Nội dung toàn văn Thông báo 95/TB-VPCP kết luận Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân buổi làm việc Ban Quản lý làng văn hoá du lịch dân tộc Việt Nam
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 95/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 2008 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BAN QUẢN LÝ LÀNG VĂN HOÁ DU LỊCH CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM
Ngày 19 tháng 3 năm 2008, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã đi thăm, kiểm tra tiến độ thực hiện dự án Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Tây và chủ trì buổi làm việc với Ban Quản lý Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi kiểm tra thực tế tiến độ các dự án và nghe Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam báo cáo, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã kết luận như sau: Dự án Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam là một dự án quan trọng, có ý nghĩa lớn với cả nước, được sự quan tâm của Chính phủ, các ngành và địa phương; tuy nhiên việc triển khai dự án chậm, trong thời gian gần đây việc triển khai dự án đã được đẩy nhanh hơn, đạt được một số kết quả cụ thể. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc. Việt Nam, trong thời gian tới cần thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Ban Quản lý Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam khẩn trương hoàn chỉnh phương án điều chỉnh Quy hoạch tổng thể Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam, trình phê duyệt chậm nhất trong tháng 8 năm 2008; Bộ Xây dựng xem xét phương án điều chỉnh Quy hoạch tổng thể Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam theo quy định.
2. Về kế hoạch đầu tư phát triển Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam, thống nhất với đề xuất chia làm 2 giai đoạn:
a) Giai đoạn 1 từ năm 2008 đến 2010: khai trương và đưa vào hoạt động một số hạng mục như: dự án hạ tầng kỹ thuật chung; các công trình chính của trục trung tâm; 34 Làng Văn hoá dân tộc… phục vụ kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
b. Giai đoạn 2 từ năm 2011 - 2013: Ban Quản lý Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam cân đối các nguồn lực, tập trung đẩy nhanh tiến độ, đến năm 2013 hoàn thành toàn bộ những nội dung chủ yếu của dự án Làng Văn hoá Du lịch và đưa vào hoạt động.
Ban Quản lý Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam cần xây dựng kế hoạch, lộ trình chi tiết thực hiện giai đoạn 1 , tiến độ hoàn thành cụ thể của từng dự án, từng hạng mục công trình, nhu cầu vốn, kế hoạch đào tạo, chuẩn bị nhân sự phục vụ vận hành... phấn đấu đến tháng 3 năm 2010 cơ bản hoàn thành đưa vào vận hành; bắt đầu ngay từ bây giờ phải triển khai dự án xây dựng cảnh quan, trồng cây xanh theo quy hoạch phù hợp để đảm bảo cảnh quan của dự án khi đưa vào sử dụng vào năm 2010.
3. Về Quy chế quản lý đầu tư và cơ chế tài chính cho Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam: Ban Quản lý Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam xây dựng phương án cụ thể. Cần tham khảo kinh nghiệm xây dựng và khai thác một số dự án tương tự ở các nước khác để có cơ chế huy động vốn đầu tư và tạo nguồn thu hiệu quả trong thời gian hoạt động. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây đựng và các cơ quan liên quan xem xét, chỉ đạo hoàn thiện Quy chế quản lý đầu tư và cơ chế tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2008.
4. Về vốn đầu tư từ ngân sách cho dự án: trên cơ sở quy hoạch tổng thể Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam đã được phê duyệt (có điều chỉnh), kế hoạch đầu tư phát triển 2 giai đoạn và cơ chế tài chính cho dự án, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch cấp và sử dựng vốn của toàn bộ dự án (2008 - 2013), trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng vốn đầu tư từ ngân sách cả gói (kế hoạch đầu tư trung hạn) trước tháng 8 năm 2008. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam chủ động điều hành việc chi thực tế hàng năm, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào kế hoạch đầu tư hàng năm của ngành, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt.
5. Về vấn đề ổn định mức nước hồ Đồng Mô: giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây và Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện phương án ổn định mức nước hồ Đồng Mô trước 30 tháng 5 năm 2008.
6. Về dự án đường Hoà Lạc kéo dài: giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hoà Bình, Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và thi công nốt đoạn đường còn lại đi qua cổng A Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam. Trước 30 tháng 6 năm 2008 phải hoàn thành việc giải phóng mặt bằng; trước tháng 9 năm 2009 phải hoàn thành dự án, báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ.
7. Về quảng bá, giới thiệu, xúc tiến đầu tư: Ban Quản lý Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam cần nghiên cứu, tham khảo các mô hình ở trong và ngoài nước, tìm hiểu cách thức quản lý điều hành... để xây dựng kế hoạch, phương án xúc tiến đầu tư, phương án quảng bá, vận động các đối tác, các nhà đầu tư tiềm năng, cho từng dự án. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam trong công tác giới thiệu, thu hút đầu tư vào Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam.
8. Về bộ máy tổ chức: Ban Quản lý Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam cần có đề án xây dựng bộ máy tổ chức đồng bộ với mục tiêu nhiệm vụ đề ra. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo xây dựng phương án tổ chức bộ máy, cơ cấu nhân sự, cơ chế thu hút, đào tạo nguồn nhân lực của Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2008.
Ban Quản lý Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam xây dựng đề án về đào tạo nguồn nhân lực trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có kế hoạch phối hợp triển khai đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động của Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam ngay từ năm 2008.
9. Về quản lý vận hành khu các làng dân tộc: để đưa các Làng Văn hoá dân tộc vào hoạt động có hiệu quả, cần đảm bảo đồng bộ các yếu tố: kiến trúc nhà cửa, cảnh quan, các di sản văn hoá vật thể đặc trưng của từng dân tộc; có người của dân tộc, biết ngôn ngữ của dân tộc đó; có hoạt động văn hoá đặc trưng của từng dân tộc; có quà lưu niệm đặc trưng của từng dân tộc... Ban Quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam cần căn cứ vào kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng từng Làng Văn hoá dân tộc để chuẩn bị đồng bộ các yếu tố trên khi đưa vào sử dụng.
10. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch 3 tháng một lần làm việc với Ban Quản lý Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ sẽ 1 năm một lần làm việc với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam để nghe báo cáo về tiến độ triển khai dự án và chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc, kiến nghị của Ban Quản lý.
11. Về đề xuất chọn một ngày trong năm là "Ngày các dân tộc Việt Nam”: giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì và chỉ đạo Ban quản lý Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam xây dựng phương án về "Ngày các dân tộc Việt Nam”, phối hợp, xin ý kiến Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan, báo cáo Chính phủ xem xét trong tháng 8 năm 2008.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |