Quyết định 16/2011/QĐ-UBND Quy chế phối hợp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đã được thay thế bởi Quyết định 42/2015/QĐ-UBND quy chế phối hợp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp Hà Nội và được áp dụng kể từ ngày 09/01/2016.
Nội dung toàn văn Quyết định 16/2011/QĐ-UBND Quy chế phối hợp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2011/QĐ-UBND |
Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Cạnh tranh ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ về Quản lý hoạt
động bán hàng đa cấp;
Căn cứ Thông tư số 110/2005/NĐ-CP">19/2005/TT-BTM ngày 8/11/2005 của Bộ Thương mại hướng dẫn một
số nội dung quy định tại Nghị định số 110/2005/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý
hoạt động bán hàng đa cấp;
Xét đề nghị của Sở Công Thương thành phố Hà Nội tại Tờ trình số 2075/TTr-SCT
ngày 30 tháng 6 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế phối hợp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định 103/2007/QĐ-UBND ngày 24/9/2007 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn Hà Nội.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI
HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 5 năm 2011 của
Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định những nguyên tắc, trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước của Thành phố Hà Nội (dưới đây gọi tắt là các cơ quan) trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội; bao gồm việc cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp, kiểm tra, hướng dẫn, giám sát hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp, phát hiện, xử lý vi phạm và thu hồi Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp (dưới đây gọi tắt là Giấy đăng ký) theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn Thành phố.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Bán hàng đa cấp trong Quy chế này được quy định tại khoản 11, Điều 3 Luật cạnh tranh:
Bán hàng đa cấp là phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hóa đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Việc tiếp thị để bán lẻ hàng hóa được thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau;
2. Hàng hóa được người tham gia bán hàng đa cấp tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng hoặc địa điểm khác không phải là địa điểm bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp hoặc của người tham gia;
3. Người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả tiếp thị bán hàng của mình và của người tham gia bán hàng đa cấp cấp dưới trong mạng lưới do mình tổ chức và mạng lưới đó được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp quản lý
1. Căn cứ chức năng quản lý nhà nước, được pháp luật quy định và sự phân cấp của Ủy ban nhân dân Thành phố, các Sở, ngành liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác quản lý doanh nghiệp Thông báo và Đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp trong phạm vi ngành mình phụ trách. Việc cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy đăng ký, kiểm tra hướng dẫn, giám sát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật và thu hồi Giấy đăng ký phải đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp. Nghiêm cấm mọi thái độ cửa quyền, quan liêu, vô trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu đòi hỏi các doanh nghiệp phải thực hiện những điều pháp luật không quy định.
2. Sở Công Thương là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan trong công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
3. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động bán hàng đa cấp theo chức năng, nhiệm vụ từng ngành, các cơ quan có trách nhiệm chủ động phối hợp hoạt động với cơ quan, đơn vị liên quan để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo điều hành giữa các cơ quan quản lý của Thành phố. Việc phối hợp được tiến hành trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan và yêu cầu công tác quản lý hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp theo từng thời điểm.
Chương 2.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC THÀNH PHỐ HÀ NỘI TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP
Điều 4. Trách nhiệm của Sở Công Thương Hà Nội
1. Là cơ quan cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung và thu hồi Giấy đăng ký các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố theo qui định của Luật cạnh tranh, Nghị định số 110/2005/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và Thông tư 110/2005/NĐ-CP">19/2005/TT-BTM ngày 08/11/2005 hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/08/2005 và qui định của Thành phố.
2. Thực hiện quản lý hành chính Nhà nước đối với các Doanh nghiệp Đăng ký và gửi Thông báo tổ chức bán hàng đa cấp trên địa bàn Thành phố theo các quy định của pháp luật có liên quan; hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp bán hàng đa cấp tuân thủ các quy định của pháp luật, chủ trì công tác phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp Đăng ký và Thông báo tổ chức bán hàng đa cấp.
3. Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tổ chức (hoặc phối hợp với các đoàn thể, quần chúng tổ chức) làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật kinh doanh bán hàng đa cấp cho các doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động bán hàng đa cấp theo thẩm quyền và quy định hiện hành của pháp luật.
4. Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức bán hàng đa cấp theo Giấy đăng ký đã cấp, phát hiện và có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.
5. Hàng năm, tổng hợp báo cáo định kỳ Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân Thành phố về tình hình cấp phép, sửa đổi, bổ sung, thu hồi Giấy đăng ký và các doanh nghiệp gửi thông báo tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
6. Thu và sử dụng lệ phí cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung giấy phép đối với các doanh nghiệp đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp theo chế độ quy định hiện hành của Nhà nước.
7. Kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bổ sung, điều chỉnh những quy định không phù hợp với tình hình thực tế trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Điều 5. Trách nhiệm của Công an Thành phố Hà Nội.
1. Thực hiện công tác phối hợp với các cơ quan quản lý có liên quan hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp có hoạt động bán hàng đa cấp tuân thủ các quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
2. Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan quản lý có liên quan tiến hành kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn.
3. Đề nghị Sở Công thương và các cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định về hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố.
4. Chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành tham mưu UBND Thành phố ban hành các quy định quản lý Nhà nước về an ninh trật tự trong hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố.
Điều 6. Trách nhiệm của Cục thuế Hà Nội
1. Hướng dẫn các doanh nghiệp được cấp Giấy đăng ký trên địa bàn thực hiện chế độ kê khai và nộp các khoản thuế theo quy định của pháp luật.
2. Phối hợp với Sở Công Thương, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan và cử cán bộ tham gia trực tiếp các hoạt động phối hợp kiểm tra và xử lý các vụ việc có vi phạm của các doanh nghiệp có hoạt động bán hàng đa cấp; kiểm tra việc kê khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm Luật Thuế của các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội
1. Có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý chất lượng đối với các mặt hàng kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp thuộc lĩnh vực do Ngành quản lý.
2. Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi tổ chức bán hàng đa cấp đối với hàng hóa không được phép kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp theo quy định tại Điều 5 khoản 1 điềm b của Nghị định 110/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ.
Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thành phố Hà Nội
1. Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát đối với các hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp trên địa bàn quận, huyện trong việc chấp hành pháp luật.
2. Phối hợp với các đoàn thể quần chúng tổ chức phổ biến, tuyên truyền pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp trong đoàn thể của mình và trong nhân dân địa phương.
Chương 3.
QUAN HỆ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Điều 9. Quan hệ phối hợp
1. Theo yêu cầu và tình hình cụ thể về công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng có chức năng liên quan của thành phố chủ động xác lập mối quan hệ, tổ chức phối hợp và tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết, đảm bảo cho công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm trên địa bàn Thành phố có hiệu quả và đúng pháp luật.
2. Việc tổ chức phối hợp lực lượng kiểm tra và xử lý theo từng vụ việc căn cứ vào nguồn thông tin và công tác kiểm tra của từng bộ phận và phải do người đứng đầu bộ phận đó có yêu cầu bằng văn bản. Nghiêm cấm các cán bộ dưới quyền tự ý tổ chức sự phối hợp các cơ quan để tiến hành kiểm tra, kiểm soát trái quy chế này.
Điều 10. Nội dung và phương pháp phối hợp cụ thể
1. Sở Công Thương Hà Nội có trách nhiệm:
a) Chủ trì tổ chức việc phối hợp hoạt động giữa các cơ quan theo trách nhiệm đã được phân công, quy định tại Điều 3 của Quy chế này.
b) Phối hợp chỉ đạo, tổ chức huy động (khi cần thiết) lực lượng của các cơ quan để tham gia thực hiện công tác kiểm tra, xử lý các hoạt động bán hàng đa cấp trái phép. Tạo điều kiện cho lực lượng của cơ quan chức năng thực hiện điều tra, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền của từng đơn vị.
c) Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trao đổi thông tin, đề xuất, kiến nghị với Bộ Công Thương để bổ sung, điều chỉnh những điểm không phù hợp với tình hình thực tế, tạo ra sự thống nhất, đồng bộ, kịp thời trong việc cấp phép và quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
d) Định kỳ 6 tháng một lần tổ chức việc giao ban giữa các cơ quan quản lý nhà nước thuộc thành phố về công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn. Hàng năm có sơ kết đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp của các cơ quan, đơn vị theo quy chế này. Kịp thời đề xuất, bổ sung sửa đổi những điểm chưa phù hợp của Quy chế để việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố đạt hiệu quả hơn.
đ) Sao gửi Giấy đăng ký cho các đơn vị, cơ quan có liên quan; sao gửi hồ sơ đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp cho các đơn vị, cơ quan có liên quan khi cần thiết để phối hợp hoạt động quản lý bán hàng đa cấp trên địa bàn.
e) Lập kế hoạch triển khai, hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan, các cơ quan thông tin đại chúng, văn hóa tuyên truyền và các tổ chức đoàn thể quần chúng trên địa bàn triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện pháp luật cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân Thủ đô.
g) Đối với từng chuyên đề, vụ việc cần huy động sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan, Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội chủ trì tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành triển khai công tác kiểm tra và có trách nhiệm:
- Bảo đảm tính pháp lý và trình tự thủ tục đối với các vụ việc tiến hành kiểm tra.
- Chịu trách nhiệm về chi phí trong quá trình tổ chức kiểm tra theo quy định hiện hành.
- Thống nhất bằng văn bản với đơn vị phối hợp kiểm tra về kết luận hành vi vi phạm và mức độ xử lý trước khi quyết định theo thẩm quyền hoặc chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.
h) Kết thúc từng chuyên đề, vụ việc, đoàn kiểm tra phải có báo cáo bằng văn bản trình lãnh đạo các bộ, sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện có liên quan kết quả xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị biện pháp xử lý ngoài thẩm quyền với các cơ quan quản lý cấp trên theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thành phố Hà Nội:
a) Thực hiện chế độ thông tin thường xuyên hoặc đột xuất về tình hình có liên quan đến công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp thuộc lĩnh vực ngành mình phụ trách với Sở Công Thương Hà Nội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Công Thương.
b) Chỉ định đơn vị đầu mối trực thuộc để thực hiện quy chế phối hợp; cử cán bộ tham gia trực tiếp các hoạt động phối hợp kiểm tra và xử lý các vụ việc có vi phạm của các doanh nghiệp có hoạt động bán hàng đa cấp theo đề nghị của Sở Công Thương Hà Nội.
Điều 11. Điều khoản thi hành
1. Cán bộ, công chức, đơn vị khi thi hành công vụ nếu vi phạm các quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã phản ánh kịp thời về Sở Công Thương, Sở có trách nhiệm tổng hợp, đề xuất biện pháp giải quyết và trình Ủy ban nhân dân Thành phố đề nghị điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế./.