Nội dung toàn văn Thông tư liên tịch 30/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI – BỘ NỘI VỤ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV | Hà Nội, ngày 19 tháng 8 năm 2015 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH MÃ SỐ VÀ TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI
Căn cứ Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 2 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư liên tịch này quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương đối với viên chức chuyên ngành công tác xã hội.
2. Thông tư liên tịch này áp dụng đối với viên chức chuyên ngành công tác xã hội làm việc trong các loại hình đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực an sinh xã hội.
Điều 2. Mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội
1. Công tác xã hội viên chính (hạng II) | Mã số: V.09.04.01 |
2. Công tác xã hội viên (hạng III) | Mã số: V.09.04.02 |
3. Nhân viên công tác xã hội (hạng IV) | Mã số: V.09.04.03 |
Điều 3. Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành công tác xã hội
1. Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
2. Đặt lợi ích của đối tượng là mục tiêu quan trọng nhất trong hoạt động nghề nghiệp, có ý thức bảo vệ lợi ích lâu dài và liên tục cho đối tượng; tôn trọng đời tư, quyền tự quyết và quyền bảo mật của đối tượng; khuyến khích, hỗ trợ đối tượng thực hiện những mục tiêu phù hợp.
3. Không lợi dụng mối quan hệ nghề nghiệp để vụ lợi cá nhân ảnh hưởng đến công tác trợ giúp đối tượng.
4. Tôn trọng, cởi mở, đoàn kết, đồng cảm và chia sẻ với các đồng nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp.
5. Luôn thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của người viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.
6. Thường xuyên học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ công tác xã hội.
Chương II
TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP
Điều 4. Công tác xã hội viên chính (hạng II) - Mã số: V.09.04.01
1. Nhiệm vụ chung
Chủ trì tổ chức, chỉ đạo và thực hiện các nghiệp vụ công tác xã hội có yêu cầu phức tạp về lý thuyết, phương pháp và kỹ năng thực hành.
2. Nhiệm vụ cụ thể
a) Tổ chức việc sàng lọc, phân loại và tiếp nhận đối tượng;
b) Chủ trì đánh giá tâm sinh lý, tình trạng sức khỏe, nhân thân và các nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội của đối tượng;
c) Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch trợ giúp cho đối tượng;
d) Chủ trì cung cấp các dịch vụ công tác xã hội có yêu cầu phức tạp về lý thuyết, phương pháp và kỹ năng thực hành công tác xã hội gồm: tư vấn, tham vấn, trị liệu, phục hồi chức năng, giáo dục, đàm phán, hòa giải, biện hộ, tuyên truyền;
đ) Chủ trì theo dõi và rà soát lại các hoạt động can thiệp; điều chỉnh kế hoạch trợ giúp nếu cần thiết;
e) Chủ trì việc thu thập dữ liệu, tổng hợp, phân tích và dự báo sự tiến triển của đối tượng;
g) Tổ chức hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng;
h) Chủ trì tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về hoạt động nghiệp vụ công tác xã hội; đề xuất sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn và quy trình nghiệp vụ công tác xã hội;
i) Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu các đề án, đề tài khoa học về công tác xã hội;
k) Tham mưu xây dựng chiến lược, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, đề án, phương án tổ chức phát triển dịch vụ công tác xã hội;
l) Tham gia biên soạn nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu về công tác xã hội và tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác xã hội cho viên chức và cộng tác viên công tác xã hội.
3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành công tác xã hội, xã hội học, tâm lý học, giáo dục đặc biệt hoặc các chuyên ngành khoa học xã hội phù hợp với nhiệm vụ công tác xã hội. Trường hợp tốt nghiệp đại học chuyền ngành khoa học xã hội khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xã hội theo chương trình do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành;
b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
c) Đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;
d) Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công tác xã hội viên chính (hạng II).
4. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Có năng lực chủ trì tổ chức, chỉ đạo và thực hiện các hoạt động nghiệp vụ công tác xã hội;
b) Có năng lực tổ chức phối hợp hiệu quả với các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về công tác xã hội;
c) Có năng lực tổng hợp, khái quát các hoạt động liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn, để có những đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện các hoạt động công tác xã hội;
d) Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ công tác xã hội phù hợp với chuyên ngành được đào tạo.
5. Việc thăng hạng chức danh công tác xã hội viên chính (hạng II)
Viên chức thăng hạng từ chức danh công tác xã hội viên (hạng III) lên chức danh công tác xã hội viên chính (hạng II) phải có thời gian công tác giữ chức danh công tác xã hội viên (hạng III) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh công tác xã hội viên (hạng III) tối thiểu là 03 (ba) năm.
Điều 5. Công tác xã hội viên (hạng III) - Mã số: V.09.04.02
1. Nhiệm vụ chung
Chỉ đạo thực hiện các nghiệp vụ công tác xã hội có yêu cầu cơ bản về lý thuyết, phương pháp và kỹ năng thực hành.
2. Nhiệm vụ cụ thể
a) Sàng lọc, phân loại và tiếp nhận đối tượng;
b) Đánh giá tâm sinh lý, tình trạng sức khỏe, nhân thân và các nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội của đối tượng;
c) Xây dựng và thực hiện kế hoạch trợ giúp cho đối tượng;
d) Trực tiếp cung cấp, thực hiện các dịch vụ công tác xã hội có yêu cầu cơ bản về lý thuyết, phương pháp và kỹ năng thực hành công tác xã hội như: tư vấn, tham vấn, trị liệu, phục hồi chức năng, giáo dục, đàm phán, hòa giải, biện hộ, tuyên truyền;
đ) Theo dõi và rà soát lại hoạt động can thiệp theo sự phân công; đề xuất điều chỉnh kế hoạch trợ giúp nếu cần thiết;
e) Hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng;
g) Thu thập dữ liệu, tổng hợp, phân tích và dự báo sự tiến triển của đối tượng;
h) Đánh giá, rút kinh nghiệm về hoạt động nghiệp vụ công tác xã hội trong phạm vi công việc được giao; đề xuất sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn và quy trình nghiệp vụ công tác xã hội;
i) Tham gia nghiên cứu các đề án, đề tài khoa học về công tác xã hội trong phạm vi được phân công;
k) Tham gia biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu về công tác xã hội và tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho viên chức và cộng tác viên công tác xã hội theo sự phân công.
3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành công tác xã hội, xã hội học, tâm lý học, giáo dục đặc biệt hoặc các chuyên ngành khoa học xã hội phù hợp với nhiệm vụ công tác xã hội. Trường hợp tốt nghiệp đại học chuyên ngành khoa học xã hội khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xã hội theo chương trình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;
b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
c) Đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.
d) Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công tác xã hội viên (hạng III).
4. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Có khả năng độc lập, thực hiện thành thạo các kỹ năng, nghiệp vụ công tác xã hội;
b) Có khả năng nắm bắt các lý thuyết và phương pháp thực hành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về công tác xã hội phù hợp;
c) Có khả năng chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về công tác xã hội; chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao;
d) Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ, phổ biến kinh nghiệm và tham gia nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công tác xã hội;
đ) Nhận biết nhu cầu trợ giúp của đối tượng và xác định các biện pháp giải quyết.
5. Việc thăng hạng chức danh công tác xã hội viên (hạng III)
Viên chức từ chức danh nhân viên công tác xã hội (hạng IV) lên chức danh công tác xã hội viên (hạng III) phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này và có thời gian công tác giữ chức danh nhân viên công tác xã hội (hạng IV) như sau:
a) Trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp cao đẳng, phải có thời gian công tác giữ chức danh nhân viên công tác xã hội (hạng IV) tối thiểu đủ 02 (hai) năm;
b) Trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp trung cấp, phải có thời gian công tác giữ chức danh nhân viên công tác xã hội (hạng IV) tối thiểu đủ 03 (ba) năm.
Điều 6. Nhân viên công tác xã hội (hạng IV) - Mã số: V.09.04.03
1. Nhiệm vụ chung
Chịu trách nhiệm thực hiện một số nghiệp vụ công tác xã hội có yêu cầu đơn giản về lý thuyết, phương pháp và kỹ năng thực hành theo sự phân công.
2. Nhiệm vụ cụ thể
a) Tham gia việc sàng lọc, phân loại và tiếp nhận đối tượng theo sự phân công;
b) Thực hiện đánh giá tâm sinh lý, tình trạng sức khỏe, nhân thân và các nhu cầu của đối tượng theo sự phân công;
c) Đề xuất kế hoạch và trực tiếp thực hiện kế hoạch trợ giúp cho đối tượng, nhóm đối tượng trong phạm vi cụ thể được giao;
d) Tham gia cung cấp, thực hiện các dịch vụ công tác xã hội có yêu cầu đơn giản về lý thuyết, phương pháp và kỹ năng thực hành công tác xã hội gồm: tư vấn, tham vấn, trị liệu, phục hồi chức năng, giáo dục, đàm phán, hòa giải, tuyên truyền trong phạm vi được phân công;
đ) Tham gia theo dõi và rà soát lại hoạt động can thiệp; đề xuất điều chỉnh kế hoạch trợ giúp nếu cần thiết theo sự phân công;
e) Tham gia hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng trong phạm vi được phân công;
g) Tham gia thu thập dữ liệu, tổng hợp, phân tích và dự báo sự tiến triển của đối tượng;
h) Chịu trách nhiệm trực tiếp về việc thực hiện một số nghiệp vụ công tác xã hội được phân công.
3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Có trình độ trung cấp trở lên thuộc các chuyên ngành công tác xã hội, xã hội học, tâm lý học, giáo dục đặc biệt hoặc các chuyên ngành khoa học xã hội khác phù hợp với nhiệm vụ công tác xã hội. Trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành khoa học xã hội khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xã hội theo chương trình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;
b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 trở lên theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
c) Đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;
d) Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhân viên công tác xã hội (hạng IV).
4. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Có khả năng độc lập, thực hiện thành thạo kỹ năng, nghiệp vụ công tác xã hội trong phạm vi công việc được giao;
b) Có khả năng làm việc theo nhóm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về công tác xã hội;
c) Có kỹ năng giao tiếp đối với đối tượng;
d) Có khả năng phát hiện nhu cầu trợ giúp của đối tượng.
Chương III
HƯỚNG DẪN BỔ NHIỆM VÀ XẾP LƯƠNG THEO CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP
Điều 7. Nguyên tắc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp
1. Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành công tác xã hội phải căn cứ vào vị trí việc làm được giao và khả năng đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội và theo quy định tại Điều 8 của Thông tư liên tịch này.
2. Khi bổ nhiệm từ ngạch viên chức hiện giữ vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Điều 8. Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội
1. Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp công tác xã hội viên chính (hạng II, mã số: V.09.04.01) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch công tác xã hội viên chính, mã số ngạch 24.291.
2. Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp công tác xã hội viên (hạng III, mã số: V.09.04.02) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch công tác xã hội viên, mã số ngạch 24.292.
3. Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp nhân viên công tác xã hội (hạng IV, mã số: V.09.04.03) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch nhân viên công tác xã hội, mã số ngạch 24.293 và công tác xã hội viên cao đẳng.
Điều 9. Cách xếp lương
1. Các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội được áp dụng bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, như sau:
a) Chức danh nghề nghiệp công tác xã hội viên chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;
b) Chức danh nghề nghiệp công tác xã hội viên (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
c) Chức danh nghề nghiệp nhân viên công tác xã hội (hạng IV) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
2. Xếp lương khi hết thời gian tập sự và được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp
Sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được cấp có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp thì thực hiện xếp bậc lương trong chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm như sau:
a) Trường hợp có trình độ tiến sĩ chuyên ngành công tác xã hội thì được xếp bậc 3, hệ số lương 3,00 của chức danh nghề nghiệp công tác xã hội viên (hạng III, mã số: V.09.04.02);
b) Trường hợp có trình độ thạc sĩ chuyên ngành công tác xã hội thì được xếp bậc 2, hệ số lương 2,67 của chức danh nghề nghiệp công tác xã hội viên (hạng III, mã số: V.09.04.02);
c) Trường hợp có trình độ cao đẳng chuyên ngành công tác xã hội thì được xếp bậc 2, hệ số lương 2,06 của chức danh nghề nghiệp nhân viên công tác xã hội (hạng IV, mã số: V.09.04.03).
3. Việc xếp lương vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội quy định tại Khoản 1 Điều này đối với viên chức đã được xếp lương vào các ngạch viên chức công tác xã hội theo quy định tại Thông tư số 08/2010/TT-BNV ngày 25 tháng 8 năm 2010 của Bộ Nội vụ ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức công tác xã hội, Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 2 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ thực hiện như sau:
a) Trường hợp viên chức đủ điều kiện bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội có hệ số bậc lương bằng ở ngạch cũ thì thực hiện xếp ngang bậc lương và % phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ (kể cả tính thời gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có ở ngạch cũ) vào chức danh nghề nghiệp mới được bổ nhiệm.
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A đã xếp ngạch công tác xã hội viên (mã số 24.292), bậc 5, hệ số lương 3,66 kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Nay ông A đủ điều kiện và được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp công tác xã hội viên hạng III (mã số V.09.04.02) thì xếp bậc 5, hệ số lương 3,66 của chức danh nghề nghiệp công tác xã hội viên hạng III (mã số V.09.04.02) kể từ ngày ký quyết định; thời gian xét nâng bậc lương lần sau được tính kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
b) Trường hợp viên chức có trình độ cao đẳng chuyên ngành công tác xã hội khi tuyển dụng đã được xếp lương ở viên chức loại A0 theo quy định của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp nhân viên công tác xã hội (hạng IV, mã số: 09.04.03) thì xếp lương trong chức danh nghề nghiệp nhân viên công tác xã hội (hạng IV) được căn cứ vào thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo thang lương, bảng lương do nhà nước quy định (trừ thời gian tập sự) như sau: Tính từ bậc 2 của chức danh nghề nghiệp nhân viên công tác xã hội, cứ sau 02 năm (đủ 24 tháng) được xếp lên 01 bậc lương (nếu có thời gian đứt quãng mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì được cộng dồn). Trường hợp thời gian công tác có năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật thì bị kéo dài thêm theo chế độ nâng lương thường xuyên.
Sau khi chuyển xếp lương vào chức danh nghề nghiệp nhân viên công tác xã hội (hạng IV) nêu trên, nếu hệ số lương được xếp ở chức danh nghề nghiệp nhân viên công tác xã hội (hạng IV) cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) thấp hơn hệ số lương đã hưởng ở ngạch cũ thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ. Hệ số chênh lệch bảo lưu này được hưởng trong suốt thời gian viên chức xếp lương ở chức danh nghề nghiệp nhân viên công tác xã hội (hạng IV). Sau đó, nếu viên chức được thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì được cộng hệ số chênh lệch bảo lưu này vào hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng để xếp lương vào chức danh được bổ nhiệm khi thăng hạng chức danh nghề nghiệp và thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu kể từ ngày hưởng lương ở chức danh nghề nghiệp mới.
Ví dụ 2: Ông Trần Văn B, có trình độ cao đẳng chuyên ngành công tác xã hội đã được tuyển dụng vào làm viên chức tại cơ sở bảo trợ xã hội tỉnh A, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 và đã xếp bậc 3, hệ số lương 2,72 của viên chức loại A0 kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014, trong thời gian công tác luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, không bị kỷ luật. Nay ông B được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp nhân viên công tác xã hội (hạng IV, mã số: V.09.04.03) thì việc xếp bậc lương trong chức danh nghề nghiệp nhân viên công tác xã hội (hạng IV) như sau:
Thời gian công tác của ông Trần Văn B từ ngày 01 tháng 01 năm 2008, trừ thời gian tập sự 06 tháng, tính từ bậc 2 của chức danh nghề nghiệp nhân viên công tác xã hội (hạng IV) và cứ 02 năm xếp lên 1 bậc thì đến ngày 01 tháng 7 năm 2014, ông Trần Văn B được xếp vào bậc 5, hệ số lương 2,66 của chức danh nghề nghiệp nhân viên công tác xã hội (hạng IV); thời gian hưởng bậc lương mới ở chức danh nghề nghiệp nhân viên công tác xã hội (hạng IV) kể từ ngày ký quyết định; thời gian xét nâng bậc lương lần sau được tính kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014; đồng thời hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu 0,06 (2,72 - 2,66).
Đến ngày 01 tháng 7 năm 2016 (đủ 02 năm), ông Trần Văn B đủ điều kiện nâng bậc lương thường xuyên lên bậc 6, hệ số lương 2,86 của chức danh nghề nghiệp nhân viên công tác xã hội (hạng IV) và tiếp tục được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu 0,06 (tổng hệ số lương được hưởng là 2,92).
4. Việc thăng hạng viên chức chuyên ngành công tác xã hội được thực hiện sau khi đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội theo quy định tại Thông tư liên tịch này và thực hiện xếp lương theo hướng dẫn tại Khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Điều khoản chuyển tiếp
Viên chức đã được bổ nhiệm vào các ngạch viên chức công tác xã hội theo quy định tại Thông tư số 08/2010/TT-BNV ngày 25 tháng 8 năm 2010 của Bộ Nội vụ ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức công tác xã hội và Thông tư số 34/2010/TT-BLĐTBXH ngày 08 tháng 11 năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội, nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội quy định tại Thông tư liên tịch này thì cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm tạo điều kiện để viên chức bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội được bổ nhiệm.
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Các đơn vị sự nghiệp công lập căn cứ quy định tại Thông tư liên tịch này để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ viên chức chuyên ngành công tác xã hội.
2. Các cơ sở ngoài công lập cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực an sinh xã hội vận dụng các quy định tại Thông tư liên tịch này để tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhân sự.
3. Người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm:
a) Rà soát các vị trí việc làm của đơn vị, lập phương án bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp công tác xã hội tương ứng trong đơn vị thuộc thẩm quyền mình quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp;
b) Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội tương ứng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định bổ nhiệm sau khi phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương đối với viên chức trong đơn vị;
b) Phê duyệt phương án bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý từ ngạch viên chức hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp viên chức công tác xã hội tương ứng trong đơn vị quy định tại Thông tư liên tịch này; giải quyết theo thẩm quyền những vướng mắc trong quá trình bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương;
c) Quyết định bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức thuộc diện quản lý vào các chức danh nghề nghiệp công tác xã hội tương ứng trong đơn vị sự nghiệp công lập theo thẩm quyền.
d) Báo cáo kết quả bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ.
Điều 12. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04 tháng 10 năm 2015.
2. Bãi bỏ Thông tư số 08/2010/TT-BNV ngày 25/8/2010 của Bộ Nội vụ ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức công tác xã hội và Thông tư số 34/2010/TT-BLĐTBXH ngày 08/11/2010 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội.
Điều 13. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư liên tịch này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ xem xét, giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG |
Nơi nhận: |