Nội dung toàn văn Nghị quyết 61/2012/NQ-HĐND phát triển thủy lợi nhỏ thủy lợi đất màu Quảng Nam
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 61/2012/NQ-HĐND | Quảng Nam, ngày 14 tháng 12 năm 2012 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ QUYẾT SỐ 160/2010/NQ-HĐND NGÀY 22 THÁNG 4 NĂM 2010 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN THỦY LỢI NHỎ, THỦY LỢI ĐẤT MÀU VÀ KIÊN CỐ KÊNH MƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, GIAI ĐOẠN 2011-2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 06
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương;
Căn cứ Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ngày 21 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009 - 2015 và Quyết định số 56/2009/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ngày 21 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ;
Sau khi xem xét Tờ trình số 4600/TTr-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 160/2010/NQ-HĐND ngày 22 tháng 4 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về tiếp tục phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố kênh mương trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2015; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất thông qua chủ trương tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 160/2010/NQ-HĐND ngày 22 tháng 4 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về tiếp tục phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố kênh mương trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2015 và sửa đổi, bổ sung một số nội dung chủ yếu sau:
1. Bổ sung một số nội dung sau:
a) Tại Đoạn 1, Khoản 1, Điều 1
Mục tiêu: Ưu tiên thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế - xã hội ở nông thôn, trong đó quan tâm đầu tư vùng trọng tâm, trọng điểm về nông nghiệp; những công trình có quy mô nhỏ, suất đầu tư hợp lý; các xã đang xây dựng Chương trình nông thôn mới; khu vực có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn.
b) Tại Điểm 1.1, Khoản 1, Điều 1
Về thủy lợi nhỏ: Tập trung chủ yếu thực hiện ở miền núi và trung du nhằm phát triển diện tích, nâng cao năng suất lúa nước, ổn định lương thực tại chỗ và đời sống cho nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
c) Tại Điểm 1.3, Khoản 1, Điều 1
Về kiên cố kênh mương: Theo hướng ưu tiên đầu tư những khu vực có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, các xã nông thôn mới và sản phẩm nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong tổng sản phẩm của địa phương để ổn định công trình, tăng khả năng chống chịu với thiên tai, tiết kiệm nước, đất sản xuất, giảm chi phí duy tu bảo dưỡng công trình gắn với phát triển giao thông nội đồng, chỉnh trang nông thôn.
2. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:
a) Tại Khoản 1, Điều 1 (Mục tiêu)
- Tại Điểm 1.1, Khoản 1, Điều 1
Về thủy lợi nhỏ: Giai đoạn 2013- 2015, đầu tư xây dựng 90 công trình, phục vụ tưới trên 1.500 ha, với tổng kinh phí khoảng 75 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 25 tỷ đồng.
- Tại Điểm 1.2, Khoản 1, Điều 1
Về thủy lợi đất màu: Giai đoạn 2013-2015, đầu tư xây dựng 65 công trình, phục vụ tưới 650 ha, với tổng kinh phí khoảng 45 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 15 tỷ đồng.
- Tại Điểm 1.3, Khoản 1, Điều 1
Về kiên cố kênh mương: Giai đoạn 2013-2015, đầu tư thực hiện kiên cố 75 km kênh loại II với tổng kinh phí khoảng 120 tỷ đồng, bình quân mỗi năm kiên cố 25 km với kinh phí khoảng 40 tỷ đồng và ít nhất 180 km kênh loại III với tổng kinh phí khoảng 150 tỷ đồng, bình quân mỗi năm kiên cố 60 km với kinh phí khoảng 50 tỷ đồng.
b) Tại Khoản 2, Điều 1 (Cơ chế đầu tư)
- Tại Đoạn 1, Điểm 2.2, Khoản 2, Điều 1: Về thủy lợi đất màu:
+ Ngân sách nhà nước đầu tư 100% hạng mục công trình chính như: Trạm biến áp, đường dây điện trung, cao thế, hạ thế;
+ Nhân dân tự đóng góp và tự thực hiện các hạng mục phụ như: Khoan giếng, máy bơm, vật tư lắp đặt giếng và thiết bị tưới;
+ Phần kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng do địa phương và nhân dân đóng góp thực hiện.
- Tại Đoạn 2, Điểm 2.3, Khoản 2, Điều 1: Về kiên cố kênh mương loại III (áp dụng đối với cả kênh hở và kênh kín ống nhựa). Thực hiện cơ chế đầu tư như sau:
Khu vực I: Gồm các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thành phố: Tam Kỳ, Hội An (trừ xã đảo Tân Hiệp), Điện Bàn, Đại Lộc (trừ 9 xã: Đại Sơn, Đại Hồng, Đại Thạnh, Đại Chánh, Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Đồng, Đại Quang, Đại Tân), Duy Xuyên (trừ 2 xã: Duy Sơn, Duy Phú), Thăng Bình (trừ 2 xã: Bình Lãnh, Bình Phú), Quế Sơn (trừ xã Quế Phong), Phú Ninh (trừ xã Tam Lãnh), Núi Thành (trừ 4 xã: Tam Trà, Tam Sơn, Tam Thạnh, Tam Mỹ Tây); trừ các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển theo Quyết định số 257/2003/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ.
Tỷ lệ đầu tư xây dựng công trình được quy định như sau:
+ Ngân sách tỉnh đầu tư: 60 %
+ Ngân sách huyện, xã hỗ trợ, đóng góp của HTX và nhân dân : 40 %
Khu vực II: Gồm các xã, thị trấn thuộc các huyện miền núi: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước, Nông Sơn; các xã miền núi, hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển theo Quyết định số 257/2003/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ thuộc các huyện còn lại đã nêu ở khu vực I.
Tỷ lệ đầu tư xây dựng công trình được quy định như sau:
+ Ngân sách tỉnh đầu tư : 80 %
+ Ngân sách huyện, xã hỗ trợ, đóng góp của HTX và nhân dân: 20 %
* Tỷ lệ đóng góp của cấp huyện, cấp xã, HTX và nhân dân của cả 02 khu vực trên do UBND cấp huyện quy định trên cơ sở thống nhất của Thường trực HĐND cấp huyện.
* Phần kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng của cả 02 khu vực trên do địa phương và nhân dân đóng góp thực hiện.
c) Tại Khoản 3, Điều 1 (Nguồn vốn đầu tư)
- Tại Điểm 3.1, Khoản 3, Điều 1 (Về chương trình thuỷ lợi nhỏ, kiên cố kênh loại II)
+ Sử dụng nguồn ngân sách tỉnh, kể cả phần vượt thu hằng năm;
+ Nguồn vốn vay của Trung ương theo Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ngày 21 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ;
+ Nguồn vốn hợp pháp khác.
Cụ thể:
+ Về thủy lợi nhỏ:
Thực hiện theo trình tự xây dựng cơ bản; bình quân hằng năm, ngân sách tỉnh bố trí tối thiểu là 25 tỷ đồng, kết hợp lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau để thực hiện chương trình.
+ Về kiên cố kênh loại II:
Thực hiện theo trình tự xây dựng cơ bản; bình quân hằng năm, ngân sách tỉnh cân đối, kết hợp lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau để bố trí kinh phí tối thiểu là 40 tỷ đồng.
- Tại Điểm 3.2, Khoản 3, Điều 1 (Về kiên cố hóa kênh loại III và thủy lợi đất màu)
Thực hiện theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, trong đó có sự tham gia giám sát của người dân vùng hưởng lợi; riêng đối với một số tuyến kênh thực sự phức tạp về địa chất, địa hình, thổ nhưỡng... có thể tính toán theo trình tự xây dựng cơ bản. Hằng năm, ngân sách tỉnh bố trí tối thiểu là 45 tỷ đồng, kết hợp với nguồn vốn ngân sách cấp huyện, xã, hợp tác xã và đóng góp của nhân dân để thực hiện chương trình. Cụ thể:
+ Đối với kiên cố kênh loại III: Bình quân hằng năm, ngân sách tỉnh bố trí tối thiểu là 33 tỷ đồng; ngân sách địa phương, đóng góp của hợp tác xã và nhân dân là 17 tỷ đồng.
+ Đối với thủy lợi đất màu: Bình quân hằng năm, ngân sách tỉnh bố trí tối thiểu là 12 tỷ đồng, địa phương và nhân dân đóng góp khoảng 03 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hội đồng nhân dân tỉnh giao Uỷ ban nhân dân tỉnh tích cực huy động các nguồn vốn vay và ưu tiên bố trí nguồn vượt thu (sau khi đã dành 50% thực hiện cải cách tiền lương) để tăng nguồn vốn đầu tư cho chương trình này.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ Nghị quyết số 160/2010/NQ-HĐND ngày 22 tháng 4 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về tiếp tục phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố kênh mương trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011- 2015 và những nội dung sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết này để xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam Khóa VIII, Kỳ họp thứ 06 thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2012./.
| CHỦ TỊCH |