Nội dung toàn văn Thông tư 400/1998/TT-BGTVT sửa đổi 257/1998/TT-BGTVT thực hiện hiệp định vận tải Việt Lào
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 1998 |
THÔNG TƯ
BỔ SUNG SỬA ĐỔI THÔNG TƯ SỐ 257/1998/TT-BGTVT NGÀY 18/8/1998 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH THƯ CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI VIỆT NAM VÀ BỘ GIAO THÔNG-BƯU ĐIỆN-XÂY DỰNG LÀO THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CHDCND LÀO.
Nhằm tập trung tổ chức quản lý, hợp lý hoá việc cấp phép cho các doanh nghiệp vận tải ôtô tham gia vận tải quốc tế Việt-Lào, Bộ Giao thông vận tải sửa đổi khoản 7 của mục "II. Những qui định cụ thể thực hiện Nghị định thư"; mục "III. Cơ quan cấp giấy phép vận tải quốc tế"; mục "IV. Tổ chức thực hiện" của Thông tư số 257/1998/TT-BGTVT ngày 18/8/1998 của Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải như sau:
II. Những qui định cụ thể thực hiện Nghị định thư:
7. Thủ tục, hồ sơ xin cấp phép vận tải quốc tế Việt-Lào bao gồm:
7.1 Đơn xin cấp phép vận tải quốc tế (theo mẫu số 1).
7.2 Bản kê khai của mỗi phương tiện cần xin Giấy phép vận tải quốc tế (theo mẫu số 2)
7.3 Giấy chứng nhận Đăng ký sở hữu phương tiện (bản sao có công chứng hoặc bản photo kèm bản chính để đối chiếu)
7.4 Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải phải có Giấy Đăng ký kinh doanh và Hợp đồng vận tải, Hợp đồng liên doanh, Hợp đồng xây dựng thi công ... (bản sao có công chứng hoặc bản photo kèm bản chính để đối chiếu)
7.5 Bản sao Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh (bản sao có công chứng hoặc bản photo kèm bản chính để đối chiếu) hoặc văn bản chấp thuận của Cục Đường bộ Việt Nam.
Các đơn vị vận tải được Bộ Giao thông vận tải hoặc Cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên giao nhiệm vụ vận tải Việt-Lào thì được xem xét miễn các thủ tục nêu ở khoản 7.4 trên đây.
III. Cơ quan cấp Giấy phép vận tải quốc tế:
1. Các loại Giấy phép vận tải quốc tế Việt-Lào:
- Loại 1: Cấp cho phương tiện vận tải đường bộ của các đơn vị chuyên kinh doanh vận tải được qua lại nhiều lần trong thời hạn tối đa là 01 năm.
- Loại 2: Cấp cho phương tiện vận tải đường bộ được qua lại một lần theo thời hạn tối đa không quá 30 ngày.
2. Bộ Giao thông vận tải uỷ quyền:
2.1 Cục Đường bộ Việt Nam cấp các loại Giấy phép vận tải quốc tế cho các đơn vị, Công ty vận tải trực thuộc Cục và các đơn vị, công ty trực thuộc Bộ Giao thông vận tải có Trụ sở giao dịch đóng tại Hà nội.
2.2 Các Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) cấp các loại Giấy phép vận tải quốc tế cho các đơn vị vận tải có Trụ sở giao dịch đóng tại địa bàn (Trừ các đơn vị, công ty đã nêu tại điểm 2.1 ở trên).
Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) được cấp Giấy phép vận tải quốc tế Việt- Lào cho phương tiện qua lại các cửa khẩu đã được qui định trong toàn quốc.
Thời hạn giải quyết việc cấp Giấy phép không quá 48 giờ tính từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
3. Lệ phí cấp Giấy phép vận tải quốc tế Việt-Lào
Cơ quan cấp "Giấy phép vận tải quốc tế Việt- Lào" được thu và sử dụng lệ phí theo qui định của Bộ Tài chính.
IV. Tổ chức thực hiện:
1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ các qui định trước đây trái với Thông tư này.
2. Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phổ biến kịp thời và triển khai thực hiện Thông tư này.
3. Chậm nhất ngày 05 của tháng sau Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải lập báo cáo số "Giấy phép vận tải quốc tế Việt-Lào" đã cấp trong tháng trước và gửi về Cục Đường bộ Việt Nam để theo dõi và báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
4. Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm tổ chức, kiểm tra và theo dõi thực hiện Thông tư này.
Nơi nhận: | K/T BỘ TRƯỞNG |