Nội dung toàn văn Sắc lệnh 27B/SL ấn định cách thức lập tiểu doanh điền
SẮC LỆNH
CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 27B/SL NGÀY 2 THÁNG 3 NĂM 1947
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ
Chiểu theo Sắc lệnh ngày 10 tháng 10 năm 1946 giữ tạm thời các luật lệ hiện hành,
Xét rằng thể lệ cũ về việc cấp đất hoang, lập tiểu đinh điền cần phải sửa đổi;
Theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Canh nông;
Sau khi Hội đồng Chính phủ ưng thuận,
RA SẮC LỆNH:
Điều thứ 1
Để di bớt dân của các vùng nhân man và tăng gia diện tích trồng trọt trong toàn cõi nước Việt Nam, Chính phủ có thể cấp đất công hoang ở những miền gọi là vùng tiểu đinh điền cho công dân Việt Nam.
Điều thứ 2
Mỗi công dân Việt Nam trên 18 tuổi đều được quyền xin tạm trưng một lô đất diện tích rộng nhất là 3 héc-ta (30.000 thước vuông).
Điều thứ 3
Người được tạm trưng phải thi hành những điều kiện sau đây:
1- Người được tạm trưng phải đến làm nhà ở trong làng sở tại có lô đất để ở hay để cho 1 tá điền đến ở.
2- Trên những lô đất có rừng, người được tạm trưng phải khai khẩn khoanh rừng lần lượt từng lô nhỏ 1 héc-ta (10.000 thước vuông) và không được khai phá lô rừng khác nếu lô rừng đã khai phá rồi chưa trồng trọt.
3- Chậm nhất là cuối năm thứ 3 thì tất cả lô đất phải được trồng trọt.
4- Người được tạm trưng không được phép nhượng, cho thuê hoặc cấm, hoặc bán đoạn mãi hoặc chia lô đất tạm trưng trong thời gian còn tạm trưng.
Điều thứ 4
Người được tạm trưng được quyền hưởng tất cả các hoa lợi về canh tác trên lô đất ấy.
Nếu người tạm trưng chết, những người thừa kế được hưởng tất cả quyền lợi trên lô đất và phải theo tất cả các điều kiện của thể lệ này.
Điều thứ 5
Nếu người được tạm trưng không thi hành đầy đủ những điều kiện nói ở Điều thứ 3, Chính phủ có thể lấy lại lô đất tạm trưng không điều kiện, bất cứ lúc nào.
Điều thứ 6
Thời hạn tạm trưng lâu nhất là 3 năm kể từ ngày được tam trưng. Trong thời hạn ấy bất cứ lúc nào nếu thực hiện đủ điều kiện trong điều thứ 3, người chủ tạm trưng cũng có quyền xin trưng vĩnh viễn. Mãn hạn tạm trưng, nếu việc khai khẩn còn dở dang, phần đất chưa canh tác sẽ hoàn lại Quốc gia công thổ.
Điều thứ 7
Đất được trưng vĩnh viễn thuộc quyền sở hữu của người trưng.
Không thuộc quyền sở hữu của người trưng;
a) Những đường giao thông hiện có đi qua hay đi ven những lô đất cấp làm đồn điền; những đường giao thông đi qua nếu là đường đất thì người chủ đất phải luôn luôn giữ gìn cho đi được.
b) Lối vào những mồ mả, đình chùa hay tất cả những dinh thự dùng vào việc thờ cúng và tất cả những nhượng quyền về giao thông và việc lấy nước hay dẫn thuỷ, lộ diện hay kín đáo hiện có.
c) Những sản vật hay đồ cổ có thể tự nhiên tìm thấy trong những đất đã cấp.
d) Các hầm mỏ mà Chính phủ xét cần dành lại để khai thác nguyên liệu dùng vào việc công ích.
e) Những quyền lợi của những người khảo sát tìm tòi hay những người đã được phép khai thác hầm mỏ.
f) Những quyền lợi của Chính phủ về mộ phần, vật liệu khác tìm thấy trên mặt đất hay dưới đất.
Điều thứ 8
Các đất trưng vĩnh viễn không thể cho hoặc cầm bán, đổi chác cho người ngoại tịch nếu không có phép của Chính phủ.
Tất cả những sự trao đổi của cải trái với những điều trên đây sẽ không được công nhận và đất trưng sẽ phải hồi Quốc gia công thổ không điều kiện.
Điều thứ 9
Một nghị định liên bộ Canh nông, Nội vụ và Tư pháp sẽ ấn định các vùng tiểu đinh điền và thể thức tạm trưng cùng thể thức trưng vĩnh viễn.
Điều thứ 10
Những điều lệ của Sắc lệnh này không áp dụng cho việc khẩn các lô đất hoang thuộc bãi bộ.
Điều thứ 11
Tất cả những thể lệ nào trái với Sắc lệnh này đều bãi bỏ.
Điều thứ 12
Các ông Bộ trưởng Bộ Canh nông, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp chiểu Sắc lệnh này mà thi hành.
| Hồ Chí Minh (Đã ký)
|