Quyết định 1751/2006/QĐ-UBND

Quyết định 1751/2006/QĐ-UBND phê duyệt đề án phương hướng thập niên chất lượng giai đoạn 2006 - 2015 do tỉnh Vĩnh Long ban hành

Quyết định 1751/2006/QĐ-UBND đề án thập niên chất lượng Vĩnh Long đã được thay thế bởi Quyết định 08/2017/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản quy phạp pháp luật Vĩnh Long 2017 và được áp dụng kể từ ngày 05/05/2017.

Nội dung toàn văn Quyết định 1751/2006/QĐ-UBND đề án thập niên chất lượng Vĩnh Long


UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG

----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1751/2006/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 07 tháng 9 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHƯƠNG HƯỚNG THẬP NIÊN CHẤT LƯỢNG TỈNH VĨNH LONG, GIAI ĐOẠN 2006 - 2015

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 272/2003/QĐ-TTg ngày 31/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 67/2006/QĐ-TTg ngày 21/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 5 năm 2006 - 2010;

Căn cứ Nghị quyết số 35/2006/NQ-HĐND ngày13/7/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2006;

Xét Tờ trình số 241/TTr-SKHCN ngày 26/8/2006 của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ về việc xin phê duyệt Đề án “Phương hướng Thập niên Chất lượng tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2006 - 2015”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt Đề án “Phương hướng Thập niên Chất lượng tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2006-2015" kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Giám đốc các Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và các doanh nghiệp tổ chức triển khai và thực hiện Đề án “Phương hướng Thập niên Chất lượng tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2006 - 2015".

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày và được đăng Công báo của tỉnh.

Điều 4. Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và các doanh nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Xuân

 

ĐỀ ÁN

PHƯƠNG HƯỚNG THẬP NIÊN CHẤT LƯỢNG TỈNH VĨNH LONG, GIAI ĐOẠN 2006 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1751/2006/QĐ-UBND, ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

I. SỰ CẦN THIẾT THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Những kết quả và hạn chế về hoạt động chất lượng giai đoạn 1996 - 2005.

1.1. Những kết quả chủ yếu:

Tháng 8 năm 1995, “Thập niên Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất, 1996-2005” chính thức được phát động. Kể từ đó, phong trào chất lượng phát triển rộng khắp trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, hoạt động năng suất - chất lượng đã được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện và đạt được những thành quả đáng khích lệ. Công tác tuyên truyền, đào tạo, tư vấn về năng suất - chất lượng được đẩy mạnh với trên 40 cuộc hội nghị, hội thảo khoa học, tập huấn, triển lãm…về tiêu chuẩn - chất lượng cho gần 1.000 lượt doanh nghiệp với trên 5.000 lượt người tham dự. Đến nay, có khoảng 1.500 cơ sở sản xuất với trên 3.760 sản phẩm đã đăng ký áp dụng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa (bao gồm tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn cơ sở); đặc biệt, đã có 09 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế, 12 lượt doanh nghiệp đã áp dụng và đạt Giải thưởng Chất lượng Việt Nam. Tỉnh đã chọn được 30 sản phẩm hàng hoá tiêu biểu được thị trường chấp nhận.

Hoạt động thanh, kiểm tra chất lượng hàng hoá, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng hàng hoá đã được các sở, ban, ngành phối hợp thực hiện tại 26.133 cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời trên 4.800 trường hợp vi phạm, góp phần ổn định trật tự sản xuất, kinh doanh và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa.

Phong trào chất lượng của tỉnh đã mang lại những kết quả quan trọng, đặc biệt giai đoạn (2001 - 2005), tổng sản phẩm (GDP) tăng bình quân hàng năm 8,60%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đã hình thành được vùng chuyên canh lúa, rau màu, cây ăn trái chất lượng cao; trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, từng bước nâng cao được chất lượng những sản phẩm hàng hoá vốn là thế mạnh của tỉnh như: chế biến lương thực, gốm sứ, sản phẩm hoá dầu, dược phẩm, vật tư y tế, phân bón,…

Phong trào "Thập niên Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất, 1996 - 2005" bước đầu đã khẳng định vị trí quan trọng của năng suất - chất lượng, góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

1.2. Những hạn chế:

Tuy đã đạt được những kết quả khả quan nhưng so với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động năng suất - chất lượng của tỉnh còn những hạn chế và yếu kém.

- Qui mô doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa: Tính đến cuối năm 2005, toàn tỉnh có 1.476 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký ban đầu khoảng 2.195 tỷ đồng (qui mô vốn trung bình 01 doanh nghiệp khoảng 1,5 tỷ đồng), vì thế qui mô sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh còn rất hạn chế.

- Chất lượng hàng hóa, dịch vụ còn thấp, chưa thật sự ổn định so với hàng hóa, dịch vụ cùng loại trong nước và thế giới, nhiều hàng hóa chưa đăng ký thương hiệu, kiểu dáng thiếu hấp dẫn, đa số doanh nghiệp chưa làm tốt khâu nghiên cứu thị trường…nên tính cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ chưa cao.

- Công nghệ lạc hậu so với khu vực (1 - 2 thế hệ) và với các nước tiên tiến (2 - 3 thế hệ). Tình trạng này đã làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của sản phẩm bằng chất lượng và giá cả.

- Thiếu nghiêm trọng lao động có kỹ năng sử dụng công nghệ: Số kỹ sư công nghệ và công nhân bậc cao chiếm tỷ lệ rất thấp. Phần lớn lao động có tay nghề thấp, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn cao.

- Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào sản xuất, kinh doanh và dịch vụ còn ít: Do lãnh đạo chưa nhận thức đúng đắn mục đích và lợi ích của việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, thiếu chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp và chưa có đội ngũ chuyên gia tư vấn về năng suất - chất lượng ở địa phương, nên hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có một số ít doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ( như ISO 9000, HACCP, GMP…).

- Cơ sở vật chất phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu: Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 05 cơ quan, đơn vị nhà nước có phòng kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm (Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Xây dựng, Sở Y tế, Sở Giao thông - Vận tải và Điện lực Vĩnh Long); trang thiết bị lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ kiểm tra chất lượng theo quy định.

Những hạn chế nêu trên là nguyên nhân làm cho hoạt động năng suất - chất lượng trong thập niên qua chưa tạo được phong trào sâu rộng trong xã hội, chưa biến thành chương trình hành động cụ thể của các ngành, các cấp. Vai trò năng suất - chất lượng chưa trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

2. Sự cần thiết thực hiện đề án.

- Bối cảnh trong nước và quốc tế:

Trong xu thế toàn cầu hóa về kinh tế hiện nay, chất lượng hàng hóa và dịch vụ giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật và công nghệ hiện đại làm cho cơ cấu nền sản xuất biến đổi theo chiều hướng gia tăng của các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao.

- Sự cần thiết thực hiện đề án:

Lộ trình và các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt ra cho Chiến lược phát triển chất lượng của nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng những yêu cầu cấp bách phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất - chất lượng sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông thương mại, đáp ứng các yêu cầu về an toàn, sức khỏe và môi trường.

Năng suất - chất lượng là động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế. Đó là yêu cầu bức thiết phải xây dựng và thực hiện Đề án "Phương hướng Thập niên Chất lượng tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2006 - 2015 ".

II. MỤC TIÊU PHƯƠNG HƯỚNG THẬP NIÊN CHẤT LƯỢNG TỈNH VĨNH LONG ĐẾN 2015.

1. Mục tiêu chung:

- Từ nay đến năm 2015, phương hướng chất lượng tỉnh Vĩnh Long tập trung thực hiện những mục tiêu chủ yếu sau đây:

- Thực hiện tốt phong trào Năng suất - Chất lượng, để nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ của tỉnh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.

- Hình thành và phát triển phong trào Năng suất - Chất lượng trong toàn tỉnh, tạo cơ sở pháp lý để các ngành, các cấp và doanh nghiệp trong tỉnh xây dựng, thực hiện các chương trình, dự án tăng năng suất - chất lượng thường xuyên và liên tục.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý Nhà nước của các cơ quan hành chính, sự nghiệp; nâng cao trình độ kinh doanh của các doanh nghiệp trên cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000, kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống thông tin địa lý (GIS); đầu tư nâng cấp và mở rộng xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; nâng cấp các phòng kiểm nghiệm hiện có, hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng quốc tế ISO/IEC 17025 trong hoạt động kiểm nghiệm, thử nghiệm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

- Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống, công cụ quản lý chất lượng tiên tiến và phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Phấn đấu đến năm 2010, có 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trọng điểm và xuất khẩu được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiến tiến; đến năm 2015, 100% các doanh nghiệp sản xuất còn lại áp dụng ít nhất một công cụ quản lý chất lượng phù hợp, để nâng sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.

III. NỘI DUNG CHỦ YẾU PHƯƠNG HƯỚNG THẬP NIÊN CHẤT LƯỢNG TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2006 - 2015.

Nhiệm vụ trọng tâm của "Thập niên Chất lượng tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2006 - 2015 " là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hoá, nâng cao nhận thức về năng suất - chất lượng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, làm cơ sở hình thành " Phong trào năng suất - chất lượng " trong phạm vi toàn tỉnh. Xây dựng thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch phát triển sản phẩm hàng hoá chủ lực, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…làm cho năng suất - chất lượng thực sự trở thành yếu tố quyết định đối với quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nội dung chủ yếu của Đề án phát triển Thập niên Chất lượng 2006 - 2015 gồm:

1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng.

- Các sở, ban ngành tỉnh, nhất là các ngành kinh tế - kỹ thuật có chức năng quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá theo chuyên ngành, phối hợp với sở Khoa học và Công nghệ để đẩy mạnh các hoạt động quản lý về chất lượng hàng hoá, giúp doanh nghiệp am hiểu và chấp hành tốt pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi gian lận thương mại về đo lường, chất lượng theo qui định pháp luật.

- Đẩy mạnh các hoạt động về tiêu chuẩn hoá, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công bố chất lượng hàng hoá, công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn, thực hiện chứng nhận hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn, nhất là các hàng hóa trọng điểm của tỉnh, hàng hóa có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh, an toàn, môi trường, góp phần bảo vệ thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu.

- Xây dựng và thực hiện các hình thức tôn vinh, khen thưởng về chất lượng; khuyến khích doanh nghiệp tham gia giải thưởng chất lượng Việt Nam và quốc tế; nghiên cứu và triển khai nhiều hình thức khen thưởng, động viên, thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao năng suất - chất lượng.

2. Xây dựng và thực hiện các chương trình chất lượng trọng điểm:

Tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ của mình, các cấp, các ngành xây dựng và triển khai thực hiện chương trình hành động cụ thể về chất lượng, để góp phần thực hiện mục tiêu Đề án này.

- Nghiên cứu xác định, triển khai thực hiện chương trình phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh (trên lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp) theo hướng phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế.

- Xây dựng và thực hiện đề án hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000, HACCP, ISO 14000… và các công cụ cải tiến nâng cao năng suất - chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa địa phương.

- Xây dựng và thực hiện chương trình phát triển công nghệ của tỉnh: Tập trung thực hiện tốt chương trình đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng và phát triển công nghệ cao như: công nghệ sau thu hoạch, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới…Áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí sản xuất và kinh doanh trong doanh nghiệp.

- Triển khai thực hiện Quyết định 144/2006/QĐ-TTg ngày 20/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

- Xây dựng và thực hiện chương trình xúc tiến chất lượng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm hiểu và mở rộng phát triển thị trường, để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

3. Xây dựng chính sách thúc đẩy hoạt động Năng suất - Chất lượng.

Ban hành các chính sách khuyến khích, thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất - chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, của doanh nghiệp và của sản phẩm; tập trung những lĩnh vực chủ yếu sau:

- Chính sách hỗ trợ đổi mới thiết bị và công nghệ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ lực lượng cán bộ quản lý, kinh doanh, đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật có tay nghề cao.

- Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, tăng cường xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quan hệ với các doanh nghiệp có nền kinh tế phát triển trong khu vực và thế giới, mở rộng hợp tác sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của tỉnh.

- Xây dựng chính sách khuyến khích, liên kết, hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu - phát triển với doanh nghiệp, tạo điều kiện ứng dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong quan hệ thương mại.

4. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

- Trên cơ sở phát huy năng lực, trang thiết bị kỹ thuật hiện có, tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực kỹ thuật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo hướng hội nhập và yêu cầu quản lý Nhà nước. Nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ hoạt động đo lường, thử nghiệm trên địa bàn tỉnh.

- Phát huy nguồn lực các phòng kiểm nghiệm của các ngành kinh tế - kỹ thuật, các doanh nghiệp để phục vụ công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, để phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh; phấn đấu xây dựng phòng kiểm nghiệm được công nhận theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025.

- Tăng cường công tác đào tạo cán bộ quản lý về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng hàng hóa cho các ngành và huyện, thị xã. Quan tâm đào tạo chuyên gia về năng suất - chất lượng cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển phong trào năng suất chất lượng.

- Tiếp tục tăng cường hoạt động tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và nâng cao hơn nữa nhận thức về năng suất - chất lượng sản phẩm hàng hóa cho mọi thành phần xã hội, nhất là các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Xây dựng phong trào năng suất - chất lượng trong tỉnh, làm cho chất lượng thực sự trở thành yếu tố quyết định, là chìa khóa để phát triển và hội nhập thành công.

- Đẩy mạnh các hoạt động về năng suất - chất lượng ở các ngành, các cấp; khuyến khích, hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, các công cụ cải tiến chất lượng vào sản xuất, kinh doanh và dịch vụ để nâng cao năng suất - chất lượng, tạo sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu “Made in Vinh Long – Viet Nam” đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

- Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm về năng suất - chất lượng, nhằm bình chọn sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, tạo dựng uy tín, thương hiệu hàng hóa của tỉnh.

IV. BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh.

Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án này do Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm phó ban thường trực và lãnh đạo các Sở, ngành có liên quan làm ủy viên.

2. Các Sở, ban ngành sau đây xây dựng kế hoạch để thực hiện đề án:

- Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch xác định danh mục những sản phẩm công nghiệp trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2006 - 2015; xây dựng chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ, hỗ trợ vốn chuyển giao, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến cho các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan:

+ Dựa trên danh mục những sản phẩm công nghiệp trọng điểm được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, xây dựng Kế hoạch nâng cao năng suất - chất lượng các sản phẩm trọng điểm của tỉnh, giai đoạn 2006 - 2015; lập các dự án nâng cao năng lực đo lường, thử nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng của tỉnh.

+ Xây dựng tiêu chuẩn, hình thức tôn vinh và mức khen thưởng về chất lượng; tuyển chọn doanh nghiệp và sản phẩm tham gia Giải thưởng chất lượng Việt Nam, Giải thưởng chất lượng khu vực và quốc tế.

+ Xây dựng kế họach và tư vấn dịch vụ đào tạo chuyên gia chất lượng cho các Sở, ngành và doanh nghiệp.

+ Phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng Kế hoạch áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 : 2000 đối với các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

+ Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng và sở hữu trí tuệ theo đúng các quy định của pháp luật.

- Các Sở, ban, ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và doanh nghiệp có sản phẩm trọng điểm, xây dựng kế hoạch phối hợp để thực hiện Đề án này. Các sản phẩm hàng hóa còn lại, từng sở, ngành, doanh nghiệp và địa phương chủ động xây dựng đề án, dự án nâng cao năng suất - chất lượng trong phạm vi hoạt động của mình.

- Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Trường Chính trị Phạm Hùng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các trường cao đẳng, đại học trong tỉnh xây dựng, thực hiện chương trình đào tạo nâng cao trình độ cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ quản lý kinh doanh, đào tạo công nhân có kỹ năng, để phục vụ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế và các Sở, ngành liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch nâng cao năng suất - chất lượng, phát triển sản phẩm, hàng hóa nông - thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp, trang trại, cơ sở sản xuất thực hiện tiêu chuẩn hóa sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý và công cụ quản lý chất lượng phù hợp.

- Sở Kế họach và Đầu tư chủ trì xây dựng Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh cấp địa phương, để tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

- Sở Thương mại và Du lịch chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan xây dựng, thực hiện kế hoạch xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết, liên doanh tạo lập và mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm và doanh nghiệp.

- Các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các Sở, ngành liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền, nhằm giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức chấp hành pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, góp phần đẩy mạnh phong trào năng suất - chất lượng trong toàn tỉnh.

- Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ tình hình cụ thể của từng địa phương, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án "Phương hướng Thập niên Chất lượng tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2006 - 2015 ".

- Khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực quản ly kinh doanh, áp dụng thương mại điện tử, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn hóa cơ sở, áp dụng hệ thống quản lý và công cụ quản lý chất lượng phù hợp.

3. Thực hiện xã hội hoá các hoạt động năng suất - chất lượng:

Huy động sự tham gia của các đoàn thể, hội nghề nghiệp, hiệp hội và của mọi tổ chức, cá nhân nhằm đẩy mạnh hoạt động năng suất - chất lượng trên địa bàn tỉnh. Xây dựng đội ngũ chuyên gia về năng suất - chất lượng cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp; tăng cường công tác phổ biến khoa học và công nghệ trong nhân dân.

4. Tiến độ và kinh phí thực hiện:

- Tiến độ thực hiện: Đến cuối năm 2006, thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh; các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch để thực hiện Đề án " Phương hướng Thập niên Chất lượng tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2006 - 2015 ".

- Kinh phí thực hiện: Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh để phân bổ ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ được đề ra trong Đề án này./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 1751/2006/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu1751/2006/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành07/09/2006
Ngày hiệu lực17/09/2006
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcDoanh nghiệp, Văn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 05/05/2017
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 1751/2006/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 1751/2006/QĐ-UBND đề án thập niên chất lượng Vĩnh Long


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 1751/2006/QĐ-UBND đề án thập niên chất lượng Vĩnh Long
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu1751/2006/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Vĩnh Long
                Người kýLê Thanh Xuân
                Ngày ban hành07/09/2006
                Ngày hiệu lực17/09/2006
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcDoanh nghiệp, Văn hóa - Xã hội
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 05/05/2017
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản gốc Quyết định 1751/2006/QĐ-UBND đề án thập niên chất lượng Vĩnh Long

                Lịch sử hiệu lực Quyết định 1751/2006/QĐ-UBND đề án thập niên chất lượng Vĩnh Long