Thông tư liên bộ 11-TT-LB nguồn kinh phí sử dụng chi công tác bảo hộ lao động kỹ thuật an toàn vệ sinh công nghiệp bảng liệt kê bảo hộ lao động đã được thay thế bởi Quyết định 1395/QĐ-LĐTBXH hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật 2015 và được áp dụng kể từ ngày 30/09/2015.
Nội dung toàn văn Thông tư liên bộ 11-TT-LB nguồn kinh phí sử dụng chi công tác bảo hộ lao động kỹ thuật an toàn vệ sinh công nghiệp bảng liệt kê bảo hộ lao động
BỘ TÀI CHÍNH - BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số : 11-TT-LB | Hà Nội, ngày15 tháng10 năm 1963 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VỀ NGUỒN KINH PHÍ, VIỆC SỬ DỤNG CHI CHO CÔNG TÁC BẢO HỘ LAO ĐỘNG, KỸ THUẬT AN TOÀN, VỆ SINH CÔNG NGHIỆP VÀ BAN HÀNH BẢN LIỆT KÊ CÁC BIỆN PHÁP BẢO HỘ LAO ĐỘNG
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG-BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Kính gửi: | - Các Bộ, các Tổng cục trung ương |
Trong mấy năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chế độ bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp nhằm đảm bảo an toàn sản xuất, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, công nhân trong sản xuất, xây dựng cơ bản và công tác.
Các bộ, các ngành ở trung ương, các ủy ban hành chính địa phương đã chú ý hướng dẫn đôn đốc các xí nghiệp, công trường, các đơn vị sự nghiệp chấp hành các chính sách, chế độ bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp của Nhà nước.
Hàng năm ngân sách Nhà nước và quỹ xí nghiệp đã dành một số tiền thích đáng để chi cho các xí nghiệp, công trường, các đơn vị sự nghiệp mua sắm hoặc cải tiến các thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp.
Sự quan tâm đến việc bảo đảm an toàn và bảo vệ sức khỏe cho cán bộ và công nhân trong sản xuất, xây dựng cơ bản và công tác đã khuyến khích mọi người thi đua sản xuất, tiết kiệm, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước.
Tuy vậy việc chấp hành các chính sách, chế độ bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp của Nhà nước vẫn còn nhiều thiếu sót như:
- Có nơi chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm phải bảo đảm an toàn lao động cho cán bộ, công nhân;
- Nhiều xí nghiệp; công trường; đơn vị sự nghiệp còn xem nhẹ việc lập kế hoạch bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp;
- Kế hoạch bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp chưa trở thành một trong những kế hoạch chính thức của đơn vị;
- Một số Bộ, ngành trung ương, Ủy ban hành chính địa phương chưa chấp hành đầy đủ thông tư 3871–TTg ngày 7-9-1958 của Thủ tướng Chính phủ quy định phải xét duyệt kế hoạch bảo hộ lao động song song với kế hoạch sản xuất và tài chính;
- Việc hướng dẫn sử dụng kinh phí chưa được rõ ràng có tình trạng là việc cần thì chưa chi, việc chưa cần lại chi;
- Việc thống kê và hoạch toán kế toán theo dõi và báo cáo về sử dụng kinh phí chi cho công tác bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp chưa được quy định.
Để giải quyết những mắc mứu trên, liên bộ Lao động – Tài chính ban hành thông tư này nhằm:
+ Hướng dẫn việc sử dụng kinh phí chi cho công tác bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp.
+ Ban hành bản liệt kê các biện pháp bảo hộ lao động kèm theo thông tư này để hướng dẫn công tác.
I. NGUYÊN TẮC VÀ PHẠM VI SỬ DỤNG BẢN LIỆT KÊ CÁC BIỆN PHÁP BẢO HỘ LAO ĐỘNG
1. Bản liệt kê các biện pháp bảo hộ lao động kèm theo thông thư này dùng làm căn cứ để lập kế hoạch bảo hộ lao động. Kế hoạch bảo hộ lao động phải được ghi vào một chương đặc biệt trong kế hoạch sản xuất, kỹ thuật, tài chính hàng năm của xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, các đơn vị sự nghiệp.
2. Bản liệt kê này áp dụng cho tất cả các xí nghiệp quốc doanh, các xí nghiệp công tư hợp doanh, các công trường, nông trường, lâm trường, các đơn vị sự nghiệp của trung ương và của địa phương quản lý.
3. Đối với công trường xây dựng xí nghiệp mới, xây dựng lại xí nghiệp cũ, trang bị hoặc cơ khí hóa lại cơ sở cũ, v.v… thì phần mua sắm thiết bị hoặc xây dựng cơ bản dùng vào công tác bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp phải xin Nhà nước ghi chung vào chi tiêu xây dựng cơ bản và phải chi bằng vốn xây dựng cơ bản.
4. Đối với mọi biện pháp tuy ít nhiều có tính chất bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp nhưng chủ yếu là để bảo đảm kỹ thuật sản xuất hay tăng năng suất lao động hoặc do yêu cầu sản xuất phát triển mở rộng đều không ghi vào kế hoạch bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp (ví dụ: lắp hệ thống ôn ẩm độ trong nhà máy dệt tuy có tác dụng gây mát nơi làm việc cho công nhân, nhưng chủ yếu là để sợi khỏi đứt vì hanh thì không ghi vào kế hoạch bảo hộ lao động).
II. NGUỒN KINH PHÍ VÀ CHẾ ĐỘ SỬ DỤNG KINH PHÍ
Thông tư 131-TTg ngày 4-4-1957 về vấn đề phân biệt một số chi phí trong kế hoạch thu chi tài vụ xí nghiệp, thông tư 133- TTg ngày 4-4-1957, thông tư số 434- TTg ngày 5-12-1959 của Thủ tướng Chính phủ và thông tư số 3-LĐ-TT ngày 20-1-1959 của bộ Lao động đã quy định nguồn kinh phí và chế độ sử dụng kinh phí chi vào các biện pháp bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp.
Căn cứ vào các văn bản trên, liên bộ hướng dẫn thêm một số điểm sau đây:
1. Hàng năm tùy theo yêu cầu cần thiết về các biện pháp bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp, tùy theo khả năng tài chính, ngân sách Nhà nước và quỹ xí nghiệp dành một số tiền nhất định để chi vào các biện pháp bảo hộ lao động.
Các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, các đơn vị xí nghiệp phải lập dự toán kinh phí chi cho bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp chung vào kế hoạch tài chính hàng năm của đơn vị mình và chỉ được chi tiêu theo kế hoạch mà ngành chủ quản đã xét duyệt.
2. Nguồn kinh phí để chi cho các biện pháp bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp:
+ Đối với xí nghiệp quốc doamh (kể cả các xí nghiệp xây lắp, các đơn vị kiến thiết tự làm), các xí nghiệp công tư hợp doanh.
a) Mua sắm các thiết bị kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp thì chi trong dự toán kinh phí chuyên dùng hoặc dự toán xây dựng cơ bản. Đối với các đơn vị có quỹ xí nghiệp, cần có kế hoạch sử dụng 20% quỹ xí nghiệp dành để chi vào việc cải tiến hoặc bổ sung các thiết bị sản xuất và thiết bị an toàn lao động như đã hướng dẫn trong thông tư 133- TTg ngày 4-4-1957 và thông tư 434- TTg ngày 5-12-1959 của Thủ tướng Chính phủ.
Trị giá thiết bị kỹ thuật an toàn,vệ sinh công nghiệp được mua sắm mới hoặc trang bị bổ sung vào thiết bị cũ, v.v… khi đã hoàn thành phải được ghi tăng thêm giá trị tài sản cố định của xí nghiệp và phải trích khấu hao (khấu hao cơ bản, khấu hao sữa chữa lớn).
b) Sữa chữa lớn các thiết bị kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp thì chi bằng quỹ sữa chữa lớn tài sản cố định.
c) Sữa chữa thường xuyên các thiết bị kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp thì hoạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông (chi phí sữa chữa thường xuyên tài sảm cố định). Đối với các xí nghiệp xây lắp và các đơn vị kiến thiết tự làm thì hoạch toán vào giá thành xây lắp.
d) Mua sắm các dụng cụ, vật liệu dùng vào bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp như: giày, ủng, mũ, găng tay, kính, v.v… và các khoản chi tuyên truyền giáo dục và bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp thì hoạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông (ghi vào tài khoản kinh phí phân xưởng nếu chi phí để phục vụ cho toàn xí nghiệp, hoặc ghi vào mục quản lý phí trong phí lưu thông). Đối với các xí nghiệp xây lắp và các đơn vị kiến thiết tự làm thì được hạch toán vào giá thành công trình (ghi vào tài khoản chi phí gián tiếp khác).
+Đối với các đơn vị sự nghiệp:
- Mua sắm các thiết bị, vật liệu, dụng cụ và mọi chi phí khác về bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp đều do kinh phí sự nghiệp đài thọ.
3. Việc sử dụng kinh phí trên đây phải theo đúng nguyên tắc là nguồn kinh phí khoản nào phải chi đúng khoản ấy không được dùng lẫn lộn. Việc quyết toán các khoản chi phí trên đây phải theo đúng chế độ quyết toán chung đã quy định.
III. HIỆU LỰC THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1-1-1964; các văn bản hướng dẫn việc sử dụng kinh phí chi cho công tác bảo hộ lao động kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp trước ngày 1-1-1964 trái với thông tư này đều không áp dụng.
Kèm theo thông tư này có bản liệt kê các biện pháp bảo hộ lao động.
K.T BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH | K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
BẢN LIỆT KÊ CÁC BIỆN PHÁP BẢO HỘ LAO ĐỘNG
Các biện pháp trong bản liệt kê áp dụng chung cho tất cả các xí nghiệp, doanh nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, các đơn vị giao thông vận tải, các cơ sở sự nghiệp có sử dụng các thiết bị máy móc và các hóa chất.
I. BIỆN PHÁP KỸ THUẬT AN TOÀN
1. Trang bị thêm các bộ phận che chắn máy móc để đảm bảo an toàn cho công nhân làm việc khi máy đang chạy như các loại máy kéo, máy gặt đập, máy lô-cô, v.v… các loại thiết bị điện khí hóa các dây cu-roa, các trục truyền, bánh xe răng khế, vô-lăng, thang chuyển động, cầu treo, thang treo và những dụng cụ đóng mở tự động.
2. Làm thêm các bộ phận che chắn, các dụng cụ an toàn ở cầu trục (các ngoàm, hãm then cửa tự động, bộ phận hạn chế độ quay của cầu trục,v.v…). Làm thêm hành lang và thang cố định để đi trên các cầu lăn, cải tổ các cầu trục và máy trục để đảm bảo an toàn.
3. Làm các nắp che chắn lổ hỏng, hố, rãnh nước, lối công nhân thường đi lại.
4. Trang bị những dụng cụ mở máy an toàn cho máy nổ và các loại máy khác.
5. Trang bị mọi loại dây tiếp đất cho các thiết bị điện ngoài các quy tắc quy định an toàn trong khi mắc điện, thực thiện mục đích an toàn trong khi mắc điện, thực hiện mục đích an toàn tuyệt đối đối với các thiết bị điện và dây dẫn kể cả dùng thêm thu lôi (theo yêu cầu của thanh tra lao động nếu khi xây dựng chưa có).
6. Làm các hệ thống thông hơi, các tín hiệu nhằm đảm bảo an toàn giữa các máy dây chuyền và các động cơ khác trong các xí nghiệp, doanh nghiệp, nông trường, công trường.
7. Cải tổ và thiết bị máy móc, dụng cụ nhằm đảm bảo an toàn, đề phòng độc hại cho công nhân sản xuất.
8. Làm các hệ thống chiếu sáng đặt biệt (có điện thế thấp) để làm việc ở lò của nồi hơi, ở bể chứa dầu lửa và các kho săng, dầu theo quy định của quy tắc an toàn.
9. Cải tiến các thiết bị an toàn và giảm nhẹ sức lao động cho công nhân ở các máy: cần trục có ròng rọc, máy gia công những vật nặng, làm bộ phận tự động đặt vật liệu vào các dao của máy bào và cơ khí hóa các tay lái máy.
10. Cải tiến việc tự động tra dầu vào máy để tránh những động tác nguy hiểm.
11. Thiết bị cơ khí hóa để đảm bảo an toàn cho việc nâng hạ, chuyển các hàng hóa, vật liệu nặng nguy hiểm dễ gây tai nạn.
12. Xây dựng cầu trên các lối công nhân thường đi lại trong xí nghiệp mà có đường xe lửa chạy qua.
13. Làm thùng đựng các mảnh sắt vụn và đinh khi thu dọn trên cao, sữa chữa cầu thang, dàn giáo, làm thêm lan can,v.v…
14. Sữa lại các sàn nhà để khỏi gồ ghề, vấp ngã, để thoát nước và các chất lỏng ra ngoài, đảm bảo an toàn và vệ sinh cho công nhân, sửa chửa lối đi lại khỏi bị trơn trợt, ở các đường vận chuyển trong xí nghiệp.
II. BIỆN PHÁP VỆ SINH CÔNG NGHIỆP
15. Mở rộng hệ thống chiếu sáng ở những nơi cần thiết để đảm bảo an toàn kỹ thuật và giữ gìn sức khỏe cho công nhân như:
a) Mắc thêm đèn trên mái,
b) Làm thêm cửa sổ mới,
16. Tăng cường và hợp lý hóa hệ thống thắp sáng chung nơi làm việc, lối đi lại trong các xí nghiệp và các nhà phụ, đặt biệt hệ thống báo hiệu an toàn bằng ánh sáng.
17. Trang bị những dụng cụ bảo vệ công nhân tránh những tác dụng của nhiệt ánh sáng, khí độc, hơi độc.
18. Ngăn cách những bộ phận hay những nơi làm việc có độc hại.
19. Cơ khí hóa và ngăn cách quá trình sản xuất các chất độc để thải bụi hay hơi độc mà các công nghiệp trên nhằm mục đích bảo vệ lao động. Trang bị những dụng cụ khắc phục tình trạng khí độc lan rộng trong xí nghiệp và xung quanh xí nghiệp.
20. Làm thêm các loại giá đứng trên sàn để cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân.
21. Che chắn luồng gió lạnh chổ công nhân làm việc mùa đông, mở rộng hoặc xây dựng thêm các nhà vệ sinh trong xí nghiệp mà nơi đó lúc xây dựng xí nghiệp chưa làm được đầy đủ, làm lán trạm trú nưa nắng cho công nhân thường xuyên làm việc ngoài trời.
22. Thiết bị thêm hoặc sử dụng những máy sát trùng hoặc dụng cụ để tẩy độc nguyên liệu hay vật liệu được sản xuất trong trường hợp những phương pháp này chưa được thiết bị trong quá trình sản xuất.
23. Mua sắm những bơm hút bụi hoặc chất độc khác thải ra.
24. Các thiết bị phụ như:
a) Nhà tắm công cộng, các phòng cách độc, tẩy độc quần áo làm việc trong những xí nghiệp có nhiều bụi độc, các chất hóa học và các chất độc ở những nơi làm việc dơ bẩn, nóng hại sức khỏe, làm nhà vệ sinh kinh nguyệt cho phụ nữ.
b) Phòng treo quần áo.
c) Phòng nghỉ ngơi và ăn uống ở những xí nghiệp làm ba ca liên tục.
d) Tủ đựng quần áo bảo hộ lao động.
25. Các thiết bị an toàn, trang bị dụng cụ phòng hộ lao động và vệ sinh công nghiệp khác nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân sản xuất.
III. BIỆN PHÁP TUYÊN TRUYỀN GIÁO DỤC, TỔ CHỨC LÃNH ĐẠO KỸ THUẬT AN TOÀN
26. Chi phí để dự thảo các biện pháp an toàn lao động vệ sinh công nghiệp. Sử dụng những dụng cụ, máy, sách hướng dẫn, đèn chiếu phim ảnh cần thiết cho công tác giáo dục về kỹ thuật an toàn trong công nhân. Tổ chức các cuộc triễn lãm về an toàn lao động.
27. Mở các lớp huấn luyện về an toàn kỹ thuật hoặc tổ chức những buổi tọa đàm về kỹ thuật an toàn (kể cả thời kỳ tổ chức giáo dục cho công nhân nắm được quá trình sản xuất).
28. Chi phí cho công tác nghiên cứu về cải tiến thiết bị an toàn, về trang bị phòng hộ.
29. Chi phí cho công tác khảo sát, thí nghiệm nhằm nghiên cứu phát hiện các nguyên nhân gây nên tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong xí nghiệp.
30. Những chi phí khác nhằm thi hành các lệnh chi của thanh tra bảo hộ lao động.
31. Chi phí cho việc tổ chức các buổi nói chuyện, tham quan, thực tập, khảo sát về quy tắc an toàn và bảo hộ lao động.