Nội dung toàn văn Công văn 197/TANDTC-TCCB 2014 thực hiện 07/CT-TTg chống tiêu cực quản lý công chức viên chức
TÒA ÁN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 197/TANDTC-TCCB | Hà Nội, ngày 21 tháng 04 năm 2014 |
Kính gửi: | - Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao |
Ngày 19 tháng 3 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT- TTg về việc đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng; để thi hành nghiêm túc các quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong lĩnh vực phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng. Toà án nhân dân tối cao yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện như sau:
I- Các nhiệm vụ trọng tâm
1. Thường xuyên phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý. Tập trung nghiên cứu, thực hiện tốt các yêu cầu, nội dung, giải pháp về công tác cán bộ trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các Tòa án nhân dân với chủ đề xuyên suốt “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” và Kế hoạch số 270/KH-TANDTC ngày 20/5/2013 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức Tòa án nhân dân giai đoạn từ nay đến năm 2015.
2. Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về các nội dung quản lý cán bộ, công chức gồm: Tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động, biệt phái, miễn nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch, chế độ tiền lương và đãi ngộ, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức.
3. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và thi đua, khen thưởng; nghiên cứu các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao tập trung xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức; đẩy mạnh việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức và hoạt động của các Tòa án nhân dân, nhất là quản lý cán bộ, công chức.
4. Thực hiện việc công khai, minh bạch và dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ; trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức; thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức.
5. Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền việc phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý cán bộ, công chức và thi đua, khen thưởng gắn với việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, Tòa án.
6. Đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp, cải cách chế độ công vụ, công chức; nâng cao hiệu quả các hoạt động ngăn chặn, phòng, chống để đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực trong mỗi đơn vị, Tòa án. Người đứng đầu đơn vị, Tòa án có trách nhiệm gương mẫu và quản lý chặt chẽ quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý.
7. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý cán bộ, công chức và thi đua, khen thưởng tại đơn vị, Tòa án thuộc thẩm quyền quản lý.
8. Tập trung chỉ đạo giải quyết triệt để các khiếu nại, tố cáo; những vấn đề bức xúc, nổi cộm nảy sinh trong quá trình thực hiện các nội dung quản lý cán bộ, công chức và thi đua, khen thưởng; xử lý nghiêm minh những sai phạm trong công tác quản lý cán bộ, công chức và thi đua, khen thưởng theo quy định.
9. Nghiên cứu, đề xuất hoặc ban hành quy định để bảo vệ, khen thưởng đối với cán bộ, công chức phát hiện, tố cáo sai phạm, tiêu cực trong công tác quản lý cán bộ, công chức và thi đua, khen thưởng.
10. Tổ chức việc xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, công khai, dân chủ, kịp thời và đúng thẩm quyền. Quản lý, sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng đúng quy định. Chủ động nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện chế độ, chính sách về thi đua, khen thưởng. Công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông đối với các tập thể, cá nhân được đề nghị phong tặng danh hiệu và khen thưởng bậc cao trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
11. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của thanh tra nhân dân; đưa nội dung thanh tra, kiểm tra việc thực hiện phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý cán bộ, công chức và thi đua, khen thưởng vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm đối với các đơn vị, Tòa án thuộc thẩm quyền quản lý.
II- Phân công trách nhiệm và tổ chức thực hiện
1. Vụ Tổ chức - Cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh:
a) Trực tiếp thực hiện hoặc theo dõi, đôn đốc các đơn vị, các Tòa án nhân dân địa phương thực hiện tốt các nội dung của Chương trình thực hiện ban hành kèm theo Kế hoạch số 270/KH-TANDTC ngày 20/5/2013 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức trong các Tòa án nhân dân giai đoạn từ nay đến năm 2015.
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu, hướng dẫn việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức đối với từng đơn vị, từng Tòa án, gắn với xây dựng Bộ tiêu chuẩn chức danh công chức Tòa án nhân dân gồm: Công chức lãnh đạo, quản lý; công chức có chức danh tư pháp; công chức nghiên cứu và chuyên gia; công chức hành chính tư pháp và cán bộ, công chức khác.
c) Căn cứ vào các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghiên cứu, xây dựng đầy đủ các quy định, quy chế trong công tác tổ chức cán bộ, tạo cơ sở pháp lý thực hiện thống nhất trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ, công chức của các Tòa án nhân dân và hạn chế tiêu cực, tham nhũng.
d) Chủ trì, phối hợp với Trường cán bộ Tòa án và các đơn vị có liên quan xây dựng Quy chế về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Tòa án nhân dân, gắn với các khâu trong công tác cán bộ, để bảo đảm hiệu quả nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án nhân dân.
đ) Xây dựng kế hoạch, trình lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao phê duyệt và tổ chức thực hiện rà soát đội ngũ cán bộ, công chức của các đơn vị, các Tòa án nhân dân để thực hiện bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm phù hợp giữa phẩm chất, trình độ, năng lực và yêu cầu công việc được giao. Qua đó, thống kê và xây dựng phương án giải quyết đối với những cán bộ, công chức hạn chế về phẩm chất, trình độ, năng lực không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ra khỏi công vụ.
e) Chủ trì, phối hợp với Ban Thanh tra, Vụ Thi đua - Khen thưởng và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý cán bộ, công chức và thi đua, khen thưởng của các đơn vị, các Tòa án nhân dân địa phương.
g) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và hàng năm báo cáo lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao về kết quả thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Công văn này.
2. Vụ Thi đua Khen thưởng chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức - Cán bộ, Ban Thanh tra và các đơn vị có liên quan thực hiện hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm kịp thời nêu gương tốt, phê phán biểu hiện sai trái, tiêu cực của các cá nhân, tổ chức trong công tác quản lý cán bộ, công chức.
3. Vụ Thống kê - Tổng hợp và Tạp chí Tòa án nhân dân chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức - Cán bộ, Vụ Thi đua - Khen thưởng và các đơn vị có liên quan tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về công tác quản lý cán bộ, công chức; về phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý cán bộ, công chức và thi đua, khen thưởng.
4. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao tổ chức phổ biến, quán triệt tinh thần Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 19/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng; tinh thần Công văn này đến toàn thể cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý. Đồng thời, căn cứ vào các nội dung trọng tâm đã nêu ở phần I Công văn này, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể của đơn vị, báo cáo lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Tổ chức - Cán bộ).
5. Chánh án Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức phổ biến, quán triệt tinh thần Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 19/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng; tinh thần Công văn này đến toàn thể cán bộ, công chức Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc thẩm quyền quản lý.
Căn cứ vào các nội dung trọng tâm đã nêu ở phần I Công văn này, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc thẩm quyền quản lý và báo cáo về Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Tổ chức - Cán bộ).
6. Cán bộ, công chức các Tòa án nhân dân có trách nhiệm:
a) Tìm hiểu, nghiên cứu các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về công tác quản lý cán bộ, công chức; về phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý cán bộ, công chức và thi đua, khen thưởng, để từ đó xác định phương hướng và xây dựng kế hoạch hành động của bản thân trong việc thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý cán bộ, công chức và thi đua, khen thưởng.
b) Nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát hiện, tố cáo những tập thể, cá nhân có sai phạm trong công tác quản lý cán bộ, công chức và thi đua, khen thưởng.
Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cán bộ, công chức Tòa án nhân dân thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Công văn này./.
| KT. CHÁNH ÁN |