Thông tư 23/1998/TT-BGTVT

Thông tư 23/1998/TT-BGTVT quy định thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi đối với những người làm việc có tính chất độc hại đặc biệt trong vận tải đường sắt do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 23/1998/TT-BGTVT quy định thời giờ làm việc thời giờ nghỉ ngơi người làm việc tính chất độc hại đặc biệt vận tải đường sắt đã được thay thế bởi Thông tư 21/2015/TT-BGTVT Thời giờ làm việc thời giờ nghỉ ngơi công việc tính chất đặc biệt đường sắt và được áp dụng kể từ ngày 01/08/2015.

Nội dung toàn văn Thông tư 23/1998/TT-BGTVT quy định thời giờ làm việc thời giờ nghỉ ngơi người làm việc tính chất độc hại đặc biệt vận tải đường sắt


BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23/1998/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 07 tháng 2 năm 1998

 

THÔNG TƯ

SỐ 23/1998/TT-BGTVT BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI QUY ĐỊNH THỜI GIỜ LÀM VIỆC VÀ THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI LÀM VIỆC CÓ TÍNH CHẤT ĐỘC HẠI ĐẶC BIỆT TRONG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT

Quy định thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi đối với những người làm các công việc có tính chất đặc biệt trong vận tải đường sắt

Thi hành Điều 80 của Bộ Luật Lao động, và Điều 12 của Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; Sau khi có ý kiến thoả thuận tại công văn số 259/LĐTBXH-BHLĐ ngày 24 tháng 01 năm 1998 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Giao thông vận tải quy định về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi đối với những người làm các công việc có tính chất đặc biệt trong các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vận tải đường sắt như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Trong những Thông tư này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau

- Chế độ làm việc theo ban là chế độ người lao động luân phiên thay nhau làm việc liên tục cả ban ngày và ban đêm, kể cả ngày nghỉ hàng tuần và ngày lễ để thực hiện các công việc theo yêu cầu của vận tải đường sắt và bảo đảm cho người lao động có đủ thời giờ để nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật lao động.

- Lên ban là độ dài thời gian quy định người lao động có mặt tại nơi làm việc trong một ngày để thực hiện công việc được giao, bao gồm thời gian chuẩn bị, thời gian tác nghiệp, thời gian thường trực nghỉ tại chỗ và thời gian kết thúc công việc theo quy định của công nghệ vận tải đường sắt.

- Xuống ban là độ dài thời gian quy định nghỉ sau khi hết ban để chuyển sang ban sau.

- Chế độ làm việc trên đoàn tàu là chế độ người lao động luân phiên thay nhau làm việc liên tục trên đoàn tàu để đảm bảo hành trình chạy tàu và có đủ thời giờ nghỉ ngơi cho người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

- Hành trình chạy tàu là thời gian đoàn tàu chạy từ ga xuất phát đến ga quay đầu theo biểu đồ chạy tàu và bao gồm cả thời gian tác nghiệp cần thiết tại ga xuất phát, ga quay đầu theo quy định của công nghệ vận tải đường sắt.

- Thời giờ thực hiện công việc cần thiết thực tế trong ngày (24 giờ liên tục) là thời giờ được xác định căn cứ vào nhiệm vụ khối lượng công việc, định mức lao động trung bình tiên tiến của doanh nghiệp, kể cả thời giờ chuẩn kết và không bao gồm thời giờ thường trực nghỉ tại chỗ trong ban của người lao động.

2. Xác định chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

Căn cứ vào tính chất liên tục hoặc không liên tục và nhiệm vụ khối lượng nhiều hoặc ít của công việc, người sử dụng lao động xác định thời giờ thực hiện công việc cần thiết thực tế trong ngày để bố trí thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cụ thể phù hợp cho từng chức danh làm các công việc có tính chất đặc biệt theo chế độ ban, chế độ làm việc trên đoàn tàu quy định tại Thông tư này và phải có ý kiến tham gia của tổ chức công đoàn trước khi thực hiện.

II- THỜI GIỜ LÀM VIỆC - THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI

A. CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC THEO BAN

1. Đối tượng áp dụng

- Công nhân khám, chữa, chỉnh bị dầu máy, toa xe, tại các trạm đầu máy, toa xe và công nhân cấp nhiên liệu, vật liệu, nước cho đầu máy, toa xe;

- Nhân viên điều hành, quản lý đầu máy, toa xe phục vụ tại các trạm đầu máy, toa xe, trạm công tác trên tàu;

- Điều độ ga, điều độ tại các trung tâm;

- Trực ban, trưởng đồn, gác ghi, móc nối, dẫn máy;

- Nhân viên kiểm tra hàng hoá, toa xe, phục vụ hành khách, vận chuyển hàng hoá, nhân viên bảo vệ tại các ga, trạm;

- Công nhân vệ sinh toa xe;

- Công nhân gác đường ngang;

- Công nhân tuần, gác, bảo vệ cầu, hầm, đường sắt;

- Công nhân thông tin, tín hiệu, điện thường trực tại các ga, trạm và các cung nguồn, tổng đài.

2. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

a) Các chức danh làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, có khối lượng nhiều, liên tục ngày đêm, thời giờ thực hiện công việc cần thiết thực tế trong ngày là 24 giờ thì:

- Lên ban không quá 6 giờ, xuống ban ít nhất 12 giờ, số ban tối đa trong một tháng là 26 ban.

b) Các chức danh làm việc tại những nơi có khối lượng công việc nhiều, bận rộn liên tục ngày đêm có thời giờ thực hiện công việc cần thiết thực tế trong ngày là 24 giờ và phải mất từ 1 đến 2 giờ để làm nhiệm vụ giao nhận ban thì:

- Lên ban không quá 8 giờ, xuống ban ít nhất 22 giờ, số ban tối đa trong một tháng là 22,5 ban, hoặc:

- Lên ban không quá 12 giờ, xuống ban ít nhất 22 giờ, số ban tối đa trong một tháng là 15 ban.

c) Các chức danh làm việc tại những nơi có khối lượng công việc nhiều, liên tục ngày đêm, thời giờ thực hiện công việc cần thiết thực tế trong ngày là 24 giờ thì:

- Lên ban không quá 8 giờ, xuống ban ít nhất 12 giờ, số ban tối đa trong một tháng là 26 ban, hoặc:

- Lên ban không quá 12 giờ, xuống ban ít nhất 22 giờ, số ban tối đa trong một tháng là 17,5 ban.

d) Các chức danh làm việc tại những nơi khối lượng công việc tương đối nhiều, nhưng không liên tục, thời giờ thực hiện công việc cần thiết trong ngày không quá 16 giờ thì:

- Lên ban không quá 8 giờ, xuống ban ít nhất 10 giờ, số ban tối đa trong một tháng là 21 ban; người sử dụng lao động có thể bố trí để người lao động làm 2 ban liên tục sau đó mới thực hiện nghỉ xuống ban.

đ) Các chức danh làm việc tại những nơi khối lượng công việc không nhiều, không liên tục, thời giờ thực hiện công việc cần thiết thực tế trong ngày không quá 12 giờ thì:

- Lên ban không quá 12 giờ, xuống ban ít nhất 10 giờ, số ban tối đa trong một tháng là 26 ban; người sử dụng lao động có thể bố trí để người lao động làm 2 ban liên tục sau đó mới thực hiện nghỉ xuống ban.

e) Các chức danh làm việc tại những nơi khối lượng công việc ít, không liên tục, thời giờ thực hiện công việc cần thiết thực tế trong ngày không quá 8 giờ thì:

- Lên ban không quá 16 giờ, xuống ban ít nhất 8 giờ, số ban tối đa trong một tháng là 26 ban; người sử dụng lao động có thể bố trí để người lao động làm 3 ban liên tục sau đó mới thực hiện nghỉ xuống ban.

3. Thời giờ làm thêm trong 1 tháng không quá 39 giờ đối với các chức danh làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại điểm a khoản 2 mục A phần II và không quá 52 giờ đối với các chức danh làm các công việc quy định tại điểm b, c, d, đ, e khoản 2 mục A phần II của Thông tư này.

- Thời giờ làm thêm trong một năm không quá 200 giờ.

B. CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC TRÊN ĐOÀN TÀU

1. Đối tượng áp dụng

- Tài xế, phụ tài xế;

- Trưởng tàu khách, trưởng tàu hàng;

- Nhân viên trên tàu bao gồm nhân viên phục vụ, áp tải, bảo vệ, giao nhận hàng hoá, thiết bị trên tàu.

2. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

a) Đối với tài xế, phụ tài xế: thời giờ làm việc không quá 12 giờ trong một ngày, không quá 156 giờ trong một tháng. Thời giờ làm thêm trong một tháng không quá 39 giờ, trong một năm không quá 200 giờ.

b) Đối với trưởng tàu khách, trưởng tàu hàng và nhân viên trên tàu: thời giờ làm việc không quá 12 giờ trong một ngày, không quá 208 giờ trong một tháng. Thời giờ làm thêm trong một tháng không quá 52 giờ, trong một năm không quá 200 giờ.

c) Thời giờ nghỉ sau một hành trình chạy tàu để chuyển sang hành trình chạy tàu tiếp theo ít nhất là 12 giờ. Trường hợp do yêu cầu của biểu đồ chạy tàu, thời giờ nghỉ giữa hai hành trình làm việc có thể ngắn hơn nhưng tối thiếu cũng phải bằng thời giờ làm việc của hành trình trước liền kề.

d) Thời giờ nghỉ giữa hai hành trình chạy tàu nếu phải thực hiện ở trên tàu hoặc khi nhận việc phải chờ đợi, phải di chuyển đến địa điểm khác, những thời giờ đó không coi là thời giờ làm việc.

đ) ở những khu đoạn ngắn, đầu máy dồn và những đoàn tàu thực hiện thay phiên (nghỉ giữa hai hành trình chạy tàu) ở trên tàu thì người sử dụng lao động có thể áp dụng chế độ làm việc theo ban như quy định tại khoản 2 mục A phần II Thông tư này.

e) Trong mọi trường hợp tàu bị trở ngại, sự cố... trách nhiệm của các chức danh làm việc trên tàu phải đưa đoàn tàu về nơi quy định và chỉ khi bàn giao xong đoàn tàu mới thực hiện xuống nghỉ.

C. NGHỈ HÀNG TUẦN, NGHỈ HÀNG NĂM, NGHỈ KHÁC

Các chức danh làm việc theo chế độ ban và chế độ trên đoàn tàu quy định tại mục A và B phần II Thông tư này được nghỉ hàng tuần, nghỉ hàng năm, nghỉ lễ và những ngày nghỉ được hưởng lương khác theo quy định của Bộ Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động.

D. MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHÁC

1. Đối với một số công việc không thể rời nơi làm việc, người sử dụng lao động phải bố trí người lao động ăn, nghỉ tại chỗ để đảm bảo công việc.

2. Người sử dụng lao động phải bố trí để bảo đảm nơi ăn, nghỉ đối với các chức danh mà khi thường trực, khi xuống ban, ăn, nghỉ phải thực hiện tại nơi làm việc hoặc trên tàu.

3. Trong những trường hợp khẩn cấp như thiên tai, hoả hoạn, địch hoạ, sự cố giao thông người sử dụng lao động được quyền huy động lao động để khắc phục hậu quả mau chóng khôi phục giao thông.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Người sử dụng lao động trong các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vận tải đường sắt có trách nhiệm:

a) Xác định thời giờ thực hiện công việc cần thiết thực tế trong ngày phù hợp với từng chức danh tại những nơi làm việc cụ thể và xây dựng biện pháp để thực hiện chế độ làm việc theo ban, chế độ làm việc trên tàu theo quy định tại Thông tư này.

b) Thông báo trực tiếp cho người lao động, ghi vào hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và quy định biểu giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong nội quy lao động của doanh nghiệp về chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi quy định tại Thông tư này.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ những văn bản trước đây có nội dung trái với quy định tại Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Giao thông vận tải để giải quyết.

 

 

Đào Đình Bình

(Đã ký)

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 23/1998/TT-BGTVT

Loại văn bảnThông tư
Số hiệu23/1998/TT-BGTVT
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành07/02/1998
Ngày hiệu lực22/02/1998
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcLao động - Tiền lương, Giao thông - Vận tải
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 15/01/2016
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 23/1998/TT-BGTVT

Lược đồ Thông tư 23/1998/TT-BGTVT quy định thời giờ làm việc thời giờ nghỉ ngơi người làm việc tính chất độc hại đặc biệt vận tải đường sắt


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Thông tư 23/1998/TT-BGTVT quy định thời giờ làm việc thời giờ nghỉ ngơi người làm việc tính chất độc hại đặc biệt vận tải đường sắt
                Loại văn bảnThông tư
                Số hiệu23/1998/TT-BGTVT
                Cơ quan ban hànhBộ Giao thông vận tải
                Người kýĐào Đình Bình
                Ngày ban hành07/02/1998
                Ngày hiệu lực22/02/1998
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcLao động - Tiền lương, Giao thông - Vận tải
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 15/01/2016
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản được căn cứ

                        Văn bản hợp nhất

                          Văn bản gốc Thông tư 23/1998/TT-BGTVT quy định thời giờ làm việc thời giờ nghỉ ngơi người làm việc tính chất độc hại đặc biệt vận tải đường sắt

                          Lịch sử hiệu lực Thông tư 23/1998/TT-BGTVT quy định thời giờ làm việc thời giờ nghỉ ngơi người làm việc tính chất độc hại đặc biệt vận tải đường sắt