Chỉ thị 13/2008/CT-UBND

Chỉ thị 13/2008/CT-UBND tiếp tục thực hiện Luật đất đai năm 2003 trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Chỉ thị 13/2008/CT-UBND tiếp tục thực hiện Luật đất đai 2003 Cần Thơ đã được thay thế bởi Quyết định 1833/QĐ-UBND năm 2014 bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật Cần Thơ và được áp dụng kể từ ngày 10/07/2014.

Nội dung toàn văn Chỉ thị 13/2008/CT-UBND tiếp tục thực hiện Luật đất đai 2003 Cần Thơ


ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2008/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 22 tháng 9 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC TỔ CHỨC THỰC HIỆN LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2003 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Sau khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Chỉ thị do Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành, Ủy ban nhân dân thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể hoá theo thẩm quyền, đưa công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố Cần Thơ từng bước thực hiện có nề nếp, quản lý, khai thác sử dụng quỹ đất có hiệu quả, giải quyết kịp thời các yêu cầu của người sử dụng đất, góp phần tích cực vào sự phát triển của thành phố thời gian qua. Tuy nhiên, việc triển khai thi hành Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật vẫn còn một số mặt hạn chế, thiếu sót, đặc biệt là chậm ban hành các văn bản áp dụng pháp luật phù hợp với thực tế của địa phương; việc phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai đến người dân và các cấp, các ngành ở cơ sở chưa được sâu rộng; việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là xử lý các quy hoạch “treo”, dự án “treo” chưa kiên quyết; việc đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn chậm.

Để tiếp tục tổ chức thực hiện Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có kết quả cao, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ chỉ thị:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ngành, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, khẩn trương tổ chức rà soát, nghiên cứu, đề xuất, tham mưu trình cho Ủy ban nhân dân thành phố sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, ban hành mới các văn bản quy định cụ thể như giá đất; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (trong đó cần xác định rõ mức hỗ trợ đối với đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, đất vườn, ao trong thửa đất có nhà ở; ...); về hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở cho thửa đất có vườn, ao gắn với nhà ở; về thủ tục hành chính trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất; quy trình, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất, v.v... theo hướng chi tiết, cụ thể và quan tâm hơn đến quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất.

2. Sở Thông tin - Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tư pháp, Đài phát thanh và Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ lập kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai một cách thường xuyên, liên tục với nội dung thiết thực, hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế của từng địa phương; kịp thời biểu dương những cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt; phê phán những cơ quan, đơn vị, địa phương chậm chạp, trì trệ, phát hiện và đưa ra công luận các vi phạm về quản lý sử dụng đất đai, những hành vi nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai. Trước mắt trong thời gian tới chọn thời điểm thích hợp lên kế hoạch mở đợt tuyên truyền, phổ biến Luật đất đai rộng rãi trong nhân dân, cán bộ công chức toàn thành phố để nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ mở lớp bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai; đặc biệt là cán bộ quản lý đất đai quận, huyện, cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn.

4. Tập trung thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất:

a) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành chức năng có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Tăng cường quản lý sử dụng đất của các quy hoạch và dự án đầu tư, các quy định của pháp luật đất đai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tập trung chỉ đạo để hoàn thành và nâng cao chất lượng lập và xét duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006 - 2010) của quận, huyện và xã, phường, thị trấn trong năm 2008;

- Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để phát hiện và xử lý dứt điểm tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo”; đồng thời, có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lấn, chiếm đất công;

- Kiên quyết thu hồi đất đã giao, đã cho thuê không đúng đối tượng, đất nhà nước đã giao, đã cho thuê nhưng không sử dụng, sử dụng không hiệu quả, sử dụng sai mục đích, đất đã giao cho các dự án nhưng chủ đầu tư không có khả năng thực hiện. Đối với việc sử dụng đất làm trụ sở của các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố, thường xuyên kiểm tra việc sử dụng đúng mục đích, diện tích sử dụng hợp lý; phát hiện và xử lý các đơn vị cho thuê mặt bằng, sử dụng không đúng quy định.

- Đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố khi thực hiện phải đảm bảo đúng các tiêu chí, điều kiện pháp luật quy định, thực hiện đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục quy định về thu hồi đất, giao đất, xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất và đánh giá tác động môi trường… tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng đất của các dự án được giao; có biện pháp kiên quyết xử lý, thu hồi những dự án không thực hiện hoặc kéo dài thời gian thực hiện mà không có lý do chính đáng.

b) Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến nhân dân trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất, việc công bố công khai quy hoạch đã được xét duyệt, cũng như tổ chức quản lý tốt các dự án đã được phê duyệt công bố công khai.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cơ bản hoàn thành vào năm 2010, trọng tâm là đất ở tại đô thị, đất ở tại khu dân cư nông thôn, tiến hành rà soát số hộ, cá nhân chưa cấp giấy chứng nhận để có biện pháp đôn đốc thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được cải tiến theo hướng cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người sử dụng đất; kiên quyết bãi bỏ các điều kiện kèm theo việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngoài quy định của pháp luật về đất đai tại địa phương như hộ khẩu, đợi quy hoạch, v.v... . Phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn thủ tục thực hiện việc ghi nợ tiền sử dụng đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân chưa có khả năng nộp tiền theo quy định tại Thông tư số 14/2008/TTLT/BTC-BTNMT; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn rà soát, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… cho các Nông trường, Viện lúa, Trung tâm Giống.

Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn triển khai xác minh nguồn gốc sử dụng đất và thời điểm bắt đầu sử dụng đất để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho những trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất. Thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định tại điều 161 của Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Kết hợp việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với việc hiện đại hóa hệ thống hồ sơ địa chính; tăng cường đầu tư đo đạc lập bản đồ địa chính gắn với việc lập và hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính chính quy và tin học hóa hệ thống quản lý đất đai nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, tạo điệu kiện thuận lợi cho tiến trình hình thành, phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố; hướng dẫn thực hiện nghiêm quy trình cập nhật biến động về sử dụng đất tại các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Sở Tài chính xem xét bố trí và đảm bảo cấp đủ kinh phí phục vụ cho công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và chỉnh lý biến động đất đai trên địa bàn thành phố.

Uỷ ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của địa phương mình vào ngày 25 hàng tháng bằng văn bản về cho Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo cho Uỷ ban nhân dân thành phố và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

6. Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân quận, huyện bố trí đủ số lượng cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn; khi xem xét, bố trí cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn phải đảm bảo có đủ số lượng, phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp, bố trí ổn định lâu dài, hạn chế tối đa tình trạng thường xuyên thay đổi cán bộ địa chính. Củng cố, hoàn thiện Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận, huyện để đảm nhiệm các công việc về quản lý đất đai theo hướng là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động, tự chủ về tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo cơ chế “một cửa”.

7. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai:

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, các ngành có liên quan, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai như thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra tình hình quản lý sử dụng đất đối với các dự án và các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; kiểm tra việc sử dụng đất của các dự án không triển khai quá 12 tháng hoặc chậm triển khai; đề xuất thu hồi diện tích đất đã giao hoặc cho thuê nhưng sử dụng không đúng mục đích hoặc triển khai thực hiện không đúng tiến độ… .

- Thanh tra thành phố chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan xây dựng kế hoạch tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thành phố xử lý, giải quyết đơn thư tranh chấp đất đai còn tồn đọng và phát sinh mới thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn tập trung giải quyết dứt điểm các đơn thư tồn đọng và giải quyết kịp thời đơn thư phát sinh thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật để hạn chế việc công dân tập trung khiếu kiện vượt cấp; khắc phục có hiệu quả tình trạng chậm trễ, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết đơn thư; định kỳ, đánh giá rút kinh nghiệm về công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, đảm bảo pháp luật đất đai được thực hiện nghiêm chỉnh, hạn chế tiêu cực và vi phạm.

Là đầu mối phối hợp với Toà án nhân dân thành phố để thống nhất thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo đúng Luật Đất đai và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của Viện Kiểm sát và Toà án nhân dân tối cao, nhằm hạn chế tối đa tình trạng đùn đẩy với nhau trong quá trình giải quyết các tranh chấp đất đai của người dân.

8. Yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/2006/CT-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục yếu kém, sai phạm, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thi hành Luật Đất đai, Chỉ thị số 09/2007/CT-TTg ngày 06 tháng 04 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý sử dụng đất của các quy hoạch và dự án đầu tư, Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg ngày 14 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê quỹ đất đang quản lý, sử dụng của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất, Chỉ thị số 02/CT-BTNMT ngày 19 tháng 11 năm 2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tiếp tục triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2003 và Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau mười ngày và đăng Báo Cần Thơ chậm nhất là năm ngày, kể từ ngày ký.

Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, tổng hợp các nội dung nêu trong Chỉ thị này; định kỳ 6 tháng một lần báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ (HN-TP.HCM);
- Bộ Tư pháp (Cục KTVB);
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- TT. Thành ủy;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội TPCT;
- TT. HĐND, UBND thành phố;
- TT.UBMTTQVN và các đoàn thể;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố;
- Sở, ban, ngành thành phố;
- TT.HĐND và UBND quận, huyện;
- Website Chính phủ;
- Báo Cần Thơ;
- Trung tâm Công báo;
- VP UBND thành phố (3B);
- Lưu: VT, PH

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Thanh Mẫn

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 13/2008/CT-UBND

Loại văn bảnChỉ thị
Số hiệu13/2008/CT-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành22/09/2008
Ngày hiệu lực02/10/2008
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBất động sản
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 10/07/2014
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 13/2008/CT-UBND

Lược đồ Chỉ thị 13/2008/CT-UBND tiếp tục thực hiện Luật đất đai 2003 Cần Thơ


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Chỉ thị 13/2008/CT-UBND tiếp tục thực hiện Luật đất đai 2003 Cần Thơ
                Loại văn bảnChỉ thị
                Số hiệu13/2008/CT-UBND
                Cơ quan ban hànhThành phố Cần Thơ
                Người kýTrần Thanh Mẫn
                Ngày ban hành22/09/2008
                Ngày hiệu lực02/10/2008
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBất động sản
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 10/07/2014
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản được căn cứ

                  Văn bản hợp nhất

                    Văn bản gốc Chỉ thị 13/2008/CT-UBND tiếp tục thực hiện Luật đất đai 2003 Cần Thơ

                    Lịch sử hiệu lực Chỉ thị 13/2008/CT-UBND tiếp tục thực hiện Luật đất đai 2003 Cần Thơ