Nghị quyết 52/2006/NQ-HĐND xã hội hóa giáo dục y tế văn hóa thể thao Quảng Bình đã được thay thế bởi Quyết định 3524/QĐ-UBND năm 2011 danh mục văn bản hết hiệu lực Quảng Bình và được áp dụng kể từ ngày 30/12/2011.
Nội dung toàn văn Nghị quyết 52/2006/NQ-HĐND xã hội hóa giáo dục y tế văn hóa thể thao Quảng Bình
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 52/2006/NQ-HĐND | Đồng Hới, ngày 21 tháng 07 năm 2006 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ THỂ DỤC THỂ THAO TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2006-2010
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
KHÓA XV KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Trên cơ sở xem xét Đề án, Tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006-2010; sau khi nghe Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành đánh giá tình hình thực hiện xã hội hóa giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao giai đoạn 1997-2005; định hướng phát triển năm 2006-2010, với các quan điểm, mục tiêu, giải pháp được nêu trong Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh và Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau:
I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN XÃ HỘI HÓA CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ THỂ DỤC THỂ THAO GIAI ĐOẠN 1997-2005
Qua 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 90/CP và 6 năm thực hiện Nghị định số 73/1999/NĐ-CP công tác xã hội hóa các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao đã thu được một số kết quả quan trọng: Tiềm năng và nguồn lực của xã hội được huy động cho lĩnh vực xã hội hóa khá, khu vực ngoài công lập được hình thành và có bước phát triển với một số loại hình, phương thức hoạt động mới.
Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thực hiện công tác xã hội hóa; xây dựng và ban hành Chương trình Phát triển văn hóa - xã hội của tỉnh giai đoạn 2003-2005; thành lập, kiện toàn các ban chỉ đạo thực hiện các chương trình thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao.
Công tác xã hội hóa đã góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội trong việc học hành, chữa bệnh, vui chơi, giải trí của nhân dân.
Song, nhìn chung tốc độ xã hội hóa còn chậm; mức độ phát triển xã hội hóa trên địa bàn tỉnh không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa các lĩnh vực; công tác quản lý còn bất cập cả trong quy hoạch, định hướng phát triển và chỉ đạo thực hiện cụ thể trên các lĩnh vực. Cơ chế, chính sách ban hành chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc triển khai thực hiện của một số sở, ngành còn chậm và lúng túng, chưa tổ chức và phối hợp tốt để các tầng lớp nhân dân chủ động, tích cực tham gia vào quá trình xã hội hóa.
Trong tất cả các lĩnh vực, cơ sở công lập vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn, cơ chế quản lý còn nặng hành chính bao cấp, chưa phát huy được tính năng động, tự chủ và trách nhiệm. Các cơ sở ngoài công lập còn quá ít (lĩnh vực giáo dục 4 cơ sở tư thục mầm non; lĩnh vực văn hóa có 01 đoàn nghệ thuật tư nhân, lĩnh vực thể dục thể thao có 01 cơ sở tư nhân). Lĩnh vực y tế có chuyển biến khá hơn, song quy mô nhỏ, thiếu bền vững, chưa đáp ứng yêu cầu xã hội.
Những hạn chế, yếu kém trên, một mặt do tỉnh ta có điểm xuất phát về kinh tế thấp, ngân sách khó khăn, nguồn lực trong nhân dân còn hạn hẹp chưa đủ điều kiện bảo đảm yêu cầu của sự phát triển, mặt khác, do nhận thức về chủ trương xã hội hóa chưa đầy đủ, chậm chuyển biến, xem xã hội hóa chỉ là biện pháp huy động sự đóng góp của nhân dân. Công tác quản lý còn bất cập, do chưa có quy hoạch, kế hoạch về định hướng phát triển xã hội hóa trên địa bàn tỉnh và chưa xác định bước đi cụ thể, phù hợp cho từng vùng, từng lĩnh vực, từng giai đoạn.
II. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HÓA CÁC LĨNH VỰC GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ THỂ DỤC THỂ THAO GIAI ĐOẠN 2006-2010
1. Quan điểm định hướng
a) Huy động mọi tiềm năng, trí tuệ và vật chất của toàn xã hội chăm lo đến hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao, đồng thời tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc hưởng thụ thành quả giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao ở mức độ ngày càng cao. Tổ chức sử dụng có hiệu quả các công trình đã được Nhà nước đầu tư trong lĩnh vực này.
b) Đổi mới cơ chế quản lý, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách của tỉnh; tăng cường nguồn lực đầu tư, tập trung cho các mục tiêu ưu tiên, các chương trình quốc gia về phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao; hỗ trợ cho các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng đồng bào tôn giáo, vùng nhiều khó khăn; ưu đãi đối với các đối tượng chính sách, trợ giúp người nghèo, đối tượng xã hội gặp nhiều khó khăn.
c) Chuyển dần các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các ngành giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao sang cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ công (gọi tắt là cơ chế cung ứng dịch vụ): có đầy đủ quyền tự chủ về tổ chức và quản lý; thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ; hạch toán đầy đủ chi phí, cân đối thu chi; thường xuyên nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ, sản phẩm; bảo đảm quyền lợi và cơ hội tiếp cận bình đẳng của người thụ hưởng.
Khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, loại hình ngoài công lập để tổ chức hoặc cá nhân quản lý và hoàn trả lại vốn cho Nhà nước.
d) Khuyến khích phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập với 2 loại hình dân lập và tư nhân. Tạo môi trường bình đẳng giữa các cơ sở công lập và ngoài công lập, quyền sở hữu của các cơ sở ngoài công lập được xác định theo Bộ Luật Dân sự; có cơ chế ưu đãi khi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh, hoặc thành lập các cơ sở ngoài công lập hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận.
e) Khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức phù hợp với quy hoạch phát triển, yêu cầu và đặc điểm của từng lĩnh vực. Các nhà đầu tư được đảm bảo lợi ích hợp pháp về vật chất và tinh thần theo quy định của pháp luật.
g) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; phát huy vai trò của đoàn thể, tổ chức quần chúng, các hội nghề nghiệp trong việc giám sát các hoạt động dịch vụ.
h) Quá trình thực hiện xã hội hóa cần có bước đi thích hợp cho từng lĩnh vực, từng loại hình và phù hợp với địa bàn từng huyện và thành phố; chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa ở các thị trấn và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; tập trung ưu tiên đầu tư ngân sách cho các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn.
2. Mục tiêu xã hội hóa đến năm 2010
a) Về giáo dục - đào tạo
Chuyển hầu hết các cơ sở đào tạo và dạy nghề công lập và một phần các cơ sở giáo dục không đảm nhận nhiệm vụ giáo dục phổ cập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ; chuyển phần lớn các trường THPT bán công sang dân lập hoặc tư thục và chuyển dần các cơ sở mầm non bán công sang dân lập hoặc tư thục. Thành lập 2 - 3 trường THPT tư thục; 1 - 2 trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc cao đẳng tư thục; thành lập trung tâm dạy nghề các huyện: Quảng Trạch và Tuyên Hóa.
Tỷ lệ học sinh ngoài công lập: nhà trẻ chiếm 75 - 80%, mẫu giáo 65 - 70%, trung học phổ thông 35 - 40%, trung cấp chuyên nghiệp 28 - 30%, đại học, cao đẳng khoảng 38 - 40 %, lao động qua đào tạo nghề chiếm 55 - 60%.
Có 18 - 20% trường mầm non, 75 - 80% trường tiểu học, 45 - 50% trường THCS và THPT đạt chuẩn quốc gia.
100% xã, phường, thị trấn thành lập trung tâm học tập cộng đồng.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 22%.
b) Về y tế
Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và các hình thức chi trả trước tối thiểu 80% dân số.
Chuyển 70 - 80% bệnh viện công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ. Thực hiện đạt 20,5 giường bệnh/10.000 dân, trong đó 10% giường bệnh tư nhân.
Xây dựng 1 bệnh viện tư nhân tại thành phố Đồng Hới, 1 phòng khám đa khoa tư nhân, thành lập 30 cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa và các dịch vụ y tế khác.
Phấn đấu 70% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Phấn đấu đạt chỉ tiêu khám, chữa bệnh y học cổ truyền hàng năm: tuyến tỉnh 20%; tuyến huyện 25%; tuyến xã 40%.
c) Về văn hóa
Chuyển 100% đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ.
Phát triển các cơ sở tư nhân đối với từng loại hình: Nghệ thuật biểu diễn 03, trò chơi dân gian 04, bảo tàng tư nhân 02, cơ sở in 08, cơ sở chiếu phim tư nhân 02.
100% xã, phường, thị trấn và làng, thôn, bản, khu phố có đủ thiết chế văn hóa mang tính đồng bộ; 55 - 60% làng, thôn, bản, khu phố đạt tiêu chuẩn văn hóa.
100% di tích, danh thắng cấp tỉnh và di tích tín ngưỡng, tôn giáo được phân cấp quản lý cho các huyện, thành phố.
Các cơ sở ngoài công lập và lực lượng xã hội tham gia các hoạt động văn hóa bảo đảm 50 - 60% nhu cầu dịch vụ văn hóa; huy động nguồn lực xã hội chiếm 40 - 45% tổng chi cho sự nghiệp văn hóa.
d) Về thể dục thể thao
Hoàn thành việc chuyển các cơ sở thể dục thể thao công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ. Chuyển một số cơ sở công lập có đủ điều kiện sang loại hình ngoài công lập.
Thành lập 1 - 2 cơ sở thể dục thể thao tư nhân. Các cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập chiếm khoảng 80% tổng số cơ sở trong toàn tỉnh.
Bảo đảm cơ sở tập luyện thể dục thể thao cho 25% dân số; 80% số môn thể thao của tỉnh có hội thể dục thể thao quần chúng. Huy động nguồn lực xã hội chiếm 45 - 50% tổng chi sự nghiệp thể dục thể thao.
Có 70% câu lạc bộ thôn, xóm và 80% có câu lạc bộ cấp xã.
Có 90% - 100% các trường phổ thông giảng dạy thể dục thể thao nội khóa, có chất lượng; 60% - 70% số trường học tổ chức cho học sinh tập luyện ngoại khóa có nền nếp; đối với lực lượng vũ trang 100% quân số đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn; các đối tượng khác đảm bảo từ 23 - 25% tập luyện thể thao thường xuyên.
90% cơ sở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị có sân bãi tập, 7 huyện, thành phố có trung tâm thể thao.
Có 80 - 90% số cán bộ làm công tác thể dục thể thao chuyên trách hoặc bán chuyên trách ở cơ sở được bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ.
3. Nhiệm vụ phát triển xã hội hóa các lĩnh vực
a) Giáo dục - đào tạo
- Đa dạng hóa hệ thống nhà trẻ, trường mẫu giáo đến tận thôn, bản. Hoàn thành công lập hóa các trường mầm non ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục mầm non cho các vùng này.
Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để các cơ sở giáo dục mầm non công lập thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Xây dựng phương án để chuyển dần các cơ sở giáo dục mầm non bán công sang dân lập hoặc tư thục.
Khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở thành phố, thị trấn, vùng kinh tế phát triển.
- Mở rộng, đa dạng hóa hệ thống giáo dục phổ thông và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Thực hiện các chính sách ưu tiên nguồn ngân sách Nhà nước và huy động tối đa các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước cho giáo dục phổ thông ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn.
Khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, loại hình ngoài công lập.
Kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và nhân dân đóng góp, ủng hộ kinh phí, tài sản để tăng cường cơ sở vật chất và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Chuyển các cơ sở giáo dục phổ thông công lập sang thực hiện cơ chế tự chủ. Thực hiện thí điểm chuyển 01 trường THCS, 01 trường THPT công lập ở thành phố Đồng Hới sang hình thức tự chủ toàn bộ về tài chính. Xây dựng phương án cụ thể để chuyển phần lớn các trường THPT bán công sang tư thục.
- Sắp xếp, củng cố lại hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh; chuyển hầu hết các trường trung cấp chuyên nghiệp công lập hiện có sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ.
Khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức đứng ra thành lập các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp dân lập hoặc tư thục ở thành phố, các huyện có điều kiện, các khu vực kinh tế phát triển có nhu cầu lớn về đào tạo nguồn nhân lực.
- Báo cáo trình Chính phủ có Quyết định thành lập Trường Đại học Quảng Bình trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình; tạo điều kiện để thành lập Trường Cao đẳng tư thục Công - Kỹ nghệ ở tỉnh. Thực hiện liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có chất lượng cao trong nước và nước ngoài.
- Xây dựng Quảng Bình trở thành một xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển, gắn kết cả hai bộ phận: giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Mở rộng đào tạo từ xa và các phương thức đào tạo không chính quy khác. Phát triển bền vững các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên.
- Các cơ sở dạy nghề chủ động trong huy động vốn đầu tư, trong tuyển sinh đào tạo, liên kết đào tạo những ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu. Khuyến khích việc liên doanh, liên kết đào tạo giữa các cơ sở dạy nghề trong tỉnh, các cơ sở dạy nghề có chất lượng cao trong nước và quốc tế. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho Trường dạy nghề Quảng Bình và phấn đấu đến năm 2010 nâng cấp thành Trường trung cấp nghề để trở thành cơ sở dạy nghề trọng điểm, có chất lượng.
Mở rộng mô hình hoạt động của các cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp thành lập các cơ sở dạy nghề tư nhân. Phát triển mô hình dạy nghề trong doanh nghiệp, hợp tác xã, trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề để học sinh vừa học, vừa làm trên các thiết bị sẵn có và có cơ hội tìm được việc làm tốt hơn.
Tổ chức dạy nghề theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đóng góp kinh phí đào tạo cho cơ sở dạy nghề.
b) Y tế
- Huy động các nguồn lực để củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đầu tư, xây dựng nâng cấp Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba - Đồng Hới, các trung tâm cấp tỉnh, Trường Trung học y tế bằng các nguồn vốn ngân sách, vốn huy động và hỗ trợ chính thức ODA.
Có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, xây dựng các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập, các hoạt động từ thiện hỗ trợ trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác khám, chữa bệnh theo quy định. Đa dạng hóa các thành phần sản xuất và cung ứng dược phẩm phục vụ nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh của nhân dân.
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của phòng khám đa khoa chất lượng cao, khuyến khích các phòng mạch tư nhân hiện có nâng cấp thành phòng khám đa khoa hoặc theo chuyên khoa đảm bảo chất lượng chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế. Tạo điều kiện để các cá nhân, tập thể mở bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân, bác sĩ gia đình, trung tâm tư vấn sức khỏe, nhà điều dưỡng tư nhân.
- Đổi mới và đa dạng hóa các loại hình chăm sóc sức khỏe. Thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế giai đoạn 2001-2010. Xây dựng, nâng cấp các bệnh viện huyện, thành phố, bệnh viện khu vực phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
- Tiếp tục huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ mạng lưới trạm y tế. Nâng cao kỹ thuật và chất lượng điều trị trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
- Xây dựng kế hoạch từng bước chuyển các cơ sở y tế công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ.
- Thực hiện chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân ngoài công lập thực hiện các dịch vụ ngoài chuyên môn kỹ thuật y tế như ăn uống, vệ sinh, giặt là, bảo vệ... trong các cơ sở y tế công lập để tập trung nâng cao chất lượng các dịch vụ kỹ thuật y tế.
- Đẩy nhanh tiến độ phát triển và nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế, đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm y tế đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Phát triển mạnh bảo hiểm y tế cộng đồng, khuyến khích các loại hình bảo hiểm y tế tự nguyện.
- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của hệ thống y tế tư nhân. Thực hiện chính sách bình đẳng giữa khu vực y tế công lập và ngoài công lập; hỗ trợ các cơ sở y tế ngoài công lập về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và chuyển giao công nghệ kỹ thuật y tế. Bảo đảm thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách khác tại các cơ sở y tế ngoài công lập.
- Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách quốc gia về y, dược học cổ truyền nhằm kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược học cổ truyền kết hợp với y, dược học hiện đại trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, xây dựng nền y học tỉnh nhà từng bước hiện đại, khoa học và đại chúng.
Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh, kinh doanh dược, thuốc cổ truyền có nguồn gốc từ dược liệu; vận động nhân dân trồng và sử dụng cây thuốc gia đình.
c) Văn hóa
- Kiện toàn, củng cố lại các đơn vị sự nghiệp văn hóa theo hướng tinh gọn, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thực sự có hiệu quả. Đồng thời xây dựng phương án cụ thể để chuyển 100% các đơn vị sự nghiệp sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ.
- Phát huy tinh thần làm chủ, sáng tạo và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của đông đảo quần chúng nhân dân. Khuyến khích các tổ chức, đơn vị, cá nhân đầu tư tham gia các hoạt động văn hóa thông tin cơ sở gồm cấp xã, phường, thị trấn, làng, thôn, bản khu phố, các cơ quan, đơn vị trên nguyên tắc tự tổ chức, quản lý và chịu sự quản lý Nhà nước của cơ quan có thẩm quyền và huy động đóng góp xây dựng các công trình, cơ sở văn hóa của nhân dân.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, gia đình thành lập các đoàn nghệ thuật ngoài công lập với các thể loại: sân khấu, ca - múa - nhạc, tạp kỹ, biểu diễn thời trang; thành lập các tổ chức biểu diễn, sản xuất và cung cấp dịch vụ biểu diễn, sân khấu, trang phục. Thành lập các cơ sở phát hành phim, băng, đĩa hình; nếu tư nhân bỏ vốn xây rạp thì được phép nhập khẩu phim nhựa, băng, đĩa hình phát hành tại rạp và trong phạm vi toàn tỉnh. Khuyến khích tư nhân thuê lại rạp hoặc liên doanh cải tạo, nâng cấp rạp để chiếu phim; lập các điểm chiếu, đội chiếu phim lưu động phục vụ vùng nông thôn, miền núi.
Cho phép mở cơ sở in tư nhân được hoạt động chế bản in, in xuất bản phẩm, in ca-tô-lô, tờ rơi, tờ gấp, giới thiệu sản phẩm hàng hoá, hướng dẫn sử dụng thiết bị; in biểu mẫu, giấy tờ giao dịch hành chính của các doanh nghiệp... Cho phép thành lập bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân ở các địa phương. Khuyến khích thành lập ban quản lý các khu di tích, quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở các địa phương; vận động các tổ chức, cá nhân góp vốn, tài sản để giữ gìn, tôn tạo các di tích cách mạng, lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Đối với những khu vực có di tích và thắng cảnh, khuyến khích các cá nhân, tổ chức đầu tư, khai thác các giá trị di tích theo quy hoạch. Vận động nhân dân thành lập ban bảo vệ di tích ở địa phương.
Mở rộng các hình thức triển lãm tập thể, cá nhân về mỹ thuật, nhiếp ảnh; tổ chức các cuộc thi sáng tác mỹ thuật, nhiếp ảnh với giải thưởng mang tên nhà tài trợ do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện.
Cho phép các tổ chức, cá nhân đầu tư cho việc sáng tác, triển lãm, công bố tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh; thành lập bảo tàng mỹ thuật, nhiếp ảnh tư nhân, các doanh nghiệp tư nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh.
- Vận động thành lập các thư viện, các phòng đọc sách dân lập hoặc cộng đồng dân cư. Cho phép thành lập thư viện tư nhân. Khuyến khích thành lập phòng đọc sách tư nhân, tủ sách gia đình, tủ sách văn hóa làng, thôn, bản, khu phố.
d) Thể dục thể thao:
Khuyến khích, tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia phát triển sự nghiệp thể dục thể thao; phát triển các môn thể thao hiện đại, các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc cổ truyền.
Tổ chức hệ thống thi đấu thể thao quần chúng từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tự chủ hoặc phối hợp với các ngành, các tổ chức và tư nhân đứng ra tổ chức; đa dạng hóa các hình thức thi đấu, với nhiều loại đối tượng, lứa tuổi, môn thi đấu, quy mô tổ chức. Tạo điều kiện để cộng đồng khu dân cư tự xây dựng các câu lạc bộ, đội thể thao theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Tiếp tục phát huy thế mạnh các môn thể thao thành tích cao của tỉnh; tích cực liên hệ và vận động các tổ chức, đơn vị và cá nhân đứng ra tài trợ cho các giải thể thao thành tích cao. Phối hợp với các Trung tâm đào tạo quốc gia và các tỉnh có thế mạnh từng môn thể thao để đào tạo vận động viên. Chuyển giao đào tạo vận động viên của một số môn thể thao ở tỉnh cho các câu lạc bộ huấn luyện, một số đội thể thao cho các cơ quan, doanh nghiệp lớn, có năng lực quản lý, đỡ đầu như võ thuật, cờ tướng, bóng chuyền.
Củng cố và phát huy các cơ sở vật chất được Nhà nước đầu tư xây dựng để đào tạo, bồi dưỡng vận động viên ở các môn thể thao có truyền thống của tỉnh.
Đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư, đồng thời tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập nâng cao hiệu quả hoạt động. Xây dựng phương án chuyển các đơn vị công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ; chuyển một số cơ sở công lập sang loại hình ngoài công lập.
Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở thể thao ngoài công lập như: Câu lạc bộ thể dục thể thao, khu thể thao vui chơi giải trí, trung tâm thể dục thể thao... hoạt động dưới mọi hình thức (tự nguyện, tự quản, không thu phí, có thu phí, dịch vụ thể dục thể thao).
Khuyến khích phát triển mạnh mạng lưới các cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập trên địa bàn tỉnh; liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế với các đơn vị công lập để khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất thể dục thể thao hiện có đã được đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Thành lập các hội thể thao: Hội quần vợt, Hội bóng bàn, Hội võ thuật, Hội cầu lông, Hội cờ vua, cờ tướng, Hội bóng chuyền, Hội thể thao dưới nước, Hội bóng đá... Khuyến khích những người có tài năng chuyên môn, có uy tín, nhiệt tình làm nòng cốt cho các hội để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hội.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ, Nghị quyết này và Đề án số 38/ĐA-UBND ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về xã hội hóa các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006-2010 đề ra các giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |