Nội dung toàn văn Thông tư liên tịch 46/2001/TTLT-BTC-BGDĐT hướng dẫn quản lý thu chi học phí đào tạo phương thức không chính quy trường công lập
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 46/2001/TTLT-BTC-BGDĐT | Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2001 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA BỘ TÀI CHÍNH - BỘ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO SỐ 46/2001/TTLT/BTC-BGDĐT NGÀY 20 THÁNG 6 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ THU, CHI HỌC PHÍ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO THEO PHƯƠNG THỨC KHÔNG CHÍNH QUY TRONG CÁC TRƯỜNG VÀ CƠ SỞ ĐÀO TẠO CÔNG LẬP
Căn cứ Điều 40, Điều 41 Luật Giáo dục đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X thông qua ngày 2/12/1998 quy định về "Phương thức giáo dục không chính quy"; Căn cứ Điều 42 Nghị định số 43/CP/2000 ngày 30/8/2000 của Chính phủ "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục".
Để thống nhất và tăng cường công tác quản lý thu, chi học phí đối với các hoạt động đào tạo theo phương thức không chính quy trong các trường và cơ sở đào tạo công lập, liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và đào tạo hướng dẫn công tác quản lý thu, chi học phí đối với hoạt động đào tạo theo phương thức không chính quy trong các trường và cơ sở đào tạo công lập như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG:
Hoạt động đào tạo không chính quy trong các trường và cơ sở đào tạo công lập là những hoạt động đào tạo ngoài hệ chính quy. Các hoạt động đào tạo tại chức, đào tạo văn bằng 2, tự học có hướng dẫn, đào tạo từ xa, đào tạo và bồi dưỡng ngắn hạn theo các chuyên đề, liên kết đào tạo, theo phương thức không chính quy thuộc đối tượng thực hiện Thông tư này.
II. NGUYÊN TẮC CHUNG:
Các trường và cơ sở đào tạo có hoạt động đào tạo theo phương thức không chính quy được thu học phí của người học để đảm bảo chi phí đào tạo.
Tiền thu học phí đơn vị gửi vào tài khoản Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.
III. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:
1. Nội dung và mức thu học phí:
Căn cứ Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ "Về thu và sử dụng học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân", căn cứ vào đặc điểm hoạt động đào tạo theo phương thức không chính quy, học phí được tính theo tháng đào tạo và mức thu như sau:
- Đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, tại chức tại các trường và liên kết với các địa phương, cơ quan ngoài nhà trường thu từ 100.000 đến 350.000 đồng/tháng/một người học
- Đào tạo Đại học bằng thứ hai tại các trường và liên kết với các địa phương, đơn vị ngoài nhà trường thu từ 150.000 đến 380.000 đồng/tháng/một người học.
- Học phí các loại hình đào tạo không chính quy khác, tuỳ theo yêu cầu, nội dung và tính đặc thù, nhà trường tự quyết định mức thu học phí với điều kiện không vượt quá mức thu cao nhất của các hình thức đào tạo đã nêu trên.
Căn cứ vào khung thu học phí đào tạo theo phương thức không chính quy hướng dẫn trên, Hiệu trưởng các trường và thủ trưởng các cơ sở đào tạo quy định mức thu cụ thể phù hợp với nội dung, chương trình và thời gian đào tạo của từng loại hình, cấp bậc, ngành nghề đào tạo và chi phí hợp lý để đảm bảo duy trì, phát triển hoạt động đào tạo.
2. Nội dung chi:
Học phí của trường và cơ sở đào tạo được chi cho các nội dung sau:
a. Chi tăng cường cơ sở vật chất, phục vụ giảng dạy học tập như: sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất hiện có, xây dựng các phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập, thư viện, ký túc xá học sinh, sinh viên, mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, thuê mướn cơ sở vật chất.
b. Chi cho các hoạt động chuyên môn: giảng dạy, học tập, phục vụ dạy học, hội nghị, hội thảo, tổ chức thi tuyển sinh và thi tốt nghiệp.
c. Chi thù lao giáo viên giảng dạy, thỉnh giảng và chi tiền lương cho lao động hợp đồng.
d. Chi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ công nhân viên, giáo viên nhà trường.
e. Chi cho công tác quản lý, thanh toán các dịch vụ công cộng (tiền điện, nước, vệ sinh môi trường).
f. Chi hỗ trợ nghiên cứu khoa học.
g. Chi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân bên ngoài phối hợp tổ chức các hoạt động giảng dạy.
h. Chi nộp thuế (nếu có phát sinh theo quy định của pháp luật)
i. Chi khác: văn hoá thể thao, thưởng cho học sinh, sinh viên có thành tích tốt...
Hiệu trưởng, thủ trưởng cơ sở đào tạo căn cứ vào số tiền thu được để quyết định mức chi hợp lý đạt chất lượng và hiệu quả đào tạo.
3. Xử lý chênh lệch thu, chi:
Tiền thu học phí sau khi bù đắp đủ chi phí nêu trên, trường hợp chênh lệch thu lớn hơn chi được bổ sung hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy học tập của đơn vị, trích lập 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi tối đa không quá 3 tháng lương bình quân thực tế thực hiện, mức trích vào mỗi quỹ do thủ trưởng đơn vị quyết định sau khi thống nhất với tổ chức công đoàn đơn vị.
4. Công tác quản lý tài chính:
a. Các trường và cơ sở đào tạo tổ chức hạch toán kế toán, mở sổ sách theo dõi riêng các khoản thu, chi học phí và quản lý theo mục 6 của Thông tư số 54/1998/TTLT/Bộ GD&ĐT-TC ngày 31/8/1998 "Hướng dẫn thực hiện thu, chi và quản lý học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân" và Quyết định số 999/TC-QĐ/CĐKT ngày 2/11/1996 của Bộ Tài chính quy định chế độ kế toán đối với đơn vị hành chính sự nghiệp, thực hiện công khai tài chính theo Thông tư số 83/TT-BTC ngày 1/7/1999 của Bộ Tài chính.
Các Khoa, phòng, Trung tâm trong trường không phải đơn vị dự toán thì toàn bộ số thu, chi học phí quản lý qua phòng tài vụ kế toán của trường.
Việc thu học phí phải sử dụng biên lai thu học phí do cơ quan tài chính phát hành theo đúng quy định.
b. Những người có thu nhập cao phải nộp thuế thu nhập theo quy định hiện hành.
IV. HIỆU LỰC THI HÀNH:
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ năm học 2001 - 2002.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về liên Bộ để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Lê Vũ Hùng (Đã ký) | Nguyễn Thị Kim Ngân (Đã ký) |