Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-MTTW-BVHTT hướng dẫn nâng cao chất lượng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã được thay thế bởi Thông tư 12/2011/TT-BVHTTDL hướng dẫn tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ và được áp dụng kể từ ngày 24/11/2011.
Nội dung toàn văn Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-MTTW-BVHTT hướng dẫn nâng cao chất lượng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư
UỶ BAN TRUNG ƯƠNG |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | |
Hà Nội, ngày 23 tháng 06 năm 2006 | ||
|
|
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN PHỐI HỢP CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC VẬN ĐỘNG “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ Ở KHU DÂN CƯ"
Thi hành Chỉ thị số 23/1998/CT-TTg ngày 20 tháng 5 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”;
Thực hiện Công văn số 6100/VPCP-QHQH ngày 13 tháng 12 năm 2001 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư";
Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam và Bộ Văn hoá - Thông tin ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn một số nội dung phối hợp chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” (dưới đây gọi tắt là cuộc vận động) để thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 Khoá VIII; và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương tại cộng đồng dân cư.
2. Khu dân cư thuộc đối tượng thực hiện Thông tư này là: thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, khu phố, tổ dân phố…, là đơn vị trực tiếp dưới cấp xã, phường, thị trấn.
Cơ quan, đơn vị sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, công an nhân dân và các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng Thông tư này.
3. Nội dung phối hợp chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng cuộc vận động, gồm: thống nhất đầu mối chỉ đạo, quản lý, triển khai thực hiện cuộc vận động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, nội dung thiết thực của cuộc vận động; thu hút, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện cuộc vận động; thống nhất việc bình xét, công nhận, khen thưởng các danh hiệu thi đua trong cuộc vận động.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Thống nhất Ban chỉ đạo ở xã, phường, thị trấn và Ban vận động ở khu dân cư
a) Ở xã, phường, thị trấn thống nhất Ban vận động cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư và Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" thành một Ban chỉ đạo chung là Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" (dưới đây gọi tắt là Ban chỉ đạo). Trưởng Ban chỉ đạo là Bí thư Đảng uỷ hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân. Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc làm Phó Trưởng Ban Thường trực, trực tiếp chủ trì chỉ đạo cuộc vận động.
b) Ở khu dân cư, thống nhất các Ban vận động hiện có như: "Ban vận động cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, "Ban điều hành xây dựng ấp (khu phố) văn hoá", "Ban vận động xây dựng nếp sống văn hoá", "Ban vận động xây dựng gia đình văn hoá"... thành một Ban vận động chung lấy tên là Ban vận động cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” (dưới đây gọi tắt là Ban vận động) do Ban công tác Mặt trận trực tiếp chủ trì. Trưởng Ban công tác Mặt trận làm Trưởng Ban vận động. Thành viên Ban vận động là: Trưởng hoặc Phó thôn (làng, bản, ấp, khu phố...), các thành viên của Ban Công tác Mặt trận (đại diện Chi ủy; những người đứng đầu chi Đoàn thanh niên, chi Hội phụ nữ, chi Hội nông dân, chi Hội cựu chiến binh, chi Hội người cao tuổi, chi Hội chữ thập đỏ..., một số người tiêu biểu có uy tín ở cộng đồng dân cư), tuỳ theo tình hình của từng nơi.
c) Ban Công tác Mặt trận chủ trì giúp Ban vận động tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động: tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình, cá nhân trong cộng đồng dân cư đăng ký thực hiện tốt các nội dung cuộc vận động; tiến hành bình xét và đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận các danh hiệu thi đua trong cuộc vận động; tổng kết cuộc vận động trong "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" ở khu dân cư vào dịp 18/11 hàng năm.
2. Nội dung cuộc vận động
a) Tiếp tục thực hiện 6 nội dung định hướng của cuộc vận động:
- Đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo;
- Đoàn kết phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tương thân tương ái”;
- Đoàn kết phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương;
- Đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá;
- Đoàn kết chăm lo sự nghiệp giáo dục, bảo vệ sức khoẻ, phát triển thể dục thể thao và thực hiện dân số - kế hoạch hoá gia đình, bảo vệ môi trường;
- Đoàn kết xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh gắn bó mật thiết với nhân dân, tổ chức tốt "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" ở khu dân cư.
b) Nội dung chi tiết của cuộc vận động do Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn.
3. Danh hiệu "Gia đình văn hoá"
a) Tiêu chuẩn danh hiệu "Gia đình văn hoá": đạt 03 tiêu chuẩn quy định tại Điều 29 Luật Thi đua- khen thưởng (được sửa đổi, bổ sung năm 2005):
- Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương nơi cư trú;
- Gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng dân cư;
- Tổ chức lao động sản xuất, kinh doanh công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả.
b) Nội dung tiêu chuẩn cụ thể, thủ tục công nhận danh hiệu"Gia đình văn hoá" do Bộ Văn hoá- Thông tin hướng dẫn.
c) Danh hiệu “Gia đình văn hoá” do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ra quyết định công nhận hàng năm. Ban vận động ở khu dân cư tổ chức công bố quyết định và danh sách hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá vào "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" ở khu dân cư và ghi Sổ vàng Gia đình văn hoá. Hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá” 03 năm liên tục, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp Giấy công nhận danh hiệu "Gia đình văn hoá 03 năm liên tục" và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng.
4. Danh hiệu "Khu dân cư tiên tiến"
a) Tiêu chuẩn danh hiệu "Khu dân cư tiên tiến":
- Có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển;
- Có hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện;
- Nơi cư trú trật tự, kỷ cương và bảo đảm an toàn;
- Có đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh phong phú;
- Sự nghiệp giáo dục, y tế, dân số, thể thao được chăm lo, môi trường cảnh quan sạch đẹp;
- Các tổ chức trong hệ thống chính trị và các đoàn thể hoạt động có hiệu quả, tổ chức tốt "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" ở khu dân cư (18/11) hàng năm.
b) Nội dung tiêu chuẩn cụ thể, thủ tục công nhận danh hiệu "Khu dân cư tiên tiến" do Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn.
c) Danh hiệu "Khu dân cư tiên tiến" do Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh công nhận.
5. Danh hiệu “Làng văn hóa” đối với làng, thôn, ấp, bản, buôn…; danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa” đối với tổ dân phố, khu phố, khối phố…
a) Tiêu chuẩn danh hiệu "Làng văn hoá", "Tổ dân phố văn hoá": đạt 05 tiêu chuẩn quy định tại Điều 30 Luật Thi đua - khen thưởng (được sửa đổi, bổ sung năm 2005):
- Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển;
- Đời sống văn hoá, tinh thần lành mạnh, phong phú;
- Môi trường cảnh quan sạch đẹp;
- Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
- Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.
b) Nội dung tiêu chuẩn cụ thể, thủ tục công nhận “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” do Bộ Văn hoá- thông tin hướng dẫn.
c) Điều kiện được công nhận "Làng văn hoá", "Tổ dân phố văn hoá":
- Được công nhận là "Khu dân cư tiên tiến" trong 3 năm liên tục;
- Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”.
d) Danh hiệu "Làng văn hoá", "Tổ dân phố văn hoá" do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ra quyết định công nhận định kỳ 03 năm 01 lần kèm theo Giấy công nhận.
6. Đăng ký, bình xét, công nhận và khen thưởng các danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Khu dân cư tiên tiến”, “Làng văn hoá”, “Tổ dân phố văn hoá”
a) Đăng ký:
- Hàng năm, gia đình đăng ký đạt danh hiệu "Gia đình văn hoá" vào dịp tổ chức "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" ở khu dân cư; Ban vận động căn cứ kết quả đăng ký của các hộ gia đình, lập danh sách hộ gia đình đăng ký đạt danh hiệu "Gia đình văn hoá" gửi Ban chỉ đạo xã, phường, thị trấn;
- Ban vận động đăng ký xây dựng "Khu dân cư tiên tiến", "Làng văn hoá", "Tổ dân phố văn hoá" với Ban chỉ đạo xã, phường, thị trấn trước tháng 12 hàng năm;
- Ban chỉ đạo xã, phường thị trấn tổng hợp và làm thủ tục đăng ký xây dựng "Khu dân cư tiên tiến", "Làng văn hoá", "Tổ dân phố văn hoá" với Ban chỉ đạo quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong quý I hàng năm.
b) Bình xét và công nhận:
- Ban vận động tổ chức họp nhân dân ở khu dân cư để bình xét và làm thủ tục đề nghị để Uỷ ban nhân dân, xã, phường, thị trấn công nhận hộ gia đình đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Gia đình văn hoá” trước ngày 30 tháng 10 hàng năm;
- Ban chỉ đạo xã, phường, thị trấn kiểm tra, đánh giá và đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận danh hiệu "Khu dân cư tiên tiến", "Làng văn hoá", "Tổ dân phố văn hoá" vào quý IV hàng năm.
c) Việc khen thưởng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư tiên tiến”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” thực hiện theo Hướng dẫn số 2062/HD-BCĐ ngày 19 tháng 5 năm 2006 của Ban Chỉ đạo Trung ương và Hướng dẫn của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
7. Kinh phí thực hiện cuộc vận động
a) Kinh phí thực hiện cuộc vận động thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2002/TTLT/BTC-MTTW ngày 10
Tháng 01 năm 2002 của Bộ Tài chính và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn công tác quản lý tài chính thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".
b) Ban chỉ đạo các cấp lồng ghép sử dụng có hiệu quả kinh phí thực hiện công tác chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được quy định tại Thông tư liên tịch số 31/2006/TTLT/BTC-BVHTT ngày 07 tháng 4 năm 2006 của Bộ Tài chính và Bộ Văn hoá- Thông tin về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" các cấp.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giao cho Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương, Cục Văn hoá - Thông tin cơ sở, Bộ Văn hoá-Thông tin phối hợp với Ban Phong trào- ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp giúp Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc báo cáo về Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Văn hoá - Thông tin giải quyết.
3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ./.
BỘ TRƯỞNG |
TM. BAN THƯỜNG TRỰC |