Nội dung toàn văn Thông tư 02-TTg chế độ bổ túc nghề nghiệp công nhân kỹ thuật
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 02-TTg | Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 1964 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BỔ TÚC NGHỀ NGHIỆP CHO CÔNG NHÂN KỸ THUẬT
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Để xây dựng một đội ngũ công nhân có trình độ kỹ thuật cao, có khả năng bảo đảm yêu cầu kỹ thuật phát triển trong quá trình tiến hành công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ bổ túc nghề nghiệp cho công nhân kỹ thuật nhằm khuyến khích việc học tập trau dồi nghề nghiệp của công nhân trong các ngành nghề.
I. YÊU CẦU VÀ PHƯƠNG CHÂM BỔ TÚC
1. Công tác bổ túc nghề nghiệp cho công nhân nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật của công nhân cho phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của sản xuất và kỹ thuật ngày một phát triển, làm cho công nhân nắm vững kiến thức kỹ thuật, thành thạo tay nghề; ngoài ra còn biết thêm những việc cơ bản khác có liên quan đến nghề chính của người công nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tiến kỹ thuật, áp dụng phương pháp sản xuất tiên tiến để không ngừng nâng cao năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trên cơ sở trình độ kỹ thuật công nhân được nâng cao, dần dần tiến hành việc nâng bậc cho công nhân, bảo đảm có đủ công nhân lành nghề phục vụ cho yêu cầu sản xuất của xí nghiệp, công trường.
2. Phương châm tiến hành bổ túc cần lấy việc bổ túc tại chức và ngoài giờ là chủ yếu, những lớp bổ túc tập trung chỉ mở cho những nghề thật cần thiết để phục vụ kịp thời cho yêu cầu sản xuất hoặc mở cho những công nhân nào không có điều kiện học tại chức; chương trình bổ túc cần đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến tinh vi và phải lấy văn hoá làm cơ sở để nâng cao trình độ kỹ thuật và nghề nghiệp của công nhân.
II. CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC BỔ TÚC
1. Tổ chức các lớp bổ túc ngoài giờ làm việc:
a) Việc tổ chức các lớp bổ túc tại chức ngoài giờ làm việc để nâng cao trình độ nghề nghiệp cho công nhân là một nhiệm vụ thường xuyên của xí nghiệp, công trường. Các xí nghiệp, công trường cần căn cứ vào trình độ kỹ thuật của công nhân kết hợp với yêu cầu phát triển của sản xuất và kỹ thuật mà đề ra kế hoạch bồi dưỡng và phối hợp với Công đoàn tổ chức các lớp học bổ túc cho công nhân.
b) Tham gia các lớp bổ túc tại chức ngoài giờ làm việc bao gồm rộng rãi công nhân trong các ngành nghề, nhưng việc tổ chức học phải theo nguyên tắc: làm ngành nào học ngành ấy; những người kém lý thuyết cần bổ túc thêm về lý thuyết; những người tay nghề non kém thì bổ túc cho thành thạo tay nghề.
c) Đối với những công nhân trình độ văn hoá còn thấp chưa đủ kiến thức tiếp thu kỹ thuật, thời gian đầu cần bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hoá trước khi cho học kỹ thuật để bảo đảm chất lượng học tập.
2. Các lớp bổ túc tập trung:
a) Việc mở các lớp bổ túc tập trung phải được ghi vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước. Đối với một số xí nghiệp, công trường… sản xuất có tính chất thời vụ hoặc do điều kiện khác mà có từng thời gian tạm ngừng việc thì xí nghiệp, công trường có thể tranh thủ vào những thời gian đó để tổ chức các lớp bổ túc tập trung cho công nhân. Trong thời gian xí nghiệp tạm ngừng việc, Giám đốc xí nghiệp phải tìm hết cách bố trí kế hoạch sản xuất và lao động cho công nhân, cán bộ, còn việc mở các lớp học bổ túc tại chức thì làm ngoài giờ là chính. Trường hợp không thể bố trí được kế hoạch sản xuất khác, công nhân phải tạm nghỉ việc thì Giám đốc xí nghiệp xét cụ thể mà có thể tổ chức lớp học tập trung, nhưng phải có kế hoạch xin ngành chủ quản (nếu thuộc kế hoạch trung ương) và Ủy ban hành chính (nếu thuộc kế hoạch địa phương) duyệt trước khi mở lớp. Thời hạn các lớp học này phải phụ thuộc vào thời gian tạm ngừng việc. Khi đã có kế hoạch sản xuất và lao động mới thì phải chuyển sang học tại chức ngoài giờ là chính.
b) Tuyển chọn công nhân vào học các lớp bổ túc tập trung cần nhằm vào những công nhân có thành tích trong quá trình làm việc, những người lâu năm trong nghề nhưng còn yếu về tay nghề hoặc lý thuyết, và những người không có hoàn cảnh học tại chức. Những công nhân này phải có đủ trình độ văn hoá để học tập kỹ thuật.
3. Tổ chức bổ túc nâng bậc cho công nhân:
a) Trên cơ sở công nhân được bổ túc nâng cao trình độ nghề nghiệp và kỹ thuật, căn cứ vào yêu cầu sản xuất và quỹ tiền lương cho phép, các xí nghiệp, công trường… đề ra kế hoạch bổ túc nâng bậc cho từng loại công nhân cần thiết. Kế hoạch này phải được Bộ hoặc ngành chủ quản của xí nghiệp, công trường xét duyệt.
b) Công nhân được lựa chọn để kèm cặp nâng bậc cần nhằm vào những người sau đây:
- Những công nhân đã được học trong các lớp bổ túc;
- Những công nhân khá nhất về lý thuyết và tay nghề trong số những người cùng bậc thợ và ít nhất cấp bậc hiện giữ đã được trên một năm kể từ ngày được sắp xếp lương chính thức;
- Những công nhân năng suất lao động thường xuyên đạt mức trung bình tiên tiến của số công nhân cùng loại.
Ngoài ra, cần chú ý lựa chọn các chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến và những người chấp hành tốt kỷ luật lao động.
III. CHẾ ĐỘ HỌC TẬP VÀ KIỂM TRA
1. Thời giờ học tập:
a) Hàng tuần, các xí nghiệp, công trường phải bố trí để công nhân học tập bổ túc kỹ thuật 3 giờ ngoài giờ chính quyền; tuỳ theo tình hình cụ thể của từng xí nghiệp, công trường mà tổ chức học tập và một buổi tối hoặc trước hay sau giờ làm việc.
b) Trong thời gian sơ kết học kỳ và thời gian thi mãn khoá, công nhân học tập các lớp bổ túc kỹ thuật được miễn những buổi sinh hoạt, hội họp ngoài giờ chính quyền để ôn tập, kiểm tra.
2. Chế độ kiểm tra:
a) Tuỳ theo ngành nghề trong một hoặc hai năm, xí nghiệp, công trường phối hợp với Công đoàn và Đoàn thanh niên tổ chức kiểm tra và sát hạch để xác nhận trình độ cho công nhân theo chương trình đào tạo công nhân có trình độ lý thuyết sơ cấp kỹ thuật.
b) Công nhân tham dự kiểm tra sát hạch, nếu đạt môn nào được chứng nhận môn đó. Nếu đạt yêu cầu toàn bộ các môn của chương trình sơ cấp thì được cấp bằng tốt nghiệp sơ cấp kỹ thuật và được ghi vào sổ lao động.
Tất cả công nhân kỹ thuật chưa được xác nhận trình độ lý thuyết sơ cấp kỹ thuật đều phải qua các kỳ thi nói trên để xác nhận trình độ.
c) Những công nhân được bổ túc nâng bậc, nếu qua kiểm tra sát hạch đạt trình độ bậc trên cả về lý thuyết, thực hành thì được giao việc mới và được hưởng lương mới kể từ ngày được giao việc.
Những công nhân tuy không nằm trong diện được lựa chọn nâng bậc nếu do sự cố gắng tự học và được Quản đốc phân xưởng hoặc tổ, đội sản xuất đề nghị thì cũng được dự các kỳ sát hạch và được sắp xếp giao việc như đã nói ở trên.
IV. KINH PHÍ HỌC TẬP
- Kinh phí cho các lớp bổ túc ngoài giờ tổ chức rộng rãi trong công nhân do quỹ xí nghiệp đài thọ;
- Các trường, các lớp bổ túc tập trung được ghi vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước do kinh phí sự nghiệp của Bộ hoặc ngành chủ quản xí nghiệp, công trường đài thọ.
- Các lớp bổ túc tại chức nâng bậc cho công nhân tính vào chi phí sản xuất và phải được Bộ hoặc ngành chủ quản xí nghiệp, công trường xét duyệt.
Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn việc cấp phát kinh phí theo quy định nói trên cho các Bộ, các ngành, và các khu, thành phố, tỉnh.
V. TỔ CHỨC VÀ CHỈ ĐẠO
1. Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật của xí nghiệp, công trường chịu trách nhiệm lập kế hoạch và chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch bổ túc nghề nghiệp cho công nhân.
Cán bộ chuyên trách giúp việc cho Giám đốc hoặc Phó Giám đốc để chỉ đạo công tác bổ túc quy định theo tỷ lệ: xí nghiệp có 500 công nhân trở lên được bố trí một cán bộ chuyên trách; xí nghiệp nào dưới 500 công nhân thì bố trí cán bộ kiêm nhiệm, trường hợp dưới 500 công nhân nhưng xí nghiệp ở phân tán cũng được một cán bộ chuyên trách; xí nghiệp nào từ 1000 công nhân trở lên thì dựa theo tỷ lệ trên mà quy định số người cho sát với yêu cầu của công tác bổ túc.
Các trường lớp bổ túc tập trung có bộ máy chuyên trách riêng theo sự hướng dẫn của Bộ Lao động.
2. Để có đủ số cán bộ giảng dạy và hướng dẫn thực hành, các cán bộ kỹ thuật và công nhân kỹ thuật trong các xí nghiệp đều có trách nhiệm tham gia giảng dậy và hướng dẫn thực hành trong các trường lớp bổ túc và đào tạo công nhân kỹ thuật.
Quyền lợi, nhiệm vụ của những người giảng dạy và hướng dẫn thực hành nói trên áp dụng theo thông tư số 03-TTg ngày 11-01-1964. Các xí nghiệp cần có kế hoạch bố trí việc giảng dậy, hướng dẫn cho hợp khả năng từng người và giúp đỡ họ trở thành người giảng dậy tốt, sản xuất tốt.
3. Các tổ chức văn hoá quần chúng ở xí nghiệp, công trường cần hướng dẫn những hoạt động vào phục vụ cho việc học tập kỹ thuật của công nhân như: tổ chức nói chuyện về khoa học kỹ thuật, triển lãm sáng kiến, phổ biến kinh nghiệm học tập và sản xuất, v.v…
VI. PHẠM VI ÁP DỤNG
Thông tư này áp dụng cho tất cả các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường và các cơ quan Nhà nước có sử dụng công nhân kỹ thuật.
Thông tư này thi hành kể từ ngày ban hành. Những quy định trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ.
Bộ Lao động chịu trách nhiệm hướng dẫn việc thi hành thông tư này.
| K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |