Quyết định 1015/1999/QĐ-UB-KT

Quyết định 1015/1999/QĐ-UB-KT về việc thành lập Hội đồng Xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng sử dụng điện thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Quyết định 1015/1999/QĐ-UB-KT thành lập Hội đồng Xử lý tranh chấp vi phạm cung ứng sử dụng điện thành phố đã được thay thế bởi Quyết định 111/2003/QĐ-UB lập Hội đồng xử lý vi phạm cung ứng sử dụng điện và được áp dụng kể từ ngày 04/07/2003.

Nội dung toàn văn Quyết định 1015/1999/QĐ-UB-KT thành lập Hội đồng Xử lý tranh chấp vi phạm cung ứng sử dụng điện thành phố


ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 1015/1999/QĐ-UB-KT

TP. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 02năm 1999

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG XỬ LÝ TRANH CHẤP VÀ VI PHẠM CUNG ỨNG SỬ DỤNG ĐIỆN THÀNH PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21/6/1994 ;
Căn cứ Quyết định số 852/TTg ngày 18/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ ; Thông tư số 01/TT-TCCB ngày 6/02/1996 của Bộ Công nghiệp và Thông tư số 18/TT-LB ngày 29/6/1996 của Liên Bộ Công nghiệp và Ban Tổ chức Chính phủ ;
Căn cứ Quyết định số 402/QĐ-TCCB ngày 14/3/1997 của Bộ Công nghiệp ban hành quy định về tổ chức và hoạt động của Hệ thống giám sát điện năng ; công văn số 65/KTAT ngày 24/5/1997 của Cục KTGSKTATCN-Bộ Công nghiệp về việc thi hành Quyết định số 402 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp (công văn số 976/CN2 ngày 30/11/1998), Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố (tờ trình số 14/TCCQ ngày 27/01/1999) ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay thành lập “Hội đồng Xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố” (gọi tắt là Hội đồng) đặt tại Sở Công nghiệp gồm các thành viên như sau:

1- Chủ tịch Hội đồng - Phó Giám đốc Sở Công nghiệp.

2- Ủy viên Thường trực Hội đồng - Trưởng phòng QLĐN Sở Công nghiệp.

3- Ủy viên Hội đồng - Giám sát viên Phòng QLĐN Sở Công nghiệp.

4- Ủy viên Hội đồng - Đại diện Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh.

Giúp việc cho Hội đồng có một số chuyên viên kiêm nhiệm tùy theo yêu cầu công tác.

Điều 2. Hội đồng là tổ chức xử lý các vi phạm hành chánh về cung ứng và sử dụng điện, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước. Kinh phí hoạt động của Hội đồng được trích từ tiền thu phạt theo Quyết định số 498/QĐ-UB-KT ngày 02/02/1998 của Ủy ban nhân dân thành phố và theo công văn số 191/TC-QLCS ngày 23/3/1998 của Sở Tài chánh về việc hướng dẫn đối với việc quản lý và sử dụng ngân quỹ.

Điều 3. Hội đồng có trách nhiệm xử lý các vi phạm về cung ứng và sử dụng điện theo Nghị định số 80/HĐBT và các quy định hiện hành có liên quan ; thực thi công tác theo Qui chế hoạt động, Quy định tạm thời về phân công phân nhiệm, tổ chức phối hợp công tác giám sát điện năng được ban hành kèm theo quyết định này để xử lý các vi phạm cung ứng-sử dụng điện và những quy định hiện hành có liên quan của Bộ Công nghiệp và Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 4. Ủy quyền Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh được kiểm tra và thành lập Hội đồng để xử lý các vi phạm sử dụng điện có số lượng điện năng truy thu do sử dụng điện bất hợp pháp dưới 50.000 KWh và các vi phạm khác như sử dụng điện giờ cao điểm ; ngày nghỉ phiên, cosj...

Trường hợp các hộ vi phạm có khiếu nại, tranh chấp, Công ty Điện lực thành phố chuyển toàn bộ hồ sơ có liên quan đến Hội đồng để xem xét kiểm tra và quyết định xử lý.

Hàng tháng Công ty Điện lực thành phố thực hiện chế độ thống kê, báo cáo tình hình xử lý các vi phạm lên Hội đồng và Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. B ãi bỏ quyết định số 58/CN5 ngày 22/10/1997 của Giám đốc Sở Công nghiệp thành phố về việc thành lập Hội đồng Xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thuộc Sở Công nghiệp.

Điều 6. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố, Giám đốc Sở Công nghiệp thành phố, Giám đốc Sở Tài chánh-Vật giá thành phố, Kho bạc Nhà nước thành phố, Giám đốc Công ty Điện lực thành phố và các Thành viên Hội đồng có trách nhiệm thi hành quyết định này.-

Nơi nhận:
- Như điều 6
- Bộ CN (để b/c)
- TT TU, TTUB
- CA/TP (PC.13)
- CT UBND Quận-Huyện
- Ban TCCQ/TP
- VPUB
- Lưu.

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thành Long

QUY CHẾ LÀM VIỆC

HỘI ĐỒNG XỬ LÝ TRANH CHẤP VÀ VI PHẠM CUNG ỨNG-SỬ DỤNG ĐIỆN THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1015/1999/QĐ-UB-KT ngày 22/02/1999 của Ủy ban nhân dân thành phố )

I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN:

1- Chức năng của Hội đồng:

Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố Hồ Chí Minh là Hội đồng xử lý vi phạm hành chánh về điện trên địa bàn thành phố, được Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền thay mặt cơ quan quản lý Nhà nước thành phố ra quyết định xử lý đối với các vi phạm Nghị định 80/HĐBT theo phân công và phân cấp quản lý của Bộ Công nghiệp.

2- Hội đồng có nhiệm vụ:

- Xử lý những trường hợp vi phạm sử dụng điện do Công ty Điện lực thành phố lập biên bản và đã quyết định xử lý nhưng hộ sử dụng điện còn khiếu nại, tranh chấp.

- Xử lý các trường hợp câu điện bất hợp pháp từ 50.000 kwh trở lên do Công ty Điện lực thành phố kiểm tra, lập biên bản và chuyển sang Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố.

- Xử lý các vi phạm cung ứng và sử dụng điện do các Giám sát viên thuộc Sở Công nghiệp lập biên bản khi tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các đơn vị cung ứng hoặc các đơn vị sử dụng điện.

- Xử lý các trường hợp vi phạm cung ứng điện do khách hàng lập biên bản đúng thủ tục và gởi lên Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố.

- Xử lý các tranh chấp giữa các bên cung ứng và sử dụng điện liên quan đến Điều lệ cung ứng-sử dụng điện.

- Trong trường hợp các hộ vi phạm có đơn xincứu xét, Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố phải căn cứ vào tình hình thực tế, mức độ vi phạm, hoàn cảnh cụ thể để xem xét và ra Quyết định việc giảm mức truy phạt, bồi thường đúng theo các quy định hiện hành. Tiền truy thu, truy phạt và bồi thường trước mắt thực hiện theo Thông tư Liên Bộ Điện lực-Tài chánh số 12/TT-LB ngày 12/7/1984.

- Trong trường hợp các hộ vi phạm không thống nhất với quyết định của Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố, khi có văn bản khiếu nại gởi Sở Công nghiệp thì Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố có trách nhiệm xem xét lại quyết định. Nếu các hộ vi phạm vẫn tiếp tục khiếu nại thì Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố chuyển toàn bộ hồ sơ lên Hội đồng xử lý vi phạm cung ứng-sử dụng điện thuộc Bộ Công nghiệp xem xét, kiểm tra và quyết định.

3- Hội đồng có các quyền hạn:

- Ra quyết định truy thu lượng điện năng thất thoát và truy phạt bằng tiền.

- Ra quyết định ngưng cung cấp điện.

- Ra quyết định bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng điện.

- Giải quyết các tranh chấp giữa bên cung ứng và sử dụng điện.

- Chuyển hồ sơ sang Tòa án Kinh tế để xét xử theo luật định.

- Chuyển hồ sơ sang Công an để truy cứu trách nhiệm hình sự.

II. TỔ CHỨC CỦA HỘI ĐỒNG:

Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định thành lập gồm các thành phần sau:

- Chủ tịch Hội đồng: Phó Giám đốc Sở Công nghiệp.

- Ủy viên Thường trực Hội đồng: Trưởng phòng Quản lý điện năng- Sở Công nghiệp.

- Ủy viên Hội đồng: Giám sát viên của Sở Công nghiệp.

- Ủy viên Hội đồng: Đại diện Công ty Điện lực thành phố .

Giúp việc Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố có một số chuyên viên kiêm nhiệm tùy theo yêu cầu công tác.

III. NGUYÊN TẮC LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG:

- Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố làm việc theo nguyên tắc dân chủ tập trung, trong trường hợp không có sự nhất trí giữa các thành viên Hội đồng thì kết luận của Chủ tịch Hội đồng là ý kiến quyết định.

- Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố xử lý các vi phạm cung ứng và sử dụng điện theo các quy định của “Qui trình xử lý vi phạm cung ứng điện” số 06/NL-GSĐN của Bộ Năng lượng đã ban hành ngày 8/01/1990 và “Qui trình xử lý vi phạm sử dụng điện” số 96/NL-GSĐN ngày 26/01/1988 của Bộ Năng lượng đã ban hành và một số điều quy định đã được sửa đổi trong phần III công văn số 65/KTAT ngày 24/5/1997 về việc thi hành Quyết định số 402/TCCB của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.

- Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố chỉ xem xét và xử lý các biên bản được lập đúng quy định của Bộ Công nghiệp. Các biên bản vi phạm cung ứng và sử dụng điện phải được xem xét và ra quyết định xử lý trong thời gian không quá 20 ngày tính từ khi biên bản vi phạm được gởi tới Hội đồng xử lý để giải quyết. Trường hợp có vi phạm nghiêm trọng cần thiết phải xử lý thì Trưởng phòng Quản lý điện năng phải báo cáo ngay lên Chủ tịch Hội đồng để có biện pháp giải quyết phù hợp và nhanh chóng. Khi có đơn khiếu nại quyết định xử lý của Hội đồng, trong thời gian 30 ngày Hội đồng tổ chức thẩm tra xem xét lại hoặc chuyển hồ sơ lên Hội đồng xử lý Bộ Công nghiệp xem xét ra quyết định.

- Quyết định của Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố phải được chấp hành nghiêm chỉnh, nếu hộ vi phạm không chấp hành trong thời gian quy định. Hội đồng sẽ có các biện pháp cưỡng chế theo quy định hiện hành. Nếu quyết định vẫn không được chấp hành thì Hội đồng sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ sang Tòa án Kinh tế để xét xử hoặc cơ quan Công an để truy tố trước pháp luật.

- Đối với các hộ trọng điểm hoặc cơ quan ngoại giao nước ngoài, Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố phải báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền cấp trên ra quyết định xử lý.

IV. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM TRONG HỘI ĐỒNG:

1- Chủ tịch Hội đồng:

- Chủ trì các phiên họp của Hội đồng.

- Quyết định hình thức vi phạm và mức phạt cũng như các hình thức giảm nhẹ (nếu có) đối với các hộ vi phạm.

- Quyết định các biện pháp cưỡng chế hoặc chuyển hồ sơ sang các cơ quan pháp luật để giải quyết theo quy định Luật pháp.

- Triệu tập các phiên họp bất thường trong trường hợp xét cần thiết theo đề nghị của Trưởng phòng Quản lý điện năng-Sở Công nghiệp.

2- Ủy viên Thường trực:

- Tổ chức tiếp nhận, tập hợp và thống kê các hồ sơ đúng quy định theo các Qui trình xử lý vi phạm cung ứng và sử dụng điện, các hiện vật vi phạm hoặc phim ảnh, băng hình do Công ty Điện lực thành phố hoặc các Giám sát viên chuyển đến. Tiếp nhận các đơn khiếu nại hoặc tranh chấp giữa bên cung ứng và sử dụng điện.

- Tổ chức tiến hành việc xác minh lại nếu xét thấy cần thiết hoặc mời vi phạm đến để giải trình sự việc nếu thấy chưa đủ chứng cứ hoặc có khiếu nại của hộ vi phạm.

- Tổ chức tính toán hoặc kiểm tra lại việc tính toán mức phạt và bồi thường đối với các vi phạm. Kiểm tra và đề xuất mức giảm nếu hộ vi phạm có đơn đề nghị kèm chứng nhận của phường-xã hoặc của cơ quan quản lý cấp trên. Hoàn chỉnh văn bản đề xuất, trình Hội đồng xử lý xem xét và phê duyệt.

- Tham gia đầy đủ và lập Biên bản phiên họp và Quyết định xử lý vi phạm theo kết luận của Chủ tịch Hội đồng. Biên bản và Quyết định xử lý được lập thành ba bản: một lưu tại Phòng Quản lý điện năng, một gởi sang Công ty Điện lực thành phố để theo dõi thực hiện, một được gởi cho hộ vi phạm để chấp hành.

- Tổ chức theo dõi và kiểm tra việc chấp hành Quyết định của Hội đồng và đề xuất các biện pháp xử lý thích hợp nếu hộ vi phạm không chấp hành nghiêm chỉnh quyết định của Hội đồng.

- Tổ chức quản lý, lưu trữ hồ sơ, tang vật vi phạm, lập sổ theo dõi theo đúng quy định hiện hành. Tổng hợp và báo cáo lên các cơ quan cấp trên theo đúng quy định về mẫu biểu và thời gian.

3- Ủy viên Hội đồng:

- Trực tiếp tính toán mức truy thu, truy phạt và mức bồi thường đối với các vi phạm cung ứng-sử dụng điện chuyển đến Hội đồng Xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện đúng theo quy định của Bộ Công nghiệp.

- Tham dự đầy đủ các phiên họp của Hội đồng theo lịch hoặc đột xuất. Cùng Hội đồng xem xét và thảo luận các hình thức, mức phạt vi phạm cũng như mức độ giảm nhẹ đối với hộ vi phạm. Cùng chịu trách nhiệm về tính đúng đắn và hợp pháp đối với Quyết định của Hội đồng.

- Chuyển Quyết định của Hội đồng đến hộ vi phạm, đôn đốc việc nộp phạt và cùng Hội đồng đề ra các biện pháp xử lý cần thiết.

- Theo dõi các biện pháp cưỡng chế khi có Thông báo về các biện pháp cưỡng chế của Hội đồng. Trong trường hợp các hộ vi phạm vẫn không chấp hành Quyết định của Hội đồng xử lý thì báo cáo Hội đồng xem xét việc chuyển giao hồ sơ sang các cơ quan pháp luật để giải quyết.

4- Chuyên viên kiêm nhiệm: giúp việc Hội đồng theo yêu cầu công tác của Chủ tịch Hội đồng.

V. KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG:

Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố được sử dụng một phần tiền trích từ tiền truy phạt theo Quyết định số 498/QĐ-UB-KT ngày 02/02/1998 của Ủy ban nhân dân thành phố và văn bản hướng dẫn thực hiện số 191/TC-QLCS ngày 23/3/1998 của Sở Tài chánh làm kinh phí hoạt động. Việc trích lập, quản lý, sử dụng kinh phí phải được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và tuân thủ theo các quy định hiện hành của Nhà nước và Sở Tài chánh thành phố.

VI. CHẾ ĐỘ KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT:

Các thành viên Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ được khen thưởng theo quy định của Bộ Công nghiệp và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, nếu vi phạm quy định hoặc lợi dụng quyền hạn gây thiệt hại cho Nhà nước cũng như cho các hộ cung ứng, hộ sử dụng điện thì tùy mức độ sẽ bị xử lý hành chánh hoặc truy tố trước Pháp luật.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ VIỆC PHÂN CÔNG, PHÂN NHIỆM VÀ TỔ CHỨC PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIÁM SÁT ĐIỆN NĂNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1015/1999/QĐ-UB-KT ngày 22/02/1999 của Ủy ban nhân dân thành phố )

PHÂN CÔNG, PHÂN NHIỆM KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ

Điều 1. Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố tại Sở Công nghiệp là Hội đồng xử lý hành chánh các vi phạm cung ứng-sử dụng điện theo Nghị định 80/HĐBT, Quyết định số 402/QĐ-TCCB của Bộ Công nghiệp. Hội đồng có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để thực hiện việc xử lý các tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện theo quy định của Bộ Công nghiệp và Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 2. Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố xử lý các vi phạm câu điện bất hợp pháp có số lượng điện năng truy thu từ 50.000 kwh trở lên ; xử lý các vụ việc phát sinh tranh chấp, khiếu nại của khách hàng mà Công ty Điện lực được ủy quyền kiểm tra và đã xử lý ; xử lý các biên bản vi phạm cung ứng-sử dụng điện do Giám sát viên thuộc Sở Công nghiệp kiểm tra và thiết lập.

Điều 3. Ủy quyền cho Công ty Điện lực được kiểm tra và thành lập Hội đồng để xử lý các vi phạm sử dụng điện có số lượng điện năng truy thu do câu điện bất hợp pháp dưới 50.000 kwh và các vi phạm khác như vi phạm sử dụng điện giờ cao điểm, ngày nghỉ phiên, cos ... , thực hiện chế độ báo cáo tình hình xử lý các vi phạm về Hội đồng thành phố hàng tháng theo quy định.

TỔ CHỨC PHỐI HỢP KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ

Điều 4. Công ty Điện lực cử thành viên chính thức để tham gia vào Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố. Thành lập lực lượng kiểm tra viên và gởi danh sách về Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố để Hội đồng tiến hành công tác giám sát và kiểm tra việc xử lý các vi phạm sử dụng điện mà Công ty Điện lực được ủy quyền.

Điều 5. Công ty Điện lực thành phố được ủy quyền cho các điện lực khu vực xử lý các vi phạm sử dụng điện theo quy định hiện hành.

Điều 6.- Giám sát viên của Sở Công nghiệp có Thẻ giám sát do Bộ Công nghiệp cấp và các kiểm tra viên của Công ty Điện lực thành phố theo danh sách quyết định của Giám đốc Công ty Điện lực thành phố được phép thực hiện các công tác kiểm tra và lập biên bản các vi phạm cung ứng và sử dụng điện với chức năng Giám sát điện năng do Bộ Công nghiệp quy định.

Điều 7. Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố và Công ty Điện lực thành phố thống nhất áp dụng “Qui trình xử lý vi phạm cung ứng điện” theo quyết định số 06/NL-GSĐN ngày 8/01/1990 và “Qui trình xử lý vi phạm sử dụng điện” theo quyết định số 96/NL-GSĐN ngày 26/01/1988 của Bộ Năng lượng.

Điều 8. Công ty Điện lực thành phố chịu trách nhiệm chuyển hồ sơ các vụ việc vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng sang cơ quan pháp luật để truy tố sau khi thống nhất với Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố.

Điều 9. Biên bản vi phạm sử dụng điện dùng cho các kiểm tra viên của Công ty Điện lực vẫn được sử dụng như hiện nay và do Công ty Điện lực phát hành ; biên bản vi phạm cung ứng và sử dụng điện dùng cho các Giám sát viên Sở Công nghiệp sẽ do Sở Công nghiệp phát hành theo quy định của Bộ Công nghiệp. Các biên bản này có giá trị ngang nhau và phải được quản lý việc phát hành, lưu trữ, kiểm tra theo đúng quy định hiện hành.

Điều 10. Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố và Công ty Điện lực thành phố thống nhất định mức thời gian sử dụng thiết bị điện đối với các hộ vi phạm để làm cơ sở quyết định mức truy thu, truy phạt trong việc xử lý các vi phạm và giải quyết tranh chấp.

KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

Điều 11. Trong khi chờ Bộ Công nghiệp và Bộ Tài chánh có hướng dẫn cụ thể, kinh phí hoạt động và trích thưởng của Hệ thống Giám sát điện năng tại thành phố được thực hiện theo Quyết định số 498/QĐ-UB-KT ngày 02/02/1998 của Ủy ban nhân dân thành phố và văn bản số 191/TC-QLCS của Sở Tài chánh hướng dẫn việc sử dụng kinh phí trong khoản trích từ tiền truy phạt vi phạm sử dụng điện theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 12. Hội đồng xử lý tranh chấp và vi phạm cung ứng-sử dụng điện thành phố và Công ty Điện lực thành phố thống nhất phương thức thu tiền truy thu, truy phạt và chuyển kinh phí theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố và hướng dẫn của Sở Tài chánh để đảm bảo việc thực thi các nhiệm vụ thuộc chức năng Giám sát điện năng được thuận lợi, có hiệu quả và đúng quy định về quản lý tài chánh của Nhà nước.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 1015/1999/QĐ-UB-KT

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu1015/1999/QĐ-UB-KT
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành22/02/1999
Ngày hiệu lực22/02/1999
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Vi phạm hành chính
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 04/07/2003
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 1015/1999/QĐ-UB-KT

Lược đồ Quyết định 1015/1999/QĐ-UB-KT thành lập Hội đồng Xử lý tranh chấp vi phạm cung ứng sử dụng điện thành phố


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 1015/1999/QĐ-UB-KT thành lập Hội đồng Xử lý tranh chấp vi phạm cung ứng sử dụng điện thành phố
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu1015/1999/QĐ-UB-KT
                Cơ quan ban hànhThành phố Hồ Chí Minh
                Người kýTrần Thành Long
                Ngày ban hành22/02/1999
                Ngày hiệu lực22/02/1999
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Vi phạm hành chính
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 04/07/2003
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản gốc Quyết định 1015/1999/QĐ-UB-KT thành lập Hội đồng Xử lý tranh chấp vi phạm cung ứng sử dụng điện thành phố

                Lịch sử hiệu lực Quyết định 1015/1999/QĐ-UB-KT thành lập Hội đồng Xử lý tranh chấp vi phạm cung ứng sử dụng điện thành phố