Quyết định 167/2005/QĐ-UBND

Quyết định 167/2005/QĐ-UBND ban hành Quy định điều kiện đảm bảo kinh doanh đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Quyết định 167/2005/QĐ-UBND Quy định điều kiện đảm bảo kinh doanh đã được thay thế bởi Quyết định 123/2009/QĐ-UBND điều kiện đảm bảo kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng và được áp dụng kể từ ngày 01/01/2010.

Nội dung toàn văn Quyết định 167/2005/QĐ-UBND Quy định điều kiện đảm bảo kinh doanh


UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 167/2005/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO KINH DOANH ĐỐI VỚI CÁC MẶT HÀNG VẬT LIỆU XÂY DỰNG KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND;
- Căn cứ Pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính;
- Căn cứ Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19/2/2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ; Nghị định số 175/2004/NĐ-CP ngày 10/10/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại; Nghị định số 121/2004/NĐ-CP ngày 12/5/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
- Căn cứ Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 3/3/1999 của Chính phủ về hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện, hàng hoá dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện; Thông tư số 11/1999/NĐ-CP">04/1999/TT-BXD ngày 17/7/1999 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 3/3/1999 của Chính phủ đối với mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện;
- Căn cứ Quyết định số 133/2005/QĐ-UBND ngày 29/8/2005 của UBND Thành phố Hà Nội về ban hành Quy hoạch các địa điểm được phép kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn Thành phố Hà Nội;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội tại tờ trình số 1356/TTr-SXD ngày 30 tháng 9 năm 2005,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định điều kiện đảm bảo kinh doanh đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Thương mại, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Công chính, Giám đốc Công an Thành phố, Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ngành đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các Quận, Huyện, Phường, Xã, Thị trấn, các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn Thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

T.M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Hoàng Ân

 

QUY ĐỊNH

ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO KINH DOANH ĐỐI VỚI CÁC MẶT HÀNG VẬT LIỆU XÂY DỰNG KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 167/2005/QĐ-UBND ngày 31/10/2005 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích quản lý.

Quy định này là cơ sở để thực hiện công tác quản lý Nhà nước về điều kiện đảm bảo kinh doanh đối với các mặt hàng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn Thành phố, nhằm hạn chế những ảnh hưởng có hại đến môi trường, bảo đảm vệ sinh, giữ gìn cảnh quan đô thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội và góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng và người tiêu dùng.

Điều 2. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định các điều kiện đảm bảo kinh doanh đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn Thành phố Hà Nội

2. Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý

1. Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội thống nhất quản lý việc kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

2. Sở Xây dựng Hà Nội là cơ quan chuyên môn của UBDN Thành phố chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân các Quận, Huyện thực hiện việc quản lý Nhà nước về điều kiện đảm bảo kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn Thành phố.

Điều 4. Nguyên tắc áp dụng Pháp luật.

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh các loại vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện phải đồng thời thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan và bản quy định này.

2. Đối với các hành vi vi phạm điều kiện đảm bảo kinh doanh vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện đồng thời ở nhiều quy định quản lý khác nhau thì việc xử phạt phải được thực hiện theo vi phạm hành chính có mức xử phạt cao nhất được quy định trong Nghị định tương ứng của Chính phủ.

Điều 5. Địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng.

Địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng bao gồm: các trạm tiếp nhận, kho, bãi tồn trữ; trung tâm, siêu thị, chợ, cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng.

Điều 6. Danh mục các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện gồm có.

1. Xi măng các loại.

2. Vôi xây dựng (vôi tôi, vôi cục, vôi bột).

3. Gạch ốp lát, kính xây dựng, tấm lợp xi măng, tấm lợp kim loại, tấm lợp nhựa, sắt thép, kim loại xây dựng, ống thép, cấu kiện kim loại phục vụ xây dựng, ống nhựa, cốp pha thép, giàn giáo tuýp, cửa và cốp pha nhựa, tấm trần nhựa, tấm trần thạch cao, gạch xây, ngói lợp, bê tông đúc sẵn, cát, đá, sỏi.

4. Gỗ, cấu kiện gỗ xây dựng, tre, trúc, vầu, nứa, lá, cót ép, giấy dầu, cốp pha gỗ.

5. Phụ gia xây dựng, sơn xây dựng.

Chương II

ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO KINH DOANH ĐỐI VỚI CÁC MẶT HANG VẬT LIỆU XÂY DỰNG KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN

Điều 7. Điều kiện chung.

1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện do cơ quan có thẩm quyền cấp và kinh doanh đúng nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2. Có cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị kinh doanh theo quy định cụ thể tại Điều 8 của Bản quy định này.

3. Có địa điểm kinh doanh phù hợp với Quy hoạch các địa điểm được phép kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn Thành phố. Đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan, phòng chống cháy nổ; Đảm bảo trật tự an toàn giao thông; không xâm phạm chỉ giới giao thông, không xâm lấn vỉa hè, lòng đường, đảm bảo các quy định về hành lang bảo vệ đê, hành lang bảo vệ công trình đường bộ, đường sông, đường sắt và hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Phải có biển hiệu ghi rõ tên cửa hàng và tên doanh nghiệp hoặc họ tên cá nhân kinh doanh, giấy phép kinh doanh, cơ quan cấp phép kinh doanh. Phải niêm yết công khai và bán đúng giá các chủng loại vật liệu xây dựng được phép kinh doanh.

4. Không tổ chức điểm tiếp nhận vào kho, bãi tồn trữ các loại vật liệu xây dựng gây bụi bẩn, cồng kềnh, dễ cháy, có mùi tại các nơi tập trung dân cư, đô thị, khu vực Thị trấn, Thị tứ và các Quận nội thành.

5. Việc bán và xuất hàng lên các phương tiện vận chuyển phải đảm bảo che đậy kín, không gây bụi bẩn, vương vãi. Riêng đối với vận chuyển xi măng, vôi cục, vôi bột việc che đậy kín còn phải đảm bảo không bị ảnh hưởng của nước mưa; không vận chuyển quá kích thước và trọng lượng so với quy định về an toàn giao thông và phải tuân thủ theo quy định về thời gian được phép vận chuyển của Thành phố.

Điều 8. Điều kiện cụ thể đối với việc kinh doanh các mặt hàng.

1. Xi măng các loại.

a. Cửa hàng hoặc kho chứa tồn trữ xi măng phải bảo đảm kín, khô ráo.

b. Xi măng bao phải được kê xếp gọn gàng trên kệ, đảm bảo khi thời tiết mưa ẩm không làm giảm chất lượng xi măng.

c. Phải có dụng cụ cân đong chính xác và đóng gói cho khách hàng khi bán lẻ.

2. Vôi xây dựng (vôi tôi, vôi cục, vôi bột)

a. Địa điểm kinh doanh vôi xây dựng không được đặt ở các khu vực đông dân cư, xung quanh trường học, các trung tâm văn hoá thể thao, bệnh viện, chợ.

b. Việc tồn trữ vôi cục phải có kho kín hoặc bao bì chống ẩm, đặt nơi cao ráo.

c. Việc tôi vôi và dự trữ vôi phải bằng thùng, bể xây có nắp đậy hoặc hố đào có hàng rào che chắn cao ít nhất 1m, đặt ở nơi có ít người qua lại, có biển cấm và ban đêm phải có đèn báo hiệu khu vực nguy hiểm.

3. Nhóm vật liệu xây dựng cồng kềnh gồm: Gạch ốp lát, kính xây dựng, tấm lợp xi măng, tấm lợp kim loại, tấm lợp nhựa, sắt thép, kim loại xây dựng, ống thép, cấu kiện kim loại phục vụ xây dựng, ống nhựa, cốp pha thép, giàn giáo tuýp, cửa và cốp pha nhựa, tấm trần nhựa, tấm trần thạch cao, gạch xây, ngói lợp, bê tông đúc sẵn, cát, đá, sỏi.

a. Địa điểm kinh doanh phải có đủ bến bãi để tập kết thuận lợi cho các phương tiện vận tải ra vào, nơi kê xếp sản phẩm phải ngăn nắp, gọn gàng, tránh đổ vỡ gây tai nạn.

b. Không lấn chiếm ngoài diện tích được phép kinh doanh, riêng đá, cát, sỏi phải xây ô chứa, rào chắn kín tránh tràn trôi.

c. Hệ thống thoát nước của địa điểm kinh doanh phải có hố thu, lắng đọng vật liệu bị tràn trôi, thường xuyên nạo vét thu gom và vận chuyển đến nơi quy định của Thành phố, không để ảnh hưởng tới hệ thống thoát nước chung của khu vực và môi trường xung quanh.

4. Nhóm vật liệu cồng kềnh dễ cháy, có mùi, gồm: Gỗ, cấu kiện gỗ xây dựng, tre, trúc, vầu, nứa, lá, cót ép, giấy dầu, cốp pha gỗ.

a. Địa điểm kinh doanh các loại vật liệu thuộc nhóm này phải đảm bảo những điều kiện như đối với nhóm nêu tại khoản 3 Điều 8 của Quy định này.

b. Nơi tồn trữ, kinh doanh các loại vật liệu này phải đặt xa nơi sinh lửa, phải có các thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định của Công an Thành phố.

5. Phụ gia xây dựng, sơn xây dựng.

a. Việc tồn trữ và vận chuyển đối với những loại vật liệu này phải có bao bì đóng gói đối với dạng bột; thùng, hộp, téc chứa kín đối với dạng lỏng.

b. Có dụng cụ cân đong an toàn khi mua bán.

c. Không được để các dung môi của phụ gia và sơn ở nơi gần nguồn nước, giếng ăn, ao hồ, nơi có nhiệt độ cao, có khả năng phát cháy.

d. Phải có trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định của Công an Thành phố.

Chương III

XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CÁC MẶT HÀNG VẬT LIỆU XÂY DỰNG KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN

Điều 9. Vi phạm các quy định về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

1. Đối tượng vi phạm là hộ kinh doanh

Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh:

a. Kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

b. Cho thuê, cho mượn Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c. Tự viết thêm, tẩy xoá, sửa chữa các nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

d. Tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2. Đối tượng vi phạm là doanh nghiệp

Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh:

a. Kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

b. Cho thuê, cho mượn Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c. Tự viết thêm, tẩy xoá, sửa chữa các nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

d. Tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Điều 10. Vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh.

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Kinh doanh đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng có điều kiện mà không đảm bảo các điều kiện kinh doanh theo quy định;

b. Không thực hiện đúng các quy định khác có liên quan khi kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng có điều kiện.

2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng có điều kiện không đảm bảo an toàn về phòng chống cháy, nổ, vệ sinh, môi trường, ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng.

3. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra.

Điều 11. Vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh gây mất vệ sinh môi trường.

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp vi phạm lần đầu.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp tái phạm.

3. Ngoài việc phạt tiền các vi phạm nói trên tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này còn bị áp dụng biện pháp buộc phải khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.

Điều 12. Vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ.

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

2. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a. Buộc khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả nguyên trạng phần đường, vỉa hè đã chiếm dụng trái phép;

b. Tịch thu toàn bộ số vật liệu xây dựng để ngoài phạm vi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép;

c. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP, NGÀNH, CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG QUẢN LÝ, KINH DOANH CÁC MẶT HÀNG VẬT LIỆU XÂY DỰNG KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN

Điều 13. Trách nhiệm của UBND Quận, Huyện, Phường, Xã, Thị trấn.

1. Uỷ ban nhân dân các Quận, Huyện

a/ Khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện cho các cá nhân phải căn cứ vào Quy hoạch các địa điểm được phép kinh doanh vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn Thành phố và quy định đảm bảo điều kiện kinh doanh vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện tại bản quy định này; đồng thời có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng xem xét giải quyết các trường hợp vướng mắc hoặc trình Uỷ ban nhân dân Thành phố xem xét, giải quyết các trường hợp vượt quá thẩm quyền trong việc kinh doanh vật liệu xây dựng có điều kiện trên địa bàn;

b/ Chỉ đạo Thanh tra xây dựng Quận, Huyện chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân Phường, Xã, Thị trấn và các phòng, ban, đơn vị liên quan tổ chức phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn vi phạm điều kiện kinh doanh tại bản quy định này;

c/ Uỷ ban nhân dân các Quận, Huyện định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo tình hình thực hiện quy định điều kiện kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn về Sở Xây dựng để tổng hợp chung báo cáo Uỷ ban nhân dân Thành phố và Bộ Xây dựng.

2- Uỷ ban nhân dân các Phường, Xã, Thị trấn.

a/ Quản lý hành chính các hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn thực hiện điều kiện kinh doanh theo bản quy định này.

b/ Phối hợp với Thanh tra Xây dựng Quận, Huyện tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn vi phạm điều kiện kinh doanh tại bản quy định này.

Điều 14. Trách nhiệm của các Sở, Ngành Thành phố.

1. Sở Xây dựng Hà Nội.

a/ Chủ trì cùng với các Sở, Ngành: Công an Thành phố, Giao thông Công chính, Thương mại, Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan và Uỷ ban nhân dân các Quận, Huyện tổ chức thực hiện công tác quản lý kinh doanh vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn.

b/ Chỉ đạo Thanh tra Xây dựng Thành phố kiểm tra định kỳ, đột xuất các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn Thành phố, xử lý các vi phạm hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về điều kiện kinh doanh vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện; phối hợp với các lực lượng Công an Thành phố, Thanh tra Giao thông Công chính, Quản lý thị trường trong việc xử lý các vi phạm tại Điều 9, 10, 11, 12 bản quy định này.

c/ Sở Xây dựng Hà Nội định kỳ hàng năm thực hiện việc báo cáo Uỷ ban nhân dân Thành phố và Bộ Xây dựng kết quả tình hình kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn Thành phố; Thường xuyên nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch các địa điểm được phép kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện, các điều kiện kinh doanh cho phù hợp với các quy định của Nhà nước và điều kiện thực tế tại Hà Nội.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư.

a/ Hướng dẫn các tổ chức đăng ký kinh doanh ngành nghề kinh doanh vật liệu xây dựng có điều kiện phải đảm bảo tuân thủ Quy định này. Địa điểm kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch các địa điểm được phép kinh doanh vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn Hà Nội.

b/ Thu hồi hoặc đình chỉ có hiệu lực đăng ký kinh doanh đối với các trường hợp vi phạm quy định về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và bản quy định này.

3. Sở Thương mại

Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý các vi phạm nói tại Điều 9, 10 bản quy định này; phối hợp với các lực lượng Công an Thành phố, Thanh tra Xây dựng, Thanh tra Giao thông Công chính trong việc xử lý các vi phạm tại Điều 11, 12 bản quy định này.

4. Sở Giao thông Công chính.

Chỉ đạo Thanh tra Giao thông Công chính thực hiện kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn vi phạm hành chính về điều kiện kinh doanh tại Quy định này trong lĩnh vực quản lý trật tự an toàn giao thông; lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường; gây bụi bẩn, mất mỹ quan đường phố tại Điều 12 bản quy định này; phối hợp với các lực lượng Công an Thành phố, Thanh tra xây dựng, Quản lý thị trường trong việc xử lý các vi phạm tại Điều 9, 10, 11, 12 bản quy định này.

5. Công an Thành phố,

Chỉ đạo Phòng Cảnh sát trật tự, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Quận, Huyện, Phường, Xã, Thị trấn phối hợp với Thanh tra Xây dựng, Thanh tra Giao thông Công chính, Quản lý thị trường, Chính quyền địa phương kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn vi phạm hành chính về điều kiện kinh doanh tại Quy định này trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội tại Khoản 2 Điều 10, Điều 12 bản quy định này.

Chỉ đạo phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Pháp lệnh phòng cháy chữa cháy.

Điều 15. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện.

1. Các tổ chức, cá nhân khi đăng ký kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện phải có cam kết tuân thủ thực hiện theo các Quy định điều kiện kinh doanh.

2. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện phải thực hiện nghiêm chỉnh các điều kiện kinh doanh quy định tại các Điều 7, 8 của bản quy định này.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Xử lý chuyển tiếp

1. Tổ chức, cá nhân đang kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 6, 7 và 8 bản quy định này được tiếp tục kinh doanh theo quy định.

2. Trường hợp tổ chức, cá nhân có địa điểm kinh doanh không phù hợp với quy hoạch, không đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 7 và Điều 8 bản quy định này thì chỉ được sử dụng làm cửa hàng giao dịch, giới thiệu mẫu sản phẩm; không được bán hàng trực tiếp.

Điều 17. Điều khoản thi hành

Các nội dung liên quan đến trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh vật liệu xây dựng và trách nhiệm quản lý việc kinh doanh vật liệu xây dựng của các Sở, Ngành, Uỷ ban nhân dân các Quận, Huyện, Phường, Xã, Thị trấn tại Quy định thực hiện các biện pháp giảm bụi trong lĩnh vực xây dựng, ban hành theo Quyết định số 02/2005/QĐ-UB ngày 10/01/2005 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội, được thay thế bằng các nội dung quy định tại các Điều 9, 10, 11, 12 Chương III và các Điều 13, 14, 15 Chương IV bản quy định này.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 167/2005/QĐ-UBND

Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 167/2005/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành 31/10/2005
Ngày hiệu lực 15/11/2005
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Thương mại, Xây dựng - Đô thị
Tình trạng hiệu lực Hết hiệu lực 12/08/2010
Cập nhật 7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 167/2005/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 167/2005/QĐ-UBND Quy định điều kiện đảm bảo kinh doanh


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

Văn bản liên quan ngôn ngữ

Văn bản sửa đổi, bổ sung

Văn bản bị đính chính

Văn bản được hướng dẫn

Văn bản đính chính

Văn bản bị thay thế

Văn bản hiện thời

Quyết định 167/2005/QĐ-UBND Quy định điều kiện đảm bảo kinh doanh
Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 167/2005/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Đỗ Hoàng Ân
Ngày ban hành 31/10/2005
Ngày hiệu lực 15/11/2005
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Thương mại, Xây dựng - Đô thị
Tình trạng hiệu lực Hết hiệu lực 12/08/2010
Cập nhật 7 năm trước

Văn bản hướng dẫn

Văn bản được hợp nhất

Văn bản gốc Quyết định 167/2005/QĐ-UBND Quy định điều kiện đảm bảo kinh doanh

Lịch sử hiệu lực Quyết định 167/2005/QĐ-UBND Quy định điều kiện đảm bảo kinh doanh