững ngành Thép Việt Nam;
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công nghệ, thiết bị sản xuất gang, thép;
- Tăng cường công tác quản lý thị trường chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Chỉ đạo phát triển hệ thống phân phối thép hiện đại, minh bạch và hiệu quả, góp phần bình ổn thị trường thép. Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ hoạt động tìm kiếm và phát triển thị trường xuất khẩu các sản phẩm gang, thép.
2. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng theo chức năng của mình, phối hợp với Bộ Công Thương cụ thể hóa cơ chế, chính sách phát triển sản xuất và phân phối thép nêu trong Quyết định này để triển khai thực hiện Quy hoạch.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chỉ đạo việc thực hiện và quản lý đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất thép trên địa bàn phù hợp với quy định của Luật Đầu tư và Quy hoạch này;
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức và kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch; xử lý và kịp thời tháo gỡ những khó khăn của các nhà đầu tư và các cơ sở sản xuất thép trên địa bàn;
- Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả mặt hàng thép; ngăn chặn tình trạng đầu cơ, hàng giả, hàng nhái, đảm bảo bình ổn giá thép trên địa bàn.
4. Hiệp hội Thép Việt Nam:
- Thực hiện vai trò liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành; chủ động đề xuất và tham gia với các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng cơ chế, chính sách; phát triển hệ thống cung cấp thông tin về sản xuất và kinh doanh thép nhằm hỗ trợ công tác quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh.
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh góp phần bình ổn mặt hàng thép.
Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số 145/2007/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ NGÀNH THÉP VIỆT NAM GIAI ĐOẠN ĐẾN 2020, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định sổ 694/QĐ-BCT ngày 31 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
TT | Tên nhà máy | Chủ đầu tư | Địa điểm xây dựng | Giai đoan thực hiện đến | Công suất thiết kế, 1000 tấn/năm | ||||||
Gang, sắt xốp | Phôi vuông | Phôi dẹt | Thép dài | Thép dẹt cán nóng | Thép dẹt cán nguội | ||||||
I | Các dự án đầu tư mới và mở rộng sản xuất giai đoạn đến 2020, có xét đến 2015 |
|
| 32.650 | 21.440 | 25.500 | 14.800 | 23.250 | 2.875 | ||
1 | Nhà máy sắt xốp và gang thép Bắc Kạn GĐI | Công ty CP VT&TB toàn bộ (Matexim) | Bắc Kạn | 2015 |
| 100 | 50 |
|
|
|
|
Nhà máy sắt xốp và gang thép Bắc Kạn GĐII | Bắc Kạn |
| 2020 | 100 | 100 |
|
|
|
| ||
2 | Nhà máy luyện cán thép Tuệ Minh | Công ty CP thép Tuệ Minh | Bình Dương |
| 2020 |
| 400 |
| 400 |
|
|
3 | Nhà máy luyện cán thép An Hưng Tường GĐII | Công ty An Hưng Tường | Bình Dương |
| 2020 |
| 300 |
| 300 |
|
|
4* | Nhà máy thép Posco GĐ2 cán nóng | Công ty TNHH Posco VN | Bà Rịa Vũng Tàu |
| 2020 |
|
|
|
| 2.500 |
|
5 | Nhà máy thép China Steel Sumikin | Công ty CP China Steel Sumikin | Bà Rịa Vũng Tàu | 2015 |
|
|
|
|
| 400 | 500 |
6 | Nhà máy thép Posco SS Vina | Công ty TNHH Posco SS Vina | Bà Rịa Vũng Tàu | 2015 |
|
| 1.000 |
| 1.000 |
|
|
7 | Nhà máy luyện phôi thép Pomina | Công ty CP thép Pomina | Bà Rịa Vũng Tàu | 2015 |
|
| 1.000 |
|
|
|
|
8 | Nhà máy cán thép hợp kim dự ứng lực | Công ty CP thép Pomina | Bà Rịa Vũng Tàu |
| 2020 |
|
|
| 500 |
|
|
9* | Nhà máy phôi thép Phú Thọ | Công ty CP thép Phú Thọ | Bà Rịa Vũng Tàu |
| 2020 |
| 500 |
|
|
|
|
10 | Nhà máy luyện cán thép Vinakyoei GĐII | Công ty TNHH thép Vinakyoei | Bà Rịa Vũng Tàu | 2015 |
|
| 500 |
| 500 |
|
|
11 | Nhà máy thép Fuco GĐ I | Công ty TNHH thép Fuco | Bà Rịa Vũng Tàu | 2015 |
|
| 1.000 |
|
|
|
|
Nhà máy thép Fuco GĐ II | Bà Rịa Vũng Tàu |
| 2020 |
|
|
| 600 |
|
| ||
12 | Nhà máy thép hợp kim và thép chất lượng cao GĐI | Công ty CP thép Thủ Đức, thép Biên Hoà | Bà Rịa Vũng Tàu |
| 2020 |
| 500 |
| 500 |
|
|
Nhà máy thép hợp kim và thép chất lượng cao GĐII | Bà Rịa Vũng Tàu |
| 2020 |
| 500 |
| 500 |
|
| ||
13 | Nhà máy cán thép tấm Hoa Sen | Cty CP tập đoàn Hoa Sen | Bà Rịa Vũng Tàu |
| 2020 |
|
|
|
| 1000 |
|
14 | Liên hợp gang thép Cao Bằng | Công ty CP Gang thép Cao Bằng | Cao Bằng |
| 2020 | 200 | 220 |
|
|
|
|
15 | Nhà máy sắt xốp và phôi thép hợp kim Bản Tấn | Công ty CP KSLK VN (MIREX) | Cao Bằng | 2015 |
| 200 | 50 |
|
|
|
|
16 | Dự án đầu tư Khu liên hợp gang thép Khoáng sản Việt | Công ty CP Khai thác Khoáng sản Việt | Cao Bằng |
| 2020 |
| 500 |
|
|
|
|
17 | Nhà máy luyện cán thép Đà Nẵng GĐII | Công ty CP thép Đà Nẵng | Đà Nẵng | 2015 |
|
| 500 |
| 500 |
|
|
18 | Nhà máy thép miền Trung | Công ty CP sản xuất thép Việt - Mỹ | Đà Nẵng | 2015 |
|
| 500 |
| 500 |
|
|
19 | Nhà máy luyện thép Hà Giang |
| Hà Giang |
| 2020 | 500 | 500 |
|
|
|
|
20 | Liên hợp thép Hà Tĩnh | Công ty CP Sắt Thạch Khê LD với nước ngoài | Hà Tĩnh |
| 2022 | 4.000 |
| 4.000 |
| 4.000 |
|
21* | Liên hợp thép Vũng Áng Fomosa GĐI | Công ty TNHH Hưng Nghiệp Fomosa | Hà Tĩnh | 2015 |
| 6.500 | 1.500 | 6.000 | 1.500 | 3.750 | 2.250 |
Liên hợp thép Vũng Áng Fomosa GĐII |
| 2020 | 7.500 | 1.000 | 6.500 |
| 6.000 |
| |||
22 | Liên hợp gang thép Vạn Lợi Hà Tĩnh | Công ty CP gang thép Hà Tĩnh (Vạn Lợi) | Hà Tĩnh |
| 2020 |
| 500 |
|
|
|
|
23 | Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát GĐ II | Tập đoàn Hòa Phát | Hải Dương | 2015 |
|
| 500 |
| 500 |
|
|
24 | Nhà máy Luyện thép Sông Đà GĐII | Công ty CP Luyện thép Sông Đà | Hải Phòng | 2015 |
|
| 500 |
|
|
|
|
25 | Khu liên hợp luyện cán thép chất lượng cao | Công ty CP thép Việt Nhật | Hải Phòng | 2015 |
|
| 350 |
| 500 |
|
|
26 | Nhà máy thép Hậu Giang GĐI | Tổng Công ty thép VN | Hậu Giang |
| 2020 |
| 500 |
| 500 |
|
|
Nhà máy thép Hậu Giang GĐII | Tổng Công ty thép VN | Hậu Giang |
| 2025 |
| 500 |
| 500 |
|
| |
27 | Nhà máy thép Việt Ý GĐII | Công ty CP thép Việt Ý | Hưng Yên |
| 2020 |
| 450 |
|
|
|
|
28 | Nhà máy thép Inox Hòa Bình | Công ty CP Inox Hòa Bình | Hưng Yên | 2015 |
|
|
|
|
|
| 125 |
29* | Liên hợp gang thép Lào Cai VTM GĐI | Công ty TNHH KS và LK Việt Trung (VTM) | Lào Cai | 2015 |
| 500 | 500 |
| 500 |
|
|
Liên hợp gang thép Lào Cai VTM GĐII |
| 2020 | 1.500 | 1.500 |
| 1.000 |
|
| |||
30 | Nhà máy sản xuất gang Thiên Thanh | Công ty CP Xây dựng và Thương mại Thiên Thanh | Lào Cai |
| 2020 | 500 |
|
|
|
|
|
31* | Nhà máy phôi thép Lào Cai | Công ty CP ĐT gang thép Lào Cai | Lào Cai |
| 2020 |
| 220 |
|
|
|
|
32 | Nhà máy sắt xốp GĐ I | Công ty TNHH sắt xốp KOBELCO VN | Nghệ An |
| 2020 | 1.000 |
|
|
|
|
|
Nhà máy sắt xốp GĐ II |
| 2025 | 1.000 |
|
|
|
|
| |||
33 | Nhà máy luyện cán thép chất lượng cao | Công ty TNHH thép Kyoei Việt Nam | Ninh Bình | 2015 |
|
| 1.000 |
| 500 |
|
|
34 | Nhà máy luyện gang thép Quảng Bình | Công ty TNHH Anh Trang | Quảng Bình |
| 2020 | 250 | 250 |
|
|
|
|
35* | Liên hợp thép Quảng Ngãi (Guang lian) GĐI | Công ty TNHH Guang lian Steel (Việt Nam) | Quảng Ngãi |
| 2020 | 3.500 |
| 3.500 |
| 2.900 |
|
Liên hợp thép Quảng Ngãi (Guang lian) GĐII | Quảng Ngãi |
| 2025 | 3.500 |
| 3.500 | 1.000 | 700 |
| ||
36 | Nhà máy thép Megastar Yên Hưng | Tập đoàn Megastar | Quảng Ninh |
| 2020 |
|
| 2.000 |
| 2.000 |
|
37 | Nhà máy luyện gang và phôi thép Quảng Ninh | Công ty CP Đông Á | Quảng Ninh | 2015 |
| 50 | 300 |
|
|
|
|
38 | Nhà máy luyện gang và phôi thép Sơn La |
| Sơn La |
| 2020 | 500 | 500 |
|
|
|
|
39 | Nhà máy luyện cán thép đặc biệt Shengli GĐII | Công ty TNHH Shengli (Thắng Lợi, TQ) | Thái Bình |
| 2020 |
| 500 |
|
|
|
|
40* | Dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên GĐII | Công ty CP Gang thép TN (Tisco) | Thái Nguyên | 2015 |
|
| 500 |
| 500 |
|
|
Dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên GĐIII |
| 2025 | 1.000 | 1.000 |
| 500 |
|
| |||
41 | Nhà máy cán thép Thái Trung | Công ty CP thép Thái Trung | Thái Nguyên | 2015 |
|
|
|
| 500 |
|
|
42 | Nhà máy phôi thép Nghi Son GĐI | Công ty CP gang thép Nghi Sơn | Thanh Hóa | 2015 |
|
| 1.000 |
|
|
|
|
Nhà máy phôi thép Nghi Sơn GĐII | Thanh Hóa |
| 2020 |
|
|
| 1.000 |
|
| ||
43 | Nhà máy phôi thép Ngọc Lặc | Tổng công ty CP luyện kim Thanh Hóa | Thanh Hóa | 2015 |
| 250 | 250 |
|
|
|
|
44 | Nhà máy cán thép và Trung tâm phân phối thép | Tổng công ty Thép VN | Vĩnh Phúc |
| 2020 |
|
|
| 500 |
|
|
II | Các nhà máy xây dựng trong giai đoạn 2007-2012 | 250 | 4.190 | - | 3.880 | 600 | 1.400 | ||||
1 | Nhà máy phôi thép Thép Việt | Công ty CP Thép Việt | Bà Rịa Vũng Tàu |
|
|
| 500 |
| 450 |
|
|
2 | Nhà máy thép Posco GĐ I | Công ty TNHH Posco VN | Bà Rịa Vũng Tàu |
|
|
|
|
|
|
| 1200 |
3 | Nhà máy Luyện cán thép Đồng Tiến | Công ty TNHH thép Đồng Tiến | Bà Rịa Vũng Tàu |
|
|
| 250 |
| 200 |
|
|
4 | Nhà máy thép cán nguội Thống Nhất | Công ty CP thép lá Thống Nhất | Bà Rịa Vũng Tàu |
|
|
|
|
|
|
| 200 |
5 | Nhà máy luyện cán thép An Hưng Tường GĐI | Công ty An Hưng Tường | Bình Dương |
|
|
| 200 |
| 200 |
|
|
6 | Nhà máy luyện cán thép Đà Nẵng GĐI | Công ty CP thép Đà Nẵng | Đà Nẵng |
|
|
| 250 |
|
|
|
|
7 | Nhà máy thép DANA-Ý | Công ty CP thép DANA-Ý | Đà Nẵng |
|
|
| 300 |
| 300 |
|
|
8 | Nhà máy thép không gỉ | Công ty TNHH Posco VST | Đồng Nai |
|
|
|
|
|
|
| 235 |
9 | Nhà máy cán thép Hàn Việt | Công ty CP thép Hàn Việt | Hà Nội |
|
|
| 200 |
| 200 |
|
|
10 | Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát GĐ I | Tập đoàn Hòa Phát | Hải Dương |
|
| 350 | 350 |
| 350 |
|
|
11 | Nhà máy sản xuất phôi thép BCH Thái Hưng | Công ty CP Thái Hưng | Hải Dương |
|
|
| 300 |
| 300 |
|
|
12 | Nhà máy luyện Thép Đình Vũ | Công ty CP thép Đình Vũ | Hải Phòng |
|
|
| 240 |
| 200 |
|
|
13 | Nhà máy Thép Vạn Lợi | Công ty CP luyện gang thép Vạn Lợi | Hải Phòng |
|
|
| 500 |
| 600 |
|
|
14 | Nhà máy Luyện thép Sông Đà GĐI | Công ty CP luyện thép Sông Đà | Hải Phòng |
|
|
| 400 |
|
|
|
|
15* | Nhà máy thép tấm cán nóng Cửu Long | Công ty CP thép Cửu Long-Vinashin | Hải Phòng |
|
|
|
|
| 180 | 300 |
|
16* | Nhà máy thép tấm cán nóng Cái Lân VINASKIN | Tập đoàn VINASHIN | Quảng Ninh |
|
|
|
|
|
| 300 |
|
17 | Nhà máy luyện cán thép đặc biệt Shengli GĐI | Công ty TNHH Shengli (Thắng Lợi, TQ) | Thái Bình |
|
|
| 600 |
| 600 |
|
|
18 | Nhà máy luyện kim Thanh Hà | Công ty CP KK-LK Thanh Hà | Thanh Hóa |
|
| 100 |
|
|
|
|
|
19* | Nhà máy Phôi thép Tuyên Quang | Công ty LD Hằng Nguyên | Tuyên Quang |
|
| 150 | 150 |
|
|
|
|
20 | Nhà máy thép Việt Đức GĐI | Công ty CP thép Việt Đức | Vĩnh Phúc |
|
|
|
|
| 350 |
|
|
| Tổng I + II |
|
|
|
| 33.250 | 25.630 | 25.500 | 18.680 | 23.850 | 4.510 |
Ghi chú: Các dự án đánh dấu * là các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 145/2007/QĐ-TTg ngày 4 tháng 9 năm 2007.