Thông tư 173-TANDTC

Thông tư 173-TANDTC-1972 về việc xét xử về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành

Thông tư 173-TANDTC xét xử bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã được thay thế bởi Thông báo 38/KHXX huỷ bỏ chấm dứt hiệu lực sửa đổi Nghị quyết Quốc hội quy định pháp luật dân sự và được áp dụng kể từ ngày 05/07/1996.

Nội dung toàn văn Thông tư 173-TANDTC xét xử bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng


HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 173-TANDTC

Hà Nội, ngày 23 tháng 3 năm 1972

 

THÔNG TƯ

CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 173-TANDTC 1NGÀY 23 THÁNG 3 NĂM 1972 HƯỚNG DẪN XÉT XỬ VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

I- ĐƯỜNG LỐI CHUNG VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh từ những hành vi pháp luật, gây thiệt hại đến tài sản xã hội chủ nghĩa, đến tài sản riêng công dân hay đến tính mạng, sức khoẻ của người khác, được giải quyết đường lối chung là: Trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm bồi thường, nói chung cần ấn định mức bồi thường toàn bộ thiệt hại, và trong những trường hợp nhất định, có thể giảm mức bồi thường.

Giải quyết việc bồi thường mức thiệt hại ngoài hợp đồng là áp dụng một biện pháp thuộc về chế độ trách nhiệm dân sự, thể hiện bằng biên bản hoàn thành, một bản án dân sự hay một quyết định dân sự trong một bản án hình sự, nhằm bảo đảm việc đền bù tổn thất gây ra và giáo dục mọi người tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền lợi hợp pháp của người khác.

Vì vậy, không thể coi giải quyết việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là việc áp dụng một biện pháp hình sự hay là một hình phạt phụ. Mặt khác, lại cần phân biệt hai loại bồi thường thiệt hại khác nhau do công dân, viên chức gây ra, được giải quyết bằng hai biện pháp khác nhau.

1- Việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo chế độ trách nhiệm dân sự đối với những người vi phạm kỷ luật lao động do cố ý hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm mà làm thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước, những phần tử tham ô, những người gây ra thiệt hại không phải trong truờng hợp thi hành nhiệm vụ lao động được giao hoặc trong trường hợp được quyền sử dụng tài sản.... (Điều 7, Nghị định số 49-CP ngày 9-4-1958 của Hội đồng Chính phủ).

2- Việc bồi thường thiệt hại cho công quỹ theo "chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân, viên chức đối với tài sản của Nhà nước" do Nghị định số 49-CP nói trên quy định ở điều 5: Công nhân, viên chức thiếu tính thần trách nhiệm hoặc vi phạm kỷ luật lao động trong khi làm nhiệm vụ sản xuất, công tác mà gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường thiệt hại cho công quỹ, theo chế độ này... và do xí nghiệp, cơ quan có trách nhiệm quản lý tài sản bị thiệt hại xử lý theo căn cứ, mức và cách thực hiện bồi thường riêng.

II- XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Việc cần thiết đầu tiên phải làm để giải quyết đúng đắn vụ án là việc xác định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tức là xem xét khi có một thiệt hại cụ thể xảy ra, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại có phát sinh không?

A- CƠ SỞ CỦA TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Nói chung, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi có đầy đủ bốn điều kiện, trong đó qua thực tiễn, cần chú ý một số điểm chủ yếu sau đây:

1. Phải có thiệt hại. Đó là thiệt hại về vật chất, biểu hiện cụ thể là thiệt hại về tài sản, hoặc là những chi phí và những thu nhập bị giảm sút hay bị mất do có sự thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ đưa đến. Thiệt hại ấy phải thực sự đã xảy ra và có thể tính toán được.

Tuy nhiên, đối với loại thiệt hại như: hoa màu sắp được thu hoạch một cách tương đối chắc chắn mà bị làm hư hỏng, hay súc vật sắp đến ngày đẻ mà bị làm chết, thì có thể xem xét thiệt hại một cách thích đáng.

2- Phải có hành vi trái pháp luật. Hành vi trái pháp luật có thể là một việc phạm pháp về hình sự, một vi phạm pháp luật về dân sự, một vi phạm đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, hoặc một vi phạm quy tắc sinh hoạt xã hội.

Do đó, hành vi của người vì thừa hành một nhiệm vụ trong trường hợp cần thiết do luật pháp quy định mà gây thiệt hại, thì không coi là trái pháp luật. Nhưng nếu hành vi của người đó vượt quá giới hạn luật pháp quy định, thì lại coi là trái pháp luật.

3- Phải có quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải đúng là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật; hay ngược lại, hành vi trái pháp luật thực sự là nguyên nhân trực tiếp, hoặc là nguyên nhân có ý nghĩa quyết định đối với thiệt hại đã xảy ra.

Có trường hợp tuy hành vi trái pháp luật không phải là nguyên nhân trực tiếp của thiệt hại xảy ra, nhưng lại có ý nghĩa quyết định đối với thiệt hại và được coi là quan hệ nhân quả với thiệt hại.

4- Phải có lỗi của người gây thiệt hại. Người gây thiệt hại phải nhận thức hoặc có thể nhận thức được rằng hành vi của mình là trái pháp luật và có thể gây ra thiệt hại cho người khác: cố ý hay vô ý đều là có lỗi.

B- MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ

Cần nắm vững những điểm chủ yếu trong bốn điều kiện nói trên để làm cơ sở cho việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong một số trường hợp cụ thể sau đây:

1- Trách nhiệm bồi thường của một người và của nhiều người.

Thực tiễn tình hình cho thấy rõ một thiệt hại có thể do hành vi của một người hay của nhiều người, trực tiếp hay không trực tiếp gây ra; có trường hợp người bị gây thiệt hại cũng có lỗi. Do đó, cần phân biệt các loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại của một người và của nhiều người.

a) Trách nhiệm liên đới.

Nhiều người cùng chung gây thiệt hại do thống nhất ý chí với nhau, thì phải chịu trách nhiệm liên đới bối thường thiệt hại do họ gây nên. Thông thường, họ thống nhất ý chí với nhau cả về hành vi lẫn về hậu quả (như cộng phạm lừa đảo, tham ô...), nhưng cũng có trường hợp, họ cùng nhau gây thiệt hại mà chỉ thống nhất ý chí về hành vi (như hai người do cùng lăn gỗ ở trên cao xuống mà vô ý gây tai nạn...) hoặc chỉ thống nhất ý chí về hậu quả (như tên trộm cắp và kẻ tiêu thụ tài sản trộm cắp), họ vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại (1)

Do họ có trách nhiệm liên đới, nên trong trường hợp có người trong bọn họ phải bồi thường, nhưng không có hoặc chưa có đủ khả năng kinh tế, người bị thiệt hại có quyền đòi một người hay một số người cùng chung gây thiệt hại có khả năng kinh tế, bồi thường toàn bộ thiệt hại; sau đó, những người này có quyền đòi những người chưa nộp hoặc chưa đủ tiền bồi thường, phải hoàn trả lại cho họ đúng phần mà từng người phải chịu trách nhiệm riêng trong tổng số thiệt hại. Nếu một trong số người đó hoàn toàn không có khả năng bồi thường thì phần của họ được chia đều cho những người khác phải cùng chịu trách nhiệm bồi thường.

Khi quyết định trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại, Toà án có thể căn cứ vào tình hình cụ thể của sự việc, phần chiếm đoạt hoặc mức độ lỗi của mỗi người để ấn định phần bồi thường của mỗi người, giúp cho họ biết rõ phần trách nhiệm bồi thường của mình trong số tiền phải bồi thường chung.

Gặp trường hợp không có căn cứ rõ ràng để ấn định phần bồi thường cụ thể của mỗi người, thì Toà án phân chia đều mức bồi thường cho người mỗi người. Trong trường hợp tài liệu chưa đầy đủ, cần điều tra, thu thập thêm mới có thể định rõ được phần bồi thường của mỗi người, và nếu có yêu cầu xét xử kịp thời vụ án hình sự, thì trong phần dân sự, Toà án chỉ tuyên trách nhiệm liên đới; còn việc ấn định mức bồi thường của mỗi người, thì Toà án sẽ bổ sung sau bằng một bản án dân sự. Nếu là vụ án dân sự hoặc việc xét xử vụ án hình sự không có tính chất cấp bách, thì Toà án cần chờ kết quả của việc điều tra bổ sung để có thể vừa tuyên trách nhiệm liên đới, vừa ấn định cụ thể mức bồi thường của mỗi người.

- Nếu nhiều người cùng chung gây thiệt hại nhưng không thống nhất ý chí với nhau, thì không có trách nhiệm liên đới mà Toà án phải xác định rõ phần trách nhiệm cụ thể của mỗi người để ấn định mức bồi thường riêng cho từng người (thí dụ: hai ô tô cùng phóng nhanh, cùng có lỗi nên va phải nhau và gây thiệt hại cho người đi đường).

b) Trách nhiệm của người không trực tiếp gây thiệt hại.

Có trường hợp hành vi của người, tuy không trực tiếp gây thiệt hại, nhưng rõ ràng là trái pháp luật, là có lỗi nghiêm trọng và là nguyên nhân có ý nghĩa quyết định cho việc gây thiệt hại; còn người trực tiếp gây thiệt hại rõ ràng là không có lỗi hoặc chỉ có lỗi nhẹ (thí dụ: một người đi mô tô có đèo người, phóng nhanh, lấn đường hay rẽ ẩu, làm cho người lái xe ô tô, vì phải cố tránh mô tô mà gạt phải một người đi đường bị thương).

Trong trường hợp này, người trực tiếp gây thiệt hại (người lái ô tô) có thể được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại; còn người không trực tiếp gây thiệt hại, có lỗi nghiêm trọng, có tính chất quyết định đối với việc gây ra thiệt hại (người đi mô tô), phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

c) Trách nhiệm hỗn hợp.

Nếu người gây thiệt hại và người bị thiệt hại đều có lỗi, mà lỗi của người bị thiệt hại là vô ý nặng, thì Toà án xác định trách nhiệm hỗn hợp và chỉ buộc người gây thiệt hại chịu trách nhiệm bồi thường phần thiệt hại tương đương với phần lỗi của mình.

Nếu có lỗi của người bị hại là vô ý nhẹ, thì không có trách nhiệm hỗn hợp, mà người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm về toàn bộ thiệt hại.

Trường hợp người bị thiệt hại cố ý mong muốn sự thiệt hại, thì cũng không có trách nhiệm hỗn hợp, mà người gây thiệt hại không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại thí dụ: người đi đường lao vào ô tô đang chạy để tự tử.

2- Trách nhiệm về bồi thường thiệt hại do người vị thành niên hoặc người mới trưởng thành gây ra.

Nói chung, đối với thiệt hại do người vị thành niên gây nên, họ khôngcó trách nhiệm bồi thường; còn người đã thành niên, dù là mới trưởng thành có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, cần chú ý một số vấn đề sau đây:

a) Trách nhiệm về bồi thường thiệt hại do người vị thành niên gây ra.

Người vị thành niên không hiểu được ý nghĩa hành vi dân sự của mình nên họ không có năng lực hành vi dân sự, do đó không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do họ gây ra. Vì vậy, cha mẹ (hay người giám hộ) là những người có nghĩa vụ nuôi nấng, giáo dục con cái (Điều 17 của Luật hôn nhân và gia đình) phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con cái còn vị thành niên gây ra.

Tuy nhiên, trong thời gian một tổ chức trách nhiệm quản lý người vị thành niên, rõ ràng là có lỗi đối với thiệt hại xảy ra, thì tổ chức đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người vị thành niên gây nên (thí dụ: theo chủ trương của nhà trường phổ thông, giáo viên dẫn học sinh đi dỡ trường cũ lấy gạch về xây thêm lớp, giáo viên đặt kế hoạch dỡ tường không cẩn thận, học sinh dỡ đổ tường làm cho hai em chết, một em bị thương).

Riêng người vị thành niên nào vào khoảng 16 tuổi, đã có sức lao động sản xuất, có công việc làm, phần nào đã hiểu được ý nghĩa hành vi dân sự của mình, tuy chưa hiểu biết đầy đủ, nên họ đã có một phần năng lực hành vi dân sự, do đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do họ gây ra bằng thu thập hay tài sản của họ. Nếu họ bồi thường không đủ, thì cha mẹ (hay người giám hộ) phải bù phần còn thiếu.

b) Trách nhiệm về bồi thường thiệt hại do người mới trưởng thành gây ra.

Người đã đủ 18 tuổi, mới trưởng thành, có trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà mình gây ra. Nếu họ chưa có công việc làm, chưa có thu thập hay tài sản đáng kể, thì Toà án vẫn xác định trách nhiệm của họ về việc bồi thường thiệt hại, nhưng cho hoãn việc thi hành án cho đến khi có việc làm, có thu nhập.

Qua thực tiễn, Toà án có thể chủ động giải thích, khuyến khích cha mẹ người thanh niên đó tự nguyện bồi thường thiệt hại do người mới trưởng thành gây ra. Toà án có thể công nhận sự tự nguyện đó, những về mặt pháp lý, không thể quyết định cha mẹ họ phải bồi thường.

Ngoài ra, trong trường hợp người thành niên có thu nhập, còn ở chung và chung kinh tế với cha mẹ, mà gây thiệt hại , thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng phần thu nhập thường xuyên của bản thân và phần tài sản chung với cha mẹ. Toà án cần triệu tập cha mẹ họ đến phiên toà với tư cách là dự sự.

3- Trách nhiệm của pháp nhân và của cá nhân.

Công nhân, viên chức hay người đại diện hợp pháp của xí nghiệp, cơ quan trong khi thi hành nhiệm vụ, do hành vi liên quan chặt chẽ đến công tác; được xí nghiệp, cơ quan phân công , mà gây thiệt hại cho người khác , thì cơ quan , xí nghiệp phải bồi thường thiệt hại theo chế độ trách nhiệm dân sự, rồi sau đó, có quyền đòi hỏi họ hoàn trả việc bồi thường đó theo quan hệ lao động.

Tuy nhiên, có những trường hợp công nhân, viên chức hoặc đại diện hợp pháp của xí nghiệp, cơ quan lợi dụng nhiệm vụ và do hành vi không liên quan chặt chẽ đến công tác được phân công, rõ ràng để mưu lợi ích riêng, mà gây thiệt hại cho người khác, thì cá nhân họ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Toà án nhân dân các cấp cần căn cứ vào sự phân biệt chủ yếu này giữa trách nhiệm của pháp nhân và trách nhiệm của cá nhân để giải quyết một vài vấn đề sau đây do thực tiễn đặt ra.

a) Trách nhiệm về bồi thường thiệt hại do việc sử dụng vũ khí hoặc súng săn gây nên. Có mấy trường hợp cần chú ý:

- Người được giao sử dụng vũ khí (theo Nghị định số 157-CP ngày 11-12-1961 của Hội đồng Chính phủ về việc quản lý vũ khí quân dụng và vũ khí thể thao quốc phòng) trong khi thực hiện nhiệm vụ được phân công, như: tuần tra, canh gác, luyện tập, lau chùi vũ khí... mà vô ý làm nổ súng gây thiệt hại, thì cơ quan, đơn vị, xí nghiệp đã phân công nhiệm vụ, phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, nếu người đó rõ ràng đã sử dụng vũ khí vào việc riêng, như đem đi săn bắn..., do đó mà gây thiệt hại, thì cá nhân họ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

- Người được giao sử dụng vũ khí trong khi thực hiện nhiệm vụ do vô ý để người khác tò mò, nghịch vũ khí, gây tai nạn, thì hành vi của họ không phải là nguyên nhân trực tiếp của thiệt hại, mà chỉ là tạo điều kiện cho việc gây thiệt hại. Vì vậy, cơ quan, đơn vị, xí nghiệp giao sử dụng vũ khí có thể được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Người tò mò, nghịch vũ khí, trực tiếp gây thiệt hại, phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, nếu người được giao sử dụng vũ khí do vô ý một cách nghiêm trọng để người khác tò mò, nghịch vũ khí, gây tai nạn, thì hành vi của họ, tuy không phải là nguyên nhân trực tiếp của tai nạn, nhưng do tính chất vô ý nghiêm trọng, nên đã trở thành nguyên nhân có ý nghĩa quyết định của tai nạn. Hành vi của người tò mò, nghịch vũ khi gây tai nạn cũng là một nguyên nhân quyết định của tai nạn. Vì vậy, cơ quan, đơn vị xí nghiệp giao sử dụng vũ khí và người tò mò, nghịch vũ khí, trực tiếp gây tai nạn, cũng phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

- Người được giao sử dụng vũ khí cho người khác biết sử dụng vũ khí mượn, sau đó người mượn vũ khí gây tai nạn, thì hành vi của người cho mượn không phải là nguyên nhân trực tiếp, quyết định của tai nạn họ được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Người mượn vũ khí, trực tiếp gây tai nạn, phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nếu người được sử dụng vũ khí cho người mà họ biết rõ ràng là chưa biết sử dụng vũ khí mượn, sau đó người mượn vũ khí gây tai nạn, thì hành vi của người cho mượn có nhiều khả năng dẫn đến thiệt hại, là một nguyên nhân quyết định của thiệt hại. Hành vi của người chưa biết sử dụng mà mượn vũ khí, sau đó gây tai nạn, là nguyên nhân trực tiếp, quyết định của thiệt hại. Vì vậy, người cho mượn vũ khí và người mượn vũ khí cũng phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

- Người có giấy phép sử dụng súng săn (theo Nghị định số 246-TTg ngày 17-5-1950 của Thủ tướng Chính phủ) và do sử dụng súng săn mà gây thiệt hại thì tất nhiên cá nhân họ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nếu họ cho mượn hay để người khác tò mò, nghịch súng gây tai nạn, thì việc bồi thường thiệt hại được giải quyết tường tự theo đường lối đối với vũ khí nói ở trên.

b) Trách nhiệm về bồi thường thiệt hại đối với người đi nhờ xe.

Có một số trường hợp người đi nhờ xe - thường là ô - tô - là nạn nhân của tai nạn xảy ra. Những người đi nhờ xe thường là công nhân, viên chức đi công tác hoặc về thăm gia đình gấp, hoặc là người dân thường lỡ độ đường. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp người đi nhờ là người đi buôn bán trái phép hoặc là kẻ phạm pháp lợi dụng việc đi nhờ xe để trốn tránh pháp luật.

Người thoả thuận cho đi nhờ xe có thể là cán bộ có thẩm quyền, còn thường là người lái xe, người phụ lái.

Vì vậy, trong trường hợp xe cho đi nhờ có lỗi gây ra thiệt hại cho người đi nhờ xe, phương hướng giải quyết việc bồi thường thiệt hại cho người đi nhờ như sau:

- Nếu sự thoả thuận cho đi nhờ xe xuất phát từ động cơ tốt, vì lợi ích chung, nhằm giúp đỡ người đang gặp khó khăn, thì mặc dù việc cho đi nhờ xe không liên quan đến nhiệm vụ công tác của người thoả thuận, việc bồi thường thiệt hại thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý xe cho đi nhờ.

- Nếu sự thoả thuận cho đi nhờ xe là cố ý, trái với chế độ công tác do cơ quan đã quyết định cụ thể (như cơ quan đã quyết định cấm cho đi nhờ đối với một chuyến xe cụ thể), hoặc là trái với pháp luật và vì mục đích tư lợi (như lợi dụng nhiệm vụ dùng xe chở người và hàng hoá lấy tiền tiêu riêng, chở người đem hàng hoá phi pháp, hàng lậu thuế, chở kẻ phạm pháp trốn tránh pháp luật...), thì nói chung là cá nhân người đã thoả thuận cho đi nhờ xe phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người đi nhờ xe; trong những trường hợp cụ thể nhất định, việc bồi thường thiệt hại có thể không được giải quyết.

4- Trách nhiệm về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra.

Đối với thiệt hại do súc vật gây ra (như chó dại cắn gây chết người, trâu húc người hay súc vật bị thương) thì người sở hữu súc vật trực tiếp phụ trách việc trông coi, chăn dắt phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Nếu súc vật đã chuyển cho người khác tạm thời sử dụng (như cho mượn...), mà gây thiệt hại, thì người sử dụng súc vật đó chịu trách nhiệm bồi thường.

Cơ sở trách nhiệm của người sở hữu của người trực tiếp sử dụng súc vật là lỗi của họ trong việc trông coi, chăn dắt súc vật không cẩn thận.

5- Trách nhiệm về thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Thực tiễn xét xử của ta đã chỉ rõ trong một số trường hợp cá biệt, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không phụ thuộc vào điều kiện phải có lỗi của người gây thiệt hại. Đó là trường hợp thiệt hại xảy ra do sự hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ gây nên, không do lỗi của ai; cơ quan quản lý nguồn nguy hiểm cao độ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (như tai nạn ô-tô xảy ra do cấu tạo máy móc của xe, bình hoá chất bị nổ khi đang vận chuyển, tai nạn do dây dẫn điện bị cháy...)

Tuy nhiên, không phải mọi thiệt hại có quan hệ đến nguồn nguy hiểm cao độ đều do sự hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ gây nên, mà có nhiều trường hợp tai nạn xảy ra là do lỗi của người được giao trách nhiệm sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ đó. Vì vậy, khi xác định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có quan hệ đến nguồn nguy hiểm cao độ, vẫn phải xem xét bốn điều kiện của trách nhiệm bồi thường để xác định xem người được giao trách nhiệm sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi không. Nếu có lỗi thì cơ quan quản lý nguồn nguy hiểm cao độ vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, rồi sau đó, có quyền đòi người được giao trách nhiệm sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ, có lỗi, hoàn trả việc bồi thường đó.

Mặt khác, cơ quan quản lý nguồn nguy hiểm cao độ được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi ngưòi bị thiệt hại cố ý hay đã có sự vô ý nặng có ý nghĩa quyết định đối với tai nạn xảy ra (như người đi đường lao vào ô-tô đang chạy để tự tử; người nằm ngủ trên đường sắt không nghe thấy tiếng còi, tiếng động của xe lửa, bị xe lửa không kịp hãm nghiến chết...).

II- ẤN ĐỊNH MỨC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

Việc ấn định mức bồi thường thiệt hại được đặt ra sau khi đã xác định được rõ ràng người gây thiệt hại có trách nhiệm bồi thường.

A- NGUYÊN TẮC BỒI THƯỜNG

Việc ấn định mức bồi thường thiệt hại nói chung là theo nguyên tắc gây thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi thường bấy nhiêu, tức là phải bồi thường toàn bộ thiệt hại .Đó là nguyên tắc công bằng, hợp lý, cần bảo đảm thực hiện cho phù hợp với mục đích, ý nghĩa của việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, trong những trường hợp nhất định, cần xem xét mức độ thiệt hại đối chiếu với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại, mức độ lỗi của người bị hại để, hoặc buộc người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, hoặc có thể châm chước một phần, tức là ấn định mức bồi thường thấp hơn thiệt hại (cũng có thể gọi là bồi thường một phần thiệt hại).

Việc ấn định mức bồi thường toàn bộ thiệt hại theo nguyên tắc, đường lối nói trên được biểu hiện cụ thể như sau:

a) Ấn định mức bồi thường toàn bộ thiệt hại khi người gây thiệt hại có hành vi cố ý; hoặc khi có hành vi vô ý mà thiệt hại không quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại;

b) n định mức bồi thường thấp hơn thiệt hại khi người gây thiệt hại có hành vi vô ý mà thiệt hại lại quá lớn so với khả năng kinh tế truớc mắt và lâu dài của người gây thiệt hại; hoặc khi người gây thiệt hại có hành vi vô ý, mà người bị thiệt hại cũng có hành vi vô ý nặng.

Ngoài ra, Toà án nhân dân các cấp có thể dựa vào sự tự nguyện thoả thuận của cá nhân người bị thiệt hại, kết hợp với ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để quyết định giảm mức bồi thường hay miễn trách nhiệm bồi thường cho người gây thiệt hại.

Mặt khác, Toà án nhân dân các cấp không nên lẫn lộn việc ấn định mức bồi thường thiệt hại với việc thi hành án, vì trong khi thi hành án, người không có khả năng kinh tế trước mắt có thể được tạm hoãn việc thi hành án.

B- TÍNH TOÁN THIỆT HẠI VÀ ẤN ĐỊNH MỨC BỒI THƯỜNG

Cần tính toán thiệt hại cho rõ ràng để ấn định mức bồi thường cụ thể cho thoả đáng, tuỳ theo loại thiệt hại, thiệt hại về tài sản hay thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ

THIỆT HẠI VỀ TÀI SẢN.

Có thể giải quyết việc bồi thường thiệt hại về tài sản bằng hai cách: bồi thường bằng hiện vật và bồi thường bằng tiền. Bồi thường bằng hiện vật là sửa chữa những chỗ hư hỏng để khôi phục lại tình trạng cũ của tài sản hoặc nếu đối bên đương sự thoả thuận và Toà án thấy hợp lý, hợp tình, thì đền bù bằng một tài sản cùng loại hoặc khác loại, có giá trị tương đương; nếu tài sản đền bù có giá trị chênh lệch thì thanh toán phần giá trị chênh lệch đó. Trường hợp không thể bồi thường bằng hiện vật được thì bồi thường bằng tiền.

1- Việc tính toán thiệt hại về tài sản có nhiều khó khăn, phức tạp. Vì vậy, cần chú ý:

a) Đối với tài sản thuộc loại hàng hoá mua bán tự do và giá cả ổn định, thì việc tính thiệt hại dựa vào giá trị bán lẻ của mặt hàng đó. Nếu là hàng hoá mua bán tự do, nhưng giá cả không ổn định, thì tính thiệt hại dựa vào giá bán lẻ khi hoà giải hoặc khi xét xử.

b) Đối với tài sản được phân phối theo tem phiếu, thì nội dung thiệt hại bao gồm: giá trị của tài sản mua theo tem phiếu (có thể tính thành tiền) và tem phiếu (không thể tính thành tiền). Vì vậy:

- Nếu tài sản thuộc loại hàng hoá vừa được phân phối theo tem phiếu vừa được bán tự do, thì tính thiệt hại dựa vào giá bán lẻ của mặt hàng đó (tức là giá mua tự do không cần tem phiếu).

- Nếu tài sản thuộc loại hàng hoá chỉ phân phối theo tem phiếu hoặc chỉ điều động theo kế hoạch nội bộ trong khu vực kinh tế Nhà nước hay kinh tế tập thể, thì nói chung, việc tính thiệt hại dựa vào giá phân phối, giá điều động. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp giá phân phối, giá điều động chỉ nhằm thực hiện việc hạch toán kinh tế, chưa phản ánh được thực chất giá trị của tài sản đó; vì vậy không thể dựa vào giá đó để tính thiệt hại được. Toà án cần tranh thủ ý kiến của các ngành hữu quan, như Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Ngoại thương, Uỷ ban Vật giá hay cơ quan quản lý mặt tài sản đó về cách tính thiệt hại. Nếu gặp khó khăn, có thể trưng cầu hội đồng giám định chuyên môn để tính thiệt hại cho sát hợp và chính xác.

c) Tính toán thoả đáng tỷ lệ hao mòn của tài sản từ khi còn mới nguyên cho đến khi xảy ra việc gây thiệt hại. Nếu hao mòn không đáng kể, thì không tính.

2- Việc ấn định mức bồi thường thiệt hại về tài sản phải dựa vào đường lối chung, nhưng cần chú ý một số vấn đề sau đây:

a) Khi ấn định mức bồi thường toàn bộ thiệt hại, ngoài những trường hợp thông thường, còn có những trường hợp phải căn cứ vào sự tính toán thực chất của thiệt hại do cơ quan hữu quan (hay Hội đồng giám định chuyên môn) có trách nhiệm đánh giá và cung cấp tài liệu cho Toà án, chứ không đơn thuần chỉ căn cứ vào sự tính toán thiệt hại theo giá phân phối, giá điều động nội bộ.

b) Khi ấn định mức bồi thường thấp hơn thiệt hại, thì tuỳ tình hình cụ thể từng việc, cân nhắc toàn diện để quyết định cho thoả đáng, không nên giảm quá ít , không có ý nghĩa thiết thực , không nên giảm quá nhiều, vì lo ngại cho không thi hành được bản án.

c) Nếu thiệt hại chỉ là tem phiếu phân phối cho cá nhân thì không thể tính toán thiệt hại được. Vì vậy, trong phạm vi có thể, ấn định mức bồi thường thiệt hại bằng cách tính mức chênh lệch giữa giá bán lẻ (không cần tem phiếu) và giá cung cấp (cần tem phiếu) loại hàng đó.

3- Áp dụng các biện pháp khác nhân việc thực hiện chế độ bồi thường thiệt hại về tài sản.

Trong những trường hợp nhất định, ngoài việc thực hiện chế độ bồi thường thiệt hại về tài sản, cần chú ý áp dụng những biện pháp khác như:

a) Người có hành vi gây thiệt hại về tài sản, có thu lợi bất chính bị xét xử về hình sự, ngoài việc phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, còn tuỳ theo tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội và nguồn lợi bất chính, có thể bị phạt tiền hoặc bị tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản. (Điều 20, đoạn 3, của Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, hay Điều 16, đoạn 3 của Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản của công dân).

Người có hành vi gây thiệt hại về tài sản, có thu lợi bất chính, chỉ bị xét xử về dân sự, thì ngoài việc bồi thường theo chế độ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, còn tuỳ theo nguồn thu lợi bất chính, có thể bị tịch thu toàn bộ số lợi thu bất chính đó (theo đường lối, chính sách hiện hành đã được áp dụng trong thực tiễn).

c) Người có hành vi cùng với người khác gây thiệt hại về tài sản, có thu lợi bất chính, tuy được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, những là bị cáo dân sự tại phiên toà hình sự xét xử bọn cộng phạm, thì ngoài việc phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Điều 21 của Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, hay Điều 17 của Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân), còn tuỳ theo nguồn thu lợi bất chính đó , có thể bị tịch thu toàn bộ số thu lợi bất chính đó (theo đường lối, chính sách hiện hành đã được áp dụng trong thực tiễn).

Thiệt hại về tính mạng sức khoẻ.

Tính mạng con người là vô giá, không thể tính toán thiệt hại cụ thể thành tiền được. Sức khoẻ con người cũng rất quý, khó có thể đánh giá thiệt hại một cách chính xác. Vì vây, việc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ trong trường hợp có ý nghĩa thực chất là đền bù một phần nào thiệt hại về vật chất tạo điều kiện cho nạn nhân hay gia đình họ khắc phục khó khăn do tai nạn gây nên, và trong một số ít trường hợp chỉ có ý nghĩa là một trợ cấp.

1- Tính toán thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tức là tính toán thiệt hại do phải chi phí về nạn nhân và thiệt hại do thu nhập bị giảm sút hay bị mất.

a) Thiệt hại do phải chi phí về nạn nhân là những chi phí cho nạn nhân do có sự thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ đưa đến, do nạn nhân, gia đình họ, hay cơ quan, đoàn thể phải bỏ ra và có thể bao gồm các khoản như:

- Tiền thuốc men, bồi dưỡng, tiền chi phí về việc làm chân giả, tay giả, mắt giả, tiền phí tổn về tàu xe, đi bệnh viện và ở bệnh viện của nạn nhân;

- Tiền chi phí về chôn cất khi nạn nhân chết;

- Tiền chi phí về tàu, xe của một trong những người thân gần gũi nhất của nạn nhân như: cha, mẹ, vợ ,chồng hay con cái, thật cần thiết hay do bệnh viện yêu cầu, phải đi lại chăm sóc nạn nhân khi đang điều trị.

b) Thiệt hại do thu nhập bị giảm sút hay bị mất là những khoản thu nhập không thu được vì nạn nhân phải điều trị, bị thương tật hay bị chết, bao gồm các khoản như:

- Thu thập của nạn nhân bị giảm sút hay bị mất trong thời gian phải điều trị hoặc không lao động được.

- Thu nhập bị giảm sút hay bị mất sau thời gian điều trị hay sau khi chết;

- Thu nhập bị giảm sút hay bị mất của một trong những người thân gần gũi nhất của nạn nhân, do thật cần thiết hay do bệnh viện yêu cầu phải nghỉ việc để chăm sóc nạn nhân khi đang điều trị.

Khi tính toán thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, cần chú ý là:

- Xem xét từng khoản thiệt hại, chỉ tính những khoản thực tế đã xảy ra, thật cần thiết và nói chung là phải có chứng từ hợp lệ.

- Tính tiền chi phí về chôn cất theo tiêu chuẩn chung hiện nay là 150 đồng(2) cá biệt do đi lại, chôn cất xa mà chi tiêu tốn kém hơn, thì có thể tính thêm, những không nên tính cao hơn 150 đồng một cách quá đáng; không thể dựa vào những phí tổn về ăn uống, cúng bái hoặc bốc mả sau này để yêu cầu bồi thường mai táng phí nhiều hơn.

Tính thu nhập bị giảm sút hay bị mất như sau:

- Nếu nạn nhân còn thu nhập sau khi xả ra tai nạn, thì mức chênh lệch giữa thu nhập trước khi xảy ra tai nạn và thu nhập sau khi xảy ra tai nạn, là thu nhập bị giảm sút;

- Nếu nạn nhân sau khi xảy ra tai nạn, không còn thu nhập nữa, thì thu nhập trước khi xảy ra tai nạn là thu nhập bị mất;

- Nếu nạn nhân chết vì tai nạn, thì mức chênh lệch giữa thu nhập của nạn nhân và phần chi tiêu cho bản thân nạn nhân khi còn sống, là thu nhập bị mất đối với gia đình nạn nhân.

- Thu nhập của nạn nhân có thể bao gồm thu nhập chính, thu nhập phụ thường xuyên, dù là thu nhập chính hay thu nhập phụ thường xuyên, cũng không thừa nhận thu nhập do làm ăn trái chính sách, vi phạm pháp luật mà có.

2- Ấn định mức bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ một cách có lý, có tình như sau, trên cơ sở thiệt hại đã tính toán:

- Đối với những chi phí về nạn nhân, thì dù nạn nhân là người đang có sức lao động, sản xuất, là người già đã mất sức lao động hay là trẻ em chưa có sức lao động sản xuất, cũng ấn định mức bồi thường toàn bộ thiệt hại và nói chung là phải bồi thường làm một lần.

- Đối với thu nhập bị giảm sút hay bị mất, thì kinh nghiệm cho thấy là nên tính bồi thường thiệt hại trong khoảng 3 năm; gặp trường hợp cá biệt; (như thu nhập của gia đình nạn nhân chưa ổn định, bình quân thu nhập vẫn thuộc diện được trợ cấp thường xuyên...) thì bồi thường từ 3 đến 5 năm.

Khi ấn định mức bồi thường về tính mạng, sức khoẻ, cần chú ý:

- Nếu buộc người phải bồi thường thanh toán khoản bồi thường về thu nhập bị giảm sút hay bị mất làm một hoặc vài lần; Toà án gửi khoản tiền đó ở ngân hàng rồi hàng tháng hoặc hàng quý giao cho người được hưởng bồi thường. Trường hợp cá biệt, Toà án mới giao làm một hay vài lần.

- Nếu nạn nhân là người già đã mất sức lao động sản xuất hoặc là trẻ em chưa có sức lao động sản xuất, nhưng thực sự họ có làm những việc nhẹ nhàng góp phần thu nhập gia đình, thì họ vẫn có thể thuộc diện hưởng khoản bồi thường thiệt hại do thu nhập bị giảm sút hay bị mất.

- Nếu nạn nhân là người đã già đã thực sự mất sức lao động hay là trẻ em thực sự chưa có sức lao động sản xuất, thì họ không thuộc diện được hưởng khoản bồi thường thiệt hại do thu nhập bị giảm sút hay bị mất. Tuy nhiên, tuỳ tình hình cụ thể của sự việc, nếu gia đình nạn nhân có yêu cầu và hai bên đã thương lượng, Toà án có thể ấn định cho gia đình nạn nhân được hưởng một khoản tiền trợ cấp với ý nghĩa là sự giúp đỡ của người có lỗi đối với gia đình nạn nhân và khoản này nên được trả làm một lần.

3- Kết hợp chế độ trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng sức khoẻ với chế độ bảo hiểm xã hội.

Việc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ thuộc về chế độ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, là dựa trên cơ sở dân luật và áp dụng đối với nạn nhân là công dân nói chung. Việc bảo đảm quyền của người lao động là công nhân, viên chức được giúp đỡ về vật chất, khi già yếu, bệnh tật hoặc mất sức lao động là dựa trên quan hệ lao động, được quy định tại Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức Nhà nước (do Nghị định số 218-CP ngày 27-12-1961 của Hội đồng Chính phủ ban hành). Hai chế độ đó dựa trên những cơ sở khác nhau, nhưng trong những trường hợp nhất định và đối với những đối tượng nhất định, lại có liên quan với nhau và thực chất cùng nhằm một mục đích chung là giải quyết khó khăn trong đời sống của nạn nhân hay của gia đình họ.

Vì vậy, khi người thuộc diện đối tượng của chế độ bảo hiểm xã hội bị gây thiệt hại ngoài hợp đồng về tính mạng, sức khoẻ, Toà án cần thực hiện cả hai chế độ đó, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của nạn nhân (hay gia đình họ) đồng thời không để cho người bị thiệt hại vừa được bồi thường, vừa được trợ cấp về cùng một khoản thiệt hại cụ thể.

Đối với một khoản thiệt hại cụ thể nào mà xí nghiệp, cơ quan quản lý nạn nhân đã giải quyết theo chế độ bảo hiểm xã hội, mà sau này người gây thiệt hại phải bồi thường, thì khoản bồi thường đó sẽ hoàn lại quỹ bảo hiểm xã hội (thí dụ: tiền mai táng phí).

Toà án cần trao đổi với xí nghiệp, cơ quan quản lý nạn nhân và với ban bảo hiểm xã hội của Liên hiệp công đoàn để tính toán cụ thể cho sát, quyết định cho thảo đáng và giải quyết cho toàn diện.

IV- NGƯỜI ĐƯỢC HƯỞNG BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

Người được hưởng bồi thường là người bị gây thiệt hại (cá nhân hay cơ quan xí nghiệp). Trong thực tiễn, cần chú ý mấy trường hợp sau đây:

Đối với cá nhân.

1- Tư nhân bị gây thiệt hại về tài sản, sau đó chết, thì những người thừa kế của họ được hưởng bồi thường, khoản bồi thường đó được coi là di sản thừa kế.

2- Tư nhân bị gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khoẻ mà sau đó chết, thì những người mà nạn nhân phải nuôi dưỡng hay trợ cấp trước khi xảy ra tai nạn, được hưởng bồi thường. Khoản bồi thường này được coi là đền bù vào thu nhập bị mất hay bị giảm sút. Những người được hưởng khoản bồi thường này có thể cũng là những người thừa kế của nạn nhân, nhưng không nhất thiết là tất cả những người thừa kế đều được hưởng khoản bồi thường đó.

3- Khoản bồi thường về tiền chi phí tàu xe, về thu nhập bị giảm sút hay bị mất của thân nhân nạn nhân phải đi lại, phải nghỉ việc để chăm sóc nạn nhân khi đang điều trị, thuộc quyền của thân nhân nạn nhân được hưởng.

Đối với cơ quan, xí nghiệp.

Để góp phần bảo đảm việc thực hiện đúng đắn chính sách kinh tế, tài chính khi quyết định việc bồi thường thiệt hại cho cơ quan, xí nghiệp, Toà án nhân dân cần trao đổi trước với các ngành hay cơ quan hữu quan về chủ trương, biện pháp và cần chú ý:

1- Cơ quan, xí nghiệp, sau khi bị gây thiệt hại về tài sản, nếu đã ghi khoản thiệt hại đó vào mục lỗ hay mất trong sổ sách kế toán để quyết toán (tạm gọi là tất toán), thì khoản bồi thường được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Nếu chưa tất toán, thì cơ quan, xí nghiệp, bị gây thiệt hại được hưởng bồi thường, nhưng chỉ được hưởng bồi thường khoản tiền ngang với giá trị của tài sản ghi trong sổ sách kế toán . Nếu mức bồi thường cao hơn thì phần chênh lệch phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

Trong cả hai trường hợp trên, Toà án cần báo cho cơ quan hay công đoàn cấp trên của những tổ chức được hưởng bồi thường và cho cơ quan tài chính địa phương biết để tiện theo dõi.

2- Trong một vụ án hình sự, tài sản xã hội chủ nghĩa bị xâm phạm, nếu không có ai đứng nguyên đơn dân sự, thì khoản bồi thường thiệt hại được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Ghi chú:

(1) Lời tổng kết hội nghị toàn ngành Toà án nhân dân năm 1967 đã giải thích như sau :

Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên đới trong các vụ săn bắn vô ý làm chết hoặc làm bị thương người khác, chúng tôi thấy không thể dựa vào tập tục lợi cùng hưởng của các phường săn bắn để bắt chịu trách nhiệm liên đới được. Hai vấn đề khác hẳn nhau : Việc chia đều phần thịt thú rừng săn bán được giữa các người cùng đi săn là một tập quán ở các vùng dân tộc ; việc bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai nạn ai thuộc phạm trù trách nhiệm dân sự. Chỉ kẻ có lỗi mới phải chịu trách nhiệm dân sự, người trực tiếp gây ra tai nạn mới phải bồi thường thiệt hại. Còn nếu họ tự nguyện giúp đỡ nhau góp phần bồi thường thiệt hại thì là một việc làm tốt. Toà án không phải can thiệp.

(2) Do thời giá thay đổi nên hiện nay các Toà án đã không tính chi phí chôn cất theo giá này nữa.

 

Phạm Hưng

(Đã ký)

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 173-TANDTC

Loại văn bảnThông tư
Số hiệu173-TANDTC
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành23/03/1972
Ngày hiệu lực23/03/1972
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcQuyền dân sự, Thủ tục Tố tụng
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 05/07/1996
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 173-TANDTC

Lược đồ Thông tư 173-TANDTC xét xử bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Thông tư 173-TANDTC xét xử bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
                Loại văn bảnThông tư
                Số hiệu173-TANDTC
                Cơ quan ban hànhHội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
                Người kýPhạm Hưng
                Ngày ban hành23/03/1972
                Ngày hiệu lực23/03/1972
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcQuyền dân sự, Thủ tục Tố tụng
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 05/07/1996
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản được căn cứ

                        Văn bản hợp nhất

                          Văn bản gốc Thông tư 173-TANDTC xét xử bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

                          Lịch sử hiệu lực Thông tư 173-TANDTC xét xử bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng