Quyết định 1497/QĐ-TTg

Quyết định 1497/QĐ-TTg năm 2013 triển khai Hiệp định giữa Việt Nam và Căm-pu-chia về hợp tác song phương trong phòng, chống buôn bán người và bảo vệ nạn nhân bị buôn bán do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 1497/QĐ-TTg 2013 triển khai Hiệp định phòng chống buôn bán người


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1497/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 08 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ HOÀNG GIA CĂM-PU-CHIA VỀ HỢP TÁC SONG PHƯƠNG TRONG PHÒNG, CHỐNG BUÔN BÁN NGƯỜI VÀ BẢO VỆ NẠN NHÂN BỊ BUÔN BÁN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Căm-pu-chia để loại trừ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em và giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán, ký ngày 10 tháng 10 năm 2005;

Căn cứ Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về việc phê duyệt Thỏa thuận về sửa đổi, bổ sung Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Căm-pu-chia để loại trừ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em và giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Căm-pu-chia về hợp tác song phương trong phòng, chống buôn bán người và bảo vệ nạn nhân bị buôn bán ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- UBQPAN của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NC (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ HOÀNG GIA CĂM-PU-CHIA VỀ HỢP TÁC SONG PHƯƠNG TRONG PHÒNG, CHỐNG BUÔN BÁN NGƯỜI VÀ BẢO VỆ NẠN NHÂN BỊ BUÔN BÁN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1497/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Xác định nội dung nhiệm vụ và lộ trình cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Căm-pu-chia về hợp tác song phương trong phòng, chống buôn bán người và bảo vệ nạn nhân bị buôn bán (sau đây gọi tắt là Hiệp định) nhằm thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa các cơ quan hữu quan của Việt Nam với các cơ quan chức năng Căm-pu-chia trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người qua biên giới hai nước.

2. Yêu cầu

Việc triển khai thực hiện Hiệp định phải gắn liền với thực hiện Quyết định số 605/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2011.

Các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương được giao chủ trì hoặc tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ nêu trong Kế hoạch phải tích cực, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

II. NỘI DUNG

1. Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Hiệp định

a) Nhiệm vụ

- Triển khai Hiệp định đến các Bộ, ngành và địa phương, nhất là các địa phương có tuyến biên giới giáp với Căm-pu-chia; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao trong phòng, chống mua bán người, nội dung Hiệp định và thực tế tình hình hoạt động tội phạm mua bán người xảy ra ở địa phương để xây dựng kế hoạch thực hiện.

- Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác giữa cơ quan chức năng hai nước và các địa phương đối đẳng trong phòng, chống mua bán người như: Phòng ngừa, phối hợp điều tra, bắt giữ tội phạm, giải cứu, hồi hương nạn nhân, chiến dịch truyền thông chung...

- Định kỳ luân phiên tổ chức họp giao ban giữa các cấp nhằm đánh giá kết quả hợp tác thực hiện Hiệp định và bàn kế hoạch phối hợp trong thời gian tới hoặc tổ chức các cuộc họp đột xuất để trao đổi các vấn đề cần thiết.

- Duy trì kiểm tra, hướng dẫn và tổ chức sơ kết hàng năm, tổng kết việc thực hiện Hiệp định vào năm 2015.

b) Phân công

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương thực hiện nhiệm vụ quy định tại Khoản 1 Phần II Kế hoạch này.

2. Tuyên truyền, phổ biến nội dung Hiệp định và pháp luật Việt Nam về phòng, chống mua bán người

a) Nhiệm vụ

- Tuyên truyền, phổ biến nội dung Hiệp định gắn với giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức về Luật phòng, chống mua bán người, Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 - 2015, các chính sách pháp luật liên quan khác, phương thức, thủ đoạn hoạt động, nguyên nhân, hậu quả tác hại của tội phạm buôn bán người.

- Tổ chức các hoạt động truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin truyền thông cơ sở về phòng, chống mua bán người tại các địa phương biên giới hai nước với những hình thức, phương pháp linh hoạt như hội thảo, tọa đàm, tập huấn, in phát tờ rơi, văn hóa du lịch, ký kết các kế hoạch liên tỉnh, duy trì giao ban giữa các cơ quan chức năng đối đẳng hai nước, nhằm chia sẻ thông tin về kinh nghiệm, mô hình điển hình trong truyền thông về phòng, chống mua bán người.

b) Phân công

- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành có liên quan, địa phương thực hiện nhiệm vụ quy định tại tiết thứ 1 và 2 Điểm a Khoản 2 phần II Kế hoạch này, trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành có liên quan, địa phương thực hiện nhiệm vụ quy định tại tiết thứ 1 và 2 Điểm a Khoản 2 Phần II Kế hoạch này, trên hệ thống thông tin truyền thông cơ sở.

- Các địa phương chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến Hiệp định với công tác phòng, chống mua bán người tại địa phương mình.

3. Xác minh, xác định nạn nhân, tiếp nhận, hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về

a) Nhiệm vụ

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả “Quy trình chuẩn trong xác định và hồi hương nạn nhân bị buôn bán” đã được Chính phủ hai nước ký ngày 03 tháng 12 năm 2009. Cuối năm 2014, tổ chức hội nghị quốc tế đánh giá kết quả 5 năm (2009 - 2014) thực hiện Quy trình này.

- Chỉ đạo, phối hợp các cơ quan chức năng 02 nước Việt Nam và Căm-pu-chia khẩn trương xác minh, xác định và tổ chức tiếp nhận nạn nhân bị mua bán theo quy định của pháp luật.

- Tiến hành điều tra khảo sát thực trạng nạn nhân bị mua bán trở về, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán của 02 nước trở về theo quy định của pháp luật.

b) Phân công

- Bộ Công an chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành có liên quan và các Bộ, ngành chức năng Căm-pu-chia thực hiện nhiệm vụ quy định tại tiết thứ 1 và 2 Điểm a Khoản 3 Phần II Kế hoạch này.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ quy định tại tiết thứ 3 Điểm a Khoản 3 Phần II Kế hoạch này.

4. Tổ chức điều tra, xử lý tội phạm mua bán người

a) Nhiệm vụ

- Tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, chủ động nắm chắc tình hình hoạt động tội phạm mua bán người, nhất là hoạt động của các đường dây, băng ổ nhóm tội phạm liên quan đến hai nước để phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức điều tra, khám phá, bắt giữ tội phạm, giải cứu nạn nhân.

- Tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan dọc biên giới hai nước, xác định tuyến, địa bàn, đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội mua bán người, đề xuất kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn không để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động ở địa bàn khu vực biên giới; tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân ở địa bàn khu vực biên giới tham gia các hoạt động phòng, chống mua bán người.

- Chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp Bộ đội Biên phòng các cấp và lực lượng chức năng của Căm-pu-chia mở cao điểm tấn công trấn áp bọn tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới Việt Nam và Căm-pu-chia.

- Thực hành tốt quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử các vụ án mua bán người.

- Các địa phương có đường biên giới với Căm-pu-chia chủ động duy trì giao ban, đàm phán, gặp gỡ thường niên và đột xuất, thiết lập đường dây nóng với các địa phương đối đẳng của Căm-pu-chia, nhằm chủ động trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt, chuyển giao đối tượng, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về.

b) Phân công

- Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng các cấp với các cơ quan chức năng Căm-pu-chia thực hiện nhiệm vụ quy định tại tiết thứ 1 và 3 Điểm a Khoản 4 Phần II Kế hoạch này.

- Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) chỉ đạo Bộ đội Biên phòng phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền các cấp thực hiện nhiệm vụ quy định tại tiết thứ 2 và 3 Điểm a Khoản 4 Phần II Kế hoạch này.

- Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân các cấp thực hiện nhiệm vụ quy định tại tiết thứ 4 Điểm a Khoản 4 Phần II Kế hoạch này.

- Các địa phương chủ trì thực hiện nhiệm vụ quy định tại tiết thứ 5 Điểm a Khoản 4 Phần II Kế hoạch này.

5. Nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện công tác phòng, chống mua bán người

a) Nhiệm vụ

Tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, hội thảo trao đổi thông tin trong công tác phòng ngừa, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án mua bán người xuyên quốc gia, thực hiện “Quy trình chuẩn trong xác định và hồi hương nạn nhân bị buôn bán” được Chính phủ 02 nước ký kết ngày 03 tháng 12 năm 2009.

b) Phân công

Bộ Công an chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP và cơ quan chức năng Căm-pu-chia thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điểm a Khoản 5 Phần II Kế hoạch này.

6. Về tăng cường hợp tác quốc tế

a) Nhiệm vụ

- Phối hợp hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau trong thực hiện Tuyên bố chung ASEAN về phòng, chống buôn bán người năm 2004, Sáng kiến cấp Bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mê-Kông về phòng, chống buôn bán người năm 2004 (Tiến trình COMMIT) mà Việt Nam và Căm-pu-chia là thành viên.

- Sửa đổi, bổ sung Thỏa thuận phối hợp lực lượng Cảnh sát 02 nước trong đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người qua biên giới Việt Nam và Căm-pu-chia.

- Thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Căm-pu-chia, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm trong đó có tội phạm mua bán người.

- Thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

- Phối hợp triển khai các dự án về phòng, chống mua bán người do các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ tài trợ, trong đó có Căm-pu-chia và Việt Nam.

- Phối hợp các cơ quan chức năng 02 nước Việt Nam và Căm-pu-chia trong quản lý lao động tại vùng biên giới.

- Thực hiện các hoạt động hợp tác khác trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người mà hai Bên cùng quan tâm.

b) Phân công

- Bộ Ngoại giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ được quy định tiết thứ 1 và 4 Điểm a Khoản 6 Phần II Kế hoạch này.

- Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì thực hiện nhiệm vụ được quy định tại tiết thứ 3 Điểm a Khoản 6 Phần II Kế hoạch này.

- Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) thực hiện nhiệm vụ được quy định tại tiết thứ 2 Điểm a Khoản 6 Phần II Kế hoạch này.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện nhiệm vụ được quy định tại tiết thứ 6 Điểm a Khoản 6 Phần II Kế hoạch này.

- Các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP và các tỉnh biên giới Việt Nam giáp Căm-pu-chia thực hiện nhiệm vụ được quy định tại tiết thứ 5 và 7 Điểm a Khoản 6 Phần II Kế hoạch này.

III. THỜI GIAN THỰC HIỆN

Các nội dung tại Kế hoạch này được thực hiện đến hết năm 2015.

IV. KINH PHÍ ĐẢM BẢO

Hàng năm, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương được phân công trong kế hoạch này chủ động lập dự toán ngân sách chi thường xuyên hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Riêng năm 2013, các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương chủ động bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách nhà nước đã được giao năm 2013 để triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Huy động các nguồn hợp pháp khác từ cộng đồng quốc tế, các tổ chức dân sự xã hội và khối tư nhân.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động bổ sung nhiệm vụ thực thi Kế hoạch này vào chương trình, kế hoạch công tác của mình.

Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định xây dựng kế hoạch, bổ sung nhiệm vụ để thực hiện Kế hoạch này.

2. Giao Bộ Công an (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP) là cơ quan đầu mối thực hiện Hiệp định; phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương thực hiện; đôn đốc, kiểm tra và định kỳ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch này.

3. Chế độ thông tin, báo cáo: Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo, định kỳ 6 tháng và 1 năm hoặc đột xuất, trong báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người có nội dung kiểm điểm thực hiện Kế hoạch này.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 1497/QĐ-TTg

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu1497/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành27/08/2013
Ngày hiệu lực27/08/2013
Ngày công báo11/09/2013
Số công báoTừ số 561 đến số 562
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Trách nhiệm hình sự
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật11 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 1497/QĐ-TTg

Lược đồ Quyết định 1497/QĐ-TTg 2013 triển khai Hiệp định phòng chống buôn bán người


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 1497/QĐ-TTg 2013 triển khai Hiệp định phòng chống buôn bán người
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu1497/QĐ-TTg
                Cơ quan ban hànhThủ tướng Chính phủ
                Người kýNguyễn Tấn Dũng
                Ngày ban hành27/08/2013
                Ngày hiệu lực27/08/2013
                Ngày công báo11/09/2013
                Số công báoTừ số 561 đến số 562
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Trách nhiệm hình sự
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật11 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Quyết định 1497/QĐ-TTg 2013 triển khai Hiệp định phòng chống buôn bán người

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 1497/QĐ-TTg 2013 triển khai Hiệp định phòng chống buôn bán người

                  • 27/08/2013

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 11/09/2013

                    Văn bản được đăng công báo

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 27/08/2013

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực