Thông tư 60-TC/CĐKT hướng dẫn công tác kế toán kiểm toán doanh nghiệp tổ chức vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã được thay thế bởi Thông tư 122/2004/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán kiểm toán doanh nghiệp tổ chức vốn nước ngoài hoạt động Việt Nam và được áp dụng kể từ ngày 13/01/2005.
Nội dung toàn văn Thông tư 60-TC/CĐKT hướng dẫn công tác kế toán kiểm toán doanh nghiệp tổ chức vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 60-TC/CĐKT | Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 1997 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 60-TC/CĐKT NGÀY 01 THÁNG 9 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÔNG TÁC KẾ TOÁN VÀ KIỂM TOÁN ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP, TỔ CHỨC CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Căn cứ Pháp lệnh Kế toán và Thống kê được công bố theo Lệnh số 6LCT/HĐNN - 8, ngày 20-05-1988 của Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước ban hành theo Nghị định 25-HĐBT, ngày 18-03-1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ);
Căn cứ Điều 37 của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 12-11-1996 (sau đây gọi tắt là Luật đầu tư nước ngoài) và các Điều 65, 66, 67, 68, 69, chương VIII của Nghị định số 12/CP, ngày 18-02-1997 của Chính phủ "Quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam" (sau đây gọi tắt là Nghị định 12/CP);
Căn cứ Điều 23, chương III của Nghị định số 42/CP, ngày 08-07-1995 của Chính phủ về "Quy chế hành nghề tư vấn pháp luật của Tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam" (sau đây gọi tắt là Quy chế hành nghề tư vấn);
Căn cứ Mục V - Lao động cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, người nước ngoài lao động tại Việt Nam, lao động ở nước ngoài của Bộ Luật lao động của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, công bố theo Lệnh số 35L/CTN, ngày 05-07-1994 (sau đây gọi tắt là Bộ Luật lao động).
Bộ Tài chính quy định và hướng dẫn thực hiện công tác kế toán, kiểm toán đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Chi nhánh Tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam, như sau:
I. PHẠM VI ÁP DỤNG
1. Trong Thông tư này khái niệm Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hiểu bao gồm các đối tượng sau đây:
1.1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Doanh nghiệp khu công nghiệp; Doanh nghiệp chế xuất; Các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh, Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), Hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) thực hiện đầu tư dưới 3 hình thức: Hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh, Doanh nghiệp liên doanh, Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong tất cả các lĩnh vực kể cả doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
1.2. Chi nhánh Tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam hoạt động theo Quy chế hành nghề tư vấn pháp luật của Tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Chi nhánh Tổ chức luật sư).
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải chấp hành chế độ kế toán và thống kê theo Pháp lệnh Kế toán và Thống kê, Điều lệ Tổ chức kế toán Nhà nước, các văn bản pháp quy hiện hành về kế toán, kiểm toán, Điều 37 - Luật Đầu tư nước ngoài, Điều 65, 66, 67, 68, 69, Chương VIII - Nghị định 12/CP, Điều 23, Chương III - Quy chế hành nghề tư vấn và theo những quy định tại Thông tư này.
2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải chịu sự giám sát, kiểm tra của cơ quan Tài chính và của các cơ quan quản lý chức năng trong việc thực hiện công tác kế toán.
3. Tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải đăng ký hệ thống Chế độ kế toán áp dụng ở doanh nghiệp và phải được Bộ Tài chính chấp thuận trước khi thực hiện.
4. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện công tác kế toán theo Hệ thống chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có lý do chính đáng cần áp dụng chế độ kế toán thông dụng khác thì phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.
5. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải tuân thủ hệ thống chế độ kế toán đã đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận cho áp dụng tại doanh nghiệp (kể cả những bổ sung, sửa đổi chế độ kế toán đã được chấp thuận).
6. Khi có nhu cầu bổ sung, sửa đổi Hệ thống kế toán đã đăng ký và đã được chấp thuận, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải giải trình rõ lý do thay đổi và phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.
7. Trường hợp doanh nghiệp liên doanh thuê Tổ chức quản lý để quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp: Trong mọi trường hợp, doanh nghiệp liên doanh là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Tổ chức quản lý trong việc thực hiện hợp đồng, cũng như về số liệu của báo cáo tài chính. Tổ chức quản lý phải chấp hành các quy định của Thông tư này như đối với các đối tượng của Điểm 1.1, phần I - Phạm vi áp dụng.
8. Năm tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với năm tính Thuế có thể là năm dương lịch, hoặc là năm 12 tháng liên tục do doanh nghiệp đăng ký.
9. Báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
10. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải công bố công khai báo cáo tài chính hàng năm và các thông tin về tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đến các đối tượng sử dụng thông tin theo quy định.
11. Yêu cầu của công tác kế toán
Công tác kế toán của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải đảm bảo tính trung thực, đầy đủ, chính xác, kịp thời, liên tục và có hệ thống về: Số hiện có và tình hình biến động của các loại tài sản, nguồn vốn, các khoản chi phí, giá thành sản phẩm, dịch vụ, lao vụ, doanh thu, lợi tức hoạt động kinh doanh; tình hình thực hiện các Luật Thuế và các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước Việt Nam theo Giấy phép đầu tư (đối với Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài), hoặc Giấy phép hoạt động (đối với Chi nhánh Tổ chức luật sư).
12. Khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chấm dứt hoạt động với bất kỳ lý do nào đều phải có thông báo bằng văn bản và lập báo cáo tài chính tính đến thời điểm chấm dứt hoạt động với Bộ Tài chính.
III. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
A. NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN HỆ THỐNG CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN
1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài áp dụng Chế độ kế toán Việt Nam hay Chế độ kế toán thông dụng khác đều phải chấp hành các quy định:
1.1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải vận dụng hệ thống kế toán áp dụng phù hợp với ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực hoạt động của mình.
1.2. Đơn vị tiền tệ sử dụng trong ghi chép kế toán là Đồng Việt Nam. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể sử dụng đơn vị tiền tệ nước ngoài để ghi sổ kế toán và lập báo cáo kế toán nhưng phải đăng ký trong chế độ kế toán xin áp dụng và được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.
Các đơn vị tiền tệ khác với đơn vị tiền tệ chính thức được chấp thuận phải ghi theo nguyên tệ và quy đổi ra đơn vị tiền tệ chính thức theo tỷ giá giao dịch của nghiệp vụ kinh tế phát sinh, hoặc tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ kinh tế.
1.3. Đơn vị đo lường (hiện vật và thời gian) áp dụng trong ghi chép kế toán là đơn vị đo lường chính thức của Việt Nam. Các đơn vị đo lường khác (nếu có) phải quy đổi ra đơn vị đo lường chính thức của Việt Nam. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể sử dụng thêm đơn vị đo lường phụ để ghi sổ kế toán.
1.4. Việc ghi chép kế toán thực hiện bằng chữ số ả rập và bằng tiếng Việt Nam hoặc đồng thời bằng tiếng Việt Nam và một tiếng nước ngoài thông dụng khác, phải được ghi trong Điều lệ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trong đăng ký chế độ kế toán.
2. Năm tài chính
2.1. Năm tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với năm tính thuế được quy định tại Điều 60 của Nghị định 12/CP. Năm tài chính có thể là năm dương lịch, hoặc là 12 tháng liên tục bắt đầu từ đầu quý và đăng ký trong chế độ kế toán xin áp dụng.
2.2. Năm tài chính đầu tiên được tính kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư (hoặc Giấy phép đặt Chi nhánh Tổ chức luật sư) đến ngày kết thúc của năm tài chính được chấp thuận.
2.3. Kỳ kế toán trong năm tài chính là:
- Tháng: Tính từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng.
- Quý: Tính từ ngày 01 tháng đầu tiên của quý đến ngày cuối cùng của tháng cuối quý.
3. Thời hạn nộp và công bố báo cáo tài chính
- Báo cáo quý: Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày kết thúc quý.
- Báo cáo năm: Trong vòng 3 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
4. Nơi nộp báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nộp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê, Cơ quan Thuế địa phương (nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính), bên có vốn góp liên doanh.
5. Kiểm toán báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trước khi nộp và công bố công khai phải được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập của Việt Nam hoặc công ty kiểm toán độc lập khác được phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Báo cáo kiểm toán được đính kèm báo cáo tài chính năm phải có chữ ký của kiểm toán viên có chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ Tài chính Việt Nam cấp, hoặc bằng kiểm toán cấp quốc gia của nước sở tại mà Bộ Tài chính Việt Nam thừa nhận đã đăng ký trong danh sách kiểm toán viên với Bộ Tài chính; chữ ký của giám đốc công ty và dấu của công ty kiểm toán. Dưới chữ ký của kiểm toán viên phải ghi rõ họ tên, số của chứng chỉ (bằng) kiểm toán của kiểm toán viên.
6. Tổ chức công tác kế toán
6.1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện các nội dung công tác kế toán bao gồm: Chế độ chứng từ kế toán, hệ thống tài khoản kế toán, chế độ sổ kế toán, hệ thống báo cáo tài chính, chế độ lưu trữ tài liệu kế toán.
6.2. Để thực hiện công tác kế toán, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức riêng bộ máy kế toán hoặc có thể thuê tổ chức dịch vụ kế toán hoạt động độc lập, hợp pháp tại Việt Nam.
6.2.1. Trong trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức bộ máy kế toán độc lập thì:
a. Phải bố trí đủ cán bộ kế toán cần thiết theo chức danh tiêu chuẩn quy định cho cán bộ kế toán. Cán bộ kế toán được đảm bảo quyền độc lập về chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện công tác kế toán. Cán bộ kế toán không được đảm nhiệm đồng thời nhiệm vụ bảo vệ tài sản và chức năng kế toán trong thực hiện công tác kế toán.
b. Đứng đầu bộ máy kế toán là kế toán trưởng hoặc trưởng phòng kế toán. Kế toán trưởng (hoặc trưởng phòng kế toán) là người giúp Tổng giám đốc, hoặc Giám đốc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức chỉ đạo toàn bộ công tác kế toán, thống kê, thông tin kinh tế tại doanh nghiệp.
- Kế toán trưởng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do Hội đồng quản trị (đối với doanh nghiệp liên doanh), Tổng giám đốc, hoặc người đại diện được uỷ quyền thường trú tại Việt Nam (đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) tuyển chọn và chỉ định bằng văn bản. Khi có sự thay đổi kế toán trưởng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải thông báo chính thức bằng văn bản cho Bộ Tài chính (trong thời hạn 20 ngày).
- Kế toán trưởng phải là người có trình độ chuyên môn (văn bằng tốt nghiệp) chuyên ngành về kế toán, tài chính từ bậc trung cấp trở lên; đã qua lớp bồi dưỡng kế toán trưởng (đối với người Việt Nam); có những hiểu biết cần thiết về kinh tế, kỹ thuật và tài chính; có năng lực tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, phân tích công tác tài chính, kế toán, thống kê, thông tin kinh tế và hạch toán kinh tế. Người được cử làm kế toán trưởng phải có thời gian làm công tác thực tế về kế toán tối thiểu là 3 năm (nếu tốt nghiệp đại học), 5 năm (nếu tốt nghiệp trung cấp).
- Kế toán trưởng phải chịu sự kiểm tra, giám sát về mặt nghiệp vụ chuyên môn tài chính, kế toán của cơ quan tài chính Việt Nam.
c. Cán bộ kế toán (kể cả kế toán trưởng) là người Việt Nam được doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuyển chọn và ký hợp đồng lao động phải là những người được đào tạo chuyên ngành về tài chính, kế toán và được giới thiệu bởi tổ chức dịch vụ việc làm được thành lập theo quy định của Pháp luật Việt Nam (quy định tại Điều 132 của Bộ Luật lao động).
Cán bộ kế toán (kể cả kế toán trưởng) tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có hợp đồng lao động ký kết với doanh nghiệp và tuân thủ theo các Điều 131, 132, 133, tại mục V của Bộ Luật lao động; phải chứng minh về năng lực chuyên môn theo quy định tại các Điểm 6.2.1.b và 6.2.1.c trước các cơ quan quản lý Nhà nước có chức năng.
d. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, nhân viên kế toán đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác kế toán của đơn vị theo chế độ kế toán Việt Nam, kể cả chế độ kế toán thông dụng khác được Bộ Tài chính chấp thuận.
6.2.2. Trong trường hợp thuê tổ chức dịch vụ kế toán hoạt động độc lập, hợp pháp tại Việt Nam để thực hiện công tác kế toán trên cơ sở hợp đồng kinh tế ký kết giữa hai bên thì dịch vụ kế toán cung cấp phải tuân thủ các quy định về công tác kế toán như đối với trường hợp doanh nghiệp tự thực hiện công tác kế toán theo các quy định của chế độ kế toán doanh nghiệp và quy định trong Thông tư này.
7. Thực hiện công tác kế toán
7.1. Ghi chép ban đầu: Mọi hoạt động kinh tế phát sinh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều phải lập chứng từ kế toán theo mẫu đã đăng ký.
Chứng từ kế toán phát sinh từ bên ngoài Việt Nam phải đăng ký trước và phải được dịch ra tiếng Việt Nam những nội dung chủ yếu. Chứng từ kế toán phải là bản gốc, bản photocopy hoặc fax không có giá trị pháp lý.
7.2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ có một hệ thống số kế toán chính thức áp dụng theo hệ thống Chế độ kế toán đã đăng ký. Căn cứ ghi sổ kế toán là chứng từ kế toán. Sổ kế toán phải được ghi rõ ràng, liên tục, có hệ thống và không được tẩy xoá.
7.3. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải đăng ký về sử dụng sổ kế toán với cơ quan Thuế địa phương (nơi đăng ký nộp Thuế) hai sổ kế toán: Sổ cái và Sổ Nhật ký, hoặc Sổ đăng ký chứng từ ghi sổ (số trang và dấu giáp lai).
Sổ cái và Sổ Nhật ký, hoặc Sổ đăng ký chứng từ ghi sổ của doanh nghiệp không có xác nhận của cơ quan Thuế địa phương sẽ không được chấp nhận về mặt pháp lý.
7.4. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện ghi chép kế toán trên mẫu sổ kế toán in sẵn thì phải đóng dấu giáp lai và có đủ chữ ký của người giữ sổ và người chịu trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp trên toàn bộ sổ sử dụng trong năm tài chính.
7.5. Trong trường hợp việc ghi sổ kế toán được thực hiện bằng máy vi tính thì:
- Doanh nghiệp phải ghi chép bằng tay về các số liệu khoá sổ kế toán theo năm tài chính của các tài khoản tổng hợp trên Sổ cái đã được đăng ký tại cơ quan Thuế địa phương.
- Khi kết thúc kỳ, niên độ kế toán (sau khi ghi sổ xong và lập báo cáo tài chính), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải in sổ kế toán, đóng thành tập, phải đóng dấu giáp lai và có đủ chữ ký của người lập và người chịu trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp trên toàn bộ sổ kế toán sử dụng trong năm tài chính. Cuối tháng, sau khi phản ánh đầy đủ nghiệp vụ phát sinh, kế toán tiến hành sao chép toàn bộ các trang sổ kế toán ra đĩa mềm (ít nhất 2 bản sao) và niêm phong theo quy định niêm phong hồ sơ.
8. Báo cáo tài chính
- Báo cáo tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được lập đầy đủ và nộp đúng thời hạn cho các đối tượng theo quy định tại Điểm 4, Mục A, phần III.
- Báo cáo tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được lập trên cơ sở số liệu của các sổ kế toán được ghi chép từ các chứng từ kế toán hợp lý, hợp lệ, hợp pháp.
- Báo cáo tài chính phải đảm bảo tính đầy đủ, trung thực, chính xác, có tính so sánh, dễ hiểu và phải có đầy đủ chữ ký của người chịu trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp (Tổng giám đốc hoặc Giám đốc và kế toán trưởng).
9. Kiểm kê tài sản
- Trong niên độ kế toán, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải tiến hành kiểm kê tài sản ít nhất 1 lần và bắt buộc phải tiến hành kiểm kê toàn bộ tài sản hiện có của doanh nghiệp ở thời điểm kết thúc năm tài chính.
- Kết quả kiểm kê tài sản được phản ánh trong biên bản kiểm kê và báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê.
- Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê phải được đính kèm báo cáo tài chính.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có trách nhiệm luôn đảm bảo sự khớp đúng giữa giá trị tài sản thực tế (số liệu kiểm kê) với số liệu ghi trên sổ kế toán, báo cáo kế toán và báo cáo tài chính.
10. Nghiêm cấm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
- Giả mạo chứng từ kế toán, ghi sổ và lập báo cáo kế toán sai sự thật;
- Huỷ bỏ chứng từ, sổ, báo cáo kế toán khi chưa hết thời hạn bảo quan và lưu trữ theo quy định hiện hành;
- Khai man số liệu, báo cáo sai sự thật hoặc ép người khác khai man số liệu; sử dụng các loại chứng từ, biểu mẫu không hợp lệ, sai với chế độ kế toán đã đăng ký và đã được chấp thuận;
- Để ngoài sổ kế toán dưới bất cứ hình thức nào về: Tài sản, vật tư, doanh thu bán hàng, thu nhập khác....
B. ĐĂNG KÝ VÀ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN
1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải đăng lý với Bộ Tài chính về Hệ thống Chế độ kế toán sẽ áp dụng tại doanh nghiệp và phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.
1.1. Trước khi đăng ký chế độ kế toán, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải lựa chọn và xác định rõ hệ thống Chế độ kế toán áp dụng cho ngành hoạt động, lĩnh vực kinh doanh theo phân ngành kinh tế của nền kinh tế quốc dân.
1.2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện đăng ký hệ thống Chế độ kế toán trong phạm vi thời hạn quy định từ khi có Giấy phép đầu tư hoặc Giấy phép hoạt động. Từ thời điểm có hiệu lực của Giấy phép đầu tư, hoặc Giấy phép hoạt động, mọi hoạt động kinh tế phát sinh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được ghi chép kế toán.
1.3. Khi muốn có những thay đổi so với nội dung đăng ký Chế độ kế toán đã được chấp thuận, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải đề nghị bằng văn bản với Bộ Tài chính và chỉ được thực hiện các điểm sửa đổi này khi có sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính.
2. Thời hạn đăng ký và chấp thuận Chế độ kế toán 2.1. Thời hạn xin đăng ký và xin gia hạn đăng ký
2.1.1. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Giấy phép đầu tư hoặc Giấy phép hoạt động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện đăng ký hệ thống Chế độ kế toán xin áp dụng với Bộ Tài chính.
2.1.2. Nếu vì lý do nào đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa thể đăng ký hệ thống Chế độ kế toán theo đúng thời hạn quy định thì phải gửi công văn đề nghị gia hạn đăng ký Chế độ kế toán với Bộ Tài chính, trình bày lý do và phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng ký hệ thống Chế độ kế toán theo đúng thời hạn đã được gia hạn.
2.2. Thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký
2.2.1. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được Hồ sơ đăng ký hệ thống Chế độ kế toán hợp lệ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính sẽ có ý kiến chính thức bằng văn bản về việc đăng ký chế độ kế toán của doanh nghiệp.
2.2.2. Trường hợp tài liệu trong Hồ sơ đăng ký hệ thống Chế độ kế toán của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không đầy đủ, rõ ràng theo quy định hiện hành, Bộ Tài chính sẽ yêu cầu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giải thích và bổ sung tài liệu. Thời gian chờ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giải thích và bổ sung tài liệu không tính vào thời hạn trả lời như đã nêu ở Điểm 2.2.1, Mục B.
3. Hồ sơ đăng ký
3.1. Khi đăng ký hệ thống Chế độ kế toán với Bộ Tài chính, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trình bộ hồ sơ đăng ký, bao gồm: 3.1.1. Công văn đăng ký chế độ kế toán (theo mẫu phụ lục số 01). 3.1.2. Giấy phép đầu tư (Bản sao có công chứng, hoặc có chứng nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
3.1.3. Chỉ định bổ nhiệm kế toán trưởng của Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc; hợp đồng lao đồng ký kết giữa kế toán trưởng với Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp.
3.1.4. Các chứng chỉ nghiệp vụ, chuyên môn (văn bằng tốt nghiệp) chuyên ngành kế toán - tài chính; Chứng nhận đã qua chương trình bồi dưỡng kế toán trưởng của kế toán trưởng (bản sao có công chứng).
- Văn bằng nghiệp vụ chuyên môn bằng tiếng nước ngoài phải được chứng nhận bởi cơ quan công chứng.
3.1.5. Tài liệu giải trình chế độ kế toán áp dụng (trường hợp bổ sung, thu gọn, sửa đổi hệ thống Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam hoặc xin áp dụng chế độ kế toán thông dụng khác).
- Trường hợp đề nghị bổ sung, sửa đổi hoặc cụ thể hoá hệ thống Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam áp dụng tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh thì phải gửi kèm các tài liệu chi tiết của nội dung đề nghị bổ sung, sửa đổi (hệ thống chứng từ kế toán, hệ thống tài khoản kế toán, hệ thống sổ kế toán, phương pháp hạch toán kế toán, hệ thống báo cáo tài chính). Tài liệu này phải bao gồm các phần: Danh mục có phân loại của từng nội dung chế độ kế toán đề nghị bổ sung, sửa đổi; có kèm theo mẫu biểu và giải thích.
- Trường hợp áp dụng chế độ kế toán thông dụng khác: Khi đăng ký hệ thống Chế độ kế toán thông dụng khác, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải giải thích rõ lý do lựa chọn Chế độ kế toán thông dụng khác; đồng thời gửi kèm bộ tài liệu về toàn bộ hệ thống kế toán mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị xin áp dụng gồm các tài liệu được quy định tại Điểm 3 Mục D - Trường hợp áp dụng chế độ kế toán thông dụng khác.
3.2. Hồ sơ gửi đến Bộ Tài chính, bao gồm 04 bộ (được đóng quyển):
01 bộ: Lưu tại Bộ Tài chính
01 bộ: Nộp tại cơ quan Thuế địa phương
02 bộ: Lưu tại doanh nghiệp.
Các hồ sơ đăng ký hệ thống Chế độ kế toán được chấp thuận sẽ được đóng dấu đã đăng ký trước khi lưu hành.
C. TRƯỜNG HỢP ÁP DỤNG HỆ THỐNG CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN VIỆT NAM
1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài áp dụng Hệ thống chế độ kế toán doanh nghiệp của Việt Nam phải tuân thủ và chấp hành toàn bộ các chế độ hiện hành về chứng từ kế toán, hệ thống tài khoản kế toán, chế độ sổ kế toán, hệ thống báo cáo tài chính, lưu trữ tài liệu kế toán theo như quy định.
2. Trong trường hợp cần bổ sung, thu gọn, sửa đổi nội dung, phương pháp kế toán cho phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì doanh nghiệp phải trình Bộ Tài chính xem xét và chấp thuận. Mọi sự bổ sung, thu gọn, sửa đổi này phải đảm bảo tuân thủ và tôn trọng các nguyên tắc chung của Hệ thống chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được thực hiện hệ thống Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam có sự bổ sung, thu gọn, sửa đổi sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.
- Tài liệu trình Bộ Tài chính về bổ sung, thu gọn, sửa đổi chế độ kế toán Việt Nam xin áp dụng theo quy định của Điểm 3.1.5 - Mục B - Phần III.
3. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký áp dụng chế độ kế toán Việt Nam sẽ được tạo điều kiện thuận lợi và hướng dẫn trong quá trình đăng ký và tổ chức thực hiện.
D. TRƯỜNG HỢP ÁP DỤNG CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN THÔNG DỤNG KHÁC
1. Bộ Tài chính chỉ xem xét và chấp thuận cho áp dụng một Chế độ kế toán thông dụng khác (ngoài hệ thống Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam) trong những trường hợp sau đây:
- Doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài chứng minh được rằng không thể và không thuận lợi cho việc điều hành doanh nghiệp nếu thực hiện theo Hệ thống kế toán doanh nghiệp Việt Nam, buộc phải lựa chọn hệ thống kế toán thông dụng khác.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực đặc thù mà ở Việt Nam chưa có những quy định và hướng dẫn về kế toán.
2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị áp dụng Chế độ kế toán thông dụng khác phải tuân thủ những nguyên tắc sau đây:
2.1. Chỉ được áp dụng Chế độ kế toán thông dụng khác trên 4 nội dung: Mẫu biểu của hệ thống chứng từ kế toán; danh mục, nội dung và phương pháp kế toán của hệ thống tài khoản; Mẫu biểu và phương pháp ghi sổ của hệ thống sổ kế toán; mẫu biểu, chỉ tiêu, phương pháp lập các báo cáo tài chính.
2.2. Phải tuân thủ và chấp hành các nguyên tắc chung của Hệ thống chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam về Chế độ chứng từ kế toán, chế độ sổ kế toán.
3. Tài liệu Chế độ kế toán xin đề nghị áp dụng (gửi kèm trong Bộ Hồ sơ đăng ký hệ thống Chế độ kế toán theo quy định của Điểm 3.1.5 - Mục B - Phần III), phải bao gồm các nội dung sau:
- Các chính sách, nguyên tắc và chuẩn mực kế toán áp dụng tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Danh mục chứng từ kế toán áp dụng, có phân loại theo 06 chỉ tiêu: Lao động tiền lương, hàng tồn kho, bán hàng, tiền tệ, tài sản cố định, và sản xuất, kinh doanh; kèm theo các mẫu chứng từ xin áp dụng chính thức.
Riêng đối với hoá đơn bán hàng tự in, ngoài việc trình trong Hồ sơ đăng ký hệ thống Chế độ kế toán, doanh nghiệp phải gửi cho Tổng cục Thuế để đăng ký và phải được chấp thuận.
- Danh mục Hệ thống tài khoản kế toán (mã, tên, tính chất) được phân loại theo đúng các nguyên tắc phân loại tài khoản, kèm theo tài liệu giải thích về nội dung, phương pháp hạch toán của tài khoản; về mối quan hệ giữa các tài khoản và sơ đồ kế toán tổng quát về sử dụng hệ thống tài khoản (với các tài khoản phản ánh các nghiệp vụ kinh tế chủ yếu về tài sản, nguồn vốn kinh doanh và báo cáo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh).
- Danh mục của hệ thống sổ kế toán áp dụng (có phân loại theo hệ thống các sổ kế toán tổng hợp và hệ thống các sổ kế toán chi tiết), kèm theo mẫu sổ chính thức xin áp dụng; sơ đồ diễn giải quá trình ghi chép từ chứng từ gốc đến sổ kế toán tổng hợp, sổ kế toán chi tiết và lập báo cáo tài chính; giải thích phương pháp ghi chép, mối quan hệ giữa hệ thống sổ kế toán tổng hợp và hệ thống sổ kế toán chi tiết.
Về hình thức sổ kế toán xin áp dụng chỉ được lựa chọn một trong 4 hình thức kế toán phổ biến hiện nay tại Việt Nam (Nhật ký Sổ cái, Chứng từ ghi sổ, Nhật ký chung, Nhật ký - Chứng từ).
- Danh mục hệ thống báo cáo tài chính, kèm theo mẫu và giải thích phương pháp tính toán và lập các chỉ tiêu trong các báo cáo tài chính.
Hệ thống báo cáo tài chính gồm: Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, thuyết minh báo cáo tài chính.
E. CÔNG TÁC KIỂM TOÁN TẠI CÁC DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
1. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
1.1. Mọi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều phải thực hiện kiểm toán cả về việc tuân thủ công tác kế toán và các báo cáo tài chính.
1.2. Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập của Việt Nam hoặc công ty kiểm toán độc lập khác được phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về kiểm toán trước khi gửi đến các cơ quan có chức năng và công bố công khai.
1.3. Báo cáo kiểm toán phải được đính kèm với báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi gửi tới các cơ quan có chức năng và công bố công khai báo cáo tài chính.
1.4. Báo cáo kiểm toán gồm các nội dụng chủ yếu sau:
1.4.1. Xác nhận tính khách quan, trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính và các số liệu kế toán.
1.4.2. Nhận xét, đánh giá tình hình thực hiện công tác kế toán; chấp hành hệ thống chế độ kế toán đã đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận; chấp hành pháp luật, chế độ, thể lệ kế toán.
1.4.3. Những kiến nghị.
1.5. Báo cáo kiểm toán phải có chữ ký và ghi rõ họ, tên, số chứng chỉ (bằng) kiểm toán của kiểm toán viên, chữ ký của giám đốc và dấu của Công ty kiểm toán độc lập.
2. Đối với công ty kiểm toán độc lập khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
2.1. Công ty kiểm toán độc lập chỉ được tiến hành kiểm toán trên các tài liệu kế toán của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện theo chế độ kế toán đã đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận cho áp dụng tại doanh nghiệp.
2.2. Công ty kiểm toán độc lập đã thực hiện, cung cấp dịch vụ kế toán để thiết lập báo cáo tài chính cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện kiểm toán trên cùng báo cáo tài chính này.
2.3. Công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có tư cách pháp nhân độc lập và phải đảm bảo tính trung thực, khách quan khi tiến hành cuộc kiểm toán ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị kiểm toán.
2.4. Công ty kiểm toán độc lập phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính độc lập, khách quan, trung thực của kết quả kiểm toán.
IV. QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THAY ĐỔI CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN ÁP DỤNG
1. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký hệ thống Chế độ kế toán Việt Nam trước ngày 01-01-1996 phải thực hiện việc chuyển đổi để thực hiện theo đúng Chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành ban hành theo Quyết định 1141 TC/QĐ/CĐKT, ngày 01-11-1995 của Bộ Tài chính.
2. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký và đã được chấp nhận chế độ kế toán thông dụng khác, không thuộc đối tượng của Mục D - Phần III sau thời hạn 1 năm (kể từ ngày Thông tư có hiệu lực) phải chuyển sang áp dụng hệ thống Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam và phải thực hiện đăng ký lại Chế độ kế toán áp dụng tại doanh nghiệp theo quy định của Thông tư này với Bộ Tài chính.
3. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp Giấy phép đầu tư, hoặc Giấy phép hoạt động cho đến nay vẫn chưa thực hiện đăng ký chế độ kế toán với Bộ Tài chính cần nhanh chóng hoàn thành các thủ tục cần thiết và đăng ký Chế độ kế toán áp dụng theo đúng như các quy định của Thông tư này.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH
Thông tư này thay thế Thông tư 84 TC/CĐKT ngày 23-10-1993 của Bộ Tài chính và có hiệu lực kể từ ngày ký.
Các đối tượng thuộc Điểm 1.1, 1.2 - Phần I - Phạm vi áp dụng của Thông tư phải nghiêm chỉnh và chấp hành đầy đủ các quy định tại Thông tư này. Mọi vi phạm các quy định trong Thông tư này sẽ bị xử lý theo quy định của Pháp lệnh Kế toán Thống kê, ngày 10-05-1988 và Chế độ xử phạt hành chính của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các cơ quan Nhà nước có chức năng chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra các doanh nghiệp thuộc diện quản lý của mình theo quy định của Thông tư.
Trong quá trình thực hiện Thông tư nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để giải quyết kịp thời.
| Vũ Mộng Giao (Đã Ký) |
MẪU CÔNG VĂN
ĐĂNG KÝ CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN (PHỤ LỤC 01)
Tên đơn vị:..... | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Địa chỉ chính thức:..... | Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số công văn:........ |
|
Số ĐT:......; Số Fax:..... |
|
V/v: Đăng ký chế độ kế toán | ..... ngày... tháng... năm... |
Kính gửi: Bộ Tài chính (Vụ Chế độ kế toán)
- Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 12-11-1996.
- Căn cứ Nghị định 12/CP, ngày 18-02-1997 của Chính phủ Quy định chi tiết việc thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
- Căn cứ Thông số... TC/CĐKT, ngày.../.../1997 của Bộ Tài chính về "Hướng dẫn thực hiện công tác kế toán và kiểm toán đối với các doanh nghiệp, tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam".
Tên Công ty:........
Ngành hoạt động:........
Theo Giấy phép đầu tư (Giấy phép hoạt động) số:........., ngày... tháng... năm... của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Tư pháp).
Xin đăng ký sử dụng chế độ kế toán theo các nội dụng sau:
1. Chế độ kế toán áp dụng: Việt Nam (hay nước ngoài).
Của ngành hoạt động: ..... (công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ,...)
- Hệ thống chứng từ ban đầu:...........
- Hệ thống tài khoản:...........
- Hệ thống sổ kế toán: (Lựa chọn một trong bốn hình thức kế toán: Nhật ký chung, Chứng từ ghi sổ, Nhật ký chứng từ, Nhật ký - Sổ cái).
- Hệ thống báo cáo tài chính: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Thuyết minh báo cáo tài chính.
2. Ngôn ngữ sử dụng trong kế toán: Tiếng Việt Nam và...........
3. Đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán:.............
Các đồng tiền khác phát sinh phải được quy đổi ra........ theo tỷ giá giao dịch của nghiệp vụ kinh tế phát sinh, hoặc tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ kinh tế.
Đơn vị đo lường sử dụng trong kế toán: Theo hệ thống đo lường chính thức áp dụng tại Việt Nam.
4. Niên độ kế toán áp dụng: Niên độ kế toán đầu tiên: Từ... đến...
Niên độ kế toán tiếp theo: Từ... đến.... hàng năm.
5. Chế độ khấu hao:...................
Xin đề nghị Bộ Tài chính xem xét chấp thuận
Giám đốc
(Ký tên và đóng dấu)
Nơi nhận:
- Như trên
- Lưu tại đơn vị