Quyết định 28/2009/QĐ-UBND

Quyết định 28/2009/QĐ-UBND quy định công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Quyết định 28/2009/QĐ-UBND công tác dân số kế hoạch hóa gia đình Bình Dương đã được thay thế bởi Quyết định 32/2014/QĐ-UBND chính sách hỗ trợ công tác Dân số Kế hoạch hóa gia đình Bình Dương và được áp dụng kể từ ngày 04/09/2014.

Nội dung toàn văn Quyết định 28/2009/QĐ-UBND công tác dân số kế hoạch hóa gia đình Bình Dương


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2009/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 12 tháng 5 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 09/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22 tháng 03 năm 2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình;

Căn cứ Quyết định số 170/2007/QĐ-TTG ngày 08 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2006 – 2010;

Căn cứ Chỉ thị số 23/2008/CT-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2009/NQ-HĐND7 ngày 07 tháng 4 năm 2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII – kỳ họp lần thứ 13 ( kỳ họp chuyên đề) về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Dương;

Xét Tờ trình liên sở số 10/TTr LS-SYT-STC ngày 27/02/2009 của Sở Y tế và Sở Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành quy định về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Dương như sau:

1. Thực trạng, thách thức đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình:

Sau hơn ba năm thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về dân số - gia đình – trẻ em; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã đạt được một số kết quả quan trọng: khắc phục được sự tăng nhanh dân số, khôi phục được tiến trình giảm sinh của tỉnh; tiếp tục duy trì đạt mức sinh thay thế trong nhiều năm liền; chất lượng dân số từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trong cả nước và của tỉnh có nhiều biến động đã bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến kết quả đã đạt được, thiếu tính bền vững, tiềm ẩn nguy cơ tăng nhanh dân số trở lại, đặc biệt tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên không giảm mà có nguy cơ tăng trong thời gian tới cũng như xuất hiện dấu hiệu mất cân bằng giới tính khi sinh; chất lượng dân số vẫn còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu của phát triển kinh tế xã hội. Nếu không khắc phục kịp thời tình hình này thì không những không đạt các chỉ tiêu dân số đã đề ra đến năm 2010 mà còn có nguy cơ phá vỡ những thành quả về dân số đã đạt được trong thời gian qua, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

a) Quy mô dân số ngày một lớn:

Mặc dù tỉnh đã đạt và duy trì mức sinh thay thế qua nhiều năm ( 2003 đến nay) và tỉ suất sinh hàng năm đều giảm, đạt hoặc vượt chỉ tiêu giao ( trung bình đạt 0,6 – 0,8%o), song quy mô dân số của tỉnh ngày một lớn nhanh, chủ yếu là tăng do cơ học, nhập cư. Ước tính, hàng năm tỉnh tăng thêm trên 40.000 – 45.000 người lao động từ ngoài tỉnh đến làm việc, sinh sống và khoảng 15.000 – 16.000 trẻ ra đời hàng năm. Năm 2008, dân số trung bình của tỉnh Bình Dương là 1.106.327 người ( theo niên giám của Cục Thống kê tỉnh) và hiện nay ước tính có gần 600.000 lao động ngoài tỉnh làm việc tại Bình Dương; trong đó gần 65% là lao động nữ tuổi sinh đẻ, phần lớn là ở khu nhà trọ chưa có hộ khẩu thường trú. Mật độ dân cư không đồng đều, chủ yếu tập trung cao ở các huyện có khu công nghiệp. Nhiều nhu cầu về xã hội chưa đáp ứng kịp thời cho đối tượng này.

b) Mức sinh hàng năm giảm nhưng chưa thật bền vững vì còn tiềm ẩn mức sinh cao:

Mặc dù nhiều năm qua tỉ lệ giảm sinh hàng năm đều đạt chỉ tiêu giao (từ 0,6-0,8%o) nhưng với lượng nhập cư vào tỉnh ngày một lớn, chủ yếu là phụ nữ trẻ, tuổi sinh đẻ. Do từ trước đến nay, phần lớn nữ công nhân chưa lập gia đình chỗ ở ít ổn định, nên khó quản lý, khi có gia đình và có thai thì hầu hết trở về quê để sinh nên đã không làm tăng tỉ suất sinh cho tỉnh. Sau khi sinh xong nếu trở lại Bình Dương để làm việc thì chỉ làm tăng dân số cơ học. Về lâu dài nếu dân nhập cư này trở thành dân cư thường trú tại Bình Dương và do còn tiềm năng sinh đẻ cao nên sẽ làm cho tỉ suất sinh của tỉnh tăng trở lại. Đây là yếu tố tiềm ẩn, là thách thức cho mức giảm sinh đạt nhưng chưa thật sự bền vững.

c) Tỉ lệ sinh con thứ 3 tăng và có nguy cơ mất cân bằng giới tính:

Theo báo cáo của Bộ Y tế và thống kê chuyên ngành dân số thì tỉ số giới tính trai/gái khi sinh của tỉnh Bình Dương năm 2006 – 2008 là 116-117/100. Tại tỉnh Bình Dương thì năm 2008 có 753 trường hợp sinh con thứ 3 chiếm tỷ lệ 5,66% tăng 0,66% so với năm 2007 là 5% ( tăng 94 trường hợp so năm 2007). Sinh con thứ 3 trong diện cán bộ, công chức, viên chức cũng có khuynh hướng tăng; năm 2003 có 9 trường hợp, trong năm 2004, 2005 mỗi năm có 18 trường hợp và năm 2006 có 19 trường hợp và năm 2008 có 13 trường hợp.

Với những dự báo nguy cơ tiềm ẩn về tỉ suất sinh và tỉ lệ sinh con thứ 3 có thể tăng trở lại, mất cân bằng về giới tính trai/gái thì các chỉ tiêu đã đề ra trong Chương trình hành động về Dân số giai đoạn 2006 – 2010 của tỉnh sẽ rất khó đạt.

2. Những khó khăn và nguyên nhân

a) Khó khăn:

- Công tác tổ chức bộ máy dân số dù cố gắng ổn định lại nhưng chưa thật sự hoàn chỉnh. Nhiệm vụ quản lý về dân số, tài sản, con người được chuyển về ngành Y tế quản lý; quá trình đó dẫn đến các cơ sở chuyển đi rồi chuyển lại nên thiếu bảo quản, xuống cấp, thanh lý hư hỏng, việc bổ sung chưa kịp thời.

- Nguồn nhân lực chưa ngang tầm; tuyến tỉnh, huyện thiếu cán bộ có kinh nghiệm nhiệt tình công tác; biên chế ít và khó tuyển nên chưa đáp ứng được nhu cầu. Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh chỉ có 16 trong khi Trung ương giao ít nhất là 20; Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện, thị xã là 6 trong khi Trung ương giao ít nhất là 6.

- Cán bộ chuyên trách dân số là viên chức của xã làm công tác kiêm nhiệm, tự nguyện, nhiệt tình, đã gắn bó nhiều năm và có nhiều kinh nghiệm nhưng lại chưa đủ tiêu chuẩn để tuyển thành viên chức tại Trạm y tế. Chỉ có khoảng 20% là đủ chuẩn còn lại là chưa có trình độ trung cấp, hầu hết là đã lớn tuổi, không muốn về ngành y tế vì sợ khó phối hợp với ban ngành sẽ không thuận lợi trong công tác vận động tuyên truyền. Trong khi đó cán bộ mới tuyển phụ trách dân số - kế hoạch hóa gia đình có trình độ chuyên môn y tế, có bằng cấp nhưng lại chưa có kinh nghiệm và uy tín với cộng đồng, chưa quen với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

- Số người áp dụng các biện pháp tránh thai trong tỉnh đạt vượt chỉ tiêu giao nhưng cơ cấu biện pháp không bền vững; các biện pháp có tính bền vững cao như đình sản nam – nữ đạt thấp chỉ khoảng 35% kế hoạch. Do người dân có quyền lựa chọn hoặc từ chối sử dụng biện pháp tránh thai mà họ không thích và đình sản là biện pháp ít được lựa chọn nhất.

b) Nguyên nhân:

- Các cấp ủy đảng và chính quyền còn có tư tưởng chủ quan, thỏa mãn buông lỏng chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; chưa quán triệt đầy đủ các nội dung Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.

- Trong công tác giải thể Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, chuyển bộ phận dân số - kế hoạch hóa gia đình về ngành Y tế thực hiện còn chậm, kéo dài vì các văn bản hướng dẫn không kịp thời, chưa đồng bộ, cơ chế chuyển giao kinh phí chậm.

- Các chế độ chính sách khen thưởng động viên chưa đủ sức thu hút gắn bó với trách nhiệm, công việc giao như: Bồi dưỡng cho cộng tác viên thấp không đủ để bù đắp chi phí thực hiện nhiệm vụ, mặc dù tỉnh có quan tâm bổ sung nhưng vẫn chưa ngang tầm với công việc.

3. Quan điểm và mục tiêu

a) Quan điểm:

Tiếp tục quán triệt và phát triển 5 quan điểm của Đảng về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình theo Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14 tháng 01 năm 1993 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII và Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2005 của Bộ Chính trị. Trong bối cảnh hiện nay cần:

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, sớm ổn định tổ chức bộ máy công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trong khâu chuyển giao chức năng nhiệm vụ về ngành Y tế thì cần có sự tham gia có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

b) Mục tiêu:

Tiếp tục duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn tỉnh, phấn đấu quy mô dân số đạt 1,3 triệu người vào năm 2010. Tập trung giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Từng bước nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Duy trì và từng bước nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức tiên tiến của cả nước.

4. Các chỉ tiêu thực hiện

a) Duy trì mức sinh thay thế một cách vững chắc; mỗi năm giảm sinh 0,6%o;

b) lệ phát triển dân số chung cho cả thời kỳ năm 2006-2010 đạt bình quân 5,6% năm;

c) Quy mô dân số trung bình đến năm 2010 đạt khoảng 1,3 triệu người;

d) Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đến năm 2010 đạt trên 75%;

e) Bình quân mức giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên hàng năm 0,5%;

f) Đến năm 2010 giảm còn 50% tỷ lệ nạo phá thai/số đẻ;

g) Triển khai việc đăng ký dân số và xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư, hình thành hệ thống quản lý dân số thống nhất vào năm 2010, bảo đảm cung cấp thông tin, dữ liệu dân số kịp thời, đầy đủ, chính xác phục vụ yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn.

5. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

a) Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền:

Tiếp tục quán triệt 5 quan điểm của Đảng về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình theo Nghị quyết 04-NQ/HNTW ngày 14 tháng 01 năm 1993 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII và Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2005 của Bộ Chính trị nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức, nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của chính quyền các cấp. Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm về sự giảm sút, yếu kém của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trong thời gian qua; khắc phục triệt để tư tưởng chủ quan, thỏa mãn, buông lỏng trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này. Đưa công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình thành một nội dung quan trọng trong công tác thường kỳ; lấy kết quả thực hiện mục tiêu chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tập thể và cá nhân.

Cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện chủ trương mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con và tích cực vận động gia đình và toàn dân thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ 3 trở lên vi phạm quy định chính sách về dân số kế hoạch hóa gia đình, ngoài quy định của pháp luật hiện hành đối với cán bộ, công chức, Quy định số 94-QĐ/TW ngày 15/10/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với đảng viên thì ban lãnh đạo, tập thể khu ấp, xã, phường, thị trấn, cơ quan đơn vị có người sinh con thứ 3 sẽ không được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm và không xét thi đua trong năm đó.

Chủ động kiểm soát và giải quyết các nguyên nhân sâu xa làm mất cân bằng giới tính của trẻ sơ sinh; xử lý nghiêm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.

Trên cơ sơ quy định của pháp luật, chính quyền các cấp có cơ chế và biện pháp mạnh mẽ nhằm huy động toàn xã hội tham gia công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, đồng thời mang tính chiến lược lâu dài. Các ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế, xã hội và mỗi đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình trong cơ quan, tổ chức mình.

Triển khai xây dựng các hương ước, quy ước về dân số - kế hoạch hóa gia đình cho cộng đồng khu phố, ấp trong toàn tỉnh.

b) Về truyền thống giáo dục

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục trong toàn xã hội về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình với những hình thức và nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng, tập trung ở những vùng đông dân, có mức sinh cao và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cao, vùng xuất hiện mất cân bằng giới tính khi sinh.

Cơ quan y tế các cấp chủ động phối hợp hướng dẫn về nội dung, hình thức và chủ đề cần tập trung tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền vận động, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số - kế hoạch hóa gia đình; tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình: các cặp vợ chồng có đủ 2 con, có con một bề chưa thực hiện kế hoạch hóa gia đình, đối tượng là nam, nữ thanh niên, vị thành niên.

Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thời lượng phát sóng, số lượng bài viết và nâng cao chất lượng nội dung, hình thức tuyên truyền về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình trong các chương trình, chuyên trang, chuyên mục. Xây dựng khu, ấp, xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên; xây dựng nhiều mô hình truyền thông thực hiện có hiệu quả hình thức tư vấn cá nhân và tư vấn cộng đồng về kế hoạch hóa gia đình.

Chú trọng truyền thông giáo dục cho vị thành niên và thanh niên để đảm bảo sự phát triển bền vững của chương trình. Tuyên truyền, vận động, giáo dục toàn diện về dân số - kế hoạch hóa gia đình với các mục tiêu về giảm sinh, cơ cấu dân số và chất lượng dân số; trong đó tăng cường tuyên truyền, giáo dục ở vùng xa, vùng khó khăn.

Xác định trách nhiệm của cơ quan truyền thông đại chúng và các ngành đoàn thể trong việc tham gia thực hiện công tác truyền thông giáo dục về dân số - kế hoạch hóa gia đình.

c) Về tổ chức bộ máy và quản lý công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

Trên cơ sở đã hình thành tổ chức bộ máy tại 3 cấp: tỉnh, huyện, xã cần tập trung triển khai các nhiệm vụ cụ thể như khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy cấp tỉnh, huyện. Ngay trong năm 2009, đảm bảo đủ cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cho hệ thống, có trụ sở làm việc riêng cho các Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; bổ sung đủ số lượng biên chế cho Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện, thị bằng hoặc cao hơn quy định của Trung ương để đủ đáp ứng nhu cầu hoạt động, phù hợp với tình hình của một tỉnh công nghiệp, với tình hình biến động dân số cao. Các cơ sở xuống cấp, thiết bị phương tiện kỹ thuật, tài sản hư hỏng phải được sửa chữa, thay mới cho phù hợp. Hoàn tất chuyển giao công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của cấp xã về Trạm Y tế phụ trách trong năm 2009 và tập huấn đào tạo, chuẩn hóa cho đội ngũ cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình của Trạm Y tế đủ chuẩn vào cuối năm 2010.

Nhằm huy động sự tham gia của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội, nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy dân số - kế hoạch hóa gia đình sẽ thành lập Ban Chỉ đạo về dân số - kế hoạch hóa gia đình ở cấp huyện và kiện toàn lại Ban dân số - kế hoạch hóa gia đình ở cấp xã trong 6 tháng đầu năm 2009 trên cơ sở Ban chỉ đạo của tỉnh. Chú trọng phát huy vai trò tham mưu, trách nhiệm của cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình của Trạm Y tế xã cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Trưởng ban là Chủ tịch cấp xã trong công tác chỉ đạo điều hành thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tại địa phương mình. Xây dựng cơ chế phối hợp trong chỉ đạo điều hành tại các cấp để phát huy sức mạnh của Đảng, chính quyền, các tổ chức, các ngành thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Quan tâm đến giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa ngành Y tế và các sở, ban, ngành, đoàn thể cùng các cấp ủy đảng, chính quyền.

d) Đảm bảo nguồn kinh phí địa phương hỗ trợ bổ sung hàng năm bằng hoặc cao hơn nguồn trung ương đầu tư cho tỉnh về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt ở vùng xa, vùng khó khăn thông qua các đợt chiến dịch hàng năm. Bố trí đầy đủ kinh phí để thực hiện ít nhất 2 đợt chiến dịch dân số mỗi năm. Xây dựng, triển khai các mô hình, phương thức cung cấp dịch vụ phù hợp đáp ứng nhu cầu dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản cho những địa bàn, đối tượng đặc thù và đối với giới trẻ, vị thành niên, thanh niên. Khuyến khích sự tham gia cung cấp dịch vụ của khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội.

Đảm bảo cung cấp đầy đủ các biện pháp tránh thai tại các cơ sở y tế theo phân cấp của Bộ Y tế. 100% huyện có triển khai được triệt sản và cấy que tránh thai vào cuối năm 2010. 100% Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện, thị triển khai dịch vụ cung cấp các biện pháp tránh thai lâm sang vào năm 2010. Có biện pháp đẩy mạnh tiếp thị xã hội và cung cấp phương tiện tránh thai trên thị trường nhằm đa dạng hóa các phương tiện đạt chất lượng nhằm duy trì mức sinh thay thế.

Nghiên cứu và xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ có tính đặc thù của tỉnh có khu công nghiệp và nhiều dân lao động nhập cư.

Triển khai lồng ghép có hiệu quả các dịch vụ tư vấn và dịch vụ kỹ thuật; cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ về chất lượng dân số như: Kiểm tra sức khỏe tư vấn tiền hôn nhân, phát hiện các bệnh bẩm sinh của trẻ sơ sinh, chẩn đoán trước sinh tại tuyến tỉnh.

Triển khai có hiệu quả các mô hình, dự án từ chương trình mục tiêu dân số - kế hoạch hóa gia đình về nâng cao chất lượng dân số và giảm thiểu các yếu tố làm mất cân bằng giới tính khi sinh.

6. Chính sách hỗ trợ

Ngoài khoản chi theo quy định của Trung ương, hàng năm từ nguồn ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ thêm cho các hoạt động Dân số - Kế hoạch hóa gia đình như sau:

a) Hỗ trợ thêm cho người đình sản và cơ sở y tế thực hiện dịch vụ đình sản:

- Người thực hiện đình sản: 200.000 đồng/ trường hợp;

- Cơ sở y tế thực hiện đình sản nữ: 100.000 đồng / trường hợp;

- Kíp phẫu thuật đình sản: 20.000 đồng / trường hợp.

b) Hỗ trợ cho cộng tác viên dân số( tính theo số hộ trên địa bàn phụ trách):

- Khu vực thị xã Thủ Dầu Một: 600.000 đồng/ hộ / tháng;

- Khu vực huyện Thuận An, Dĩ An: 650.000 đồng/ hộ/ tháng;

- Khu vực huyện Tân Uyên, Bến Cát, Phú Giáo, Dầu Tiếng: 750.000 đồng/ hộ/ tháng.

c) Mức khen thưởng cho các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, khu phố, ấp thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình:

- Cơ quan đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của tỉnh được thưởng 1.000.000 đồng/ đơn vị;

- Khu phố, ấp đạt 3 năm liền Dân số - Phát triển trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của tỉnh được thưởng 4.000.000 đồng/ khu phố, ấp.

d) Đối với các đợt triển khai Chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động, lồng ghép chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ thêm các khoản chi như sau:

- Chi cho vận động, tư vấn đối tượng chấp nhận đình sản: 20.000 đồng/ trường hợp;

- Chi cho vận động, tư vấn đối tượng chấp nhận đặt vòng tránh thai: 10.000 đồng/ trường hợp;

- Chi cho vận động, tư vấn đối tượng chấp nhận cấy thuốc tránh thai: 10.000 đồng/ trường hợp;

- Chi đưa đón đối tượng đi thực hiện đình sản, đặt vòng và cấp thuốc tránh thai: 10.000 đồng/ trường hợp.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Thủ tướng các sở, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm:

a) Tổ chức phổ biến, nghiên cứu , quán triệt các nội dung của Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, cùng Chương trình hành động về dân số, gia đình và trẻ em của Tỉnh ủy đến các cấp cơ sở; cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết này vào kế hoạch hàng năm của các sở, ngành, địa phương;

b) Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện lồng ghép các mục tiêu dân số vào nội dung các đề án, quy hoạch, kế hoạch của các sở, ngành, địa phương chủ trì thực hiện. Xây dựng quy định cụ thể về thực hiện mục tiêu dân số - kế hoạch hóa gia đình đối với các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở, ngành…

2. Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và trình các đề án để thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Đồng thời có trách nhiệm quản lý, điều hành và bổ sung hoàn thiện cơ chế quản lý đặc thù để triển khai đạt hiệu quả cao các nhiệm vụ đã đề ra;

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ, các cơ quan khác có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị tổ chức nghiên cứu, đánh giá thực trạng chất lượng dân số, từng bước thực hiện các hoạt động can thiệp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan duy trì triển khai có hiệu quả chiến dịch tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình;

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và Ủy ban nhân dân các huyện, thị tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, đặc biệt ở cấp huyện và cấp xã;

d) Có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình, cán bộ làm dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ. Xây dựng và triển khai các mô hình hoạt động phù hợp, nhằm giảm tỷ lệ trẻ em sinh ra dị tật bẩm sinh, nhiễm HIV/AIDS và giảm nhanh tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng; triển khai thí điểm các mô hình kiểm tra sức khỏe cho thanh niên trước khi đăng ký kết hôn.

3. Sở Tài chính:

a) Thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Y tế bố trí đủ kinh phí để triển khai đồng bộ các nội dung, giải pháp và các dự án của Chương trình hành động về dân số, gia đình và trẻ em của Tỉnh ủy và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, tập trung ưu tiên kinh phí cho Chương trình mục tiêu quốc gia dân số - kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2006 – 2010; hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý và sử dụng kinh phí theo đúng quy định hiện hành.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh nội dung và định mức chi cho các hoạt động về dân số - kế hoạch hóa gia đình phù hợp với tình hình thực tế, trong đó cần tăng mức chi khuyến khích đối với người thực hiện kế hoạch hóa gia đình, đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số.

4. Sở Nội vụ:

Phối hợp với Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình về biên chế cán bộ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tuyến tỉnh và huyện, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết để thực hiện.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và Sở Y tế lồng ghép các yếu tố dân số vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ của Chương trình hành động về dân số, gia đình và trẻ em của Tỉnh ủy và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tư pháp đưa nội dung giáo dục dân số/ chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em vào trong các trường phổ thông; xây dựng mạng lưới truyền thông giáo dục trẻ em vào trong các trường phổ thông; xây dựng mạng lưới truyền thông giáo dục, dịch vụ hỗ trợ, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cho học sinh, sinh viên trong các trường học và trong các cơ sở giáo dục.

7. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh – Truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng:

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt và phê phán những tập thể, cá nhân vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; thực hiện kế hoạch tuyên truyền, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng theo định kỳ tháng, quý, năm hoặc trong từng đợt tập trung; tổ chức tập huấn về nội dung, phương pháp, kỹ năng tuyên truyền cho những người làm công tác truyền thông.

8. Sở Tư pháp:

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về dân số - kế hoạch hóa gia đình trong toàn dân; chỉ đạo triển khai, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của các cấp, khu phố. Tăng cường hiệu quả hòa giải ở cơ sở trong việc xây dựng gia đình ít con, no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, bền vững.

9. Cục Thống kê tỉnh:

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh và các cơ quan có liên quan khác chỉ đạo thu thập, cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các số liệu về dân số định kỳ cuối năm, nhằm phục vụ việc chỉ đạo, quản lý chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình, xây dựng các chính sách phát triển kinh tế xã hội; chuẩn bị phương án xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu về dân cư.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình vào cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở ấp, khu phố” và trong hương ước, quy ước khu, ấp văn hóa.

Điều 3. Bãi bỏ Quyết định số 65/2002/QĐ-CT ngày 22 tháng 5 năm 2002 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc áp dụng chế độ khen thưởng trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; Công văn số 3135/UB-VX ngày 27 tháng 8 năm 2001 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc chấp nhận chủ trương chi trợ cấp cho cộng tác viên dân số xã, phường, thị trấn.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ; 
- Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ;
- Tổng cục DS-KHHGĐ;
- Cục kiểm tra VBQPPL – Bộ Tư pháp;
- TT.TU, TT.HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT, PCT.UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã;
- LĐVP, CV, TH;
- TT Công báo tỉnh, Website tỉnh;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 28/2009/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu28/2009/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành12/05/2009
Ngày hiệu lực22/05/2009
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 04/09/2014
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 28/2009/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 28/2009/QĐ-UBND công tác dân số kế hoạch hóa gia đình Bình Dương


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản bị đính chính

        Văn bản được hướng dẫn

          Văn bản đính chính

            Văn bản bị thay thế

              Văn bản hiện thời

              Quyết định 28/2009/QĐ-UBND công tác dân số kế hoạch hóa gia đình Bình Dương
              Loại văn bảnQuyết định
              Số hiệu28/2009/QĐ-UBND
              Cơ quan ban hànhTỉnh Bình Dương
              Người kýNguyễn Hoàng Sơn
              Ngày ban hành12/05/2009
              Ngày hiệu lực22/05/2009
              Ngày công báo...
              Số công báo
              Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
              Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 04/09/2014
              Cập nhật7 năm trước

              Văn bản gốc Quyết định 28/2009/QĐ-UBND công tác dân số kế hoạch hóa gia đình Bình Dương

              Lịch sử hiệu lực Quyết định 28/2009/QĐ-UBND công tác dân số kế hoạch hóa gia đình Bình Dương