Quyết định 97/2009/QĐ-UBND Quy chế phối hợp công tác phòng, chống vi phạm pháp luật lĩnh vực thông tin truyền thông thành phố Hà Nội đã được thay thế bởi Quyết định 05/2016/QĐ-UBND phối hợp phòng chống vi phạm pháp luật thông tin truyền thông Hà Nội và được áp dụng kể từ ngày 28/02/2016.
Nội dung toàn văn Quyết định 97/2009/QĐ-UBND Quy chế phối hợp công tác phòng, chống vi phạm pháp luật lĩnh vực thông tin truyền thông thành phố Hà Nội
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 97/2009/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Báo chí ngày 28/12/1989; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Báo chí ngày 12/6/1999;
Căn cứ Luật Xuất bản ngày 03/12/2004; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xuất bản ngày 03/6/2008;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;
Căn cứ Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29 tháng 5 năm 2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số Tỉnh có liên quan;
Căn cứ Pháp lệnh Quảng cáo ngày 16/11/2001;
Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25/5/2002;
Căn cứ Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại công văn số 820/STTTT-Ttra ngày 6/8/2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế phối hợp công tác phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Thay thế Quyết định số 64/2007/QĐ-UBND ngày 19/6/2007 của UBND thành phố Hà Nội (cũ) và Quyết định số 1152/QĐ-UBND ngày 05/7/2007 của UBND tỉnh Hà Tây.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Công an Thành phố, Cục Hải quan Thành phố, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND các quận, huyện và thị xã; Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 97/2009/QĐ-UBND ngày 28/8/2009 của UBND Thành phố Hà Nội)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định:
- Nguyên tắc phối hợp, nội dung phối hợp, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước khi tham gia công tác phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực: báo chí, xuất bản; bưu chính và chuyển phát, viễn thông và internet; truyền dẫn phát sóng; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, điện tử; phát thanh và truyền hình; cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông; quảng cáo trên báo chí, mạng thông tin máy tính và xuất bản phẩm (gọi tắt là thông tin và truyền thông);
- Trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông về việc cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện phòng, chống, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.
2. Quy chế này áp dụng đối với Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Công Thương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công an Thành phố; Cục Hải quan thành phố; UBND các quận, huyện và thị xã; Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn Thành phố.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
1. Công tác phối hợp thực hiện trên nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật, kịp thời và hiệu quả. Quá trình phối hợp không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ của các bên tham gia phối hợp.
2. Trong quá trình phối hợp của các cơ quan chức năng: việc cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật để đảm bảo thông tin được kịp thời, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có thể cung cấp bằng các hình thức: điện thoại, E-mail, nhắn tin, băng ghi âm… sau đó thực hiện thông tin bằng văn bản có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp (đối với văn bản điện tử thì việc xác nhận là chữ ký điện tử).
3. Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Công Thương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công an Thành phố; Cục Hải quan thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã; Các tổ chức, doanh nghiệp tham gia phối hợp có trách nhiệm cử cán bộ phụ trách việc theo dõi, cập nhật thông tin, làm đầu mối trong việc tiếp nhận thông tin, giao nhận tài liệu, số liệu liên quan. Cán bộ được giao nhiệm vụ có trách nhiệm đảm bảo bí mật thông tin theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật về cung cấp thông tin, kịp thời báo cáo lãnh đạo trực tiếp quản lý xử lý thông tin để chỉ đạo công tác phối hợp.
4. Việc xử lý các vụ việc được thực hiện theo quy định tại Điều 42 (Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính) Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002. Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện.
Điều 3. Nội dung phối hợp
1. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông.
2. Phối hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
3. Phối hợp thực hiện việc cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ công tác quản lý và khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
4. Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông theo quy định của pháp luật.
5. Phối hợp điều tra, xác minh, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
6. Phối hợp trong việc tham mưu, đề xuất với UBND Thành phố các cơ chế, giải pháp nâng cao hiệu quả việc phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Chương 2.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP, CÁ NHÂN TRONG PHỐI HỢP VÀ QUY TRÌNH PHỐI HỢP
Điều 4. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật hàng năm. Chỉ đạo các cơ quan truyền thông của thành phố và phòng Văn hóa và Thông tin các quận, huyện, thị xã thực hiện tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho các tổ chức, cá nhân về các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
2. Là cơ quan thường trực tiếp nhận thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Xử lý thông tin và chỉ đạo các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông cung cấp các số liệu, tài liệu cho các cơ quan chức năng tham gia phối hợp khi có yêu cầu.
3. Thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm theo thẩm quyền. Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tiến hành lập hồ sơ chuyển sang cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
4. Quyết định trưng cầu giám định, làm thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng giám định tư pháp về các lĩnh vực thông tin và truyền thông theo quy định của pháp luật.
5. Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn.
6. Hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn Thành phố về công tác phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Điều 5. Trách nhiệm của Sở Công Thương
1. Chỉ đạo các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, trong quá trình triển khai nhiệm vụ phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực thông tin và truyền thông như: buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng kinh doanh có điều kiện… thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, chủ động tổ chức kiểm tra sau đó thông tin với Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Cung cấp thông tin về dấu hiệu vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông của các tổ chức, cá nhân được phát hiện trong quá trình triển khai nhiệm vụ để phối hợp theo dõi và tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
3. Hướng dẫn, chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường Thành phố chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường quận, huyện, thị xã tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng của quận, huyện, thị xã thực hiện công tác kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn theo chức năng, thẩm quyền.
Điều 6. Trách nhiệm của Công an Thành phố
1. Chủ trì công tác điều tra, xác minh và xử lý các đối tượng có hành vi tội phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông sau khi tiếp nhận hồ sơ do cơ quan chức năng lập chuyển đến theo quy định.
2. Đối với các nội dung thông tin cần xác minh từ các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông để phục vụ công tác điều tra thì có văn bản đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp, cung cấp.
3. Cử cán bộ tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra theo đề nghị của cơ quan chức năng khi cơ quan chức năng thành lập đoàn thanh tra để thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông do các cơ quan đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cung cấp thông tin.
4. Chỉ đạo và hướng dẫn Công an các quận, huyện, chủ động tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn.
Điều 7. Trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
1. Chỉ đạo các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, trong quá trình triển khai nhiệm vụ phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông có trách nhiệm cung cấp thông tin cho Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm cung cấp thông tin về các dấu hiệu vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông của các tổ chức, cá nhân được phát hiện trong quá trình triển khai nhiệm vụ cho Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp, theo dõi và tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
3. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, chỉ đạo Phòng Văn hóa thông tin các quận, huyện, thị xã tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng của quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn theo chức năng, thẩm quyền.
Điều 8. Trách nhiệm của Cục Hải quan thành phố.
1. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông như: xuất, nhập khẩu hàng lậu, hàng cấm, hàng kinh doanh có điều kiện thì tổ chức kiểm tra sau đó thông tin với Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
2. Trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông cần sự phối hợp với các cơ quan chức năng phải có văn bản đề nghị và chủ trì xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thị xã.
1. Chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng của thành phố và trên địa bàn quản lý tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
2. Thông báo với Sở Thông tin và Truyền thông khi phát hiện những dấu hiệu của các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Điều 10. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông
1. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để phòng, chống các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Thực hiện theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông về công tác phối hợp phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
2. Khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông phải kịp thời báo cáo cho Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan quản lý có thẩm quyền để ngăn chặn và xử lý kịp thời.
3. Có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ công tác điều tra, xác minh, xử lý đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.
4. Có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Điều 11. Quy trình, cơ chế phối hợp trong phát hiện và xử lý vi phạm
1. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp kịp thời về Sở Thông tin và Truyền thông. Trường hợp nghiêm trọng phải cung cấp thông tin đồng thời cho cơ quan Công an để ngăn chặn, hạn chế hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra.
2. Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện việc tiếp nhận, xử lý thông tin, tiến hành mời các cơ quan, đơn vị có liên quan cử cán bộ tham gia Đoàn thanh tra, kiểm tra. Thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra và phân công nhiệm vụ cho các cán bộ được cử tham gia phối hợp.
Công an thành phố; Sở Công Thương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Hải quan thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã; Các tổ chức và doanh nghiệp liên quan có trách nhiệm phối hợp cử người tham gia Đoàn thanh tra, kiểm tra theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông.
Các tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thông tin và truyền thông; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông theo yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố và các cơ quan thẩm quyền khác.
3. Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành lập thủ tục và xử lý các trường hợp vi phạm hành chính trong hoạt động thông tin và truyền thông theo thẩm quyền. Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì tiến hành lập thủ tục chuyển hồ sơ về Công an thành phố theo quy định của pháp luật.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Chế độ báo cáo
1. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng, UBND các quận, huyện, thị xã định kỳ 6 tháng/lần tổ chức họp đánh giá, trao đổi về kết quả thực hiện, tổng hợp báo cáo đề xuất với UBND Thành phố các cơ chế, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn Thành phố.
2. Sở Công Thương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công an thành phố; Cục Hải quan thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã và cơ quan, đơn vị tham gia phối hợp có trách nhiệm thực hiện báo cáo kết quả phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông với UBND Thành phố. Báo cáo gửi về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp và báo cáo UBND Thành phố.
Điều 13. Kinh phí thực hiện
1. Kinh phí để đảm bảo cho công tác phối hợp thực hiện trên nguyên tắc: Cơ quan, đơn vị nào chủ trì vụ việc thì sử dụng nguồn kinh phí của cơ quan, đơn vị mình theo quy định hiện hành.
2. Kinh phí hoạt động được sử dụng từ các nguồn:
- Nguồn ngân sách nhà nước cấp;
- Nguồn thu từ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định;
- Các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Điều khoản thi hành
1. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an thành phố, Cục Hải quan thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã; Các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn Thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này.
2. Cơ quan, đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc về công tác thực hiện phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn thành phố Hà Nội được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
3. Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực theo dõi đôn đốc việc thực hiện quy chế này. Trong quá trình thực hiện quy chế, nếu có vấn đề vướng mắc hoặc phát sinh, các cơ quan, đơn vị kịp thời thông báo về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp trình UBND thành phố xem xét, điều chỉnh, bổ sung.