Nghị quyết 62/2012/NQ-HĐND quy định chính sách khuyến khích trong đào tạo đã được thay thế bởi Nghị quyết 177/2014/NQ-HĐND bãi bỏ 62/2012/NQ-HĐND Điều 2 Nghị quyết 159/NQ-HĐND Quảng Ninh và được áp dụng kể từ ngày 22/12/2014.
Nội dung toàn văn Nghị quyết 62/2012/NQ-HĐND quy định chính sách khuyến khích trong đào tạo
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 62/2012/NQ-HĐND | Quảng Ninh, ngày 11 tháng 7 năm 2012 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ THU HÚT NHÂN TÀI CỦA TỈNH QUẢNG NINH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003; Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2005;
Sau khi xem xét Tờ trình số 2826/TTr-UBND ngày 19/6/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh “Về việc quy định chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và thu hút nhân tài của tỉnh”; Báo cáo thẩm tra số 48/BC-HĐND ngày 03/7/2012 của Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua chính sách khuyến khích trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và thu hút nhân tài của tỉnh với các nội dung cụ thể như sau:
1. Về đối tượng áp dụng chính sách:
1.1. Chính sách khuyến khích trong đào tạo, bồi dưỡng áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, đoàn thể; cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; hội đặc thù; những người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập thuộc lĩnh vực Giáo dục, Y tế, Khoa học - công nghệ của tỉnh mà được tỉnh cử đi tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của địa phương.
1.2. Chính sách thu hút áp dụng đối với những người có học hàm, học vị, những người có trình độ chuyên môn cao, những người được phong tặng danh hiệu cao quý của nhà nước, sinh viên tốt nghiệp thủ khoa hệ chính quy các trường đại học trong nước, tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc các trường đại học ở nước ngoài thuộc các lĩnh vực, ngành nghề tỉnh cần, được mời về làm việc tại các cơ quan Đảng, đoàn thể; cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập (thuộc lĩnh vực Giáo dục, Y tế, Khoa học - công nghệ của tỉnh); sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy tình nguyện đến làm việc tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thuộc tỉnh.
1.3. Chính sách khen thưởng áp dụng đối với những người có tài năng của tỉnh; sinh viên có hộ khẩu thường trú tại Quảng Ninh đang học đại học hệ chính quy tại các trường đại học trong nước, các trường đại học ở nước ngoài, có kết quả học tập hàng năm hoặc cả khóa học đạt loại giỏi trở lên.
2. Về nội dung chính sách:
2.1. Chính sách trợ cấp trong đào tạo, bồi dưỡng:
2.1.1. Đào tạo, bồi dưỡng trong nước:
a. Các chế độ được hưởng:
+ Được hưởng lương và các khoản phụ cấp (nếu có) theo quy định hiện hành.
+ Được thanh toán bảo hiểm y tế; tiền tàu, xe đi, về theo các kỳ học và nghỉ tết Nguyên đán từ cơ quan đến nơi học theo quy định.
+ Được thanh toán tiền học phí của khoá học theo thông báo của cơ sở đào tạo.
+ Được trợ cấp hàng tháng trong quá trình học tập và trợ cấp một lần sau khi nhận văn bằng.
b. Chính sách trợ cấp:
Trợ cấp chung:
+ Trợ cấp hàng tháng đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng học trong tỉnh: Mỗi tháng học được trợ cấp bằng 1,0 lần mức lương tối thiểu chung.
+ Trợ cấp hàng tháng đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng học ngoài tỉnh: Mỗi tháng học được trợ cấp bằng 2,0 lần mức lương tối thiểu chung.
+ Trợ cấp tiền ở theo thực tế nhưng không quá 1,5 lần mức lương tối thiểu chung/1 tháng học đối với các học viên đi học xa nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (từ 15 km trở lên với nơi ở là xã, thị trấn vùng cao, hải đảo, miền núi khó khăn, vùng sâu; từ 20 km trở lên với các địa điểm còn lại).
+ Trợ cấp tiền mua tài liệu, giáo trình (không bao gồm tài liệu tham khảo) nhưng không quá 1,0 lần mức lương tối thiểu chung/năm học đối với các lớp đào tạo từ trung cấp trở lên; không quá 0,5 lần mức lương tối thiểu chung đối với các lớp bồi dưỡng và đào tạo sơ cấp.
+ Trợ cấp tiền đi thực tập theo chương trình của cơ sở đào tạo nhưng không quá 2,0 lần mức lương tối thiểu chung/khoá học đối với các bậc học sau đại học và đại học; không quá 1,0 lần mức lương tối thiểu chung/khóa học đối với các lớp bồi dưỡng.
Trợ cấp đặc thù:
+ Cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc tỉnh được cử đi học: Được hưởng mức trợ cấp hàng tháng bằng 1,5 lần so với mức trợ cấp hàng tháng quy định tại mức trợ cấp chung nêu trên.
+ Cán bộ, công chức, viên chức là Nữ: Được hưởng mức trợ cấp hàng tháng bằng 1,5 lần so với Nam. Nếu đang nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi được trợ cấp thêm 0,5 lần mức lương tối thiểu chung/tháng học.
Những đối tượng được đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong nước theo chương trình liên kết với nước ngoài nằm trong chương trình hợp tác hợp pháp được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê chuẩn được hưởng trợ cấp theo chính sách trợ cấp đào tạo trong nước, riêng mức học phí do Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định trên cơ sở mức thu của cơ sở đào tạo.
2.1.2. Đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài:
- Được hưởng lương và các khoản phụ cấp (nếu có) theo quy định hiện hành.
- Được trợ cấp các khoản: Học phí; các khoản chi phí bắt buộc phải trả do cơ sở đào tạo quy định (bảo hiểm y tế, sinh hoạt phí); chi phí đi lại 1 lượt đi và về từ tỉnh đến cơ sở đào tạo; chi phí thủ tục xuất nhập cảnh.
- Cán bộ, công chức, viên chức sau khi được phê duyệt và cử đi học ở nước ngoài được hỗ trợ một phần chi phí tự học và thi ngoại ngữ. Mức hỗ trợ tối đa không quá 20 lần mức lương tối thiểu chung (trừ những học viên đã được đào tạo trình độ đại học trở lên ở các cơ sở giảng dạy bằng ngoại ngữ hoặc có trình độ đại học trở lên về ngoại ngữ).
- Tỉnh hỗ trợ tối đa bằng 50% học phí cho các học viên nằm trong kế hoạch đào tạo của tỉnh trong các trường hợp sau:
+ Tự xin được học phí hoặc học bổng.
+ Được cơ sở đào tạo hoặc Chính phủ nước sở tại miễn giảm học phí hoặc cấp học bổng bằng học phí nhờ có thành tích xuất sắc trong học tập.
2.2. Trợ cấp sau đào tạo:
Cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền cử đi học tại các cơ sở đào tạo ở trong nước và ở nước ngoài, sau khi nhận văn bằng về tỉnh công tác theo cam kết được trợ cấp một lần theo các mức sau:
- Tiến sỹ, Bác sỹ chuyên khoa cấp II, Dược sỹ chuyên khoa cấp II: Bằng 80 lần mức lương tối thiểu chung.
- Thạc sỹ, Bác sỹ chuyên khoa cấp I, Dược sỹ chuyên khoa cấp I: Bằng 40 lần mức lương tối thiểu chung.
2.3. Chính sách khuyến khích tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ:
Đối tượng được hưởng: Cán bộ, công chức, đang làm việc trong các cơ quan Đảng, đoàn thể; cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ, viên chức đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; cán bộ, viên chức làm việc trong các tổ chức hội đặc thù; cán bộ, công chức cấp xã thuộc các chức danh quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn; những người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập thuộc tỉnh trong lĩnh vực Giáo dục, Y tế, Khoa học công nghệ.
Ngoài bằng đại học chuyên môn đã có, được cơ quan có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản cho phép đi học tự túc, ngoài giờ hành chính để có thêm các văn bằng khác phù hợp hoặc hỗ trợ cho công tác chuyên môn đang đảm nhiệm (không kể học chuyển đổi bằng), còn ít nhất 5 năm công tác tại cơ quan (kể từ khi được cấp bằng) cho đến tuổi nghỉ hưu theo quy định hoặc trong thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận đang học sau đại học chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm mà không được hưởng chế độ trợ cấp đi học theo quy định này, thì được hỗ trợ một lần theo các mức sau:
- Tiến sỹ, Bác sỹ chuyên khoa cấp II, Dược sỹ chuyên khoa cấp II: Bằng 80 lần mức lương tối thiểu chung.
- Thạc sỹ, Bác sỹ chuyên khoa cấp I, Dược sỹ chuyên khoa cấp I: Bằng 40 lần mức lương tối thiểu chung.
- Đại học văn bằng 2: Bằng 10 lần mức lương tối thiểu chung.
2.4. Chính sách thu hút nhân tài về công tác tại tỉnh:
Đối với các nhà khoa học, nhà giáo, nghệ sỹ, bác sỹ… có trình độ cao được mời về tỉnh làm chuyên gia, hợp tác trong các lĩnh vực, ngành nghề tỉnh cần (được UBND tỉnh công bố hàng năm), ngoài lương và các khoản phụ cấp (nếu có) theo quy định hiện hành, được hưởng các chế độ như sau:
- Đối với Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ chuyên khoa cấp II và Dược sỹ chuyên khoa cấp II:
+ Được trợ cấp thường xuyên bằng 5,0 lần mức lương tối thiểu chung/tháng trong thời hạn 03 năm.
+ Được trợ cấp một lần bằng 100 lần mức lương tối thiểu chung.
- Đối với Nghệ sỹ nhân dân, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân:
+ Được trợ cấp thường xuyên bằng 3,0 lần mức lương tối thiểu chung/tháng trong thời hạn 3 năm.
+ Được trợ cấp một lần bằng 100 lần mức lương tối thiểu chung.
- Đối với Nghệ sỹ ưu tú, Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú:
+ Được trợ cấp thường xuyên bằng 2,0 lần mức lương tối thiểu chung/tháng trong thời hạn 3 năm.
+ Được trợ cấp một lần bằng 60 lần mức lương tối thiểu chung.
- Đối với Thạc sỹ trong các lĩnh vực, ngành nghề tỉnh cần, vận động viên đạt thành tích cấp Quốc gia trở lên: Được trợ cấp một lần bằng 50 lần mức lương tối thiểu chung.
- Đối với các chuyên gia, chuyên viên cao cấp, huấn luyện viên cấp Quốc gia trở lên, thạc sỹ y khoa, bác sỹ chuyên khoa cấp I, dược sỹ chuyên khoa cấp I, bác sỹ nội trú:
+ Được trợ cấp thường xuyên bằng 2,0 lần mức lương tối thiểu chung/tháng trong thời hạn 3 năm.
+ Sau khi tiếp nhận và bố trí công tác, được trợ cấp một lần bằng 60 lần mức lương tối thiểu chung.
- Đối với sinh viên thuộc đối tượng được quy định tại khoản 1.2 Điều I, bác sỹ hệ chính quy 6 năm, dược sỹ đại học hệ chính quy 5 năm:
+ Sau khi tiếp nhận và nhận công tác, được trợ cấp một lần bằng 50 lần mức lương tối thiểu chung.
+ Được hưởng trợ cấp thường xuyên bằng 2,0 lần mức lương tối thiểu chung/tháng trong thời hạn 3 năm.
Chính sách đặc thù: Đối với những người tình nguyện đến công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc tỉnh thì được hưởng mức trợ cấp bằng 1,5 lần mức hưởng theo quy định này.
2.5. Đối với các đối tượng được mời về tỉnh làm tư vấn, chuyên gia trong các lĩnh vực cụ thể tỉnh đang cần, không có thời hạn: Mức kinh phí chi trả theo thỏa thuận trên cơ sở chất lượng, khối lượng và hiệu quả công việc.
2.6. Chính sách thưởng đối với người có tài năng và khuyến khích sinh viên đạt thành tích cao trong học tập tại các trường đại học:
- Những người được cơ quan có thẩm quyền cử tham dự xét phong hàm, tặng thưởng danh hiệu, nếu đạt sẽ được thưởng như sau:
+ Thưởng 20 lần mức lương tối thiểu chung đối với những người được phong hàm Giáo sư, tặng thưởng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sỹ nhân dân;
+ Thưởng 10 lần mức lương tối thiểu chung đối với những người được phong hàm Phó giáo sư, tặng thưởng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, Nghệ sỹ ưu tú;
+ Những người có đề tài nghiên cứu, các tác phẩm, sáng kiến áp dụng có hiệu quả được cấp quốc gia công nhận; các nghệ sỹ được giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, mức thưởng cụ thể do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định nhưng tối đa không quá 50 lần mức luơng tối thiểu chung.
- Sinh viên có hộ khẩu thường trú tại Quảng Ninh đang học đại học hệ chính quy tại các trường đại học trong nước, các trường đại học ở nước ngoài, có kết quả học tập hàng năm hoặc khóa học đạt loại giỏi trở lên được nhận quyết định khen thưởng và hưởng mức tiền thưởng như sau:
+ Thưởng 1,0 lần mức lương tối thiểu chung cho sinh viên đạt loại giỏi trở lên trong năm học.
+ Thưởng 3,0 lần mức lương tối thiểu chung cho sinh viên đạt loại giỏi trở lên toàn khóa học.
3. Điều kiện thực hiện chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân tài.
- Cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh được hưởng chính sách đào tạo, bồi dưỡng và những người được hưởng chính sách thu hút thuộc đối tượng quy định tại khoản 1.1, 1.2 Điều I ngoài việc có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật hiện hành còn phải có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại tỉnh Quảng Ninh theo sự phân công của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian ít nhất là 5 năm.
- Cán bộ, công chức, viên chức và những người được hưởng chính sách thu hút trong thời gian học tập, cam kết làm việc, nếu tự ý bỏ học, bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, không thực hiện đúng sự phân công, bố trí công tác thì phải hoàn trả toàn bộ các khoản trợ cấp đã được hưởng theo chính sách của tỉnh và các khoản trợ cấp đi học (nếu có) theo quy định hiện hành của nhà nước.
Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện: Ngân sách tỉnh.
Điều 3. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 17/2004/NQ-HĐ ngày 19/7/2004 của Hội đồng nhân dân tỉnh “Về quy định một số chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và thu hút nhân tài”.
Điều 4. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
1. Ủy ban nhân tỉnh và các ngành liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết này, trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh cần giải quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh, khóa XII - kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 11/7/2012 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |