Nội dung toàn văn Thông tư hướng dẫn thí điểm thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế y học cổ truyền 2017
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /2017/TT-BYT | Hà Nội, ngày tháng năm 2017 |
DỰ THẢO LẦN 2 |
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THÍ ĐIỂM THÔNG TUYẾN KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH BẢO HIỂM Y TẾ Y HỌC CỔ TRUYỀN
Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13 ngày 13 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Để chuẩn bị việc thực hiện thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 theo quy định của Luật bảo hiểm y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế;
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn thí điểm thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế y học cổ truyền,
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
a) Thông tư này áp dụng thực hiện thí điểm quy định thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Thông tư này áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 đến hết 31/12/2020.
2. Đối tượng áp dụng
a) Thông tư này áp dụng thí điểm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bao gồm: trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực, bệnh viện có khoa y học cổ truyền tuyến huyện, tuyến tỉnh, bệnh viện y học cổ truyền hạng I, hạng II, hạng III, hạng IV và tương đương, Viện y dược học dân tộc, bệnh viện có khoa y học cổ truyền trực thuộc Bộ, ngành, bệnh viện có khoa y học cổ truyền và bệnh viện y học cổ truyền thực hành thuộc các trường đại học y, dược trong toàn quốc.
b) Người có thẻ bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại điểm a khoản này;
c) Thông tư này không áp dụng đối với bệnh viện y học cổ truyền tuyến trung ương.
Điều 2. Thí điểm thực hiện thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền đến tuyến tỉnh
1. Người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh được ban đầu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc không phải cần giấy giới thiệu, giấy chuyển tuyến của cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh như các trường hợp đúng tuyến.
2. Trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, trường hợp người bệnh phải cấp cứu hoặc phải điều trị các bệnh khác kèm theo thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền được sử dụng thuốc, vật tư y tế và các chỉ định điều trị cần thiết phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bảo hiểm xã hội thực hiện thanh toán đối với các trường hợp này như đối với trường hợp điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Vụ Bảo hiểm y tế và các Vụ, Cục, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Thông tư này trên phạm vi toàn quốc.
2. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan quản lý nhà nước về y tế của các Bộ, ngành chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Thông tư này tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý.
3. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế y học cổ truyền theo quy định tại Thông tư này.
4. Cơ sở y tế thực hiện khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền có trách nhiệm:
a) Triển khai các nội dung quy định tại Thông tư này, đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực có trình độ chuyên môn để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh;
b) Thông báo công khai bằng hình thức phù hợp việc triển khai tổ chức khám bệnh, chữa bệnh thông tuyến với các loại hình điều trị để người dân biết;
c) Báo cáo Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế.
5. Định kỳ hằng năm tiến hành sơ kết việc thực hiện Thông tư này, trường hợp trong quá trình thực hiện có vấn đề bất cập, cơ quan, tổ chức kiến nghị với Bộ Y tế để xem xét, sửa đổi, bổ sung.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày tháng năm 2017.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
1. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Chánh Thanh tra Bộ, Tổng Cục trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng thuộc Bộ Y tế, Giám đốc bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng y tế ngành chịu trách nhiệm tổ chức việc thực hiện Thông tư này.
2. Trước ngày 31 tháng 12 năm 2020, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm tổng kết Thông tư này để xem xét áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 theo quy định của Luật bảo hiểm y tế.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) để xem xét giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |