Thông tư 137/2005/TT-BQP

Thông tư 137/2005/TT-BQP hướng dẫn thực hiện Nghị định 137/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Bộ Quốc phòng ban hành

Thông tư 137/2005/TT-BQP xử phạt vi phạm hành chính vùng biển thềm lục địa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hướng dẫn Nghị định 137/2004/NĐ-CP đã được thay thế bởi Thông tư 130/2014/TT-BQP hướng dẫn 162/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính biển đảo thềm lục địa Việt Nam và được áp dụng kể từ ngày 12/11/2014.

Nội dung toàn văn Thông tư 137/2005/TT-BQP xử phạt vi phạm hành chính vùng biển thềm lục địa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hướng dẫn Nghị định 137/2004/NĐ-CP


BỘ QUỐC PHÒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-----------------

Số:137/2004/NĐ-CP">137/2005/TT-BQP

Hà Nội; ngày 20 tháng 09 năm 2005

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ QUỐC PHÒNG SỐ 137/2004/NĐ-CP">137/2005/TT-BQP NGÀY 20 THÁNG 9 NĂM 2005 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 137/2004/NĐ-CP NGÀY 16 THÁNG 6 NĂM 2004 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN CÁC VÙNG BIỂN VÀ THỀM LỤC ĐỊA CỦA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Để thực hiện Nghị định số 137/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là “Nghị định”), Bộ Quốc phòng hướng dẫn cụ thể như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý Nhà nước trong mọi lĩnh vực, trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà không phải là tội phạm được quy định tại Nghị định và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.

2. Phạm vi áp dụng

Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định được áp dụng trong các lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn; hải quan; thuế; thương mại; bảo vệ môi trường; bảo vệ nguồn lợi thủy sản; bảo vệ tài nguyên khoáng sản; kiểm dịch động thực vật, y tế và các lĩnh vực khác có liên quan trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (trừ các cảng biển).

3. Đối tượng bị xử phạt hành chính

Cá nhân, tổ chức Việt Nam và nước ngoài là các đối tượng bị xử phạt hành chính quy định tại Điều 1 Nghị định, được hiểu như sau:

3.1. Cá nhân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam, bao gồm các đối tượng:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra.

Quân nhân tại ngũ, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện và những người thuộc lực lượng Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với các công dân khác; trong trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng một số giấy phép hoạt động vì mục đích quốc phòng, an ninh thì người xử phạt không trực tiếp xử lý mà đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội, Công an có thẩm quyền xử lý theo thẩm quyền.

3.2. Tổ chức Việt Nam là tổ chức được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân.

3.3. Cá nhân nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam.

3.4. Tổ chức nước ngoài là tổ chức không thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

4. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính

Các nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo Điều 3 Pháp lệnh Xử ký vi phạm hành chính, Điều 3 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sau đây gọi tắt là “Nghị định số 134/2003/NĐ-CP”).

5. Những trường hợp không xử lý vi phạm hành chính

Những trường hợp không xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo Điều 4 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP.

Nếu có dấu hiệu nghi ngờ không thuộc các trường hợp không xử lý vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền xử phạt phải xác minh, làm rõ để ra quyết định xử lý chính xác.

6. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng là căn cứ xác định mức xử phạt

Các tình tiết giảm nhẹ, tình thiết tăng nặng áp dụng trong xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo Điều 8, Điều 9 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Điều 6 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP.

7. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính áp dụng Điều 5 Nghị định và các Điều 7, 8 và Điều 9 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP.

8. Các vấn đề chung khác

Các vấn đề chung khác về xử phạt vi phạm hành chính cần áp dụng Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 134/2003/NĐ-CP và các văn bản khác có liên quan.

Khi áp dụng các văn bản có liên quan nêu tại Thông tư này, nếu có sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo các quy định của văn bản mới.

II. XÁC ĐỊNH HÀNH VI VI PHẠM

1. Hành vi vi phạm quy định tại Điều 7 Nghị định được hiểu như sau:

1.1. Dừng lại hoặc neo đậu trái pháp trong vùng nội thủy, vùng lãnh hải Việt Nam quy định tại Khoản 1 là tàu, thuyền, phương tiện nước ngoài khi được phép đi trong nội thủy hoặc đi qua vùng lãnh hải không được tự ý dừng lại hoặc neo đậu, trừ khi có sự cố về hàng hải, gặp nạn hoặc vì mục đích cứu giúp người, tàu, thuyền, phương tiện đang lâm nguy.

1.2. Gây cản trở quy định tại Khoản 3 là thực hiện các hành vi làm cho các phương tiện giao thông trên biển phải giảm tốc độ, thay đổi hướng đi; tàu, thuyền đánh cá phải thay đổi quy trình thu, thả, dắt lưới; tàu thăm dò địa chấn phải thay đổi lộ trình; làm ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu khoa học, xử lý ô nhiễm môi trường biển, nuôi trồng hải sản và các hoạt động hợp pháp khác trên biển tiến hành không được bình thường.

1.3. Gây nhiễu có hại quy định tại điểm b Khoản 4 là thực hiện các hành vi làm cho các thiết bị như máy ra đa, máy định vị vệ tinh, máy đo sâu, máy vô tuyến, đài phát thanh, máy thăm dò và các loại máy khác ở trên tàu, trên đảo, trên lãnh thổ, trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam không hoạt động được hoặc hoạt động không bình thường.

1.4. Trạng thái bảo quản vũ khí quy định tại Khoản 5 được hiểu là vũ khí không ở trong tình trạng sẵn sàng hoạt động, đạn phải tháo khỏi súng và cất vào hòm đạn có khóa; nòng súng, khóa nòng phải được bảo quản dầu mỡ và cất trong bao hoặc phủ bạt.

2. Khi áp dụng Điều 9 Nghị định cần chú ý:

Các hoạt động nghiên cứu khoa học của cá nhân, tổ chức nước ngoài bao gồm: các hoạt động điều tra, thăm dò, nghiên cứu tài nguyên, các điều kiện tự nhiên môi trường biển và các lĩnh vực khác trong vùng nước trên đáy biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển và vùng trời trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học trên đã được phép của cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà có hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định tại các Khoản 1, 2 và Khoản 3 Điều 9 Nghị định.

Đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học trên chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị xử phạt theo quy định tại Khoản 5, điểm b Khoản 6 Điều 10 Nghị định.

3. Hành vi vi phạm quy định tại Điều 11 Nghị định được hiểu như sau:

3.1. Các hành vi sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Khoản 1 là hút, tiêm chích, hít, ngửi, uống, ngậm, nuốt hoặc bất kỳ hình thức nào khác nhằm đưa chất ma túy vào cơ thể.

3.2. Các hành vi khác về lĩnh vực phòng, chống ma túy quy định tại Khoản 2 bao gồm

- Các hoạt động nghiên cứu, giám định, sản xuất, vận chuyển, bảo quản, tàng trữ, mua bán, phân phối, trao đổi, nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh các chất ma túy, tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần không được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép;

- Hành vi trả thù hoặc cản trở, chống lại người có trách nhiệm hoặc người tham gia phòng, chống ma túy;

- Tổ chức, xúi giục, cưỡng bức lôi kéo; chứa chấp, chuẩn bị ma túy, dụng cụ, phương tiện, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy.

4. Khi áp dụng Điều 12 Nghị định cần chú ý:

4.1. Các loại tàu biển bắt buộc phải đăng ký theo quy định

Các loại tàu biển bắt buộc phải đăng ký tàu biển được áp dụng theo quy định tại Điều 2 của Quy chế đăng ký tàu biển và thuyền viên được ban hành kèm theo Nghị định số 91/CP ngày 23/8/1997 của Chính phủ bao gồm:

- Tàu biển có trang bị động cơ với công suất máy chính từ 75 CV trở lên;

- Tàu biển không có động cơ, nhưng có dung tích toàn phần từ 50 GRT trở lên hoặc có trọng tải từ 100 DWT trở lên hoặc có chiều dài đường nước thiết kế từ 20 m trở lên;

- Tàu biển khác nhỏ hơn các loại quy định nêu trên nhưng hoạt động tuyến nước ngoài;

- Các tàu biển chuyên dùng đánh bắt, chế biến và vận chuyển thủy hải sản trong nước.

Các tàu biển chuyên dùng vào mục đích quân sự, an ninh thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và thuyền viên làm việc trên các loại tàu đó được đăng ký theo quy định riêng, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế đăng ký tàu biển và thuyền viên.

4.2. Về chứng chỉ chuyên môn hàng hải

Các quy định về chứng chỉ chuyên môn hàng hải của thuyền viên được áp dụng theo Quyết định số 1387/1998/QĐ-BGTVT ngày 03/6/1998 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chế huấn luyện - cấp chứng chỉ chuyên môn và đảm nhận chức danh thuyền viên trên tàu biển Việt Nam.

5. Khi áp dụng Điều 13 Nghị định cần chú ý:

5.1. Nhật ký tàu được nêu tại Điểm c Khoản 2 được hiểu là hệ thống các loại sổ nhật ký và sổ ghi chép được quy định tại Điều 1 của Quyết định số 306/QĐ-PCHH ngày 03/5/1994 của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam về việc ban hành mẫu nhật ký các loại tàu biển, bao gồm:

Nhật ký Hàng hải;

Nhật ký Thủy thủ trực ca;

Nhật ký máy tàu biển;

Nhật ký dầu.

5.2. Các loại giấy chứng nhận cấp cho tàu trong lĩnh vực an toàn hàng hải nêu tại Điểm d Khoản 2 được hiểu là các loại giấy chứng nhận về tình trạng kỹ thuật và phân cấp tàu do cơ quan Đăng kiểm cấp cho tàu.

5.3. Khung định biên an toàn tối thiểu nêu tại Điểm b Khoản 3 được áp dụng theo các quy định của Quyết định số 1581/1999/QĐ-BGTVT ngày 30/6/1999 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành khung định biên an toàn tối thiểu cho tàu biển Việt Nam. Tuy nhiên, cần chú ý vận dụng xác định hành vi vi phạm quy định tại Quyết định số 170/2004/QĐ-BGTVT ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, bởi theo quyết định này, 01 Sĩ quan boong sẽ được dự kiến kiêm nhiệm chức danh Sĩ quan an ninh tàu biển.

6. Khi áp dụng Điều 15 Nghị định cần thực hiện theo quy định tại các văn bản sau:

Quyết định số 1533/QĐ-VT ngày 06/08/1991 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện về việc áp dụng quy tắc phòng ngừa va chạm tàu, thuyền trên biển.

Quyết định số 49/QĐ-VT ngày 09/01/1993 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về quy tắc báo hiệu Hàng hải Việt Nam.

7. Khi áp dụng Điều 17 Nghị định cần chú ý:

7.1. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện lệnh điều động nêu tại Khoản 1 và Khoản 3 bao gồm:

Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn;

Ủy ban nhân dân các cấp;

Cục cảnh sát biển;

Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng;

Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải Việt Nam;

Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải khu vực I, II, III.

7.2. Các quy định về tìm kiếm, cứu nạn hàng hải nêu tại Khoản 2 được quy định trong Bộ Luật Hàng hải và các văn bản khác có liên quan.

8. Khi áp dụng Điều 18 Nghị định cần chú ý:

Tài sản chìm đắm ở biển bao gồm các loại tàu biển, hàng hóa hoặc các loại vật thể khác, không phân biệt nguồn gốc, giá trị, đặc tính, hình thức sở hữu và thời gian bị chìm đắm ở nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, trôi nổi trên biển hoặc dạt vào bờ biển Việt Nam.

Khi xác định hành vi vi phạm cần vận dụng các quy định của Nghị định số 39/1998/ NĐ-CP ngày 10/06/1998 của Chính phủ về xử lý tài sản chìm đắm trên biển và Chương XII của Bộ Luật hàng hải.

9. Khi áp dụng Điều 19 Nghị định cần chú ý:

9.1. Khoản 1, Khoản 2 thực hiện theo các quy định tại các văn bản sau:

Phụ lục I (những quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do dầu) của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL 73/78).

Quy phạm các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu, Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6276: 2003 (sau đây gọi tắt là “TCVN 6276: 2003”).

9.2. Điểm a Khoản 3 cần chú ý xác định các hành vi sau:

9.2.1. Thải các loại rác, chất thải xuống biển gồm:

Xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, độc hại gây bệnh vào nước biển;

Các dạng chất dẻo (gồm cả dây bằng vật liệu tổng hợp, lưới đánh cá bằng vật liệu tổng hợp và bao gói chứa rác bằng chất dẻo);

Các vật liệu bọc, lót và đóng gói nổi được trên mặt nước trong phạm vi 25 hải lý tính từ đường cơ sở;

Các loại giấy, giẻ, thủy tinh, kim loại, chai lọ, đồ sành sứ và các loại chất thải tương tự; thức ăn bỏ đi không được nghiền hoặc xay trong phạm vi 12 hải lý tính từ đường cơ sở;

Các loại rác khác (gồm giấy, giẻ, thủy tinh, thức ăn bỏ đi v.v...) được xay hoặc nghiền nhỏ trong phạm vi 3 hải lý tính từ đường cơ sở;

Các loại rác đã nêu trên (trừ trường hợp thức ăn bỏ đi được nghiền hoặc xay) trong phạm vi cách các công trình biển dưới 500m.

Thức ăn bỏ đi được nghiền hoặc xay trong phạm vi 12 hải lý tính từ đường cơ sở đối với các tàu cách công trình biển dưới 500m.

9.2.2. Thải các loại cặn bẩn hoặc nước thải có lẫn dầu và các chất độc hại xuống biển gồm:

Dầu hoặc hỗn hợp chứa dầu trong phạm vi 50 hải lý tính từ đường cơ sở;

Chất lỏng độc hại loại A, B, C, D; nước dằn, nước rửa, các cặn khác hoặc các hỗn hợp chứa các chất này trong phạm vi 12 hải lý tính từ đường cơ sở;

+ Chất lỏng độc hại loại A là chất khi thải xuống biển được tích tụ trong sinh vật biển hoặc cơ thể con người gây ra mối nguy hiểm lớn, được nêu trong TCVN 6276: 2003 và các chất tạm thời được đánh giá như chất loại A;

+ Chất lỏng độc hại loại B là chất có khả năng tích tụ một tuần hoặc ít hơn, được nêu trong TCVN 6276:2003 và các chất tạm thời được đánh giá như chất loại B;

+ Chất lỏng độc hại loại C là chất có khả năng gây nên vài mức độ nguy hiểm nhỏ cho sinh vật biển, được nêu trong TCVN 6276:2003 và các chất tạm thời được đánh giá như chất loại C;

+ Chất lỏng độc hại loại D là chất có khả năng gây nên vài mức độ có thể gọi là nguy hiểm cho sinh vật biển, được nêu trong TCVN 6276: 2003 và các chất tạm thời được đánh giá như chất loại D;

9.3. Xác định hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 3 cần thực hiện theo quy định tại các văn bản sau:

Phụ lục I, II Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm biển do tàu gây ra (MARPOL 73/78);

Các chất là chất độc hại được liệt kê trong TCVN 6276:2003, Phụ lục 1:1 của Thông tư số 1350/TT-KCM ngày 02/8/1995 của Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 02/CP ngày 05/01/1995 của Chính phủ đối với hàng hóa là chất độc mạnh, chất phóng xạ, phế liệu, phế thải kim loại và phế liệu, phế thải có hóa chất độc hại và một số loại vật tư kỹ thuật cao cấp kinh doanh có điều kiện ở thị trường trong nước (Sau đây gọi tắt là “Thông tư số 1350/TT-KCM”);

Pháp lệnh an toàn và kiểm soát bức xạ ngày 25/06/1996;

+ Chất phóng xạ là chất ở thể rắn, lỏng hoặc khí có hoạt độ phóng xạ riêng lớn hơn 70 kilo Beccơren trên kilogam (70 Kbq/kg);

+ Chất thải phóng xạ là chất thải có hoạt độ phóng xạ riêng như chất phóng xạ;

Quy chế quản lý chất thải nguy hại ban hành kèm theo Quyết định số 155/1999/QĐ-TTg ngày 16/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ;

Chất thải nguy hại là chất thải có chứa các chất hoặc hợp chất có một trong các đặc tính gây nguy hại trực tiếp (dễ cháy, dễ nổ, làm ngộ độc, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm và các đặc tính gây nguy hại khác) hoặc tương tác với các chất khác gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người.

Ngoài các văn bản quy định nêu trên đây còn phải áp dụng các văn bản khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

9.4. Vi phạm các quy định khác về phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển do tàu, thuyền gây ra theo Điểm c Khoản 3 bao gồm:

Thải xuống biển dầu hoặc hỗn hợp chứa dầu khi tàu không chạy;

Thải xuống biển các loại chất lỏng độc hại A, B, C, D; nước dằn, nước rửa, nước cặn khác hoặc hỗn hợp chứa các chất này khi tàu chạy với vận tốc dưới 7 hải lý/giờ hoặc với vận tốc dưới 4 hải lý/giờ đối với tàu không tự chạy;

Thải các chất độc hại loại A, B, C; nước dằn, nước rửa, các cặn khác hoặc hỗn hợp chứa các chất này ở các khu vực biển có độ sâu dưới 25m;

Thải cặn dầu, nước thải la canh từ buồng máy lẫn với cặn dầu xuống biển.

10. Khi áp dụng Điều 20 Nghị định cần chú ý:

10.1. Xác định hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1 thực hiện theo quy định 9 (Nhật ký làm hàng) của Phụ lục II Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm biển do tàu gây ra (MARPOL 73/78),

10.2. Điểm c Khoản 1 cần chú ý:

Đối với chất độc hại được chuyên chở ở dạng chất lỏng độc chở xô, phải có bản danh mục chất lỏng độc mà tàu được phép chuyên chở.

Chất độc hại được chuyên chở không phải ở dạng chất lỏng độc chở xô, phải có bản danh mục đặc biệt hoặc bản kê khai được lập phù hợp với sự phân loại nêu ở quy định 2 của Phần II Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS 74).

10.3. Đối với Điểm d Khoản 1 cần chú ý:

Các đặc tính cần thiết của hàng hóa độc hại đang được chuyên chở bao gồm: tên kỹ thuật chính xác và tên thương phẩm của chất độc hại đang được chuyên chở; đặc tính hóa lý như khả năng bốc hơi, nhiệt độ bốc cháy, khả năng gây nổ, hoạt độ, những ảnh hưởng có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người; số lượng kiện, gói hoặc trọng lượng.

10.4. Vi phạm các quy định khác khi vận chuyển các chất độc hại theo Điểm đ Khoản 1 bao gồm vi phạm các quy định tại các văn bản sau:

Quy định 13 và 14 Phụ lục II Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm biển do tàu gây ra (MARPOL 73/78);

Phụ lục 1.1, hàng hóa là hóa chất độc mạnh kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Thông tư số 1350/TT-KCM;

Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5507:2002 Hóa chất nguy hiểm (Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển).

10.5. Điểm a Khoản 2 cần chú ý:

Không có giấy phép vận chuyển các chất độc hại được hiểu chung là vi phạm về: không có giấy phép, giấy phép giả, quá hạn, giấy do cơ quan không đúng thẩm quyền cấp.

11. Khi áp dụng Điều 21 Nghị định cần chú ý:

11.1. Đối với Điểm a Khoản 1:

Vận chuyển chất thải và các chất gây ô nhiễm môi trường không theo đúng các quy định về bảo vệ môi trường là trong quá trình vận chuyển chất thải các trang thiết bị, phương tiện không đảm bảo an toàn, gây rò rỉ phát tán vào môi trường xung quanh, gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người; không có thiết bị báo động và các phương tiện xử lý khi có sự cố.

11.2. Đối với Điểm a Khoản 2:

Không có giấy phép vận chuyển chất thải nguy hại, chất thải phóng xạ quy định tại Điểm a Khoản 2 được hiểu chung là vi phạm về: không có giấy phép, giấy phép giả, quá hạn, giấy do cơ quan không đúng thẩm quyền cấp.

11.3. Đối với Điểm a Khoản 3 cần thực hiện theo quy định tại các văn bản sau:

- Chương III của Quyết định số 155/1999/QĐ-TTg ngày 16/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể các yêu cầu an toàn kỹ thuật của phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại và trách nhiệm của chủ vận chuyển chất thải nguy hại;

- Phụ lục 1.2, hàng hoá phóng xạ kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Thông tư số 1350/TT-KCM;

III. HƯỚNG DẪN VỀ THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT; ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH; GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

1. Các hành vi và lĩnh vực thuộc thẩm quyền xử phạt của Lực lượng Cảnh sát biển được quy định tại Điều 23 Nghị định bao gồm:

1.1. Các hành vi quy định tại Chương II Nghị định:

1.2. Các hành vi vi phạm quy định tại Điều 21 (trừ các Điểm b và c Khoản 1, Điểm c và d Khoản 2) Nghị định số 49/CP ngày 15 tháng 08 năm 1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự.

1.3. Các hành vi vi phạm quy định tại Điều 10 và Điều 14 Nghị định số 138/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan.

1.4. Các hành vi vi phạm quy định tại Điều 10 và Điều 11 Nghị định số 100/2004/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2004 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế.

1.5. Các hành vi vi phạm quy định tại các Điều 13, 16, 17, 18, 27, 28, 29, 30 và Điều 31 Nghị định số 175/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại.

1.6. Các hành vi vi phạm quy định tại các Điều 18, 19 và Điều 23 Nghị định số 121/2004/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

1.7. Các hành vi vi phạm quy định tại các Điều 8, 9, 10, 11 và Điều 18 Nghị định số 70/2003/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản; để áp dụng các điều tại Nghị định này cần căn cứ vào Điểm 1, 2, 3 và Điểm 4 mục II của Thông tư số 70/2003/NĐ-CP">02/2004/TT-BTS ngày 22/3/2004 của Bộ Thuỷ sản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 70/2003/NĐ-CP ngày 17/6/2003 của Chính phủ.

1.8. Các hành vi vi phạm quy định tại các Điều 8, 9, 10, 11 và Điều 13 Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về khoáng sản.

1.9. Các hành vi vi phạm quy định tại Điều 7 Nghị định số 46/NĐ-CP ngày 06/8/1996 của Chính phủ về Quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về y tế.

1.10. Các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 8; Điều 9; các Khoản 1,2, 3 (các Điểm a, b và Điểm c), 4 và Khoản 6 Điều 10; Khoản 3 Điều 11; các Điểm b, c và Điểm d Khoản 1 và Khoản 4 Điều 15; Điều 16 và Điều 18 Nghị định số 26/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2003 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

1.11. Các hành vi vi phạm quy định tại các Điểm a và Điểm c Khoản 1 Điều 1; các Điểm a, b và Điểm e Khoản 1, các Điểm a, b, c, d và Điểm đ Khoản 2 Điều 2; các Điểm c, d, đ, e, g và Điểm i Khoản 1 Điều 3; Điểm a Khoản 1 Điều 4 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong công tác thú y ban hành kèm theo Nghị định số 93/CP ngày 27/11/1993 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Pháp lệnh thú y.

1.12. Các hành vi vi phạm quy định tại các nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực có liên quan.

2. Thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, các biện pháp khắc phục hậu quả và biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 24 Nghị định

2.1. Về thẩm quyền xử phạt

Chỉ những người được quy định tại Điều 23 và Điều 25 mới có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định trong Nghị định này.

Việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo nguyên tắc sau:

2.1.1. Nếu một trong các hành vi vi phạm hành chính trong một vụ vi phạm mà có liên quan đến các hành vi vi phạm khác không thuộc thẩm quyền xử phạt của cấp mình thì hoàn chỉnh hồ sơ và chuyển đến cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt.

2.1.2. Trong trường hợp phạt tiền, việc xác định thẩm quyền xử phạt đối với mỗi hành vi vi phạm phải căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.

2.1.3. Đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều lực lượng khác nhau, nếu lực lượng nào phát hiện lập biên bản đầu tiên thì lực lượng đó ra quyết định xử phạt; nếu có tranh chấp về thẩm quyền thì quyền xử phạt thuộc chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.

2.1.4. Các trường hợp xử phạt đối với cá nhân, tổ chức người nước ngoài thuộc thẩm quyền của cấp dưới đều phải báo cáo Cục trưởng Cục Cảnh sát biển trước khi ra quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.

2.1.5. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức nước ngoài có nhiều tình tiết phức tạp thì Cục trưởng Cục Cảnh sát biển báo cáo với Bộ Quốc phòng và thông báo cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Nhà nước phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.

2.1.6. Đối với hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì Lực lượng Cảnh sát biển hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định của pháp luật sau đó chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.

2.2. Về thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn

Chỉ những người được quy định tại Khoản 1 Điều 24 và những người có thẩm quyền quy định tại Điều 25 Nghị định mới có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính. Khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn, người có thẩm quyền phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại Điều 44 đến Điều 52 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo thủ tục hành chính bao gồm:

- Tạm giữ người;

- Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm;

- Khám người;

- Khám phương tiện vận tải, đồ vật;

- Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

2.2.1. Tạm giữ người theo thủ tục hành chính:

Khi tạm giữ người theo thủ tục hành chính tuân theo quy định tại các Điều 44 và Điều 45 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 162/2004/NĐ-CP ngày 07/9/2004 của Chính phủ ban hành Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính.

Việc tạm giữ người chỉ được áp dụng trong trường hợp cần thu thập, xác minh những tình tiết quan trọng làm căn cứ để quyết định xử lý hành chính; cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác hoặc bắt giữ người theo quyết định truy tìm của người có thẩm quyền theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Thời hạn tạm giữ người vi phạm hành chính trong các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam không được quá 48 giờ kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

Theo yêu cầu của người bị tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho người thân trong gia đình, cơ quan nơi làm việc hoặc học tập của họ biết. Khi tạm giữ người chưa thành niên vi phạm hành chính trên 6 giờ thì người ra quyết định tạm giữ nhất thiết phải thông báo ngay cho cha mẹ hoặc người giám hộ của họ biết.

Khi tạm giữ người nước ngoài vi phạm thì Cục trưởng Cục Cảnh sát biển phải báo cáo Bộ Quốc phòng và thông báo cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.

Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.

Nghiêm cấm việc giữ người vi phạm hành chính trong các nhà tạm giữ, phòng tạm giam hình sự hoặc những nơi không đảm bảo vệ sinh, an toàn cho người bị tạm giữ.

2.2.2. Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn ngay vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ quyết định xử lý hoặc ngăn chặn ngay vi phạm hành chính.

Thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, vi phạm hành chính là Hải đội trưởng Cảnh sát biển.

Trong trường hợp tạng vật, phương tiện vi phạm cần được niêm phong thì phải có sự chứng kiến của người vi phạm hoặc đại diện gia đình, đại diện tổ chức, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến, những người có tên trên phải ký vào biên bản niêm phong.

Đối với tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng bạc, đá quý, kim khí quý, các chất ma tuý và những vật thuộc chế độ quản lý đặc biệt khác, thì việc bảo quản được thực hiện theo quy định của pháp luật với các loại đó.

Đối với tang vật vi phạm hành chính là loại hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người ra quyết định tạm giữ xử lý theo quy định tại Khoản 3 Điều 61 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Trong thời hạn không quá 10 ngày, kể từ ngày tạm giữ, người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phải xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo những biện pháp ghi trong quyết định xử lý hoặc trả lại cho cá nhân, tổ chức sử dụng, nếu không áp dụng hình thức phạt tịch thu đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể được kéo dài đối với những vụ việc phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không được quá 60 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm.

Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản và phải được lập biên bản. Quyết định và biên bản được giao cho người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm một bản.

2.2.3. Khám người theo thủ tục hành chính:

Việc khám người theo thủ tục hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng người đó cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện vi phạm hành chính.

Hải đội trưởng Cảnh sát biển có quyền ra quyết định khám người theo thủ tục hành chính. Trong trường hợp có căn cứ cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện vi phạm hành chính có thể bị tẩu tán, tiêu huỷ thì Cảnh sát viên Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển được khám người theo thủ tục hành chính và báo cáo ngay bằng văn bản cho Đội trưởng Đội nghiệp vụ hoặc Hải đội trưởng phụ trách biên đội và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khám người.

Trước khi tiến hành khám người, người khám phải thông báo quyết định cho người bị khám biết. Khi khám người phải thực hiện nguyên tắc nam khám nam, nữ khám nữ và phải có người cùng giới chứng kiến.

Mọi trường hợp khám người đều phải lập biên bản và phải giao cho người bị khám một bản.

2.2.4. Khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính:

Việc khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng trong phương tiện vận tải, đồ vật có cất giấu tang vật vi phạm hành chính.

Hải đội trưởng, Cảnh sát viên đội nghiệp vụ Cảnh sát biển đang thi hành công vụ có quyền khám phương tiện vận tải, đồ vật trong phạm vi thẩm quyền của mình.

Khi tiến hành khám phương tiện vận tải, đồ vật phải có mặt chủ phương tiện vận tải, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vận tải và một người chứng kiến; trong trường hợp chủ phương tiện, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vắng mặt thì phải có hai người chứng kiến.

Mọi trường hợp khám phương tiện vận tải, đồ vật đều phải lập biên bản và phải giao cho cho chủ phương tiện vận tải, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vận tải một bản.

2.2.5. Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính:

Hải đội trưởng Cảnh sát biển có quyền ra lệnh khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là nơi ở thì quyết định khám phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện trước khi tiến hành.

Khi khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có mặt người chủ nơi bị khám hoặc người thành niên trong gia đình họ và có người chứng kiến; trong trường hợp chủ nơi bị khám hoặc người thành niên trong gia đình vắng mặt mà việc khám không thể trì hoãn thì phải có đại diện của chính quyền địa phương và hai người chứng kiến.

Không được khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm vào ban đêm trừ trường hợp khẩn cấp, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Mọi trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản. Quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và biên bản phải giao cho người chủ nơi bị khám một bản.

3. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và thi hành quyết định xử phạt

Khi xử phạt vi phạm hành chính người có thẩm quyền phải thực hiện đúng theo quy định tại Chương VI của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Chương IV Nghị định số 134/2003/ NĐ-CP.

Trường hợp xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu thì áp dụng theo Thông tư số 72/2004/TT-BTC ngày 15/7/2004 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính.

4. Về giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm

4.1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại về quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại của cơ quan người thẩm quyền, cá nhân tổ chức bị xử phạt vẫn phải thi hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp phải tháo dỡ công trình xây dựng.

Trường hợp cá nhân, tổ chức khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cao hơn theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại toà án theo quy định của pháp luật.

4.2. Cá nhân có quyền tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định này của các cá nhân, tổ chức khác theo những quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

4.3. Cá nhân có quyền tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP.

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định mà sách nhiễu, dung túng, bao che thì bị xử lý theo quy định tại Điều 121 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ đội biên phòng, các Quân khu ven biển phối hợp với Lực lượng Cảnh sát biển tổ chức thực hiện Nghị định và Thông tư này.

2. Cục Cảnh sát biển có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết bằng văn bản tới các lực lượng thuộc quyền, tổ chức kiểm tra việc thực hiện Nghị định và Thông tư này.

3. Cục Cảnh sát biển biên soạn và áp dụng các mẫu biểu về xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

4. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo, bãi bỏ Thông tư số 3956/1999/TT-BQP ngày 31/12/1999 của Bộ Quốc phòng về Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/1999/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 1999 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Nguyễn Văn Được

(Đã ký)

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 137/2005/TT-BQP

Loại văn bản Thông tư
Số hiệu 137/2005/TT-BQP
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành 20/09/2005
Ngày hiệu lực 13/10/2005
Ngày công báo 28/09/2005
Số công báo Từ số 42 đến số 43
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường, Vi phạm hành chính
Tình trạng hiệu lực Hết hiệu lực 12/11/2014
Cập nhật 7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 137/2005/TT-BQP

Lược đồ Thông tư 137/2005/TT-BQP xử phạt vi phạm hành chính vùng biển thềm lục địa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hướng dẫn Nghị định 137/2004/NĐ-CP


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

Văn bản liên quan ngôn ngữ

Văn bản sửa đổi, bổ sung

Văn bản bị đính chính

Văn bản đính chính

Văn bản bị thay thế

Văn bản hiện thời

Thông tư 137/2005/TT-BQP xử phạt vi phạm hành chính vùng biển thềm lục địa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hướng dẫn Nghị định 137/2004/NĐ-CP
Loại văn bản Thông tư
Số hiệu 137/2005/TT-BQP
Cơ quan ban hành Bộ Quốc phòng
Người ký Nguyễn Văn Được
Ngày ban hành 20/09/2005
Ngày hiệu lực 13/10/2005
Ngày công báo 28/09/2005
Số công báo Từ số 42 đến số 43
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường, Vi phạm hành chính
Tình trạng hiệu lực Hết hiệu lực 12/11/2014
Cập nhật 7 năm trước

Văn bản được dẫn chiếu

Văn bản hướng dẫn

Văn bản được hợp nhất

Văn bản được căn cứ

Văn bản hợp nhất

Văn bản gốc Thông tư 137/2005/TT-BQP xử phạt vi phạm hành chính vùng biển thềm lục địa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hướng dẫn Nghị định 137/2004/NĐ-CP

Lịch sử hiệu lực Thông tư 137/2005/TT-BQP xử phạt vi phạm hành chính vùng biển thềm lục địa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hướng dẫn Nghị định 137/2004/NĐ-CP