Thông tư 15/2007/TT-BYT hướng dẫn quyền tự chủ chịu trách nhiệm sử dụng tài sản liên doanh liên kết góp vốn mua sắm trang thiết bị cơ sở y tế công lập đã được thay thế bởi Thông tư 25/2018/TT-BYT bãi bỏ văn bản pháp luật trong lĩnh vực y tế và được áp dụng kể từ ngày 15/11/2018.
Nội dung toàn văn Thông tư 15/2007/TT-BYT hướng dẫn quyền tự chủ chịu trách nhiệm sử dụng tài sản liên doanh liên kết góp vốn mua sắm trang thiết bị cơ sở y tế công lập
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2007/TT-BYT | Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2007 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYỀN TỰ CHỦ, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ VIỆC SỬ DỤNG TÀI SẢN ĐỂ LIÊN DOANH, LIÊN KẾT HOẶC GÓP VỐN LIÊN DOANH ĐỂ MUA SẮM TRANG THIẾT BỊ PHỤC VỤ HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ CỦA CÁC CƠ SỞ Y TẾ CÔNG LẬP
Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao;
Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ công văn số 16586/BTC-HCSN ngày 05/12/2007 của Bộ Tài chính; Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG
1. Đối tượng được thực hiện các quy định tại Thông tư này gồm:
a) Các cơ sở y tế công lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập (kể cả các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Y tế quản lý), là đơn vị dự toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng, có tổ chức bộ máy kế toán theo quy định của Luật Kế toán được liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội và đúng với quy định của pháp luật;
b) Các cơ sở y tế công lập được cơ quan có thẩm quyền phân loại là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động, đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động được sử dụng tài sản để góp vốn liên doanh với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội và đúng với quy định của pháp luật;
c) Tổ chức sự nghiệp thuộc đơn vị sự nghiệp công lập, được thành lập để hoạt động dịch vụ theo nguyên tắc tự bảo đảm kinh phí hoạt động, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp với phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
d) Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia góp vốn bằng tiền hoặc tài sản để liên doanh, liên kết thực hiện các hoạt động dịch vụ.
2. Các hình thức sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh giữa cơ sở y tế công lập và các tổ chức, cá nhân (sau đây gọi là đối tác) để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ thực hiện theo quy định của Thông tư này gồm:
a) Hình thức phía đối tác và cơ sở y tế sử dụng tài sản là trang thiết bị, nhà cửa, cơ sở hạ tầng để liên doanh, liên kết tổ chức các hoạt động dịch vụ, hạch toán riêng các chi phí và phân chia thu nhập theo tỷ lệ góp vốn, mức độ tham gia của các bên.
b) Hình thức cơ sở y tế công lập và phía đối tác liên doanh cùng góp vốn bằng tiền để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ.
c) Hình thức phía đối tác đầu tư lắp đặt trang thiết bị, cơ sở y tế công lập tổ chức hoạt động cung cấp dịch vụ, trả phía đối tác theo số lượng dịch vụ đã thực hiện (thuê thiết bị và trả chi phí thuê theo dịch vụ).
3. Các hoạt động dịch vụ theo quy định tại Thông tư này gồm: khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, y tế dự phòng, đào tạo, nghiên cứu khoa học, sàng lọc và cung cấp các chế phẩm từ màu, vắc xin, sinh phẩm; các dịch vụ như: giặt là, ăn uống, đưa đón bệnh nhân và các hoạt động phụ trợ khác.
II. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG
1. Việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh mua sắm trang thiết bị để hoạt động dịch vụ phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng của đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, với quy hoạch phát triển tổng thể của đơn vị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền giao cho đơn vị.
2. Trang thiết bị để triển khai các kỹ thuật phải phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật của đơn vị. Những thiết bị để triển khai các kỹ thuật vượt quá phạm vi quy định của tuyến chuyên môn kỹ thuật, đơn vị phải trình lên cơ quan quản lý cấp trên thẩm định và phê duyệt theo quy định phân tuyến kỹ thuật và danh mục kỹ thuật trong khám chữa bệnh được ban hành kèm theo Quyết định số 23/2005/QĐ-BYT ngày 30/08/2005 của trưởng Bộ Y tế.
3. Việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh phải đảm bảo hiệu quả kinh tế; đảm bảo nguyên tắc kết hợp hài hòa lợi ích giữa đơn vị, người bệnh và các bên đối tác.
4. Mức thu của các hoạt động dịch vụ do Thủ trưởng đơn vị và các bên đối tác thống nhất quyết định trên nguyên tắc bảo đảm bù đắp đủ các chi phí và có tích lũy hợp lý.
5. Thực hiện tính, trích khấu hao thiết bị, tài sản vào chi phí của dịch vụ theo chế độ khấu hao áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước quy định tại Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trường hợp đặc biệt, Thủ trưởng đơn vị được quyết định tỷ lệ khấu hao cao hơn quy định nhằm thu hồi vốn kịp thời đối với các tài sản sớm lạc hậu về công nghệ nhưng phải đảm bảo giá dịch vụ không được cao hơn trường hợp khấu hao tài sản cố định theo tỷ lệ bình thường và không được vượt quá 50% tỷ lệ khấu hao tài sản cố định xác định theo phương pháp đường thẳng của tài sản đó. Khi khấu hao nhanh, đơn vị phải đảm bảo bù đắp chi phí hoạt động và có tích lũy, phù hợp với khả năng chi trả của người bệnh.
6. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước theo quy định hiện hành của pháp luật.
7. Các đơn vị có trách nhiệm niêm yết công khai danh mục và mức thu của các dịch vụ từ các hoạt động liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để người bệnh biết, lựa chọn. Nghiêm cấm các đơn vị gợi ý, ép buộc người bệnh sử dụng các dịch vụ kỹ thuật y tế bằng thiết bị liên doanh, liên kết trong khi tại đơn vị có loại thiết bị đó và còn đủ khả năng đáp ứng.
8. Nguồn vốn để liên doanh liên kết của các đơn vị được trích từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; vốn vay; vốn huy động của cán bộ, người lao động trong đơn vị. Trường hợp sử dụng tài sản của đơn vị phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công (hiện nay theo quy định tại Điều 11, Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập).
III. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Về chủ trương và thẩm quyền phê duyệt Đề án:
a) Chủ trương sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ phải được thảo luận công khai, dân chủ và thống nhất bằng văn bản giữa Ban Giám đốc, Đảng ủy và tổ chức công đoàn của đơn vị.
b) Sau khi thống nhất về chủ trương, các đơn vị phải tổ chức lựa chọn đối tác, lựa chọn chủng loại thiết bị, hình thức liên doanh liên kết theo các quy định tại Thông tư này.
c) Phối hợp với các bên đối tác xây dựng Đề án sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; Đề án phải đầy đủ các nội dung theo quy định tại mục IV của Thông tư này. Đề án do Thủ trưởng đơn vị phê duyệt sau khi có thống nhất bằng văn bản giữa chính quyền, Đảng ủy và tổ chức công đoàn của đơn vị. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và trước pháp luật về việc phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án.
d) Các đơn vị phải gửi Đề án về cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp sau khi phê duyệt để theo dõi, kiểm tra và giám sát. Trường hợp Đề án có những nội dung không phù hợp với các quy định của Nhà nước thì trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp phải có ý kiến bằng văn bản yêu cầu đơn vị điều chỉnh lại cho phù hợp.
2. Lựa chọn đối tác:
a) Các đối tác tham gia liên doanh, liên kết, hợp tác lắp đặt thiết bị hoặc góp vốn liên doanh phải có tư cách pháp nhân, có đủ năng lực về tài chính, trừ các trường hợp huy động vốn góp của cán bộ, viên chức, người lao động trong đơn vị.
b) Việc lựa chọn đối tác phải trên nguyên tắc: có sự thảo luận công khai, dân chủ và thống nhất giữa đảng ủy, ban giám đốc và tổ chức công đoàn của đơn vị; khuyến khích các đơn vị mời nhiều đối tác tham gia để thương thảo và lựa chọn đối tác đáp ứng yêu cầu trong việc tổ chức hoạt động dịch vụ và bảo đảm lợi ích cho đơn vị và người bệnh.
3. Về trang thiết bị:
a) Trang thiết bị do phía đối tác đầu tư lắp đặt để thực hiện Đề án liên doanh, liên kết cùng khai thác phải là các loại trang thiết bị mới 100%, thuộc thế hệ tiên tiến, có khả năng nâng cấp, có chứng chỉ chất lượng, xuất xứ hàng hóa. Đối với các thiết bị chuyên khoa có yêu cầu đặc biệt khác, (các thiết bị phát tia bức xạ, thiết bị xạ trị) phải theo đúng quy định của pháp luật về an toàn bức xạ và được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
b) Không được nhận liên kết, lắp đặt các thiết bị y tế cũ đã qua sử dụng; chưa được Bộ Y tế cho phép nhập khẩu theo quy định. Trừ trường hợp các cơ sở y tế công lập sử dụng các tài sản của mình để tham gia liên doanh, liên kết.
c) Đối với những trang thiết bị y tế có sử dụng công nghệ, kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị như: Hệ thống chụp mạch, cộng hưởng từ, chụp cắt lớp điện toán, các thiết bị xạ trị (bao gồm: hệ thống Co-ban 60, gia tốc tuyến tính, Gamma knife, Cyber knife), thiết bị tán sỏi ngoải cơ thể, Laser Eximer (danh mục thiết bị này sẽ được Bộ Y tế cập nhật theo yêu cầu), những thiết bị để triển khai các kỹ thuật vượt quá phạm vi quy định của tuyến chuyên môn kỹ thuật:
- Các đơn vị phải thành lập Hội đồng khoa học kỹ thuật cấp cơ sở, có chuyên gia kỹ thuật về trang thiết bị, chuyên gia về các lĩnh vực chuyên môn có liên quan để thẩm định cấu hình, tính năng kỹ thuật của thiết bị sử dụng trong Đề án liên doanh, liên kết.
- Trường hợp đơn vị không có các chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia về lĩnh vực chuyên môn thì phải mời chuyên gia ngoài đơn vị hoặc xin ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn kỹ thuật trang thiết bị y tế của Bộ Y tế do Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế làm thường trực.
4. Nguyên tắc xác định giá trị của tài sản sử dụng để liên doanh, liên kết:
a) Đối với tài sản là trang thiết bị mới 100%, việc xác định giá trị của thiết bị được căn cứ vào:
- Kết quả đấu thầu của loại thiết bị cùng loại của một đơn vị công lập mà hợp đồng được ký trước đó không quá 06 tháng.
- Thông báo thẩm định giá của cơ quan quản lý giá theo quy định của nhà nước.
- Đối với các loại tài sản mới chưa có kết quả đấu thầu mua sắm và hợp đồng đã ký, không có thông báo giá của cơ quan thẩm định giá: Thủ trưởng đơn vị xem xét và có thể căn cứ vào tờ khai hàng hóa nhập khẩu, hợp đồng mua bán lại hàng hóa đó để xác định giá mua của trang thiết bị kèm các chứng thư giám định hàng hóa về: Tình trạng, chủng loại; xuất xứ; nước sản xuất, năm sản xuất; quy cách, phẩm chất.
b) Đối với tài sản là nhà cửa, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của đơn vị y tế công lập đã qua sử dụng đưa vào liên doanh liên kết:
- Đơn vị phải thành lập Hội đồng để đánh giá và xác định lại giá trị của tài sản.
- Việc xác định và giá trị còn lại của tài sản căn cứ vào chất lượng còn lại của tài sản và đơn giá thực tế mua mới tài sản đó tại thời điểm và địa điểm đánh giá, cụ thể:
Giá trị còn lại của từng tài sản (đồng) | = | Tỷ lệ % chất lượng còn lại của từng tài sản | X | Giá mua hoặc giá xây dựng mới của từng tài sản tại thời điểm đánh giá (đồng) |
+ Tỷ lệ % chất lượng còn lại của tài sản được xác định căn cứ vào tài sản, thời gian sử dụng và thời gian đã sử dụng của từng tài sản đó để xác định. Riêng đối với nhà cửa, cơ sở hạ tầng thực hiện theo quy định tại phần II Thông tư Liên Bộ Xây dựng – Tài chính – Vật giá Chính phủ số 13/TB-TT ngày 18/8/1994.
+ Giá mua của tài sản là giá của loại tài sản cùng loại được bán trên thị trường tại thời điểm đánh giá.
+ Giá xây dựng mới được tính như sau:
Giá xây dựng mới của nhà cửa, công trình xây dựng | = | Đơn giá 1m2 xây dựng mới theo bảng chuẩn đơn giá XD | X | Diện tích xây dựng của nhà cửa, công trình xây dựng |
c) Đối với tài sản là nhà, cơ sở hạ tầng xây mới được xác định theo quyết toán công trình được duyệt, hoặc quyết toán hoàn thành các hạng mục công trình.
5. Đối với hình thức cơ sở y tế công lập và phía đối tác liên doanh cùng góp vốn để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ: Phải thực hiện đấu thầu mua sắm tài sản theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.
6. Quy định về cơ sở vật chất nơi lắp đặt thiết bị: Phải có đủ diện tích để thực hiện các quy trình kỹ thuật, đón tiếp người bệnh, xử lý ô nhiễm, chất thải trong quá trình hoạt động theo quy định của pháp luật.
7. Phải có đội ngũ cán bộ được đào tạo, đáp ứng được yêu cầu chuyên môn kỹ thuật, có khả năng khai thác sử dụng trang thiết bị, đảm bảo hiệu quả và an toàn lao động trong quá trình triển khai hoạt động dịch vụ.
IV. QUY ĐỊNH VỀ NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN
Đề án sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ phải có đầy đủ các nội dung sau:
1. Đánh giá, phân tích nhu cầu của nhân dân trong việc sử dụng các dịch vụ từ các loại thiết bị dự kiến liên doanh; liên kết hoặc góp vốn liên doanh; khả năng đáp ứng của đơn vị và các đơn vị khác trên địa bàn, nhu cầu chưa đáp ứng được cần phải liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh.
2. Tên thiết bị, cấu hình kỹ thuật, thế hệ, hãng sản xuất, nước sản xuất, xuất xứ, giá của tài sản đưa vào liên doanh, liên kết.
3. Xác định hình thức, các bên tham gia và vốn của mỗi bên; trách nhiệm cụ thể của mỗi bên trong quá trình vận hành sử dụng thiết bị; trách nhiệm bảo dưỡng, duy tu; cơ chế cung cấp vật tư tiêu hao, hóa chất phải thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước.
4. Xây dựng phương án chi phí của từng dịch vụ làm căn cứ để Thủ trưởng đơn vị quyết định mức thu trên cơ sở tính toán đầy đủ các yếu tố chi phí sau đây:
a) Chi phí về hóa chất vật tư tiêu hao để thực hiện dịch vụ: chi tiết theo từng loại vật tư hóa chất, định mức sử dụng và đơn giá.
Đối với các loại vật tư, hóa chất đã có định mức sử dụng được cơ quan có thẩm quyền ban hành thì tính theo định mức đó; Trường hợp chưa có định mức sử dụng các đơn vị căn cứ vào tình hình sử dụng thực tế để quyết định định mức sử dụng cho phù hợp.
b) Chi phí về tiền lương, tiền công và các khoản đóng góp của người lao động để quản lý và thực hiện dịch vụ:
Các bên tham gia liên doanh, liên kết phải thống nhất về số người của mỗi bên tham gia quản lý và thực hiện các hoạt động dịch vụ, làm cơ sở để phân bổ chi phí về tiền lương, tiền công và các khoản đóng góp cho từng dịch vụ.
Đối với các hoạt động dịch vụ được tổ chức hạch toán riêng doanh thu, chi phí thì chi phí tiền lương, tiền công được áp dụng theo chế độ tiền lương của doanh nghiệp nhà nước tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước, Nghị định số 206/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và thu nhập trong các công ty nhà nước. Đối với các hoạt động dịch vụ không hạch toán riêng doanh thu, chi phí thì chi phí tiền lương, tiền công của người lao động thực hiện hoạt động dịch vụ đó đơn vị tính theo tiền lương cấp bậc, chức vụ do nhà nước quy định.
c) Chi phí về điện, nước và các chi phí hậu cần trực tiếp khác;
d) Chi phí để bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, tài sản;
đ) Chi phí khấu hao tài sản, trang thiết bị: trên cơ sở tính năng kỹ thuật, công suất sử dụng, giá trị của thiết bị, tài sản tham gia liên doanh, liên kết, quy định về tỷ lệ khấu hao nêu tại mục 5 phần II để tính toán chi phí khấu hao cho mỗi dịch vụ;
e) Chi phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên môn để phát huy hiệu quả của thiết bị;
g) Chi phí xử lý ô nhiễm môi trường, chất thải trong quá trình hoạt động;
h) Chi phí quảng cáo, dự phòng rủi ro.
5. Việc mua sắm hóa chất, vật tư phục vụ hoạt động dịch vụ trong quá trình liên doanh, liên kết phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước bằng vốn nhà nước. Chi phí của các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị thực hiện theo các quy định hiện hành.
6. Cơ chế tài chính và phân chia thu nhập
a) Đối với hình thức quy định tại điểm a và điểm b mục 2 phần I của Thông tư này: Các đơn vị thỏa thuận với các bên đối tác để thống nhất đưa vào Đề án trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Căn cứ vào tỷ lệ góp vốn, tài sản, mức độ tham gia của các bên, đảm bảo thu hồi được các chi phí của các bên đã chi trong quá trình thực hiện hoạt động liên doanh liên kết.
- Phần được hưởng của các đơn vị công lập phải được thảo luận rộng rãi, dân chủ, công khai trong đơn vị và có ý kiến thống nhất của tổ chức công đoàn.
Hình thức phân chia: theo tỷ lệ tính trên doanh thu hoặc tính trên chênh lệch thu chi sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước;
- Phải dành một tỷ lệ nhất định để lập Quỹ dự phòng rủi ro cho một số trường hợp đặc biệt. Các bên tham gia phải thống nhất tỷ lệ, nguyên tắc sử dụng Quỹ này.
b) Đối với hình thức quy định tại điểm c mục 2 phần I của Thông tư này: Các đơn vị căn cứ vào giá của thiết bị, vào đặc tính kỹ thuật của thiết bị và quy định về khấu hao tài sản tại mục 6 phần II để tính toán số tiền thuê thiết bị phải trả theo từng dịch vụ và thực hiện chi trả theo Đề án và hợp đồng đã ký với bên đối tác.
c) Số tiền trích khấu hao của các hoạt động được sử dụng để chi trả cho các bên nhằm tái tạo tài sản sử dụng để liên doanh liên kết hoặc trả vốn góp cho các bên tham gia.
7. Xử lý tài sản, thiết bị trong trường hợp hư hỏng: Các bên phải thỏa thuận cụ thể việc xử lý tài sản, thiết bị trong trường hợp hư hỏng, không sử dụng được hoặc hết thời gian khấu hao theo nguyên tắc bảo đảm lợi ích giữa hai bên.
8. Đơn vị và bên đối tác phải căn cứ vào đề án, vào các quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế để xây dựng và ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết, hợp tác trên nguyên tắc phải hết sức chặt chẽ, bảo vệ quyền lợi cho người bệnh và đơn vị. Khi thỏa thuận phân chia thu nhập hoặc trả tiền thuê thiết bị phải tính toán cụ thể đến các phương án tài chính trong trường hợp số bệnh nhân vượt cao hơn hoặc thấp hơn so với dự kiến ban đầu.
V. QUY ĐỊNH VỀ HẠCH TOÁN, KẾ TOÁN VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
1. Các đơn vị có trách nhiệm phối hợp với bên đối tác để mở sổ kế toán, tổ chức theo dõi quản lý, hạch toán đầy đủ nguồn thu, các khoản chi phí của từng hoạt động liên doanh liên kết theo quy định của pháp luật tại chuẩn mực số 07 – Kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên kết; chuẩn mực số 08 – Thông tin tài chính về các khoản vốn góp liên doanh, ban hành kèm theo Quyết định số 234/2003/QĐ-BTC ngày 30/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
2. Phần thu của đơn vị từ các hoạt động liên doanh liên kết sau khi thực hiện xong nghĩa vụ với ngân sách nhà nước là một nguồn tài chính của đơn vị; được quản lý, sử dụng theo quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.
3. Chế độ báo cáo: Hàng năm, các đơn vị phải lập báo cáo kết quả hoạt động của các Đề án liên doanh, liên kết gửi Bộ chủ quản (đối với các cơ sở thuộc trung ương quản lý), gửi Sở Y tế (đối với các cơ sở y tế thuộc địa phương quản lý) trước ngày 31/3 năm sau. Sở Y tế và y tế các Bộ, ngành có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Bộ Y tế trước ngày 31/5 năm sau để Bộ Y tế tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Trong quá trình xây dựng và thực hiện các Đề án, nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị có thể xin ý kiến tư vấn:
a) Về cấu hình, tính năng kỹ thuật và các nội dung liên quan đến chuyên môn kỹ thuật của Hội đồng tư vấn kỹ thuật trang thiết bị y tế của Bộ Y tế như quy định tại mục 3 phần III nêu trên.
b) Về các nội dung liên quan đến tài chính và phân chia thu nhập: các đơn vị y tế công lập thuộc trung ương có thể xin ý kiến tư vấn của Bộ, cơ quan chủ quản; Các đơn vị thuộc địa phương xin ý kiến tư vấn của Sở Tài cinh địa phương.
2. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên doanh, liên kết của các cơ sở y tế công lập thuộc phạm vi quản lý theo các nội dung quy định tại Thông tư này.
3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị, địa phương phản ánh về Bộ Y tế để xem xét giải quyết.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |