Quyết định 20/2004/QĐ-UBBT thu nộp quản lý sử dụng phí phòng chống thiên tai Bình Thuận đã được thay thế bởi Quyết định 24/2008/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 20/2004/QĐ-UBBT Bình Thuận và được áp dụng kể từ ngày 06/03/2008.
Nội dung toàn văn Quyết định 20/2004/QĐ-UBBT thu nộp quản lý sử dụng phí phòng chống thiên tai Bình Thuận
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 20/2004/QĐ-UBBT | Phan Thiết, ngày 27 tháng 02 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ THU, NỘP VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG PHÍ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003.
- Căn cứ Thông tư số 71/2003/TT-BTC ngày 30/7/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng Nhân dân Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Căn cứ Nghị quyết số 55/2003/NQ-HĐVII ngày 17/01/2003 của HĐND Tỉnh Bình Thuận khóa VII, kỳ họp thứ 8 từ ngày 13/01/2003 đến ngày 15/01/2003 về danh mục các loại phí thu trên địa bàn Tỉnh Bình Thuận.
- Căn cứ ý kiến thống nhất của Thường trực Hội đồng Nhân dân Tỉnh tại công văn số 15 CV/TTHĐ-BT ngày 20/02/2004.
- Xét đề nghị của Liên Sở Tài chính – Vật giá (nay là Sở Tài chính), Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Tỉnh, Cục Thuế Tỉnh tại công văn số 4893/LSTC-VG-BCHPCLB&TKCN-CT ngày 23/10/2003.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định về chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 2 : Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Tài chính, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện theo đúng nội dung quy định tại Quyết định này.
Điều 3 : Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2004. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ, riêng số nợ quỹ phòng chống thiên tai từ năm 2003 trở về trước của các đơn vị, cá nhân vẫn tiếp tục thu theo quy định tại thời điểm nợ.
Điều 4 : Các Ông Chánh Văn phòng HĐND và UBND Tỉnh; Giám đốc Sở Tài chính; Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Tỉnh; Cục trưởng Cục thuế; Thủ trưởng các Sở, Ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; các tổ chức kinh tế; cơ sở sản xuất kinh doanh và các hộ gia đình chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận: | TM.UBND TỈNH BÌNH THUẬN |
BẢN QUY ĐỊNH
CHẾ ĐỘ THU, NỘP VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG PHÍ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20 /2004/QĐ-UBBT ngày 27/02/2004 của UBND Tỉnh Bình Thuận)
CHƯƠNG I :
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1 : Các tổ chức kinh tế, các cơ sở sản xuất kinh doanh và các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có nghĩa vụ nộp phí phòng, chống thiên tai hàng năm theo quy định của pháp luật.
Điều 2 : Phí phòng, chống thiên tai được sử dụng đảm bảo đúng mục đích, đúng chế độ trong việc phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của UBND Tỉnh.
Nghiêm cấm việc sử dụng phí phòng, chống thiên tai sai mục đích, không đúng chế độ dưới bất kỳ hình thức nào.
Điều 3 : Phí phòng, chống thiên tai của địa phương do UBND các cấp quản lý để sử dụng tại địa phương khi có thiên tai xảy ra. Phí phòng chống thiên tai chịu sự quản lý về tài chính của cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp, được mở tài khoản tạm giữ phí phòng, chống thiên tai tại Kho bạc Nhà nước. Tồn quỹ phí phòng, chống thiên tai cuối năm được chuyển kết dư sang năm sau để tiếp tục chi.
CHƯƠNG II:
ĐỐI TƯỢNG VÀ MỨC ĐÓNG GÓP PHÍ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI
Điều 4 : Đối tượng nộp phí phòng chống thiên tai :
- Các hộ gia đình cư trú trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (không hoạt động sản xuất kinh doanh).
- Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (trong và ngoài nước), các tổ chức kinh tế, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể đóng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 5 : Mức thu phí phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được quy định như sau:
- Hộ gia đình (không hoạt động sản xuất kinh doanh): 5.000 đồng/hộ/năm (Năm nghìn đồng/hộ/năm)
- Các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh cá thể hoạt động sản xuất kinh doanh không có tác động xấu, trực tiếp đến môi trường:
+ Các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh cá thể, các hợp tác xã có mức thu nhập tương ứng với mức nộp thuế môn bài từ bậc 4-6: 20.000 đồng/cơ sở/năm (Hai mươi nghìn đồng/cơ sở/ năm).
+ Các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh cá thể, các hợp tác xã có mức thu nhập tương ứng với mức nộp thuế môn bài từ bậc 1-3: 50.000 đồng/cơ sở/năm (Năm mươi nghìn đồng/cơ sở/ năm).
- Các doanh nghiệp (hoạt động theo Luật doanh nghiệp), các tổ chức kinh tế hoạt động sản xuất, kinh doanh không có tác động xấu, trực tiếp đến môi trường: 100.000 đồng/doanh nghiệp/năm (Một trăm nghìn đồng/doanh nghiệp/năm).
- Các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh cá thể hoạt động sản xuất kinh doanh có tác động xấu, trực tiếp đến môi trường như các cơ sở khai thác tài nguyên (trừ khai thác đánh bắt hải sản), khoáng sản; khai thác cát, đá xây dựng, sản xuất gạch, ngói, chế biến hải sản …: 300.000đồng/cơ sở/năm (Ba trăm nghìn đồng/cơ sở/năm).
- Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh có tác động xấu, trực tiếp đến môi trường như các doanh nghiệp khai thác tài nguyên, khoáng sản; khai thác cát, đá xây dựng, sản xuất gạch, ngói; khai thác gỗ, chế biến hải sản … : 800.000 đồng/doanh nghiệp/năm (Tám trăm nghìn đồng/doanh nghiệp/năm).
Điều 6: Chính sách miễn nộp phí phòng chống thiên tai:
6.1/ Đối tượng được miễn nộp phí phòng chống thiên tai:
- Hộ gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.
- Hộ gia đình nghèo có chứng nhận là hộ nghèo do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp .
- Hộ gia đình có người tàn tật , không còn khả năng lao động.
6.2/ Thẩm quyền xét miễn nộp phí phòng, chống thiên tai:
- Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn quyết định miễn nộp phí phòng chống thiên tai cho các đối tượng được quy định tại Điều 6.1 của bản quy định này.
CHƯƠNG III:
THU, NỘP VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG PHÍ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI
Điều 7 : Tổ chức thu phí phòng, chống thiên tai:
7.1. Chỉ tiêu thu phí phòng chống thiên tai được UBND Tỉnh phân bổ trong dự toán thu Ngân sách của các huyện, thành phố hàng năm. Các huyện, thành phố có trách nhiệm xét duyệt và giao chỉ tiêu thu nộp cho từng xã, phường, thị trấn. Mức giao không được thấp hơn quyết định phân bổ của UBND Tỉnh.
Phòng Tài chính Kế hoạch (Vật giá), Chi cục thuế, Ban phòng chống lụt bão huyện, thành phố là cơ quan giúp UBND huyện, thành phố trong việc đôn đốc, quản lý và thu, nộp phí phòng, chống thiên tai đối với các đối tượng là các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc huyện, thành phố quản lý cư trú trên địa bàn huyện, thành phố.
Ban Tài chính, Đội thuế, các Hội, Đoàn thể của xã, phường, thị trấn có trách nhiệm giúp UBND xã, phường, thị trấn trong việc đôn đốc, quản lý và thu, nộp phí phòng, chống thiên tai đối với các đối tượng là các hộ gia đình.
7.2. Đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, các tổ chức kinh tế thuộc Tỉnh, Trung ương quản lý thì Cục Thuế chịu trách nhiệm trực tiếp thu và nộp vào Tài khoản tạm giữ phí phòng, chống thiên tai của Tỉnh.
Điều 8 : Đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí có trách nhiệm:
- Khi thu phí đơn vị phải lập và cấp biên lai thu phí cho đối tượng nộp phí.
- Chứng từ thu phí phòng, chống thiên tai sử dụng biên lai thu phí do cơ quan Thuế phát hành.
- Thực hiện kê khai, thu, nộp, quyết toán tiền phí theo quy định tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí, lệ phí.
- Cuối năm lập báo cáo quyết toán kết quả thu, nộp và tình hình sử dụng kinh phí để lại với cơ quan tài chính theo đúng chế độ tài chính hiện hành.
Điều 9 : Quản lý thu, nộp phí phòng, chống thiên tai:
- UBND các xã, phường, thị trấn được mở tài khoản tạm giữ tiền phí phòng, chống thiên tai tại kho bạc Nhà nước huyện, thành phố để quản lý số thu nộp phí phòng chống thiên tai của các đối tượng là hộ gia đình và được điều tiết 100% số thu cho ngân sách xã, phường, thị trấn để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai của xã, phường, thị trấn theo quyết định của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.
- UBND các huyện, thành phố được mở tài khoản tạm giữ tiền phí phòng, chống thiên tai tại kho bạc Nhà nước huyện, thành phố để quản lý số thu nộp phí phòng chống thiên tai của các tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc huyện, thành phố quản lý và được điều tiết 100% số thu cho ngân sách cấp huyện, thành phố để phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai của huyện, thành phố theo quyết định của Chủ tịch UBND huyện, thành phố.
- Đối với số thu phí phòng chống thiên tai từ các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế thuộc Tỉnh, Trung ương quản lý được nộp vào tài khoản tạm giữ tiền phí phòng, chống thiên tai của Tỉnh mở tại Kho bạc Nhà nước Bình thuận và được điều tiết 100% số thu cho ngân sách Tỉnh.
Điều 10 : Phân phối sử dụng :
- Đơn vị thu phí được phép trích trước 20% số thu đối với phí thu từ các hộ gia đình và 5% số thu đối với phí thu từ các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể để chi phí cho công tác hành thu. Số phí trích trước phục vụ cho công tác hành thu quy thành 100%, được phân phối như sau:
+ 80% dùng để bồi dưỡng cho cá nhân tham gia trực tiếp thu phí.
+ 20% còn lại để chi phí cho công tác thu.
Nội dung chi được thực hiện theo đúng quy dịnh tại Điểm 4, mục C phần II của Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính.
- 80% số thu phí còn lại đối với phí thu từ các hộ gia đình và 95% số thu đối với phí thu từ các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể đơn vị thu phí có trách nhiệm nộp vào tài khoản tạm giữ phí phòng, chống thiên tai theo quy định và được ghi thu vào ngân sách nhà nước để chi phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương. Riêng số thu của cấp Tỉnh và huyện, thành phố được chi hỗ trợ cho cấp dưới để chi, khi nhiệm vụ chi vượt dự toán giao.
Phí phòng chống thiên tai của các địa phương, nếu trong năm kế hoạch chưa sử dụng hết, được chuyển kết dư sang năm sau để tiếp tục chi cho công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn.
Điều 11 : Phí phòng, chống thiên tai được sử dụng cho những việc sau đây:
- Hỗ trợ cần thiết cho các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống lụt bão, thiên tai, ứng cứu người và tài sản khi có thiên tai xảy ra.
- Hỗ trợ chi sửa đê, kè biển, hồ chứa nước, đập dâng, hệ thống dự báo bão, kho tàng, bệnh viện, trường học và các công trình công cộng khác để khắc phục hậu quả do bão lụt gây ra.
- Trợ cấp cho nhân dân các vùng bị thiên tai.
CHƯƠNG IV:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12: Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm chấp hành đầy đủ việc nộp phí phòng, chống thiên tai theo quy định của UBND Tỉnh.
Tổ chức cá nhân được giao nhiệm vụ thu, quản lý, sử dụng phí phòng, chống thiên tai từ Tỉnh, Huyện, Thành phố và cơ sở nếu vi phạm các quy định của Bản quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của Pháp luật.
Điều 13: Giao Sở Tài chính phối hợp Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn Tỉnh, Cục Thuế Tỉnh hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn quản lý sử dụng phí phòng, chống thiên tai theo đúng quy định quản lý tài chính hiện hành.