Nội dung toàn văn Quyết định 222/QĐ-UBND 2019 về Quy chế phối hợp quản lý dạy thêm học thêm Ninh Thuận
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 222/QĐ-UBND | Ninh Thuận, ngày 04 tháng 6 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục;
Căn cứ Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định về dạy thêm, học thêm;
Căn cứ Quyết định số 62/2012/QĐ-UBND ngày 22/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;
Căn cứ Quyết định số 21/2014/QĐ-UBND ngày 27/02/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận ban hành kèm theo Quyết định số 62/2012/QĐ-UBND ngày 22/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1101/TTr-SGDĐT ngày 06/5/2019 và ý kiến trình của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1868/TTr-SNV ngày 31/5/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, gồm 4 Chương 13 Điều.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP QUẢN LÝ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 222/QĐ-UBND ngày 04 tháng 6 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định những nguyên tắc, trách nhiệm, nội dung phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến công tác quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có liên quan đến công tác quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh, bao gồm các Sở ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thành phố, các Phòng Giáo dục đào tạo (GDĐT), UBND các xã, phường, thị trấn; các cơ sở giáo dục phổ thông.
2. Công dân có dạy thêm, học thêm và các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc có liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Tuân thủ các quy định pháp luật, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, tính chủ động và thực hiện có hiệu quả trong việc quản lý dạy thêm, học thêm.
2. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị, tránh hình thức, chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ, đồng thời phát huy tính chủ động của các cấp quản lý trong công tác quản lý Nhà nước về dạy thêm, học thêm trên địa bàn huyện, thành phố và toàn tỉnh theo các quy định của pháp luật.
3. Trong quá trình xử lý các công việc vừa thực hiện kiên quyết, đúng pháp luật nhưng phải đảm bảo các chuẩn mực về văn hóa ứng xử, tế nhị, khéo léo; không gây ảnh hưởng đến phẩm chất, nhân cách nhà giáo và những người có liên quan.
4. Đảm bảo khách quan, công khai, công bằng trong kiểm tra, xử lý, tránh cá nhân, tùy tiện; thực hiện đúng nguyên tắc báo cáo, xin ý kiến người có thẩm quyền khi kiểm tra, thông tin, xử lý.
5. Đảm bảo việc quản lý thường xuyên, liên tục, tránh làm theo phong trào, thời vụ. Đảm bảo việc xử lý dứt điểm trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi cho người học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
6. Không làm phát sinh thủ tục hành chính, không gây phiền hà, khó dễ, cản trở cho những cơ sở, cá nhân đã được cơ quan chức năng cho phép hoạt động và không vi phạm.
Chương II
NỘI DUNG PHỐI HỢP
Điều 4. Các quy định về dạy thêm, học thêm
1. Các nguyên tắc của hoạt động dạy thêm, học thêm:
a) Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.
b) Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.
c) Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
d) Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau.
e) Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy thêm, học thêm; chịu sự thanh tra, kiểm tra của chính quyền, của cơ quan có trách nhiệm quản lý giáo dục các cấp trong việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm; thực hiện báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý.
2. Các trường hợp không được dạy thêm
a) Không được mở lớp dạy thêm, học thêm khi chưa được cấp giấy phép.
b) Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
c) Không được tổ chức dạy thêm các môn trong chương trình chính khóa đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
d) Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
e) Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
3. Điều kiện tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm
a) Các cơ sở giáo dục công lập chỉ được tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường khi đã có giấy phép do Phòng GDĐT hoặc Sở GDĐT cấp.
b) Các tổ chức, cá nhân chỉ được tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường khi đã có giấy phép do Phòng GDĐT hoặc Sở GDĐT cấp.
c) Cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm phải đảm bảo yêu cầu được quy định tại Điều 10 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
d) Khi thay đổi nội dung, chương trình, thời gian, giáo viên giảng dạy so với kế hoạch đã đăng ký thì phải có ý kiến của cơ quan cấp giấy phép.
Điều 5. Nội dung phối hợp
1. Tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp Nhân dân trong xã hội, toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh những quy định về dạy thêm, học thêm tại các văn bản sau: Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm; Quyết định số 62/2012/QĐ-UBND ngày 22/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; Quyết định số 21/2014/QĐ-UBND ngày 27/02/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận ban hành kèm theo Quyết định 62/2012/QĐ-UBND ngày 22/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận; Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 15/01/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.
2. Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra
a) Thanh tra hoạt động dạy thêm, học thêm.
b) Xử lý các vi phạm trong lĩnh vực dạy thêm, học thêm.
3. Hướng dẫn và quản lý chuyên môn, nghiệp vụ về công tác dạy thêm, học thêm.
4. Cung cấp thông tin, số liệu và báo cáo tình hình về dạy thêm học thêm.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG CÔNG TÁC PHỐI HỢP
Điều 6. Sở Giáo dục và Đào tạo
1. Là cơ quan thường trực cấp tỉnh, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.
2. Cấp giấy phép dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường cho các tập thể, cá nhân các đơn vị trực thuộc.
3. Cung cấp thông tin kịp thời cho UBND cấp huyện, thành phố; cấp xã, phường, thị trấn về các tổ chức, cá nhân được cấp phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trên địa bàn.
4. Chỉ đạo các trường trung học phổ thông (THPT) tiến hành quản lý, tổ chức việc dạy và học chính khóa, đảm bảo các nguyên tắc dạy thêm, học thêm; quản lý và kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường; chịu trách nhiệm về chất lượng dạy thêm, học thêm, quản lý cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kinh phí dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
5. Chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên, việc không được dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa, việc dạy thêm cho những học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa; xử lý theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm.
6. Thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan, hòm thư góp ý và điện thoại đường dây nóng (Lãnh đạo Sở, Chánh Thanh tra Sở) để tiếp nhận ý kiến phản ánh của Nhân dân về những vấn đề tiêu cực trong hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn để kịp thời xử lý.
7. Hướng dẫn và quản lý chuyên môn, nghiệp vụ về công tác dạy thêm, học thêm.
8. Sơ kết, tổng kết hằng năm về kết quả thực hiện công tác phối hợp quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Tổng hợp kết quả thực hiện nội dung phối hợp quản lý dạy thêm, học thêm báo cáo cho UBND tỉnh.
Điều 7. Công an tỉnh
1. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đảm bảo tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các địa điểm tổ chức dạy thêm, học thêm.
2. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành kiểm tra, thanh tra các cơ sở tổ chức dạy thêm, học thêm do Sở Giáo dục và Đào tạo cấp phép và quản lý. Đồng thời chỉ đạo công an các huyện, thành phố phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra, thanh tra các cơ sở dạy thêm, học thêm do Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp phép và quản lý.
3. Phản ánh và kiến nghị các giải pháp để chấn chỉnh tiêu cực trong hoạt động dạy thêm, học thêm.
Điều 8. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Ninh Thuận
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để các tổ chức, cá nhân, gia đình học sinh, xã hội nhận thức đúng, đầy đủ về dạy thêm, học thêm và tự giác chấp hành.
2. Kịp thời phát hiện, đưa tin các tổ chức, cá nhân vi phạm về quy định dạy thêm, học thêm.
Điều 9. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
1. Chỉ đạo quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định.
2. Chỉ đạo Phòng GDĐT; UBND xã, phường, thị trấn thực hiện đúng trách nhiệm được quy định tại Quyết định số 62/2012/QĐ-UBND ngày 22/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
3. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, thôn, khu phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn nắm, hiểu đúng các quy định về dạy thêm, học thêm; phát huy vai trò giám sát của Nhân dân.
4. Chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn để phát hiện các sai phạm, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý.
5. Chủ trì thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra có thành viên là thanh tra huyện, phòng giáo dục và đào tạo, đại diện lãnh đạo các trường THPT trên địa bàn, đại diện chính quyền địa phương, đại diện công an huyện, thành phố để tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn đối với tất cả các cấp học.
6. Cung cấp thông tin kịp thời cho Sở Giáo dục và Đào tạo về việc giáo viên vi phạm quy định dạy thêm, học thêm.
7. Thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan, hòm thư góp ý và điện thoại đường dây nóng (Lãnh đạo UBND, Chánh Văn phòng UBND) để tiếp nhận ý kiến phản ánh của Nhân dân về những vấn đề tiêu cực trong hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn để kịp thời xử lý.
8. Chỉ đạo công tác sơ kết, tổng kết hằng năm về kết quả thực hiện công tác phối hợp quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Điều 10. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố
1. Thực hiện việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường của tổ chức, cá nhân theo quy định. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân huyện về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
2. Cấp giấy phép dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường cho các tập thể, cá nhân thuộc phạm vi quản lý.
3. Chỉ đạo thống nhất các trường học trực thuộc tổ chức ký cam kết không có giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.
4. Chỉ đạo các trường học trực thuộc quản lý, tổ chức tốt việc dạy và học chính khóa, đảm bảo các nguyên tắc dạy thêm, học thêm; quản lý và kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường; chịu trách nhiệm về chất lượng dạy thêm, học thêm, quản lý cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kinh phí dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
5. Chỉ đạo các trường học trực thuộc thanh tra, kiểm tra nội dung dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên, việc không được dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa, việc dạy thêm cho những học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa.
6. Chủ trì thành lập các đoàn kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn có thành viên là đại diện lãnh đạo các trường THCS, tiểu học và đại diện chính quyền địa phương, đại diện công an địa phương.
7. Tham mưu UBND huyện thành lập các đoàn thanh tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn có thành viên là thanh tra huyện, phòng giáo dục và đào tạo, đại diện lãnh đạo các trường THPT, đại diện chính quyền địa phương, đại diện công an huyện, thành phố để tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn huyện đối với tất cả các cấp học.
8. Thông báo cho UBND cấp xã, phường, thị trấn các cơ sở dạy thêm, học thêm đã được Sở/Phòng GDĐT cấp phép.
9. Thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan, hòm thư góp ý và điện thoại đường dây nóng (Lãnh đạo Phòng) để tiếp nhận ý kiến phản ánh của Nhân dân về những vấn đề tiêu cực trong hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn để kịp thời xử lý.
10. Sơ kết, tổng kết hằng năm về kết quả thực hiện công tác phối hợp quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn và tổng hợp kết quả thực hiện công tác phối hợp với các trường THPT trên địa bàn quản lý dạy thêm, học thêm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo khi kết thúc năm học hoặc báo cáo theo yêu cầu đột xuất.
Điều 11. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
1. Phân công thành viên tham gia thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn khi có yêu cầu; thường xuyên tổ chức giám sát hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn, đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự, vệ sinh môi trường tại các địa điểm tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
2. Đề xuất với các cấp quản lý thanh tra hoạt động dạy thêm, học thêm đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn nếu có dấu hiệu vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.
3. Chủ động phối hợp với lãnh đạo các trường học để tổ chức kiểm tra những cơ sở dạy thêm, học thêm thuộc địa bàn quản lý.
4. Báo cáo về UBND cấp huyện, thành phố (qua Phòng GDĐT), Sở GDĐT các cơ sở dạy thêm, học thêm trái phép, không đúng quy định.
5. Hằng năm, tổng hợp kết quả phối hợp kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn báo cáo UBND cấp huyện, thành phố và Phòng GDĐT định kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất.
Điều 12. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục
1. Tăng cường công tác tuyên truyền đến mỗi giáo viên, học sinh, gia đình học sinh và Nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, các nguyên tắc của dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm; giáo dục đạo đức, lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm của giáo viên; hướng dẫn, tư vấn cho học sinh, gia đình học sinh về nội dung học thêm phù hợp.
2. Hoàn thành việc ký cam kết không có giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm trước ngày 30 tháng 09 hàng năm.
3. Phân công lãnh đạo tham gia công tác thanh tra, kiểm tra nội dung dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên, việc không được dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa, việc dạy thêm cho những học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa.
4. Tổ chức, quản lý, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường; bảo đảm các điều kiện quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm và quyền lợi của người học thêm, người dạy thêm.
5. Tổ chức, quản lý chất lượng dạy học chính khóa, tăng cường kiểm tra việc dạy học trên lớp chính khóa; quan tâm việc phụ đạo học sinh yếu, kém; tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh một cách khoa học, công bằng, khách quan; thực hiện kiểm tra đề chung các bài kiểm tra hệ số 2 trở lên theo sự chỉ đạo của Phòng GDĐT, Sở GDĐT; quản lý chặt chẽ các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ; nghiêm cấm giáo viên ép buộc học sinh học thêm dưới bất kì hình thức nào.
6. Khi tiếp nhận thông tin về giáo viên thuộc quyền quản lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp kiểm tra để phát hiện những vi phạm. Kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm theo đúng chức năng và nhiệm vụ hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.
7. Công khai hồ sơ giáo viên được phép tham gia dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường tại Văn phòng nhà trường.
8. Cung cấp cho UBND huyện (qua Phòng GDĐT) danh sách giáo viên tham gia dạy thêm, kèm theo lịch dạy của giáo viên tại các địa điểm tổ chức dạy thêm, học thêm được Sở GDĐT, Phòng GDĐT cấp phép chậm nhất 7 ngày sau khi được cấp phép.
9. Báo cáo kết quả phối hợp thanh tra, kiểm tra dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường định kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất (qua Phòng/Sở GDĐT) vào ngày 30 tháng 12 hằng năm.
10. Chịu trách nhiệm về việc thực hiện quy định dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường của giáo viên thuộc đơn vị quản lý; việc thực hiện các nguyên tắc dạy thêm, học thêm của giáo viên; việc dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa trước Ủy ban nhân dân huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Đối với các Sở, Ban, Ngành, Công an tỉnh và UBND cấp huyện, thành phố
1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Quy chế này;
2. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp trình Chủ tịch UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo giải quyết./.