Thông tư liên tịch 60-TT/LB chế độ tổ chức kinh tế trực tiếp xây dựng ngân sách Đảng đã được thay thế bởi Quyết định 100/2000/QĐ-BTC Danh mục Thông tư liên tịch đã hết hiệu lực pháp luật và được áp dụng kể từ ngày 01/07/2000.
Nội dung toàn văn Thông tư liên tịch 60-TT/LB chế độ tổ chức kinh tế trực tiếp xây dựng ngân sách Đảng
BAN TÀI CHÍNH-QUẢN TRỊ TRUNG ƯƠNG-BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 60-TT/LB | Hà Nội , ngày 16 tháng 10 năm 1992 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA LIÊN BỘ TÀI CHÍNH - BAN TÀI CHÍNH - QUẢN TRỊ TW SỐ 60 - TT/LB NGÀY 16-10-1992 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 247-CT NGÀY 2-7-1992 CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC LÀM KINH TẾ TRỰC TIẾP XÂY DỰNG NGÂN SÁCH CỦA ĐẢNG
Thi hành Quyết định số 247-CT ngày 2-7-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về một số chế độ đối với các tổ chức làm kinh tế trực tiếp xây dựng ngân sách của Đảng, Bộ Tài chính và Ban tài chính - Quản trị Trung ương hướng dẫn thực hiện như sau:
I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯƠNG ÁP DỤNG.
1. Các công ty, xí nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ hạch toán kinh tế độc lập (dưới đây gọi tắt là các cơ sở sản xuất kinh doanh) thuộc quyền sở hữu của Đảng, do Ban Tài chính - Quản trị Trung ương hoặc Ban tài chính - quản trị các tỉnh uỷ, thành uỷ (gọi tắt là cơ quan tài chính của Đảng) thành lập để trực tiếp xây dựng ngân sách của Đảng, được bình đẳng trước pháp luật như mọi thành phần kinh tế khác, được hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực theo khuôn khổ qui định của Nhà nước, nộp mọi khoản thuế theo luật định, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng của Nhà nước và của Đảng.
2. Tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh của Đảng hiện đang hoạt động, phải làm các thủ tục đăng ký lại như qui định tại Quyết định số 196-CT ngày 5-6-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thông tư số 40-TC/TCT-CS ngày 22-8-1992 của Bộ Tài chính và hướng dẫn đăng ký kinh doanh của Ban tài chính-quản trị Trung ương tại văn bản số 376-SX/TCQT ngày 13-8-1992.
II. NỘP THUẾ VÀ CẤP LẠI TIỀN THUẾ.
Điều 3 Quyết định 247-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng qui định: "Từ năm 1992 đến hết năm 1996, Nhà nước trợ cấp cho ngân sách Đảng một khoản tương đương với số thuế mà các tổ chức kinh tế nói ở điểm 1 quyết định này nộp vào Ngân sách Nhà nước theo luật định, để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh của các tổ chức làm kinh tế và bổ sung một phần kinh phí hoạt động của Đảng". Hướng dẫn cụ thể việc thực hiện như sau:
1. Trách nhiệm nộp thuế của cơ sở sản xuất kinh doanh.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh của Đảng phải thực hiện đúng các luật thuế đã qui định về kê khai đăng ký kinh doanh nộp đúng, đủ và kịp thời các loại thuế phải nộp vào kho bạc nhà nước nơi đơn vị sản xuất kinh doanh hoạt động.
2. Trình tự, thủ tục nộp thuế, hạch toán và cấp lại các loại thuế đã nộp (không kể thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu).
a) Căn cứ vào chế độ, thủ tục kê khai, thu nộp của từng loại thuế đã qui định trong các luật thuế, pháp luật thuế và các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, cơ quan thuế có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở sản xuất kinh doanh kê khai và nộp thuế đầy đủ, đúng hạn vào Ngân sách Nhà nước. Khi thu thuế, cơ quan thuế phải cấp cho cơ sở nộp thuế biên lai thuế, ghi rõ số tiền và loại thuế đã nộp (biên lai do Bộ Tài chính phát hành).
b) Cơ quan kho bạc Nhà nước căn cứ vào số tiền thuế và loại thuế đã nộp của từng cơ sở sản xuất kinh doanh để hạch toán vào đúng các chương - khoản - hạng mục của mục lục Ngân sách Nhà nước, như sau:
- Đối với số tiền thuế đã nộp của các cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn, nhưng trực thuộc Ban tài chính - quản trị Trung ương quản lý thì ghi rõ vào chương 85A thuộc loaị - khoản - hạng tương ứng và mục 47 "thu khác của ngân sách trung ương", kho bạc nhà nước hạch toán số tiền thuế này vào tài khoản 741 đồng thời để lại 100% ghi vào "tiểu khoản ngân sách trung ương", để Bộ Tài chính cấp lại số tiền thuế đã nộp cho Ban tài chính - quản trị trung ương.
- Đối với số tiền thuế đã nộp của các cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn, nhưng trực thuộc Ban tài chính - quản trị của tỉnh uỷ hoặc thành uỷ quản lý thì ghi vào chương 85B thuộc loaị - khoản - hạng tương ứng và mục 47 "thu khác của ngân sách địa phương", đồng thời kho bạc nhà nước hạch toán số tiền thuế này vào tài khoản 741, để lại 100% cho ngân sách địa phương, để sở tài chính cấp lại số tiền thuế đã nộp cho Ban tài chính - quản trị tỉnh uỷ hoặc thành uỷ.
c) Việc cấp lại tiền thuế đã nộp được thực hiện hàng quý như sau:
- Sau mỗi quý, Ban tài chính - quản trị trung ương tổng hợp các biên lai nộp thuế của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trực thuộc Ban tài chính - quản trị trung ương quản lý đã nộp vào ngân sách nhà nước, có xác nhận của cơ quan thuế và cơ quan kho bạc địa phương gửi đến Bộ Tài chính (Vụ 1 và Vụ ngân sách nhà nước). Sau khi kiểm tra các biên lai nộp thuế nói trên, Bộ Tài chính sẽ cấp lại số tiền thuế đã nộp cho Ban tài chính - quản trị trung ương.
- Sau mỗi quý, Ban tài chính - quản trị tỉnh uỷ hoặc thành uỷ, tổng hợp các biên lai nộp thuế của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trực thuộc mình đã nộp thuế vào ngân sách nhà nước, có xác nhận của cơ quan thuế và cơ quan kho bạc địa phương gửi đến sở tài chính vật giá (Phòng quản lý ngân sách nhà nước). Sau khi kiểm tra các biên lai nói trên ,bộ tài chính sẽ cấp lại số tiền thuế đã nộp cho Ban tài chính - quản trị tỉnh uỷ, thành uỷ.
3. Trình tự, thủ tục nộp thuế, hạch toán và xét cấp lại tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu đã nộp.
a) Các cơ sở làm kinh tế trực tiếp xây dựng ngân sách Đảng nói tại điểm 1, mục 1 Thông tư này, nếu có hoạt động xuất, nhập khẩu thì phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nếu có sản xuất các mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, theo đúng qui định trong các luật thuế và theo văn bản hướng dẫn thi hành. Khi thu thuế, cơ quan thu thuế phải cấp cho cơ sở nộp thuế biên lai thu thuế ghi rõ số tiền và loại thuế đã nộp (biên lai do Bộ Tài chính phát hành).
b) Cơ quan kho bạc nhà nước căn cứ vào tiền thuế và loại thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp của tất cả các cơ sở làm kinh tế trực tiếp xây dựng ngân sách Đảng của trung ương và địa phương ghi vào tài khoản thu ngân sách trung ương.
c) Xét cấp lại tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt.
Sau mỗi quí, căn cứ vào bản tổng hợp của các Ban tài chính - quản trị tỉnh uỷ, thành uỷ về số thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp, Ban tài chính quản trị trung ương tổng hợp cùng với số thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt của các đơn vị trực thuộc Trung ương đã nộp gửi Bộ Tài chính. Sau khi kiểm tra, Bộ Tài chính làm thủ tục chuyển kịp thời cho Ban tài chính - quản trị trung ương. Ban tài chính - quản trị trung ương phân phối số thuế này vào mục đích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
III. TRỢ GIÚP CỦA NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC, ĐỂ TẠO CƠ SỞ VẬT CHẤT CHO SẢN XUẤT KINH DOANH
Điều 4 của Quyết định 247-CT đã qui định "Trong trường hợp thật cần thiết, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính xem xét, giải quyết việc trợ giúp các tổ chức làm kinh tế trực tiếp xây dựng ngân sách Đảng một phần vốn đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị và vốn lưu động trong khả năng Ngân sách nhà nước cho phép và tính vào phần Ngân sách nhà nước trợ cấp cho ngân sách Đảng".
Cụ thể là:
Khi có phát sinh mới thật cần thiết phải có vốn đầu tư, các cơ quan tài chính Đảng phải lập luận chứng kinh tế kỹ thuật trình cơ quan Đảng có thẩm quyền phê duyệt, trên cơ sở đó Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Khoản trợ cấp giúp này cũng được ghi bổ sung vào phần Ngân sách nhà nước trợ giúp ngân sách Đảng trong năm. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh được trợ giúp đột xuất phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả.
IV. SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ
Tiền thuế cấp lại cho ngân sách Đảng được coi như nguồn kinh phí Nhà nước trợ cấp cho ngân sách Đảng để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh của các tổ chức kinh tế và để bổ sung một phần kinh phí hoạt động của Đảng. Tiền thuế được cấp lại phân phối như sau:
- Dùng phần lớn số thuế để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh của các tổ chức kinh tế. Nguồn vốn này cần phải được quản lý như nguồn vốn ngân sách cấp. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có dự án được duyệt mới được sử dụng nguồn vốn này.
- Số thuế còn lại dùng để bổ sung kinh phí hoạt động của Đảng và ngoài ngân sách hàng năm đã thông báo cho ngân sách Đảng.
Tất cả số thuế chuyển trợ cấp lại, các nguồn vốn ngân sách trợ cấp giúp theo kế hoạch và đột xuất, cũng như nguồn vốn tự bổ sung của các cơ sở kinh tế đều phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng qui định và phải được thể hiện trong sổ sách kế toán của từng đơn vị, phải thực hiện theo chế độ quản lý vốn của Nhà nước, hàng quí, năm các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải báo cáo, quyết toán theo chế độ qui định hiện hành. Ban tài chính - quản trị trung ương tổng hợp quyết toán ngân sách báo cáo Ban bí thư và đồng gửi Bộ Tài chính. Hàng quí, năm Ban tài chính - quản trị tỉnh uỷ, thành uỷ làm báo cáo quyết toán với Ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ đồng thời gửi Sở tài chính vật giá, theo các nội dung như gửi Ban tài chính - quản trị trung ương.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Việc nộp thuế và cấp lại tiền thuế là hai hoạt động riêng biệt về thu ngân sách và cấp phát từ ngân sách. Cơ quan tài chính nhà nước và cơ quan thuế các cấp chịu trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra về mặt nghiệp vụ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải làm đầy đủ các thủ tục: đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và nộp thuế tại cơ quan thuế địa phương. Thực hiện việc mở sổ sách theo Pháp lệnh kế toán, thống kê và chịu sự quản lý, kiểm tra của cơ quan thuế và cơ quan chức năng khác của Nhà nước.
2. Cơ quan tài chính - quản trị trung ương Đảng và các tỉnh uỷ, thành uỷ có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh về thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế, làm các thủ tục xin cấp lại và phân phối tiền thuế được cấp lại đúng mục đích có hiệu quả.
3. Tổng số thuế thu được từ các tổ chức làm kinh tế của Đảng được tính vào kết quả thực hiện kế hoạch thu hàng năm của hệ thống thuế nhà nước.
4. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 1-10-1992, bãi bỏ Thông tư số 02-TT/LB ngày 19-11-1990 của Liên bộ Tài chính - Ban tài chính - quản trị trung ương.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc cần kịp thời báo cáo Bộ Tài chính và Ban tài chính - quản trị trung ương để nghiên cứu giải quyết.
Hồ Tế (Đã ký) | Lê Đức Thịnh (Đã ký) |