Thông tư liên tịch 02/2006/TTLT-UBDSGĐTE-BYT hướng dẫn tổ chức thực hiện chiến dịch tăng cường tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình vùng đông dân đã được thay thế bởi Quyết định 3005/QĐ-BYT 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản pháp luật về y tế tính đến 2013 và được áp dụng kể từ ngày 13/08/2014.
Nội dung toàn văn Thông tư liên tịch 02/2006/TTLT-UBDSGĐTE-BYT hướng dẫn tổ chức thực hiện chiến dịch tăng cường tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình vùng đông dân
UỶ BAN DÂN SỐ GIA ĐÌNH VÀ TRẺ EM-BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2006/TTLT-UBDSGĐTE-BYT | Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2006 |
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHIẾN DỊCH TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG LỒNG GHÉP DỊCH VỤ SỨC KHỎE SINH SẢN/KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH ĐẾN VÙNG ĐÔNG DÂN, VÙNG CÓ MỨC SINH CAO VÀ VÙNG KHÓ KHĂN
Thực hiện quyết định số 09/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 47/NQ/TW ngày 23 tháng 3 năm 2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đầy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình”, nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ sức khoẻ sinh sản/kế hoạch hóa gia đình đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn (sau đây gọi tắt là Chiến dịch), liên tịch: Ủy ban dân số, Gia đình và Trẻ em và Bộ Y tế hướng dẫn một số điểm trong tổ chức thực hiện Chiến dịch như sau:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Thông tư này hướng dẫn việc tổ chức triển khai và phối hợp hoạt động trong Chiến dịch, được áp dụng đối với các ngành, các cấp, các đơn vị, các tổ chức tham gia thực hiện Chiến dịch có sử dụng kinh phí nhà nước từ Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình hàng năm.
2. Nguyên tắc chung
a) Quản lý, tổ chức thực hiện Chiến dịch tuân theo các nguyên tắc quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình.
b) Tổ chức thực hiện Chiến dịch trên cơ sở tăng cường các hoạt động thường xuyên của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình để đảm bảo tính bền vững của chương trình.
c) Hoạt động tuyên truyền, vận động trong Chiến dịch phải đảm bảo tính hiệu quả, phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng, đồng bộ với hoạt động cung ứng dịch vụ sức khoẻ sinh sản/kế hoạch hóa gia đình.
d) Dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình phải tuân thủ “Hướng dẫn chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản” do Bộ Y tế ban hành. Danh mục và định mức thuốc thiết yếu, vật tư tiêu hao cho các dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình được thực hiện theo các quy định hiện hành.
đ) Kinh phí tổ chức thực hiện Chiến dịch được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước thông qua ngân sách Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình và ngân sách địa phương.
II. CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU CỦA PHÁP LUẬT
1. Tuyên truyền vận động
a) Mục tiêu tuyên truyền, vận động: tạo môi trường thuận lợi cho việc cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình trong Chiến dịch, góp phần tạo nhu cầu và chuyển đổi hành vi của các nhóm đối tượng trong thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình.
b) Nội dung tuyên truyền: khuyến khích chấp nhận mô hình gia đình một hoặc hai con, cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, vận động đối tượng chấp nhận và thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, ủng hộ và tham gia các hoạt động của Chiến dịch.
c) Đối tượng tuyên truyền: tập trung tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chưa thực hiện và chưa sẵn sàng chấp nhận thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, đối tượng sinh con một bề, đối tượng có khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và dịch vụ; quan tâm cung cấp kiến thức cho vị thành niên và thanh niên.
d) Hình thức tuyên truyền: sử dụng kênh truyền thông, tài liệu truyền thông thích hợp với nhóm đối tượng; kết hợp truyền thông đại chúng với tuyên truyền trực tiếp thông qua sinh hoạt nhóm, tư vấn tại nhà, cấp phát tài liệu: lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động vào sinh hoạt văn hóa, chính trị của cộng đồng; phân bổ hợp lý các hoạt động tuyên truyền, vận động trước, trong và sau chiến dịch.
2. Cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình trong chiến dịch
a) Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình
Triển khai thực hiện tư vấn giúp khách hàng có đầy đủ thông tin cần thiết, phù hợp về các biện pháp tránh thai, chăm sóc thai nghén, phòng chống các bệnh nhiểm khuẩn đường sinh sản để chủ động chấp nhận, thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
b) Kế hoạch hóa gia đình
Cung cấp dịch vụ kỹ thuật các biện pháp kế hoạch hóa gia đình bao gồm: triệt sản, đặt dụng cụ tử cung, thuốc tiêm, thuốc cấy tránh thai, bao cao su, thuốc viên tránh thai và các biện pháp tránh thai thông dụng khác.
c) Phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản
Khám phụ khoa, xét nghiệm chẩn đoán một số bệnh thường gặp, điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản thông thường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng chấp nhận các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.
III. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH
1. Nhiệm vụ của Ủy ban Dân số, Gia đình và trẻ em các cấp
a) Đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo Chiến dịch hàng năm ở các cấp tỉnh, huyện, xã, Thành phần và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo do Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định. Ban Chỉ đạo Chiến dịch có chức năng giúp Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tổ chức, chỉ đạo thực hiện các hoạt động của Chiến dịch.
b) Chủ trì và phối hợp với ngành Y tế, các ban, ngành, đoàn thể liên quan xây dựng kế hoạch Chiến dịch trình phê duyệt theo quy định.
c) Chủ trì quản lý, điều phối hoạt động giữa các ban, ngành, đoàn thể tham gia thực hiện Chiến dịch theo kế hoạch đã được phê duyệt.
d) Chủ trì, tổ chức và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động trong Chiến dịch.
đ) Bảo đảm nguồn lực, quản lý việc sử dụng kinh phí Chiến dịch và tổ chức cung cấp các loại phương tiện tránh thai, thuốc, vật tư đáp ứng nhu cầu của Chiến dịch.
e) Tổ chức hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chiến dịch.
f) Chỉ đạo và tổ chức thu thập, cung cấp thông tin về hoạt động của Chiến dịch. Tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chiến dịch.
2. Nhiệm vụ cơ quan Y tế các cấp
a) Phối hợp với Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em xây dựng kế hoạch Chiến dịch.
b) Chủ trì tổ chức thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình theo kế hoạch Chiến dịch đã được phê duyệt.
c) Chỉ đạo hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm chất lượng dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cung cấp trong Chiến dịch theo hướng dẫn chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của Bộ Y tế. Bảo đảm các đối tượng có nhu cầu thực hiện dịch vụ được tư vấn và cung cấp dịch vụ phù hợp.
d) Chỉ đạo, huy động các cơ sở Y tế trên địa bàn và cán bộ y tế có liên quan tham gia các hoạt động của Chiến dịch; huy động và bảo đảm trang thiết bị, vật tư, dụng cụ, thuốc thiết yếu phục vụ việc cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình theo kế hoạch Chiến dịch.
đ) Chủ trì tổ chức kiểm tra, giám sát chuyên môn kỹ thuật các dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cung cấp trong Chiến dịch. Các trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong hướng dẫn chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cần được xử lý nghiêm túc và kịp thời.
e) Báo cáo định kỳ, báo cáo nhanh kết quả cung cấp các dịch vụ trong Chiến dịch theo hướng dẫn.
3. Phối hợp hoạt động
Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em và cơ quan Y tế thống nhất kế hoạch hoạt động và hướng dẫn quản lý, tổ chức thực hiện Chiến dịch; phối hợp tổ chức sơ kết, tổng kết hoạt động của Chiến dịch; phối hợp kiểm tra giám sát tình hình tổ chức triển khai thực hiện Chiến dịch.
Trong quá trình triển khai Chiến dịch, nếu có khó khăn vướng mắc, các bên hữu quan cần chủ động phối hợp giải quyết, khi thấy cần thiết, báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp và liên ngành để xử lý kịp thời.
IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện Chiến dịch theo đúng quy định tại Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em và Bộ Y tế để nghiên cứu sửa đổi bổ sung./.
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN SỐ, GIA ĐÌNH VÀ TRẺ EM
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
|