Thông tư 06/TT-UB quy định tạm thời chánh sách hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp đã được thay thế bởi Quyết định 4340/QĐ-UB-NC bãi bỏ văn bản pháp luật hết hiệu lực do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành từ 02/7/1976 đến 31/12/1996 và được áp dụng kể từ ngày 21/08/1998.
Nội dung toàn văn Thông tư 06/TT-UB quy định tạm thời chánh sách hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/TT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 3 năm 1982 |
THÔNG TƯ
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH TẠM THỜI MỘT SỐ CHÁNH SÁCH HỖ TRỢ ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ TẬP THỂ TRONG NÔNG NGHIỆP TẠI THÀNH PHỐ
- Chấp hành Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 2 và tinh thần Chỉ thị số 12/CT-TU ngày 6-11-1981 của Ban Thường vụ Thành ủy, về việc đẩy mạnh công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn ngoại thành :
- Theo kiến nghị của Ban Nông nghiệp Thành ủy, có sự bàn bạc thống nhất ý kiến của đại biểu các huyện, quận có sản xuất nông nghiệp và các ngành thành phố có liên quan trong cuộc họp ngày 8-1-1982, ban hành một số chánh sách hỗ trợ việc cải tạo quan hệ sản xuất trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ;
Để thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng cường củng cố và phát triển quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp phát huy tính ưu việc của kinh tế tập thể nhằm khuyến khích và thu hút đông đảo nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể, từng bước cải thiện và ổn định đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, tăng tích lũy cho Nhà nước và cho kinh tế tập thể theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trên tinh thần nông dân trợ lực là chính có sự hỗ trợ thỏa đáng của Nhà nước;
Trong khi chờ Trung ương ban hành chính thức các chánh sách mới hỗ trợ đối với các đơn vị kinh tế tập thể theo tinh thần Chỉ thị số 93/CT-TW ngày 30-6-1980 và Thông báo số 14/TB-TW ngày 30-4-1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ;
Ủy ban nhân dân thành phố tạm thời quy định một số chánh sách hỗ trợ đối với các tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp thành phố như sau :
1/ Công tác cải tạo quan hệ sản xuất trong nông nghiệp phải được kế hoạch hóa và đưa vào chỉ tiêu kế hoạch chung của Nhà nước :
Từ nay trở đi thực hiện thành một chế độ chung (tùy theo chức năng và nhiệm vụ của từng ngành) trước khi làm kế hoạch phục vụ nông nghiệp, từ Ủy ban Kế hoạch đến các ban, ngành liên quan, phải có kế hoạch giúp đỡ các tập đoàn sản xuất và hợp tác xã tự cân đối kế hoạch một cách thiết thực và cụ thể ; nhất là về tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, về đào tạo cán bộ, về cân đối vật tư về đầu tư, tín dụng vốn và lực lượng khoa học kỹ thuật, v.v. trên cơ sở đó từng ngành xây dựng kế hoạch hỗ trợ thoả đáng của ngành mình.
2/ Về thuế nông nghiệp
a/ Áp dụng rộng rãi Thông tư số 17/TT-UB ngày 17-6-1981 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định tạm thời một số chánh sách về thuế nông nghiệp đối với vùng rau chuyên canh thành phố, cũng như các vùng chuyên canh cây thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày khác trong phạm vi thành phố.
b/ Đối với vùng trồng lúa, trước mắt giảm từ 10% đến 30% giá biểu tính thuế nông nghiệp hiện hành trong thời gian 3 năm đối với các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp mà phần lớn hiện nay chưa thật ổn định, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất còn thiếu, thu nhập và đời sống của xã viên còn thấp để hợp tác xã và tập đoàn sử dụng số vốn này xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho sản xuất và phúc lợi công cộng của tập thể (không dùng cho phân phối ăn chia cho xã viên).
Ủy ban nhân dân các huyện, quận có nông nghiệp cần nắm vững và cân nhắc các điều kiện cụ thể theo thực tế của từng hợp tác xã, tập đoàn sản xuất để quyết định mức tỷ lệ thuế linh hoạt trong khung nêu trên đối với từng đơn vị chịu thuế (như tình trạng đất đai tốt xấu, bình quân ruộng đất nhiều ít, tình trạng vốn sản xuất cơ sở vật chất hiện có, v.v..) nhằm bảo đảm sự công bằng hợp lý thoả đáng giữa các đơn vị với nhau và giữa các đơn vị kinh tế tập thể với Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
3/ Về tín dụng ngân hàng :
a/ Áp dụng rộng rãi quy định về tín dụng ngân hàng trong Thông tư số 17/TT-UB ngày 17-6-1981 của Ủy ban nhân dân thành phố, về việc quy định tạm thời một số chánh sách đối với vùng rau chuyên canh thành phố, cho các vùng trồng lúa, cây thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày.
b/ Ưu tiên và tạo mọi dễ dàng cho hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp khi vay vốn sản xuất như giảm bớt thủ tục rườm rà và nhất là cho vay kịp thời vụ sản xuất v…v.
- Hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp phải trả vay đúng thời hạn và tỷ lệ lãi suất theo quy định. Trường hợp do chưa thu hoạch sản phẩm, hoặc thiên tai thất mùa.. thì ngân hàng xét cụ thể từng trường hợp có gia hạn thời gian nộp vay cho các đơn vị kinh tế tập thể.
c/ Nghiên cứu thành lập các hợp tác xã tính dụng nông nghiệp ở tất cả các xã và phường nông nghiệp. Giao cho Ngân hàng thành phố nghiên cứu và trao đổi với Ban Nông nghiệp Thành ủy xây dựng đề án tổ chức, thể lệ gởi và vay tiền, tỷ lệ lãi suất trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt ban hành.
4/Về lương thực :
Áp dụng quy định về giá bán lương thực theo 2 giá trong Thông tư số 17/TT-UB ngày 17-6-1981 của Ủy ban nhân dân về việc quy định tạm thời một số chánh sách đối với vùng rau chuyên canh thành phố, cho các vùng trồng lúa, cây thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày trong phạm vi thành phố.
5/ Về tư liệu sản xuất, vật tư nông nghiệp và thuê phương tiện sản xuất :
a/ Do Nhà nước chưa có đủ vật tư để cân đối cho toàn bộ khu vực sản xuất nông nghiệp, nên khi phân phối cần có chế độ ưu tiên cho các đơn vị hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp.
b/ Về tiền công cho thuê máy cày, máy kéo, bình điện hạ thế, hợp đồng trạm bơm thủy lợi v.v… hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp được tính giá rẻ hơn cá thể từ 20% đến 30% so với giá biểu hiện hành của Nhà nước. Việc quyết định mức tỷ lệ cho từng đơn vị cũng phải được cân nhắc áp dụng tinh thần đã nêu ở trên về phần thuế nông nghiệp.
6/ Về thu mua nông sản phẩm :
Từ nay các loại nông sản phẩm thu mua của các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, các ngành tùy theo tình hình cụ thể, căn cứ vào hệ thống giá thu mua quy định của thành phố tính toán bảo đảm cho đơn vị kinh tế tập thể có mức lời thỏa đáng trên chi phí sản xuất tỷ lệ từ 30 – 50% (tức giá thu mua bằng giá thành sản phẩm cộng 30 - 50% lãi).
7/ Về đầu tư khoa học kỹ thuật :
- Giao cho Ban Khoa học kỹ thuật thành phố chủ trì phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu lên các danh mục công trình nghiên cứu thí nghiệm và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Qua đó, xây dựng kế hoạch ưu tiên đầu tư hàng năm cho các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp nhằm thúc đẩy công tác cải tạo quan hệ sản xuất và phát triển sản xuất hàng năm, trình cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt.
- Giao cho Ban Tổ chức chánh quyền thành phố chủ trì phối hợp với các ngành (Tài chánh, Lao động, Ban Khoa học kỹ thuật cùng trao đổi với Ban Nông nghiệp Thành ủy..) nghiên cứu đề xuất chế độ thù lao, bồi dưỡng theo hướng khuyến khích cán bộ khoa học kỹ thuật tự nguyện về công tác ở các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp và sớm trình cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt.
8/ Về việc “bán trước thu sau, ứng trước nhận sau, vay trước trả sau ” bằng nông sản phẩm :
Từ nay cho phép các ngành ở thành phố có nhiệm vụ quản lý hàng, tiền và vật tư của Nhà nước được áp dụng phương thức : “bán trước thu sau, ứng trước nhận sau, vay trước trả sau ” bằng nông sản phẩm (chủ yếu cho chi phí sản xuất) đối với các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất. Tùy theo tính chất, đặc điểm của từng ngành mà vận dụng cho linh hoạt phù hợp, bảo đảm thúc đẩy sản xuất phát triển, hạn chế các hình thức bóc lột của tư sản, phú nông đối với nông dân và tăng số lượng nông sản phẩm hàng hóa thu mua cho Nhà nứơc.
Đồng thời cũng cần giáo dục cho người nông dân tập thể về nghĩa vụ xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa để áp dụng ngược lại phương thức này đối với Nhà nước khi Nhà nước có gặp trở ngại khó khăn.
9/ Tổ chức thực hiện :
a/ Các chánh sách tạm thời quy định hỗ trợ cho các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp nêu trên, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự cố gắng của thành phố đối với bà con nông dân tập thể, nhưng các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, nông dân tập thể không được ỷ lại vào sự chi viện của Nhà nước mà càng phát huy tinh thần tự lực tự cường, phấn đấu vươn lên là chủ yếu. Các ngành và các địa phương cần giải thích để các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và bà con nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của việc hợp tác hóa nông nghiệp là nhằm xóa bỏ bóc lột và nguồn gốc sinh ra bóc lột, không ngừng phát triển sản xuất, vì lợi ích trước mắt và lâu dài của bản thân người nông dân và của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, qua đó mà khuyến khích và thu hút đông đảo bà con nông dân tự nguyện đi vào con đường làm ăn tập thể, đẩy mạnh sản xuất phát triển và từng bước cải thiện, tiến tới ổn định đời sống vật chất và văn hóa cho nhân dân, tăng tích lũy cho kinh tế tập thể và hoàn thành tốt nhất nghĩa vụ đối với Nhà nước.
b/ Các ngành được giao chuẩn bị nghiên cứu đề xuất thêm một số vấn đề như đã nêu trên (Ban Tổ chức chánh quyền, Sở Lao động, Ngân hàng Thành phố, Sở Tài chánh, Ban Khoa học kỹ thuật..) cần khẩn trương hoàn chỉnh đề án trình cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt.
c/ Các sở, ban, ngành ở thành phố, Ủy ban Kế hoạch, Sở Nông nghiệp, Sở Tài chánh, Sở Thương nghiệp, Sở Lương thực, Ngân hàng thành phố, Công ty Vật tư tổng hợp, Ủy ban Vật giá, Ban Khoa học kỹ thuật, Sở Thủy sản,, Sở Lâm nghiệp, Liên hiệp xã thành phố và Ủy ban nhân dân các huyện và quận có nông nghiệp theo chức năng và nhiệm vụ của từng ngành tổ chức hướng dẫn thực hiện tốt Thông tư này.
d/ Đề nghị các đoàn thể quần chúng và Mặt trận Tổ quốc các cấp, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của đàon thể mình ra sức tuyên truyền vận động quần chúng để thiết thực góp phần củng cố và phát triển quan hệ xã hội chủ nghĩa ở nông thôn.
Nhưng quy định trước đây có điểm nào trái với quy định trong Thông tư này đều bãi bỏ.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |