Thông tư 76-TC/TCDN

Thông tư 76-TC/TCDN-1996 hướng dẫn chế độ quản lý doanh thu, chi phí và giá thành sản phẩm, dịch vụ tại doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 76-TC/TCDN hướng dẫn quản lý doanh thu chi phí giá thành sản phẩm dịch vụ tại doanh nghiệp Nhà nước đã được thay thế bởi Thông tư 63/1999/TT-BTC quản lý doanh thu, chi phí và giá thành sản phẩm, dịch vụ tại các doanh nghiệp Nhà nước và được áp dụng kể từ ngày 05/05/1999.

Nội dung toàn văn Thông tư 76-TC/TCDN hướng dẫn quản lý doanh thu chi phí giá thành sản phẩm dịch vụ tại doanh nghiệp Nhà nước


BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 76-TC/TCDN

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 1996

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 76 TC/TCDN NGÀY 15 THÁNG 11 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ DOANH THU, CHI PHÍ VÀ GIÁ THÀNH SẢN PHẨM, DỊCH VỤ TẠI CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Thi hành Nghị định số 59/CP ngày 03-10-1996 của Chính phủ ban hành "Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước"; Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý doanh thu, chi phí và giá thành sản phẩm, dịch vụ tại các doanh nghiệp Nhà nước như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Doanh nghiệp Nhà nước phải tổ chức quản lý chặt chẽ các khoản doanh thu, chi phí, giá thành sản phẩm, dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

2- Doanh nghiệp phải tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh, tự trang trải mọi khoản chi phí bằng các khoản thu và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh.

3- Căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật, chế độ tài chính do cấp có thẩm quyền ban hành, doanh nghiệp phải:

- Xây dựng và thường xuyên hoàn chỉnh hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp với tình hình cụ thể của mình.

- Chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ chi tiêu tài chính, chế độ kế toán thông kê hiện hành của Nhà nước.

4- Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc giám đốc (đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản trị), Giám đốc (đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) chịu trách nhiệm trước Nhà nước và trước pháp luật về tính đúng đắn và hợp pháp của các khoản doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mình.

5- Trong thông tư này một số thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

- Chiết khấu thanh toán là số tiền người bán giảm trừ cho người mua do người mua thanh toán tiền mua sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp trước thời hạn thanh toán và được quy định rõ trên hoá đơn bán hàng hoặc hợp đồng kinh tế.

- Giảm giá hàng bán là số tiền người bán giảm trừ cho người mua trên giá đã thoả thuận do hàng bán kém phẩm chất, không đúng quy cách, thời hạn đã được quy định trong hợp đồng kinh tế hoặc ưu đãi khách hàng mua sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp với khối lượng lớn.

- Trị giá hàng bán bị trả lại: Là trị giá tính theo giá thanh toán của số sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ doanh nghiệp đã tiêu thụ, bị khách hàng trả lại do vi phạm các điều kiện đã cam kết trong hợp đồng kinh tế như: Hàng kém phẩm chất, sai quy cách, chủng loại...

- Hoa hồng đại lý là số tiền doanh nghiệp trả cho các đại lý tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp.

- Hoa hồng môi giới là số tiền trả cho các tổ chức kinh tế, tập thể hoặc cá nhân làm môi giới trong việc mua bán vật tư, sản phẩm, cung ứng dịch vụ phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

II- NHỮNG QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CỤ THỂ

A. QUẢN LÝ DOANH THU:

Doanh thu của doanh nghiệp Nhà nước gồm doanh thu từ hoạt động kinh doanh và doanh thu từ các hoạt động khác:

1- Doanh thu từ hoạt động kinh doanh là toàn bộ tiền bán sản phẩm, hàng hoá, cung ứng, dịch vụ sau khi trừ các khoản chiết khấu thanh toán, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại (nếu có chứng từ hợp lệ) và được khách hàng chấp nhận thanh toán (không phân biệt đã thu hay chưa thu được tiền).

Doanh thu từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn bao gồm:

+ Các khoản trợ giá, phụ thu theo quy định của Nhà nước để sử dụng cho doanh nghiệp đối với hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp tiêu thụ trong kỳ được Nhà nước cho phép.

+ Giá trị các sản phẩm hàng hoá đem biếu, tặng hoặc tiêu dùng trong nội bộ doanh nghiệp như: việc xuất dùng xi măng thành phẩm để xây dựng, sửa chữa ở xí nghiệp sản xuất xi măng, xuất vải thành phẩm để may bảo hộ ở xí nghiệp dệt v.v...

- Các doanh nghiệp phải căn cứ vào giá thị trường ở thời điểm bán hàng, cung cấp dịch vụ để định giá tiêu thụ.

- Các khoản chiết khấu thanh toán hoặc giảm giá hàng bán được xác định theo các quy định sau:

+ Doanh nghiệp phải có quy chế quản lý và công bố công khai các khoản chiết khấu thanh toán, giám giá hàng bán.

+ Các khoản chiết khấu thanh toán hoặc giảm giá hàng bán cho số lượng hàng bán ra trong kỳ (trừ hàng hoá thuộc diện ứ đọng, kém, mất phẩm chất) phải đảm bảo doanh nghiệp kinh doanh có lãi.

+ Ghi rõ trong hợp đồng kinh tế và hoá đơn bán hàng.

Giám đốc doanh nghiệp được quyền quyết định và chịu trách nhiệm về các khoản giảm trừ nói trên.

- Hàng hoá bị trả lại phải có văn bản của người mua ghi rõ số lượng, đơn giá và giá trị lô hàng bị trả lại kèm theo chứng từ nhập lại kho lô hàng nói trên.

2. Doanh thu từ các hoạt động khác bao gồm các khoản thu từ hoạt động đầu tư tài chính và các hoạt động bất thường:

a) Doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính bao gồm các khoản thu từ các hoạt động liên doanh liên kết, góp vốn cổ phần, cho thuê tài sản, lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay, thu từ hoạt động mua bán chứng khoán (trái phiếu, tín phiếu, cổ phiếu), hoàn nhập khoản dự phòng giảm giá chứng khoán đã trích năm trước nhưng sử dụng không hết...

b) Doanh thu từ các hoạt động bất thường là các khoản thu từ các hoạt động xảy ra không thường xuyên ngoài các khoản thu đã được quy định ở điểm 1, 2a mục A như: thu từ bán vật tư, hàng hoá, tài sản dôi thừa, công cụ, dụng cụ đã phân bổ hết giá trị, bị hư hỏng hoặc không cần sử dụng, các khoản phải trả nhưng không trả được vì nguyên nhân từ phía chủ nợ, thu chuyển nhượng, thanh lý tài sản, nợ khó đòi đã xoá nay thu hồi được, hoàn nhập các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, phải thu khó đòi đã trích năm trước nhưng không sử dụng hết và các khoản thu bất thường khác...

Toàn bộ doanh thu của doanh nghiệp phát sinh trong kỳ phải được thể hiện trên các hoá đơn, chứng từ hợp lệ và phải được phản ánh đầy đủ vào sổ sách kế toán theo chế độ Nhà nước đã quy định. Doanh nghiệp có trách nhiệm xác định và phản ánh rõ các khoản doanh thu tính thuế cho từng loại hoạt động theo các quy định của Luật thuế, Nghị định và các thông tư hướng dẫn hiện hành.

- Các khoản doanh thu, thu nhập để ngoài sổ sách phải truy nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước và xử phạt theo chế độ hiện hành. Cá nhân hoặc tập thể vi phạm hoặc có liên quan tuỳ theo mức độ vi phạm phải quy trách nhiệm, thu đền bù và xử lý hành chính, trường hợp nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

B. QUẢN LÝ CHI PHÍ VÀ GIÁ THÀNH

Chi phí của doanh nghiệp bao gồm chi phí hoạt động kinh doanh và chi phí hoạt động khác.

B.1- Quản lý chi phí và giá thành hoạt động kinh doanh:

Chi phí hoạt động kinh doanh bao gồm các chi phí có liên quan đến quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: chi phí nguyên, nhiên, vật liệu; khấu hao tài sản cố định, tiền lương và các khoản có tính chất lương; các khoản trích nộp theo quy định của Nhà nước như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chi phí công đoàn; chi phí dịch vụ mua ngoài; chi phí bằng tiền khác. Việc quản lý và hạch toán chi phí được quy định như sau:

1. Chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, động lực... (dưới đây gọi tắt là chi phí vật tư) phải quản lý chặt chẽ trong 2 khâu: mức tiêu hao vật tư và giá vật tư.

a) Mức tiêu hao vật tư:

- Tổng giám đốc hoặc Giám đốc (đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản trị) giám đốc (đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) phải căn cứ vào định mức tiêu hao vật tư do các cấp có thẩm quyền ban hành và tình hình cụ thể của doanh nghiệp để xây dựng hệ thống định mức tiêu hao vật tư của doanh nghiệp trình Hội đồng quản trị (đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản trị), Giám đốc (đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) phê duyệt và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các định mức đó.

Các loại vật tư sử dụng vào kinh doanh phải được quản lý chặt chẽ theo các định mức tiêu hao của doanh nghiệp đã ban hành trong các khâu: dự trữ, cấp phát và thanh quyết toán.

- Doanh nghiệp phải theo dõi, kiểm tra, tổ chức phân tích tình hình thực hiện định mức tiêu hao vật tư thường xuyên và định kỳ để đề ra các biện pháp nhằm không ngừng hoàn thiện hệ thống định mức, kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân sử dụng tiết kiệm vật tư và xử lý các trường hợp tiêu hao vật tư vượt định mức.

- Kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp phải thực hiện quyết toán vật tư.

- Báo cáo quyết toán vật tư phải được gửi cho cơ quan sáng lập doanh nghiệp và cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Trong đó thể hiện rõ những nội dung chủ yếu sau:

+ Mức tiêu hao vật tư thực tế của năm báo cáo so với định mức và mức tiêu hao thực tế kỳ trước đối với các loại sản phẩm.

+ Tổng mức tiêu hao và tổng mức chênh lệch.

+ Phân tích, đánh giá tình hình quản lý và sử dụng các loại vật tư, xác định rõ nguyên nhân tăng (giảm) so với định mức và thực tế kỳ trước, kiến nghị biện pháp xử lý...

b) Giá vật tư: Dùng để hạch toán và xác định chi phí vật tư là giá thực tế, bao gồm:

- Giá vật tư mua ngoài gồm: Giá phải thanh toán ghi trên hoá đơn của người bán hàng (nếu là vật tư tự nhập khẩu bằng ngoại tệ thì quy đổi ra tiền Việt theo tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm nhập khẩu, cộng thuế nhập khẩu và các khoản phụ thu - nếu có) cộng với chi phí thu mua như: chi phí vận chuyển, phí bốc xếp, phí bảo quản, phí bảo hiểm, phí hao hụt hợp lý trên đường đi, tiền thuê kho bãi, phí gia công trước khi nhập kho (nếu có), phí chọn lọc tái chế.

- Giá vật tư tự chế gồm; giá vật tư thực tế xuất kho cộng với chi phí thực tế phát sinh trong quá trình tư chế.

- Giá vật tư thuê ngoài gia công chế biến gồm: giá vật tư thực tế xuất kho đem gia công cộng với chi phí gia công như phí vận chuyển, phí bốc xếp, phí bảo hiểm và tiền trả cho người gia công.

- Giá vật tư tồn kho: là giá thực tế của vật tư tồn kho đầu kỳ.

- Giá các loại vật tư và các chi phí gia công chế biến, vận chuyển, bảo quản, thu mua... nói trên phải có hoá đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định của Bộ Tài chính. Trường hợp vật tư là sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản... mua trực tiếp của người sản xuất thì người mua hàng phải ghi rõ tên, địa chỉ người bán, số lượng hàng hoá, đơn giá, thành tiền, chữ ký của người bán hàng, giám đốc doanh nghiệp duyệt chi và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

c) Đối với công cụ, dụng cụ sử dụng cho quá trình kinh doanh như: khuôn mẫu, dàn giáo, cân, giá đựng, bàn ghế, máy tính cầm tay... doanh nghiệp căn cứ vào thời gian sử dụng và giá trị của công cụ, dụng cụ để phân bổ dần vào các khoản mục chi phí trong các kỳ kinh doanh theo tiêu thức phù hợp.

d) Giá trị vật tư tiêu hao thực tế sau khi trừ tiền đền bù của cá nhân hoặc tập thể gây ra tiêu hao vật tư vượt định mức và trị giá phế liệu thu hồi (nếu có) được hạch toán vào chi phí vật tư.

2- Chi phí khấu hao tài sản cố định:

Mọi tài sản cố định của doanh nghiệp phải được huy động vào hoạt động kinh doanh và trích đủ khấu hao theo quy định của Nhà nước để thu hồi vốn. Sau khi đã thu hồi đủ vốn, tài sản cố định vẫn còn sử dụng được thì doanh nghiệp không phải trích khấu hao, nhưng vẫn phải quản lý và sử dụng theo chế độ hiện hành.

3- Chi phí tiền lương và các khoản phụ cấp có tính chất lương:

Chi phí tiền lương của doanh nghiệp bao gồm các khoản tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương phải trả cho người lao động tham gia vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Về nguyên tắc: tiền lương phải được quản lý chặt chẽ và chi theo đúng mục đích, gắn với kết quả sản xuất kinh doanh trên cơ cở các định mức Lao động và đơn giá tiền lương hợp lý được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

a) Về định mức lao động:

- Doanh nghiệp phải căn cứ vào định mức lao động chuẩn do cấp có thẩm quyền ban hành và điều kiện thực tế của doanh nghiệp để xây dựng và không ngừng hoàn thiện định mức lao động của doanh nghiệp, bố trí đủ số lượng và cơ cấu lao động phù hợp với nhu cầu công việc.

- Phương pháp xây dựng, thẩm quyền phê duyệt và việc đăng ký định mức lao động phải thực hiện đúng theo các quy định hiện hành.

b) Về đơn giá tiền lương:

- Căn cứ vào định mức lao động đã đăng ký và chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, doanh nghiệp xây dựng đơn giá tiền lương trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Phương pháp xây dựng, thẩm quyền phê duyệt và việc đăng ký đơn giá tiền lương được thực hiện các quy định hiện hành.

c) Lập và sử dụng quỹ tiền lương:

Việc trích lập và sử dụng quỹ tiền lương phải căn cứ vào đơn giá tiền lương kế hoạch đã đăng ký và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp đạt được trong kỳ theo các nguyên tắc sau:

- Đối với doanh nghiệp kinh doanh chưa có lãi, chưa bảo toàn vốn thì tổng quỹ tiền lương doanh nghiệp được phép trích và chi không vượt quá quỹ tiền lương cơ bản tính theo:

+ Số lượng lao động thực tế tham gia quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm: lao động trong biên chế, hợp đồng ngắn hạn, dài hạn, lao động thời vụ.

+ Hệ số và mức lương cấp bậc, lương theo hợp đồng, hệ số và mức phụ cấp lương theo quy định của Nhà nước.

- Đối với các doanh nghiệp kinh doanh có lãi, đạt tỷ suất lợi nhuận tính trên vốn Nhà nước cao, đóng góp cho ngân sách Nhà nước lớn thì doanh nghiệp được phép trích và chi quỹ tiền lương tương xứng với hiệu quả kinh doanh, nhưng phải bảo đảm các điều kiện:

+ Bảo toàn được vốn và không xin giảm khấu hao hoặc xin giảm các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước.

+ Tốc độ tăng chi quỹ tiền lương phải thấp hơn tốc độ tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn Nhà nước tính theo số trung bình cộng ở hai thời điểm ngày 1/1 và 31/12 cùng năm.

- Doanh nghiệp không được sử dụng quỹ tiền lương vào mục đích khác ngoài việc chi trả tiền lương, tiền công, gắn với kết quả lao động.

d) Quyết toán quỹ tiền lương:

Hàng năm doanh nghiệp phải quyết toán quỹ tiền lương với cơ quan sáng lập doanh nghiệp, cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước và cơ quan thuế. Quyết toán quỹ tiền lương phải đánh giá được:

+ Mức độ hợp lý của hệ thống định mức lao động.

+ Mức độ hợp lý của đơn giá tiền lương đã được duyệt.

+ Tình hình trích lập và sử dụng quỹ tiền lương.

- Các khoản chi quỹ tiền lương sai mục đích, quỹ tiền lương trích sai chế độ đều phải thu hồi nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước. 4- Chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn:

Chi phí bảo kiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn được tính trên cơ sở quỹ tiền lương của doanh nghiệp theo các chế độ hiện hành của Nhà nước.

5- Chi phí dịch vụ mua ngoài:

Là các khoản chi phí sửa chữa tài sản cố định thuê ngoài, chi phí điện nước, điện thoại, tiền bốc vác, vận chuyển hàng hoá, sản phẩm, tiền trả hoa hồng đại lý, môi giới, uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu, tiền mua bảo hiểm tài sản, tiền thuê kiểm toán, tư vấn, quảng cáo, và các dịch vụ mua ngoài khác.

Các khoản chi phí này được hạch toán theo thực tế phát sinh do giám đốc duyệt chi và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

+ Các khoản hoa hồng đại lý, uỷ thác phải thể hiện trong các hợp đồng đại lý, uỷ thác và chỉ được hạch toán theo số thực chi, có đủ chứng từ hợp pháp.

+ Đối với hoa hồng môi giới: doanh nghiệp phải xây dựng định mức chi và quy chế quản lý chi tiêu gắn với hiệu quả kinh tế do việc môi giới mang lại. Hoa hồng môi giới không được áp dụng cho các đối tượng là đại lý của doanh nghiệp, các khách hàng được chỉ định, các chức danh quản lý trong doanh nghiệp, những nhân viên làm nhiệm vụ cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm trong doanh nghiệp.

+ Đối với khoản chi sửa chữa lớn tài sản cố định nhằm khôi phục năng lực của tài sản thì chi phí sửa chữa thực tế hạch toán vào chi phí kinh doanh trong năm, nếu chi sửa chữa phát sinh một lần quá lớn thì được phân bổ cho năm sau. Đối với những tài sản cố định đặc thù, việc sửa chữa lớn có tính chu kỳ thì doanh nghiệp được trích trước chi phí sửa chữa lớn vào chi phí kinh doanh trên cơ sở dự toán chi sửa chữa lớn của doanh nghiệp sau khi có ý kiến thoả thuận của cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước bằng văn bản. Nếu khoản trích trước thấp hơn số thực chi thì được hạch toán thêm số chênh lệch vào chi phí, nếu cao hơn thì hạch toán giảm chi phí trong năm.

Kết thúc công việc sửa chữa doanh nghiệp phải quyết toán trên cơ sở dự toán được duyệt, hợp đồng kinh tế đã ký kết và chi phí hợp lý, hợp lệ thực tế đã phát sinh.

6- Chi phí bằng tiền khác:

Là các khoản chi phí ngoài các chi phí đã quy định ở các điểm 1-5 mục B1 như: thuế môn bài, thuế sử dụng đất hoặc tiền thuê đất, thuế tài nguyên, lệ phí cầu phà, chi phí tiếp tân, khánh tiết, quảng cáo, tiếp thị, chi phí giao dịch đối ngoại, chi phí hội nghị, chi phí tuyển dụng, tập quân sự, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho cán bộ công nhân viên, chi bảo hộ lao động trả lãi vay vốn kinh doanh, các khoản thiệt hại được phép hạch toán vào chi phí, chi phí bảo hành sản phẩm, các khoản dự phòng, tiền nộp quỹ quản lý Tổng công ty, tiền đóng hội phí, niêm liễm, chi phí dự thầu, trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định của Luật lao động và các khoản chi khác.

Các khoản chi phí tiếp tân khánh tiết, hội họp, giao dịch, đối ngoại... có liên quan trực tiếp đến quá trình kinh doanh thì doanh nghiệp phải xây dựng định mức và quy chế quản lý chi tiêu. Chi giao dịch do Hội đồng quản trị quyết định mức chi cụ thể. Đối với doanh nghiệp độc lập, giám đốc doanh nghiệp phải thoả thuận với cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước bằng văn bản trước khi ban hành quy chế và định mức chi tiêu. Các khoản chi này phải có chứng từ hợp lệ, gắn với kết quả kinh doanh và không được vượt quá mức khống chế tối đa quy định dưới đây:

- Doanh thu đến 5 tỷ đồng mức chi thực tế không quá 5% doanh thu. - Doanh thu trên 5-10 tỷ đồng thì được chi thêm không quá 2% trên số doanh thu tăng thêm.

- Phần doanh thu trên 10-50 tỷ đồng thì được chi thêm không quá 1% trên số doanh thu tăng thêm.

- Phần doanh thu trên 50-100 tỷ đồng thì được chi thêm không quá 0,5% trên số doanh thu tăng thêm.

- Phần doanh thu trên 100-500 tỷ đồng thì được chi thêm không quá 0,2% trên số doanh thu tăng thêm.

- Phần doanh thu trên 500 tỷ đồng thì được chi thêm không quá 0,1% trên số doanh thu tăng thêm.

Riêng đối với các đơn vị kinh doanh thương mại, mức khống chế nêu trên được xác định trên cơ sở chênh lệch giữa doanh thu và giá vốn hàng bán ra.

Các khoản chi sai, chi không đúng đối tượng hoặc không có tên, địa chỉ, chữ ký của người nhận tiền thì phải thu hồi và nộp vào ngân sách Nhà nước. Tuỳ theo mức độ sai phạm người duyệt chi phải bồi thường, chịu trách nhiệm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Lãi tiền vay: Bao gồm lãi vay ngân hàng, vay cán bộ công nhân viên, vay đối tượng khác dưới mọi hình thức huy động vốn. Doanh nghiệp chỉ được hạch toán vào chi phí kinh doanh mức lãi trả cho cán bộ công nhân viên và các đối tượng khác không vượt quá mức lãi suất trần do ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trong cùng thời diểm và cùng ngành nghề.

Lãi vay vốn đầu tư xây dựng phải hạch toán như sau:

+ Công trình đang xây dựng, lắp đặt thì lãi vay hạch toán vào giá trị công trình.

+ Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng thì hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh.

- Chi phí tuyển dụng, huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động và kiến thức cho cán bộ quản lý thì hạch toán vào chi phí kinh doanh theo số thực chi.

- Doanh nghiệp được lập các khoản dự phòng giảm giá vật tư hàng hoá tồn kho, phải thu khó đòi, giảm giá các khoản đầu tư tài chính và được hạch toán vào chi phí kinh doanh theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.

- Chi phí bảo hành: Doanh nghiệp được trích trước khoản chi bảo hành cho sản phẩm, hàng hoá, công trình xây dựng nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng loại sản phẩm, hàng hoá để quyết định chi phí bảo hành. Trong thời hạn bảo hành nếu chi phí bảo hành thực tế cao hơn mức đã trích thì được hạch toán thêm số chênh lệch vào chi phí kinh doanh, nếu thấp hơn thì được hạch toán giảm chi phí kinh doanh trong kỳ.

- Kinh phí nộp Tổng công ty là khoản các doanh nghiệp thành viên trích nộp theo quyết định của Tổng giám đốc để chi cho bộ máy quản lý của Tổng công ty. Mức trích phải được Chủ tịch Hội đồng quản trị phê chuẩn sau khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính.

Nếu số chi thực tế của Tổng công ty thấp hơn nguồn kinh phí các doanh nghiệp thành viên đã trích nộp thì Tổng công ty phải chuyển năm sau để giảm trừ vào mức trích năm sau, nếu cao hơn thì được bổ sung vào mức trích năm sau.

7- Không được tính vào chi phí hoạt động kinh doanh các khoản sau đây:

- Các khoản đã được tính vào chi phí hoạt động tài chính và hoạt động khác quy định ở mục B2 của Thông tư này như: các khoản lỗ do liên doanh liên kết, lỗ từ các hoạt động đầu tư khác...

- Các khoản thiệt hại được Chính phủ trợ cấp hoặc cho phép giảm vốn và các khoản thiệt hại được bên gây thiệt hại và công ty bảo hiểm bồi thường.

- Chi phí đi công tác nước ngoài vượt định mức do Nhà nước quy định.

- Các khoản chi do các nguồn kinh phí khác đài thọ như:

+ Chi phí sự nghiệp.

+ Chi cho nhà ăn tập thể.

+ Chi phí hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể.

+ Các khoản chi trợ cấp khó khăn thường xuyên, khó khăn đột xuất.

+ Chi về ăn trưa.

+ Các khoản chi mang tính chất thưởng từ quỹ tiền thưởng trích lập từ lợi nhuận sau thuế như thưởng năng suất, thưởng sáng kiến, thưởng thi đua...

+ Chi ủng hộ các địa phương, đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ quan, khác...

+ Chi về đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định, các khoản chi đầu tư khác.

+ Chi về nghiên cứu, thí nghiệm do nguồn vốn khác đài thọ.

+ Chi cho chuyên gia phục vụ công trình xây dựng cơ bản hoặc công trình nghiên cứu, thí nghiệm do nguồn vốn khác đài thọ.

+ Chi đào tạo không nằm trong kế hoạch, chương trình được cấp có thẩm quyền được duyệt.

+ Chi từ thiện.

+ Các khoản tiền phạt như: tiền phạt vi phạm hợp đồng, vi phạm hành chính...

8- Tính giá thành sản phẩm, dịch vụ:

Tuỳ theo quy trình công nghệ và điều kiện sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tự xác định đối tượng và chọn phương pháp phù hợp để tính giá thành sản phẩm, dịch vụ. Giá thành sản phẩm, dịch vụ có thể tính theo yếu tố hoặc khoản mục.

a) Giá thành sản xuất sản phẩm, dịch vụ gồm các khoản mục chi phí trực tiếp:

- Chi phí vật tư trực tiếp: gồm các chi phí về nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu và động lực tiêu dùng trực tiếp cho sản xuất sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

- Chi phí nhân công trực tiếp: gồm các khoản trả cho người lao động trực tiếp sản xuất như: tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn của công nhân trực tiếp.

- Chi phí sản xuất chung: gồm các khoản chi phí chung phát sinh ở các phân xưởng, bộ phận kinh doanh của doanh nghiệp như: tiền lương, phụ cấp trả cho nhân viên phân xưởng, chi phí vật liệu, công cụ, dụng cụ xuất dùng cho phân xưởng, khấu hao tài sản cố định, chi phí dịch vụ mua ngoài và các chi phí bằng tiền ngoài các chi phí kể trên.

b) Giá thành toàn bộ sản phẩm, dịch vụ đã tiêu thụ gồm: - Giá thành sản xuất của sản phẩm, dịch vụ đã tiêu thụ.

- Chi phí bán hàng: gồm các chi phí phát sinh trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ như: tiền lương, các khoản phụ cấp phải trả cho nhân viên bán hàng, tiếp thị, đóng gói, vận chuyển, bảo quản... khấu hao tài sản cố định; chi phí vật liệu, bao bì, dụng cụ, đồ dùng, chi phí dịch vụ mua ngoài và các chi phí bằng tiền khác như: chi phí bảo hành sản phẩm, chi phí quảng cáo...

- Chi phí quản lý doanh nghiệp: gồm các chi phí quản lý kinh doanh, quản lý hành chính và các chi phí chung khác có liên quan đến hoạt động của toàn doanh nghiệp như: tiền lương và các khoản phụ cấp trả cho ban giám đốc và nhân viên quản lý ở các phòng, ban; chi phí vật liệu, đồ dùng cho văn phòng, khấu hao tài sản cố định dùng chung cho doanh nghiệp, các khoản thuế, lệ phí, bảo hiểm, chi phí dịch vụ mua ngoài thuộc văn phòng doanh nghiệp và các chi phí khác bằng tiền chung cho toàn doanh nghiệp như: lãi vay vốn kinh doanh, lãi vay vốn đầu tư của những tài sản cố định đã đưa vào sử dụng, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, phí kiểm toán, chi phí tiếp tân, khánh tiết, công tác phí, tiền nộp quỹ quản lý Tổng công ty và các khoản trợ cấp thôi việc cho người lao động theo chế độ hiện hành...

Về nguyên tắc toàn bộ chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được kết chuyển toàn bộ cho sản phẩm, dịch vụ tiêu thụ trong năm để xác định kết quả kinh doanh. Trường hợp đặc biệt, đối với một số doanh nghiệp có chu kỳ sản xuất kinh doanh dài, trong năm không có sản phẩm tiêu thụ hoặc doanh thu không tương ứng với chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp thì: chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong năm được phân bổ cho sản phẩm dở dang và tồn kho, theo tỷ lệ chi phí sản xuất dở dang và giá thành sản xuất sản phẩm tồn kho trên tổng chi phí kinh doanh thực tế phát sinh trong kỳ.

B.2- Quản lý chi phí hoạt động khác:

Chi phí hoạt động khác bao gồm: chi phí hoạt động tài chính và chi phí bất thường.

1. Chi phí hoạt động tài chính:

Chi phí các hoạt động tài chính là các khoản chi phí đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp nhằm mục đích sử dụng hợp lý các nguồn vốn, tăng thêm thu nhập và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí các hoạt động tài chính bao gồm:

- Chi phí liên doanh, liên kết là các khoản chi phí phát sinh trong các hoạt động liên doanh, liên kết.

- Chi phí cho thuê tài sản.

- Chi phí mua bán trái phiếu, tín phiếu, cố phiếu kể cả khoản tổn thất trong đầu tư nếu có.

- Dự phòng giảm giá chứng khoản.

- Chi phí khác liên quan đến hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải căn cứ vào hiệu quả của từng hoạt động tài chính và các quy định của pháp luật để quyết định các khoản chi phí trên đây, đồng thời hạch toán rành mạch các chi phí thực tế phát sinh của từng hoạt động tài chính.

2- Chi phí bất thường:

Chi phí bất thường là các khoản chi phí xảy ra không thường xuyên chưa được quy định tại mục I, mục II điểm 1 nói trên.

Chi phí bất thường gồm có:

- Chi phí nhượng bán, thanh lý tài sản cố định (bao gồm cả giá trị còn lại của tài sản cố định khi thanh lý và nhượng bán).

- Giá trị tổn thất thực tế sau khi đã giảm trừ tiền đền bù của người phạm lỗi và tổ chức bảo hiểm, trị giá phế liệu thu hồi (nếu có) và số đã được bù đắp bằng các quỹ dự phòng.

- Chi phí cho việc thu hồi các khoản nợ đã xoá.

- Các khoản chi phí bất thường khác.

Doanh nghiệp phải có quy chế quản lý từng khoản chi phí bất thường. Đối với các khoản thiệt hại do tập thể hay cá nhân gây ra phải làm rõ mức độ, nguyên nhân và trách nhiệm đền bù kèm theo các biện pháp xử lý hành chính.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với quy định trong thông tư này đều bãi bỏ.

2- Cơ quan quản lý vốn và tài sản các cấp có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp Nhà nước triển khai và thực hiện việc quản lý doanh thu, chi phí kinh doanh và giá thành sản phẩm theo các quy định trong Thông tư này.

3- Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc (doanh nghiệp có Hội đồng quản trị) Giám đốc (doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

4- Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các doanh nghiệp Nhà nước kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu hướng dẫn.

 

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã Ký)

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 76-TC/TCDN

Loại văn bảnThông tư
Số hiệu76-TC/TCDN
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành15/11/1996
Ngày hiệu lực15/11/1996
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcDoanh nghiệp, Thương mại
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 02/08/2000
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 76-TC/TCDN

Lược đồ Thông tư 76-TC/TCDN hướng dẫn quản lý doanh thu chi phí giá thành sản phẩm dịch vụ tại doanh nghiệp Nhà nước


Văn bản bị đính chính

    Văn bản đính chính

      Văn bản bị thay thế

        Văn bản hiện thời

        Thông tư 76-TC/TCDN hướng dẫn quản lý doanh thu chi phí giá thành sản phẩm dịch vụ tại doanh nghiệp Nhà nước
        Loại văn bảnThông tư
        Số hiệu76-TC/TCDN
        Cơ quan ban hànhBộ Tài chính
        Người kýNguyễn Sinh Hùng
        Ngày ban hành15/11/1996
        Ngày hiệu lực15/11/1996
        Ngày công báo...
        Số công báo
        Lĩnh vựcDoanh nghiệp, Thương mại
        Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 02/08/2000
        Cập nhật7 năm trước

        Văn bản được dẫn chiếu

          Văn bản hướng dẫn

            Văn bản được hợp nhất

              Văn bản được căn cứ

                Văn bản hợp nhất

                  Văn bản gốc Thông tư 76-TC/TCDN hướng dẫn quản lý doanh thu chi phí giá thành sản phẩm dịch vụ tại doanh nghiệp Nhà nước

                  Lịch sử hiệu lực Thông tư 76-TC/TCDN hướng dẫn quản lý doanh thu chi phí giá thành sản phẩm dịch vụ tại doanh nghiệp Nhà nước