Nội dung toàn văn Thông tư 05-LĐ-TT hướng dẫn Thông tư 02-TTg chế độ bổ túc nghề nghiệp công nhân kỹ thuật
BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 05-LĐ-TT | Hà Nội, ngày 22 tháng 04 năm 1964 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THI HÀNH THÔNG TƯ SỐ 02-TTG NGÀY 11-01-1964 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BỔ TÚC NGHỀ NGHIỆP CHO CÔNG NHÂN KỸ THUẬT
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi: | -Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ; |
Ngày 11-01-1964, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thông tư số 02-TTg quy định chế độ bổ túc nghề nghiệp cho công nhân kỹ thuật.
Bộ Lao động ra thông tư này giải thích và hướng dẫn để các Bộ, các ngành, các cấp thi hành được thống nhất.
I. YÊU CẦU VÀ PHƯƠNG CHÂM BỔ TÚC
Trong quá trình tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta, nâng cao năng suất lao động, năng cao chất lượng sản phẩm là vấn đề hết sức quan trọng. Vì vậy công tác bổ túc nghề nghiệp, nâng cao không ngừng trình độ kỹ thuật cho công nhân là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài cho tất cả các Bộ, các ngành sử dụng công nhân kỹ thuật.
Tùy theo yêu cầu sản xuất của từng thời kỳ, cần chú trọng bổ túc nghề nghiệp cho công nhân ở các khâu chủ yếu, để thợ kém thành thợ khá, thợ khá thành thợ giỏi, thợ giỏi biết làm các công việc của bậc trên hoặc biết nhiều việc có liên quan đến nghề chính để sử dụng tốt sức lao động, tận dụng hết công suất thiết bị và để phục vụ cho yêu cầu tăng năng suất lao động, giảm nhẹ biên chế của Nhà nước.
Công tác bổ túc nghề nghiệp cho công nhân phải áp dụng nhiều hình thức linh hoạt, tận dụng mọi khả năng có thể để mau chóng bổ túc những kiến thức cần thiết tối thiểu cho công nhân. Việc học tập chủ yếu là tiến hành ngoài giờ, vì vậy tổ chức việc học tập phải phù hợp với điều kiện làm việc, sinh hoạt của công nhân, chú ý vận dụng rộng rãi các hình thức ở trình độ thấp, ngắn ngày để làm cơ sở cho các hình thức ở trình độ cao dài ngày. Có như vậy người công nhân được bồi dưỡng theo trình tự từ dễ đến khó, từ đơn giản đến tinh vi mới đạt được một kiến thức vững vàng. Nội dung học tập phải sát với yêu cầu của sản xuất, phục vụ kịp thời cho sản xuất, cái gì cần trước thì học trước, nhưng phải luôn luôn có ý thức làm cho công nhân đạt được một kiến thức có hệ thống một trình độ kỹ thuật sơ cấp hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để học lên trình độ cao hơn.
II. CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC BỔ TÚC
1. Tổ chức các lớp bổ túc ngoài giờ:
- Việc học tập để nâng cao trình độ nghề nghiệp và kỹ thuật là nhiệm vụ và quyền lợi của tất cả mọi người công nhân, tổ chức các lớp bổ túc ngoài giờ là hình thức chủ yếu nhất để bổ túc nghề nghiệp cho công nhân, cho nên các xí nghiệp, công trường…có trách nhiệm tổ chức các lớp bổ túc để mọi người có thể tham gia học tập. Khi bổ túc tùy trình độ từng người mà có nội dung thích hợp, cần chú ý đến tính chất toàn diện cả về lý thuyết và thực hành, đến kiến thức chung có quan hệ trực tiếp đến nghề nghiệp, song phải đảm bảo nguyên tắc làm ngành nào học ngành ấy. Có như vậy, mới tạo điều kiện cho người công nhân đi sâu vào từng nghề, ổn định ngành nghề, tránh tình trạng xáo lộn không cần thiết, gây khó khăn cho việc học tập và sản xuất.
- Ở những lớp lý thuyết về kỹ thuật, cần sắp xếp những người cùng trình độ vào một lớp chung, nếu lớp quá ít (dưới 10 người) thì tổ chức ghép những người có nghề nghiệp gần giống nhau vào một lớp, ví dụ như phay và bào, tiện và doa, v .v… hoặc nếu thuận tiện thì kết hợp tổ chức với những xí nghiệp, công trường bạn.
- Đối với những lớp học sơ cấp có hệ thống; đòi hỏi phải có trình độ văn hóa nhất định (hết lớp 4), cần có kế hoạch bồi dưỡng văn hóa cho những người có trình độ văn hóa thấp hơn trước khi bổ túc nghề nghiệp. Chương trình học văn hóa phải soạn riêng để đảm bảo rút ngắn thời gian mà vẫn tiếp thu được tốt khi học kỹ thuật. Trong thời gian học văn hóa, những công nhân này vẫn có thể tham gia các hình thức bổ túc để nâng cao trình độ tay nghề.
- Những công nhân thủ công đơn giản, lao động phổ thông có trình độ văn hóa hết cấp I, nếu tự nguyện học tập để hiểu biết nghề nghiệp chuyên môn, thì tùy theo yêu cầu của sản xuất, xí nghiệp, công trường…có thể sắp xếp vào các lớp thích hợp.
2. Các lớp bổ túc tập trung:
- Lớp tập trung là những lớp công nhân thoát ly sản xuất để học tập.
Việc bổ túc nghề nghiệp cho công nhân chủ yếu là tiến hành ngoài giờ, vì vậy mở các lớp tập trung để bổ túc nghề nghiệp cho công nhân phải do yêu cầu cấp thiết của sản xuất, trong một thời gian ngắn, cần có một số công nhân có đủ trình độ và lành nghề. Ngoài ra, nếu do trường hợp đặc biệt, việc tập trung học tập không ảnh hưởng đến sản xuất thì có thể tranh thủ mở các lớp tập trung.
Lựa chọn người đi học ở các lớp bổ túc nghề nghiệp tập trung cần chú ý những người do hoàn cảnh hay công tác lưu động, đột xuất, ở phân tán xa nơi học tập, v .v… không học tập tại chức được.
Việc mở các lớp tập trung phải được ghi vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, hoặc được Bộ, ngành chủ quản, Ủy ban hành chính xét duyệt.
3. Tổ chức bổ túc nâng bậc cho công nhân:
- Hàng năm, căn cứ vào các yêu cầu sản xuất và xây dựng các xí nghiệp, công trường …cần có kế hoạch bổ túc nâng bậc cho từng loại công nhân cần thiết phải nâng bậc, nhằm đáp ứng cấp bậc bình quân theo yêu cầu sản xuất và xây dựng của xí nghiệp, công trường…và yêu cầu điều chỉnh hàng năm của các cơ quan cấp trên.
Việc bổ túc nâng bậc cho công nhân có quan hệ chặt chẽ đến việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch lao động tiền lương, chỉ tiêu kế hoạch năng suất lao động, chỉ tiêu kế hoạch giá thành, v .v… vì vậy các Bộ, các ngành chủ quản xí nghiệp, công trường…các Ủy ban hành chính địa phương phải nghiên cứu xác định cấp bậc công việc, xét duyệt chặt chẽ chỉ tiêu bổ túc nâng bậc. Cần tránh tình trạng nâng bậc vượt quá số lượng cần thiết và không đảm bảo chất lượng.
Trước khi thi hành việc nâng bậc cho một loại công nhân nào, cần phải tiến hành việc điều chỉnh công nhân bậc cao nơi thừa đến nơi thiếu. Từ trước tới nay, việc điều chỉnh công nhân lành nghề giữa các xí nghiệp, công trường …còn rất dè dặt, mặc dù có xí nghiệp, công trường …chưa sử dụng hết khả năng nghề nghiệp của một số công nhân, vẫn giữ lại và xếp cấp bậc lương thấp hơn, làm cho công nhân lành nghề thắc mắc, hoặc xếp lương bậc cao nhưng giao việc bậc thấp gây lãng phí nhân lực và quỹ tiền lương. Do đó các Bộ, các ngành, các Ủy ban hành chính cần chú ý có kế hoạch điều chỉnh công nhân cấp bậc cao nơi thừa đến nơi thiếu rồi mới xét đến việc nâng bậc nếu cần, để phát huy khả năng của công nhân và đẩy mạnh sản xuất, làm cho việc bổ túc nghề nghiệp cho công nhân đạt hiệu quả kinh tế.
- Bổ túc nghề nghiệp cho công nhân, chủ yếu là nhằm nâng cao trình độ nghề nghiệp cho công nhân. Cần dựa trên cơ sở trình độ công nhân được nâng cao để lựa chọn người bổ túc nâng bậc, mặt khác cũng cần dựa vào việc bổ túc nâng bậc để khuyến khích việc bổ túc nâng cao trình độ nghề nghiệp cho công nhân.
- Trong việc lựa chọn để bổ túc nâng bậc cần dựa vào yêu cầu cụ thể của từng ngành, nhưng phải bảo đảm tiêu chuẩn quy định. Những công nhân khá nhất về lý thuyết và tay nghề trong số những người cùng bậc thợ là những công nhân trong quá trình sản xuất đã có những hiểu biết về tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật tương đối đầy đủ, tay nghề vững, có kinh nghiệm giải quyết sự cố nhanh, và thường xuyên làm ra sản phẩm chất lượng cao hơn những người khác.
- Thâm niên trong cấp bậc hiện giữ là thời gian kể từ ngày được chính thức xếp vào cấp bậc hiện giữ cho tới ngày được chính thức cử đi học bổ túc nâng bậc. Thời gian thâm niên này phải là trên một năm để đảm bảo cho người công nhân có đủ thời gian tích lũy kinh nghiệm trong sản xuất và rèn luyện tay nghề trước khi học bổ túc nâng bậc, vì cấp bậc kỹ thuật mới càng cao càng phức tạp và đòi hỏi chính xác hơn. Cụ thể là: từ bậc 1 lên bậc 2 phải có một năm sáu tháng thâm niên, từ bậc 2 lên bậc 3 phải có hai năm thâm niên, từ bậc 3 trở lên phải có ba năm thâm niên ở cấp bậc hiện giữ.
- Đối với các chiến sĩ thi đua (không kể được tặng danh hiệu thời gian nào), lao động tiên tiến (phải được tặng danh hiệu trong năm liền với thời gian được lựa chọn bổ túc nâng bậc), những người chấp hành tốt kỷ luật lao động do quản đốc phân xưởng phối hợp với công đoàn, thanh niên nhận xét, nếu đạt các tiêu chuẩn khác, thì về mặt thâm niên, chỉ cần đủ một năm trong cấp bậc hiện giữ cho tất cả các bậc, cũng được lựa chọn vào diện bổ túc nâng bậc.
- Cũng như việc lựa chọn những người đi học ở các lớp bổ túc tập trung, người được lựa chọn bổ túc nâng bậc, tùy theo yêu cầu của việc học tập, phải có đủ trình độ văn hóa để tiếp thu kỹ thuật được tốt.
- Do yêu cầu của sản xuất, điều kiện tổ chức có hạn, việc kèm cặp nâng bậc không làm được thật rộng rãi, nhưng để đáp ứng yêu cầu học tập của công nhân và yêu cầu có nhiều công nhân lành nghề cho việc phát triển sản xuất về sau, cần động viên việc kèm cặp giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, để cho những người ngoài diện kèm cặp nâng bậc vẫn có điều kiện học tập đạt trình độ bậc trên.
III. CHẾ ĐỘ HỌC TẬP VÀ KIỂM TRA
1. Việc bổ túc nâng cao trình độ nghề nghiệp của công nhân là do yêu cầu của sản xuất ngày càng phát triển. Quy định ba giờ ngoài giờ chính quyền trong mỗi tuần để học tập đòi hỏi một sự cố gắng lớn của công nhân. Xí nghiệp, công trường …phải có kế hoạch cùng công đoàn, thanh niên động viên công nhân tham gia học tập, tạo điều kiện học tập tốt và chấp hành nghiêm chỉnh, tôn trọng giờ học tập, không xen lẫn những buổi sinh hoạt, hội họp khác vào giờ học tập bổ túc nghề nghiệp của công nhân. Việc bổ túc nghề nghiệp có quan hệ chặt chẽ với việc bổ túc văn hóa, vì bổ túc văn hóa là cơ sở tiếp thu bổ túc nghề nghiệp, vì vậy cần có sự kết hợp giữa việc tổ chức học bổ túc văn hóa và học bổ túc nghề nghiệp cho công nhân để bảo đảm trọng tâm học tập trong từng thời gian cho từng đối tượng.
2. Mỗi lớp học bổ túc đều phải có kiểm tra học kỳ và thi mãn khóa. Tùy theo yêu cầu của từng lớp, việc kiểm tra học kỳ hay thi mãn khóa không nhất thiết phải làm cùng vào một thời gian, song trong thời gian kiểm tra học kỳ hay thi mãn khóa, các xí nghiệp, công trường …cần sắp xếp cho những công nhân học các lớp bổ túc nghề nghiệp được miễn những buổi sinh hoạt, hội họp ngoài giờ chính quyền để ôn tập.
3. Tổ chức thi mãn khóa cho công nhân học các lớp bổ túc nghề nghiệp phải có Hội đồng giám khảo. Thành phần và quyền hạn, nhiệm vụ của Hội đồng theo đúng quy định ở thông tư số 15-LĐ-TT ngày 15-8-1962 của Bộ Lao động giải thích và hướng dẫn thi hành thông tư số 60-TTg ngày 01-6-1962 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ học nghề.
4. Do trình độ công nhân không đồng đều về lý thuyết nên hàng năm cần tổ chức các kỳ thi thanh toán sơ cấp. Công nhân ngành nào thi theo chương trình ngành đó, có thể tiến hành thi từng môn, đạt yêu cầu môn nào được chứng nhận môn đó, cho đến khi đạt yêu cầu toàn bộ các môn thì được giám đốc xí nghiệp cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp công nhân kỹ thuật sơ cấp (giấy chứng nhận tốt nghiệp theo mẫu chung kèm theo quyết định số 79-LĐ-QĐ ngày 22-7-1963 của Bộ Lao động ban hành quy chế thi tốt nghiệp tại các trường lớp đào tạo công nhân kỹ thuật).
5. Về thực hành, từng thời gian phải tiến hành kiểm tra thực hành từng việc, khi thi mãn khóa, phải giao làm một công việc có tính chất tổng hợp của các tiêu chuẩn đề ra cho bậc yêu cầu. Chỉ khi người học viên đảm bảo được cả về chất lượng và thời gian của công việc mới được coi là đạt yêu cầu về thực hành.
6. Những công nhân được lựa chọn kèm cặp nâng bậc, nếu sau khi sát hạch, đạt được trình độ bậc trên cả về lý thuyết và thực hành, đảm bảo được mức năng suất trung bình của bậc trên, thì được xếp lại bậc và hưởng lương theo bậc mới.
7. Những công nhân không được lựa chọn kèm cặp nâng bậc, do sự cố gắng tự học, muốn được quản đốc phân xưởng, tổ đội sản xuất đề nghị dự các kỳ thi sát hạch nâng bậc, phải thường xuyên hoàn thành nhiệm vụ giao cho cả về số lượng, chất lượng, không để xẩy ra hư hỏng máy móc, tai nạn lao động. Những công nhân này thi sát hạch đạt yêu cầu như trên, nếu sản xuất cần thiết, cũng được xét để nâng bậc và hưởng quyền lợi như những người trong diện kèm cặp nâng bậc.
Nếu sản xuất chưa yêu cầu thì không tiến hành việc nâng bậc công nhân, Bộ, ngành chủ quản, Ủy ban hành chính địa phương xét điều chỉnh sang xí nghiệp, công trường … khác có yêu cầu.
IV. KINH PHÍ HỌC TẬP
Nguồn kinh phí cấp phát đối với các lớp bổ túc nghề nghiệp cho công nhân kỹ thuật đã được quy định theo thông tư số 115-TTg ngày 12-12-1963 và thông tư số 02-TTg ngày 11-01-1964 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Lao động hướng dẫn như sau:
1. Kinh phí đài thọ cho các lớp bổ túc ngoài giờ tổ chức rộng rãi trong công nhân thì do quỹ xí nghiệp chi. Các đơn vị không có quỹ xí nghiệp thì xin ngân sách trợ cấp, bao gồm: tiền thù lao giáo viên, chi phí chung khác trong học tập như phấn viết, đồ thị học tập, giáo cụ, v .v…
Các học viên phải tự túc lấy tiền tài liệu được phân phát cá nhân và tiền giấy, bút, mực…của mình.
2. Kinh phí đài thọ cho các lớp bổ túc nâng bậc tại chức được Bộ, ngành chủ quản xét duyệt và báo cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính biết thì do giá thành chịu.
Kinh phí đài thọ cho các lớp bổ túc tập trung do đơn vị tự mở nói ở chương II điều 2 điểm a trong thông tư số 02-TTg ngày 11-01-1964 của Thủ tướng Chính phủ được Bộ, ngành chủ quản phê chuẩn và báo cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính biết cũng do giá thành chịu. Các khoản chi phí này bao gồm: tiền lương trả cho các học viên (trường hợp gửi học viên để học nhờ thì vẫn do đơn vị có học viên trả), tiền thù lao giáo viên, chi phí chung khác trong học tập như phấn viết, đồ thị học tập, giáo cụ, v .v… Các chi phí về giải trí, nước uống, v .v… của học viên do đơn vị mở lớp đài thọ.
Các khoản quyền lợi khác của học viên như kinh phí bảo hiểm xã hội, trợ cấp khó khăn và trợ cấp con, tiền bồi dưỡng thuốc men khi ốm đau, v .v… thì vẫn do các quỹ liên quan (của đơn vị có học viên) đài thọ như đối với công nhân khác đang làm việc.
3. Kinh phí đài thọ cho các lớp bổ túc tập trung đã được ghi vào chỉ tiêu kế hoạch chung của Nhà nước, thì do kinh phí sự nghiệp của ngành chủ quản đơn vị chi theo chế độ chung.
V. TỔ CHỨC VÀ CHỈ ĐẠO
1. Bổ túc nghề nghiệp cho công nhân là tăng cường chất lượng công nhân, đáp ứng yêu cầu của sản xuất phát triển, vì vậy các cấp lãnh đạo phải quan tâm đầy đủ. Ở các xí nghiệp, công trường thì giám đốc hoặc phó giám đốc kỹ thuật chịu trách nhiệm lập kế hoạch và chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch bổ túc nghề nghiệp cho công nhân. Trong báo cáo về sản xuất của xí nghiệp, công trường phải có phần báo cáo về công tác bổ túc nghề nghiệp cho công nhân.
Các quản đốc phân xưởng, đội trưởng, tổ trưởng sản xuất chịu trách nhiệm trước giám đốc trực tiếp phụ trách công tác bổ túc nghề nghiệp cho công nhân trong đơn vị và nên đảm nhiệm phần giảng dạy lý thuyết. Về phần thực hành thì giao trách nhiệm cho tổ sản xuất hoặc từng cá nhân, khi giao phải có hợp đồng giữa hai bên.
2. Mỗi xí nghiệp, công trường…đều có cán bộ chuyên trách về công tác bổ túc nghề nghiệp cho công nhân để giúp giám đốc chỉ đạo thực hiện. Tùy theo số lượng công nhân bình quân trong danh sách, cứ 500 người thì có một cán bộ chuyên trách, song nếu có đơn vị chỉ có từ 300 người trở lên, nhưng gồm nhiều bộ phận ở phân tán cách xa nhau, thì cũng được bố trí một cán bộ chuyên trách. Nếu không phân tán hoặc ở phân tán nhưng có dưới 300 người thì chỉ được bố trí cán bộ kiêm nhiệm.
Những xí nghiệp, công trường…có từ 1.000 công nhân trở lên có thể bố trí hai cán bộ chuyên trách công tác bổ túc, những xí nghiệp, công trường …lớn có từ trên 5.000 công nhân, có thể bố trí tối đa là ba cán bộ chuyên trách.
Cán bộ chuyên trách công tác bổ túc phải là người am hiểu về kỹ thuật, có kinh nghiệm về sản xuất, có lập trường tư tưởng tốt, và cần chuyên môn hóa, tránh tình trạng thay đổi luôn. Nhiệm vụ của cán bộ chuyên trách công tác bổ túc là:
- Phối hợp với bộ phận lao động tiền lương thống kê trình độ công nhân để lập quy hoạch bổ túc cho toàn thể công nhân trong xí nghiệp, công trường…
- Cùng với các quản đốc phân xưởng, đội trưởng, tổ trưởng sản xuất là những người chịu trách nhiệm trước giám đốc trực tiếp phụ trách công tác bổ túc nghề nghiệp cho công nhân trong đơn vị, tổ chức các lớp bổ túc, phân công người giảng dạy và hướng dẫn kèm cặp, và kiểm tra, đôn đốc việc giảng dạy cũng như việc thi hành các hợp đồng kèm cặp.
- Tổ chức các kỳ thi kiểm tra và sát hạch để xác nhận trình độ công nhân.
3. Việc biên soạn chương trình, tài liệu giảng dạy cho các lớp bổ túc nghề nghiệp cũng rất quan trọng: nếu là lớp giảng dạy ngoài giờ thì giao cho phòng kỹ thuật biên soạn, những nơi không có phòng kỹ thuật thì các xí nghiệp, công trường …có thể tập trung một số cán bộ kỹ thuật có khả năng để biên soạn: nếu là lớp tập trung thì giao cho bộ phận giáo vụ biên soạn. Những chương trình, tài liệu giảng dạy này phải được Bộ, ngành chủ quản (nếu thuộc trung ương) hoặc Ủy ban hành chính (nếu thuộc địa phương) thông qua.
4. Công tác bổ túc nghề nghiệp cho công nhân là công tác rất rộng lớn, việc học tập chủ yếu là tổ chức tại chức, vì vậy cần phải có một đội ngũ giáo viên kiêm chức rất lớn. Để có đủ cán bộ giảng dạy, hướng dẫn, tất cả cán bộ, công nhân kỹ thuật xét đủ tiêu chuẩn đều có nhiệm vụ tham gia giảng dạy, hướng dẫn. Các Bộ, các ngành, các Ủy ban hành chính địa phương, các xí nghiệp, công trường …dựa vào tiêu chuẩn giáo viên quy định trong thông tư số 03-TTg ngày 11-01-1964 của Thủ tướng Chính phủ mà lựa chọn cán bộ giảng dạy, hướng dẫn.
5. Bổ túc nghề nghiệp là một phong trào rộng lớn của công nhân. Việc ban hành chế độ chỉ giúp một phần cho phong trào, nên các ngành, các cấp một mặt phải chú ý vận dụng tốt chế độ đã được ban hành, mặt khác phải thực sự dựa vào công đoàn, thanh niên ở cơ sở phát động rộng rãi công nhân tham gia bổ túc nghề nghiệp, thì phong trào mới tiến mạnh được.
VI.PHẠM VI ÁP DỤNG
Thông tư số 02-TTg ngày 11-01-1964 của Thủ tướng Chính phủ áp dụng cho tất cả các nhà máy, công trường, nông trường, lâm trường, ngư trường, diêm trường, cơ quan Nhà nước có sử dụng công nhân kỹ thuật. Các xí nghiệp công tư hợp doanh đã cải tiến chế độ tiền lương cũng được áp dụng thông tư này.
Danh từ xí nghiệp, công trường …bao gồm tất cả các đơn vị nói trên có sử dụng công nhân kỹ thuật và là một đơn vị hạch toán độc lập.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |