Chỉ thị 15/2006/CT-UBND

Chỉ thị 15/2006/CT-UBND về tăng cường quản lý công tác đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài do Thành Phố Cần Thơ ban hành

Chỉ thị 15/2006/CT-UBND quản lý đăng ký kết hôn với người nước ngoài Cần Thơ đã được thay thế bởi Quyết định 3258/QĐ-UBND năm 2013 công bố bãi bỏ văn bản pháp luật không còn phù hợp hết hiệu lực Cần Thơ và được áp dụng kể từ ngày 21/10/2013.

Nội dung toàn văn Chỉ thị 15/2006/CT-UBND quản lý đăng ký kết hôn với người nước ngoài Cần Thơ


ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:15/2006/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 30 tháng 11 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ KẾT HÔN GIỮA CÔNG DÂN VIỆT NAM VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Ngày 25 tháng 02 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg về tăng cường quản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị, việc xác lập quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực so với trước đây, phù hợp với chính sách mở rộng quan hệ của Đảng và Nhà nước ta; đồng thời, hạn chế được những trường hợp kết hôn không lành mạnh, không phù hợp với những nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, bình đẳng, tiến bộ của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam;

Tuy nhiên, thời gian gần đây việc kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài tăng đột biến và có nhiều diễn biến phức tạp; đặc biệt là việc kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người Hàn Quốc được tiến hành đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài;

Để tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và nhằm bảo đảm thực hiện nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, tôn trọng, giữ gìn phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc góp phần bảo vệ uy tín của dân tộc và của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ quốc tế, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

1. Sở Tư pháp:

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo chuyển biến cơ bản trong nhận thức của nhân dân, đặc biệt nhân dân ở các vùng nông thôn sâu, xa, khó khăn;

b) Chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố tổ chức trợ giúp, tư vấn cho nam - nữ thanh niên nhận thức và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; thực hiện công tác tuyên truyền lồng ghép trong các chương trình trợ giúp lưu động cho nhân dân ở các xã có nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài;

c) Tăng cường công tác nhân sự: lựa chọn, bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức làm công tác tiếp nhận, thẩm tra, giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm những công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho công dân;

d) Trình tự giải quyết việc đăng ký kết hôn: sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Sở Tư pháp có trách nhiệm tiến hành một số công việc sau đây trong thời hạn 20 ngày:

- Thực hiện phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở Sở Tư pháp đối với hai bên nam, nữ để kiểm tra, làm rõ về sự tự nguyện kết hôn của họ, về khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ chung và mức độ hiểu biết về hoàn cảnh của nhau. Việc phỏng vấn phải được lập thành văn bản. Cán bộ phỏng vấn phải nêu rõ ý kiến đề xuất của mình và ký tên vào văn bản phỏng vấn;

- Niêm yết việc kết hôn trong 07 ngày liên tục tại trụ sở Sở Tư pháp, đồng thời có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn của bên đương sự là công dân Việt Nam, nơi thường trú của người nước ngoài tại Việt Nam, thực hiện việc niêm yết. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết việc kết hôn trong 07 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban, kể từ ngày nhận được công văn của Sở Tư pháp. Trong thời hạn này, nếu có khiếu nại, tố cáo hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về việc kết hôn thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải gửi văn bản báo cáo cho Sở Tư pháp;

- Nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn. Trong trường hợp nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo đương sự kết hôn thông qua môi giới bất hợp pháp, kết hôn giả tạo, lợi dụng việc kết hôn để mua bán phụ nữ, kết hôn vì mục đích trục lợi khác hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của đương sự hoặc giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp tiến hành xác minh làm rõ; trong trường hợp xét thấy vấn đề cần xác minh thuộc chức năng của cơ quan Công an thì Sở Tư pháp có công văn nêu rõ vấn đề cần xác minh, kèm theo một bộ hồ sơ đăng ký kết hôn gửi cơ quan Công an cùng cấp đề nghị xác minh;

- Báo cáo kết quả phỏng vấn các bên đương sự, thẩm tra hồ sơ kết hôn và đề xuất ý kiến giải quyết việc đăng ký kết hôn, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định, kèm theo một bộ hồ sơ đăng ký kết hôn.

đ) Trong trường hợp công dân Việt Nam vắng mặt khi làm thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì khi có yêu cầu công nhận việc kết hôn đó tại Việt Nam, Sở Tư pháp phải tiến hành phỏng vấn các bên
kết hôn để làm rõ sự tự nguyện kết hôn của họ;

e) Hỗ trợ về mặt pháp lý cho Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố thành lập “Trung tâm hỗ trợ kết hôn” để giúp đỡ các vấn đề pháp lý trong việc kết hôn và các vấn đề khác có liên quan trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài cho chị em phụ nữ;

g) Đối với các hồ sơ hộ tịch thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban
nhân dân thành phố (hồ sơ kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài), giao Giám đốc Sở Tư pháp thẩm định và chịu
trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố về tính pháp lý của hồ sơ đó.

2. Công an thành phố:

a) Tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời đấu tranh ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; các trường hợp lợi dụng việc kết hôn để thực hiện hành vi buôn bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài.

b) Chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự trên lĩnh vực quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý người nước ngoài, quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện (khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ) nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến hoạt động tổ chức môi giới kết hôn bất hợp pháp với người nước ngoài;

c) Để đảm bảo trình tự giải quyết việc đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật, yêu cầu Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thực hiện công tác xác minh và thông báo kết quả xác minh bằng văn bản các trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài cho Sở Tư pháp trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được công văn của Sở Tư pháp (khoản 2 Điều 16 Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và
gia đình có yếu tố nước ngoài).

3. Sở Văn hoá - Thông tin:

a) Tiếp tục sử dụng và phát huy hơn nữa vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng như: pa nô, áp phích, văn nghệ, nhạc, kịch... để lồng ghép những nội dung nhằm tuyên truyền cho nhân dân và các đối tượng đến độ tuổi kết hôn nhận thức đúng về quan hệ hôn nhân với người nước ngoài, về nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, bình đẳng, tiến bộ của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam;

b) Phối hợp với các ngành trong việc tuyên truyền nâng cao danh dự, phẩm chất của phụ nữ Việt Nam, giáo dục cho chị em phụ nữ tinh thần tự tôn dân tộc để tạo ý thức tự giác trong việc bảo vệ thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Tổ chức các Trung tâm dạy nghề cho thanh niên, đặc biệt là phụ nữ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đối với các chị em sau khi ly hôn trở về Việt Nam sinh sống cần hỗ trợ, tạo việc làm phù hợp để chị em nhanh chóng ổn định cuộc sống;

b) Phối hợp với các ngành, đoàn thể có liên quan đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu lao động ra nước ngoài theo chủ trương của Chính phủ, nhằm tạo việc làm, nâng cao đời sống kinh tế cho nhân dân, giảm số lượng người tìm cách đi nước ngoài trái phép; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Cần Thơ để tạo điều kiện cho người lao động vay tiền đi xuất khẩu lao động;

c) Phối hợp với các ngành, đoàn thể có liên quan đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn nhằm tạo cơ hội để lao động ngoại thành được học nghề, tạo việc làm ổn định cuộc sống.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Có kế hoạch nâng cao trình độ văn hoá, kiến thức xã hội cho học sinh ở vùng nông thôn, nhất là giới nữ trong độ tuổi từ phổ cập trung học cơ sở trở lên; góp phần định hướng việc làm, định hướng tương lai, phát huy tinh thần tự lập của các em;

b) Giáo dục giới tính cho học sinh phù hợp với lứa tuổi.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ:

a) Thường xuyên mở chuyên mục hoặc có tin bài giới thiệu về pháp luật hôn nhân và gia đình, phong tục, tập quán, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc trong vấn đề kết hôn; về người phụ nữ Việt Nam yêu nước, có tri thức, sức khỏe, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm đến lợi ích xã hội và cộng đồng;

b) Cần giới thiệu những quy định của pháp luật có liên quan đến quan hệ hôn nhân, những thuận lợi, khó khăn trong áp dụng pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về quan hệ hôn nhân, gia đình, đăng ký hộ tịch để giúp chị em phụ nữ có cái nhìn toàn diện, đúng đắn trước khi quyết định kết hôn với người nước ngoài.

7. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường, thị trấn:

a) Xây dựng kế hoạch tuyên truyền trong địa phương về pháp luật hôn nhân và gia đình, tuyên truyền, phổ biến về phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc và các định hướng phát triển kinh tế gia đình tại địa phương;

b) Đối với các xã vùng nông thôn sâu, xa, khó khăn, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho người dân về kiến thức pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; song song đó phải thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo việc làm cho người dân, từng bước nâng cao đời sống nhân dân địa phương; thông qua câu lạc bộ pháp luật tuyên truyền, giáo dục, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, những người biết vượt lên số phận, hoàn cảnh khó khăn xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ;

c) Các xã, phường, thị trấn trong quá trình tiếp nhận yêu cầu xác định tình trạng độc thân, cần có biện pháp phù hợp để vận động, tuyên truyền về pháp luật hôn nhân và gia đình cũng như nêu ra những thủ đoạn lừa gạt mà chị em có thể mắc phải khi kết hôn với người nước ngoài.

 8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố:

a) Phối hợp, vận động tuyên truyền dưới nhiều hình thức, trong đó, chủ yếu là phổ biến kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài cho nhân dân;

b) Cán bộ, hội viên, đoàn viên phải gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, vận động thân nhân ý thức về vấn đề hôn nhân và cuộc sống gia đình
hạnh phúc.

9. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố:

a) Chủ động phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm hỗ trợ kết hôn theo quy định của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ, góp phần bảo đảm việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài đúng pháp luật và lành mạnh; 

b) Có kế hoạch giúp chị em học nghề, nâng cao kiến thức về pháp luật, văn hóa, kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu sinh hoạt xã hội và đời sống vật chất để chị em có nhận thức đúng trong quan hệ hôn nhân với người nước ngoài;

c) Nắm lại tình hình chị em lấy chồng nước ngoài nay đã ly hôn trở về nước để có biện pháp giúp đỡ chị em trong việc giải quyết hậu quả sau khi ly hôn, chú trọng giúp đỡ các chị em lấy chồng nước ngoài bị rơi vào hoàn cảnh bất hạnh, tạo việc làm cho các chị em này để họ sớm hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng.

10. Đề nghị Hội Nông dân thành phố:

a) Thông qua sinh hoạt các Câu lạc bộ “Nông dân sản xuất giỏi” tại các địa phương, các Hợp tác xã sản xuất, các Chi hội nông dân xã, phường, thị trấn, lồng ghép việc tuyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình, nhất là hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài để cho người dân nhận thức rõ về hôn nhân tiến bộ, lành mạnh, tránh những cuộc hôn nhân vội vã, không mang lại hạnh phúc;

b) Cùng chia sẻ tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân trong việc định hướng tương lai cho con em của họ, hướng dẫn bà con nông dân cách làm ăn,
 hỗ trợ tư liệu sản xuất cho hộ gia đình, giúp họ cải thiện dần cuộc sống; tuyên truyền, giáo dục bà con nông dân thắt chặt tình làng nghĩa xóm, tình yêu quê hương đất nước.

11. Đề nghị Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:

a) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho thanh niên về Luật Hôn nhân và gia đình, về pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài;

b) Giáo dục ý thức “Gia đình văn hóa mới” cho thanh niên, tạo cho giới trẻ lòng tự hào dân tộc, phân biệt được xu thế toàn cầu hóa về hôn nhân tự nguyện với việc lấy chồng nước ngoài một cách vội vã là một cách hiểu hoàn toàn khác nhau.

Chỉ thị này có hiệu lực sau mười ngày và đăng Báo Cần Thơ chậm nhất là năm ngày kể từ ngày ký và hủy bỏ Công văn số 389/UB ngày 28 tháng 01 năm 2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ (nay là thành phố Cần Thơ).

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan ban ngành thành phố phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể thực hiện nghiêm Chỉ thị này.

Giao Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ ba tháng tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố./.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Thanh Tòng

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 15/2006/CT-UBND

Loại văn bảnChỉ thị
Số hiệu15/2006/CT-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành30/11/2006
Ngày hiệu lực10/12/2006
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Văn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 21/10/2013
Cập nhật17 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 15/2006/CT-UBND

Lược đồ Chỉ thị 15/2006/CT-UBND quản lý đăng ký kết hôn với người nước ngoài Cần Thơ


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Chỉ thị 15/2006/CT-UBND quản lý đăng ký kết hôn với người nước ngoài Cần Thơ
                Loại văn bảnChỉ thị
                Số hiệu15/2006/CT-UBND
                Cơ quan ban hànhThành phố Cần Thơ
                Người kýVõ Thanh Tòng
                Ngày ban hành30/11/2006
                Ngày hiệu lực10/12/2006
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Văn hóa - Xã hội
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 21/10/2013
                Cập nhật17 năm trước

                Văn bản được căn cứ

                  Văn bản hợp nhất

                    Văn bản gốc Chỉ thị 15/2006/CT-UBND quản lý đăng ký kết hôn với người nước ngoài Cần Thơ

                    Lịch sử hiệu lực Chỉ thị 15/2006/CT-UBND quản lý đăng ký kết hôn với người nước ngoài Cần Thơ