Quyết định 22/2006/QĐ-BKHCN phê duyệt mẫu phương tiện đo đã được thay thế bởi Thông tư 23/2013/TT-BKHCN đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 và được áp dụng kể từ ngày 15/11/2013.
Nội dung toàn văn Quyết định 22/2006/QĐ-BKHCN phê duyệt mẫu phương tiện đo
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/2006/QĐ-BKHCN | Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH “QUY ĐỊNH VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT MẪU PHƯƠNG TIỆN ĐO”
BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Căn cứ Pháp lệnh Đo lường ngày 06 tháng 10 năm 1999;
Căn cứ Nghị định 54/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 54/2003/NĐ-CP;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về việc phê duyệt mẫu phương tiện đo”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 28/2002/QĐ-BKHCNMT ngày 17/5/2002 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ).
Điều 3. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. /.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT MẪU PHƯƠNG TIỆN ĐO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 22/2006/QĐ-BKHCN ngày 10 tháng 11năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phê duyệt mẫu phương tiện đo
1. Phê duyệt mẫu phương tiện đo là việc cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền tổ chức đánh giá, xác nhận mẫu phương tiện đo hoặc mẫu của loại (type) phương tiện đo (sau đây viết tắt là mẫu) phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định.
2. Việc phê duyệt mẫu gồm các bước: đăng ký phê duyệt mẫu; thử nghiệm mẫu; quyết định phê duyệt mẫu.
Điều 2. Đối tượng và phạm vi đăng ký phê duyệt mẫu
Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo phải kiểm định (sau đây viết tắt là cơ sở) phải đăng ký phê duyệt mẫu với cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền.
Điều 3. Trách nhiệm của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (sau đây viết tắt là Tổng cục) là cơ quan quản lý nhà nước về đo lường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và quản lý việc phê duyệt mẫu.
Điều 4. Trách nhiệm của cơ sở
1. Sản xuất, nhập khẩu phương tiện đo theo mẫu đã được phê duyệt;
2. Lập báo cáo tình hình sản xuất, nhập khẩu phương tiện đo mỗi năm một (01) lần và gửi về Tổng cục trước ngày 15 tháng 12;
3. Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra và các quy định khác của pháp luật có liên quan về đo lường.
Chương 2:
THỦ TỤC, TRÌNH TỰ PHÊ DUYỆT MẪU
Điều 5. Hồ sơ đăng ký phê duyệt mẫu
1. Hai (02) bộ hồ sơ đăng ký gửi về Tổng cục, mỗi bộ gồm:
a) Bản “Đăng ký phê duyệt mẫu phương tiện đo” theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Quy định này;
b) Thuyết minh kỹ thuật của mẫu (nêu rõ sơ đồ nguyên lý, hướng dẫn sử dụng, các kết cấu quan trọng ảnh hưởng tới đặc trưng kỹ thuật đo lường của mẫu; các cơ cấu đặt và điều chỉnh thông số kỹ thuật đo lường của mẫu; các vị trí để dán tem, đóng dấu kiểm định, niêm phong và các đặc điểm khác nếu có trên mẫu);
c) Bộ ảnh (các ảnh cùng kích cỡ, cỡ nhỏ nhất 90 mm x120 mm nhưng không lớn hơn 210 mm x 297 mm, gắn trên giấy khổ A4 đóng thành tập) và đĩa CD chứa bộ ảnh này. Các ảnh chụp phải rõ ràng và đảm bảo yêu cầu so sánh, đối chiếu, kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo được sản xuất, nhập khẩu theo mẫu và mẫu đã được phê duyệt. Mỗi bộ ảnh gồm:
- Một (01) ảnh phối cảnh tổng thể của mẫu;
- Các ảnh mặt trước (mặt thể hiện kết quả đo), mặt sau, mặt trên, mặt dưới (nếu có), bên phải, bên trái của mẫu;
- Các ảnh chụp riêng: các phím vận hành; vị trí dán tem, đóng dấu kiểm định; các vị trí niêm phong trên mẫu; các bộ phận khác có ảnh hưởng trực tiếp tới các đặc trưng kỹ thuật đo lường của mẫu.
d) Cam kết của cơ sở đảm bảo việc sử dụng, vận hành các chức năng theo phần mềm (nếu có) của phương tiện đo được sản xuất, nhập khẩu phù hợp với mẫu không làm thay đổi các đặc trưng kỹ thuật, đo lường chính của chúng;
e) Các biên bản và kết quả thử nghiệm mẫu theo quy định tại Điều 7 của Quy định này.
2. Trường hợp có đề nghị miễn thử nghiệm mẫu trong đăng ký phê duyệt mẫu phương tiện đo theo quy định tại Phụ lục I của Quy định này, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, phải có thêm hồ sơ liên quan theo quy định tại Điều 8 của Quy định này.
Điều 6. Xử lý hồ sơ đăng ký
1. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký, nếu hồ sơ chưa đúng quy định, Tổng cục thông báo cho cơ sở những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
2. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục ra Quyết định phê duyệt mẫu theo theo quy định tại Điều 9 của Quy định này.
3. Trường hợp hồ sơ đăng ký có đề nghị miễn thử nghiệm mẫu nhưng không đủ căn cứ để ra Quyết định phê duyệt mẫu, Tổng cục hướng dẫn cơ sở thực hiện việc thử nghiệm mẫu.
Điều 7. Thử nghiệm mẫu
1. Việc thử nghiệm mẫu phải do các tổ chức thử nghiệm được công nhận hoặc tổ chức được Tổng cục chỉ định thực hiện theo quy trình thử nghiệm hiện hành.
2. Trường hợp mẫu phương tiện đo chưa có quy trình thử nghiệm, Tổng cục chỉ định tổ chức thử nghiệm xây dựng, trình Tổng cục phê duyệt quy trình thử nghiệm tạm thời và tiến hành thử nghiệm mẫu.
Căn cứ để xây dựng quy trình thử nghiệm tạm thời là các khuyến nghị của Tổ chức Đo lường hợp quyền quốc tế (OIML), các tiêu chuẩn của Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO), các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), tiêu chuẩn của nước ngoài, các quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến mẫu phương tiện đo.
3. Kết thúc việc thử nghiệm mẫu, tổ chức thử nghiệm lập hồ sơ trình Tổng cục. Hồ sơ gồm:
a) Báo cáo của tổ chức thử nghiệm, nêu rõ:
- Các đặc trưng kỹ thuật đo lường chính của mẫu;
- Kết luận, kiến nghị đối với mẫu.
b) Biên bản và kết quả thử nghiệm mẫu.
Điều 8. Miễn thử nghiệm mẫu
Những trường hợp sau được miễn thử nghiệm mẫu:
1. Trường hợp sản xuất
Phương tiện đo sản xuất theo mẫu đã được phê duyệt của cơ sở sản xuất khác và được sự đồng ý bằng văn bản của cơ sở đó.
2. Trường hợp nhập khẩu
a) Phương tiện đo đã có giấy chứng nhận phê duyệt mẫu của Tổ chức đo lường hợp pháp quốc tế (OIML);
b) Phương tiện đo nhập khẩu có giấy chứng nhận phê duyệt mẫu của cơ quan đo lường có thẩm quyền của nước có sự thừa nhận của Việt Nam đối với kết quả thử nghiệm phương tiện đo đó;
c) Phương tiện đo nhập khẩu theo mẫu đã được phê duyệt của cơ sở nhập khẩu khác và được sự đồng ý bằng văn bản của cơ sở đó;
d) Phương tiện đo trong dây chuyền đồng bộ nhập khẩu theo dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 9. Quyết định phê duyệt mẫu
1. Căn cứ hồ sơ đăng ký phê duyệt mẫu, Tổng cục xem xét, quyết định phê duyệt mẫu cho cơ sở. Quyết định phê duyệt mẫu phải có nội dung chủ yếu sau:
a) Tên, địa chỉ của cơ sở;
b) Tên hãng sản xuất, nước sản xuất (đối với mẫu nhập khẩu);
c) Ký hiệu, kiểu, đặc trưng kỹ thuật và đo lường chính của mẫu;
d) Ký hiệu phê duyệt mẫu (đối với mẫu được phê duyệt để sản xuất);
đ) Thời hạn hiệu lực.
2. Thời hạn hiệu lực của Quyết định phê duyệt mẫu là mười (10) năm kể từ ngày ký.
3. Ký hiệu phê duyệt mẫu được quy định tại Phụ lục III của Quy định này.
4. Trường hợp cơ sở có những cải tiến làm thay đổi đặc trưng kỹ thuật đo lường chính so với mẫu đã được phê duyệt thì phải làm thủ tục phê duyệt mẫu mới.
Điều 10. Lưu trữ hồ sơ của mẫu đã được phê duyệt
Hai (02) bộ hồ sơ của mẫu đã được phê duyệt phải được lưu trữ ít nhất năm (05) năm sau khi Quyết định phê duyệt mẫu hết hiệu lực. Một (01) bộ lưu tại Tổng cục, một (01) bộ lưu tại cơ sở.
Chương 3:
GIA HẠN HIỆU LỰC CỦA QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT MẪU
Điều 11. Thủ tục gia hạn hiệu lực của Quyết định phê duyệt mẫu
1. Một (01) tháng trước khi Quyết định phê duyệt mẫu hết hiệu lực, cơ sở có quyền nộp hồ sơ đề nghị gia hạn hiệu lực của Quyết định phê duyệt mẫu về Tổng cục, hồ sơ gồm:
a) Đề nghị gia hạn hiệu lực của Quyết định phê duyệt mẫu phương tiện đo theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Quy định này;
b) Bản photo Quyết định phê duyệt mẫu đã cấp;
c) Các biên bản thanh tra, kiểm tra về đo lường (nếu có).
2. Căn cứ hồ sơ đề nghị, Tổng cục xem xét, ra Quyết định gia hạn hiệu lực của Quyết định phê duyệt mẫu theo quy định tại Điều 9 của Quy định này.
3. Thời hạn hiệu lực của Quyết định gia hạn là mười (10) năm kể từ ngày ký.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Tổ chức thực hiện
1. Các chứng chỉ hợp pháp về phê duyệt mẫu (còn hiệu lực) đã cấp trước đây cũng áp dụng thời hạn hiệu lực quy định tại khoản 2 Điều 9 của Quy định này. Thủ tục gia hạn hiệu lực các chứng chỉ nói trên theo quy định tại Điều 11 của Quy định này.
2. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn thực hiện Quy định này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét, giải quyết./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN |