Nội dung toàn văn Thông tư 42/1998/TT-BTC biện pháp điều hành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội dự toán ngân sách Nhà nước năm 1998
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42/1998/TT-BTC | Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 1998 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 42/1998/TT-BTC NGÀY 02 THÁNG 4 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN ĐIỀU 4 MỤC I QUYẾT ĐỊNH SỐ 1179/1997/QĐ-TTG NGÀY 30/12/1997 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1998
Thực hiện điểm 2 Điều 4 Mục I Quyết định số 1179/1997/QĐ-TTg ngày 30/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ về một số chủ trương, biện pháp điều hành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 1998 giao Bộ Tài chính quy định việc ổn định, công khai mức thuế trong 6 tháng hoặc 1 năm đối với hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG ỔN ĐỊNH, CÔNG KHAI MỨC THUẾ
1. Các hộ sản xuất kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh có mức doanh thu bình quân tháng quy định đối với từng ngành nghề như sau:
- Ngành sản xuất, xây dựng, thương nghiệp: dưới 8 triệu đồng.
- Ngành vận tải, ăn uống: dưới 6 triệu đồng.
- Ngành dịch vụ: dưới 4 triệu đồng hiện đang áp dụng tính và nộp thuế theo phương pháp khoán.
Các hộ kinh doanh có mức doanh thu bình quân tháng theo quy định trên thực hiện tốt chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ tự nguyện tính và nộp thuế theo phương pháp kê khai dựa trên sổ sách kế toán, hoá đơn, chứng từ không thuộc đối tượng ổn định mức thuế.
2. Các hộ sản xuất kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh có mức doanh thu bình quân tháng cao hơn mức doanh thu bình quân tháng quy định tại điểm 1 nêu trên theo quy định của Luật thuế phải thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ và nộp thuế theo phương pháp kê khai. Nếu các đối tượng này không thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ thì cơ quan thuế ấn định mức nộp thuế theo phương pháp khoán.
II. BIỆN PHÁP VÀ THỜI GIAN ỔN ĐỊNH MỨC THUẾ:
1. Biện pháp: Việc ổn định mức thuế đối với hộ kinh doanh tính và nộp thuế theo phương pháp khoán được thực hiện theo các căn cứ sau đây:
- Căn cứ vào tình hình và mức độ tăng trưởng kinh tế của khu vực sản xuất kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, dự toán thu cả năm đã giao cho từng địa bàn (quận, huyện, thị xã và phường xã, thị trấn) để định hướng xây dựng mức thuế khoán ổn định cho từng hộ kinh doanh.
- Mức khoán ổn định cụ thể cho từng hộ kinh doanh phải dựa vào tài liệu kê khai của hộ kinh doanh (nếu có) và tài liệu điều tra. Cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với các ngành, Hội đồng tư vấn thuế phường xã tổ chức hướng dẫn hộ kinh doanh kê khai doanh thu và điều tra điển hình để có cơ sở dự kiến mức thuế khoán ổn định cho hộ kinh doanh.
- Tổ chức công khai số hộ nộp thuế, mức thuế dự kiến khoán ổn định cho từng hộ để lấy ý kiến của UBND phường xã, các thành viên Hội đồng tư vấn, các hộ kinh doanh và đông đảo nhân dân, hoặc đưa ra hội nghị công thương gia để họ tự bình nghị.
Đối với những hộ có thắc mắc, cơ quan thuế phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế kiểm tra xem xét lại để giải thích cho hộ kinh doanh hoặc điều chỉnh lại nếu thấy ý kiến tham gia là đúng.
- Việc khoán ổn định mức thuế chỉ áp dụng đối với hộ kinh doanh cố định, các hộ kinh doanh thời vụ và kinh doanh buôn chuyến áp dụng biện pháp xác định doanh thu theo từng mùa vụ hoặc từng chuyến hàng.
2. Thời hạn ổn định mức thuế:
Thời hạn ổn định mức thuế từ 6 tháng đến 12 tháng do Chi cục trưởng Chi cục thuế quận, huyện, thị xã quyết định tuỳ theo tình hình sản xuất kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, đặc điểm, quy mô kinh doanh của những hộ thu khoán trên địa bàn.
Đối với những hộ sản xuất kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh quy định tại điểm 2 Mục I của Thông tư này không thực hiện chế độ sổ sách kế toán, hoá đơn, chứng từ thì áp dụng nộp thuế theo phương pháp khoán, thời gian áp dụng mức thuế khoán tuỳ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh thực tế và số liệu điều tra của cơ quan thuế trực tiếp quyển lý và do Chi cục trưởng quyết định. Các đối tượng này tuy đã áp dụng mức thuế khoán nhưng nếu phát hiện có hành vi kê khai không trung thực hoặc doanh thu điều tra cao hơn doanh thu đã tính thuế thì cơ quan thuế được quyền tính lại mức thuế theo doanh thu thực tế.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Việc ổn định, công khai thuế đối với hộ sản xuất kinh doanh cá thể là công việc phức tạp. Để bảo đảm thi hành đúng chính sách thuế, đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng kinh doanh, tránh tiêu cực, lợi dụng, Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp ở địa phương thực hiện một số việc sau đây:
1. Khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai trên địa bàn, trình UBND tỉnh, thành phố quyết định để sớm thực hiện triển khai.
2. Chỉ đạo cơ quan thuế phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế phường xã và các ngành điều tra nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn và từng đối tượng kinh doanh để xác định doanh thu tính thuế sát với thực tế kinh doanh của từng đối tượng, qua đó tiến hành phân loại đối tượng kinh doanh để áp dụng biện pháp quản lý doanh thu cho phù hợp, đồng thời qua đó xác định được số lượng các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ cần phải ổn định mức thuế để họ yên tâm kinh doanh. Tập trung lực lượng cán bộ quản lý các cơ sở, hộ kinh doanh lớn.
3. Chỉ đạo UBND phường, xã, các ngành trong địa phương tổ chức và phối hợp thực hiện việc nộp thuế khoán cũng như việc ổn định doanh thu, mức thuế khoán cho từng đối tượng kinh doanh để lấy ý kiến của nhân dân và các hộ kinh doanh, đảm bảo cho việc ổn định doanh thu, mức thuế từng hộ được chính xác, khách quan. Đảm bảo thực hiện được và vượt dự toán ngân sách nhà nước đã được giao.
4. Chỉ đạo cơ quan tuyên truyền phổ biến rộng rãi chủ trương, các quy định của Chính phủ và quy định của Bộ Tài chính về biện pháp nghiệp vụ thực hiện, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ và đông đảo nhân dân, lên án mạnh mẽ các đối tượng xuyên tạc hoặc lợi dụng chủ trương này để cố tình giấu doanh thu, hạ mức thuế...
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, các tổ chức và cá nhân phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu hướng dẫn bổ sung.
| Vũ Mộng Giao (Đã Ký) |