Nội dung toàn văn Thông tư 10-TLĐL Quy định hướng dẫn chế độ phụ cấp lưu động cán bộ, công nhân, thủy thủ tàu cuốc đi sông, đi biển
BỘ THỦY LỢI VÀ ĐIỆN LỰC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 10-TLĐL | Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 1961 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH, HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP LƯU ĐỘNG CHO CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, THỦY THỦ TÀU CUỐC ĐI SÔNG, ĐI BIỂN
Căn cứ vào thông tư số 07-LĐ/TT ngày 23-02-1961 của Bộ Lao động quy định chế độ phụ cấp lưu động cho công nhân, nhân viên, thủy thủ các tàu đi sông, đi biển;
Căn cứ vào điều kiện làm việc của cán bộ, công nhân, thủy thủ tàu cuốc thuộc xưởng cơ khí Kim mã;
Bộ ra thông tư này hướng dẫn các đơn vị, thi hành phụ cấp lưu động cho cán bộ, công nhân, thủy thủ tàu cuốc.
I. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA
Mức lương của cán bộ, công nhân, thủy thủ tàu cuốc tuy có được nâng lên nhưng chưa phân biệt đãi ngộ được giữa các trường hợp đi lưu động hay đỗ ở biển, do đó Bộ quy định phụ cấp lưu động cho cán bộ, công nhân, thủy thủ tàu cuốc nhằm tăng thêm mức ăn để kịp, thời bồi dưỡng sức khỏe cho anh em.
II. MỨC PHỤ CẤP
- Đi biển - mỗi ngày được hưởng 0đ60
- Đi sông - mỗi ngày được hưởng 0,30
III. NGUYÊN TẮC TÍNH PHỤ CẤP
1. Những ngày làm việc dưới tàu (tàu đang cuốc) hay khi đi sông, đi biển, cán bộ, công nhân, thủy thủ đều được hưởng phụ cấp. Làm việc trên 5 tiếng được tính một ngày, làm việc từ 2 đến 5 tiếng được tính nửa ngày, làm việc dưới 2 tiếng không được tính phụ cấp.
2. Những ngày tàu đỗ ở bến mà cán bộ, công nhân, thủy thủ vẫn phải sửa chữa, tu sửa và vệ sinh trên tàu, những ngày cán bộ, công nhân nghỉ việc vì tàu phải sửa chữa và những ngày cán bộ, công nhân nghỉ lễ hàng năm, nghỉ phép, đi điều trị v.v… đều không được hưởng phụ cấp này.
3. Khoản phụ cấp này không phát trực tiếp cho từng người mà do đơn vị quản lý, sử dụng tăng thêm mức ăn hàng ngày cho anh em.
4. Thông tư này thi hành từ 01-03-1961 và thay thế cho quy định trước đây về phụ cấp cho cán bộ, công nhân, thủy thủ tàu cuốc.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY LỢI VÀ ĐIỆN LỰC |