Quyết định 45/2010/QĐ-UBND thu sử dụng kinh phí hoạt động Ban Đại diện cha mẹ đã được thay thế bởi Quyết định 3258/QĐ-UBND năm 2013 công bố bãi bỏ văn bản pháp luật không còn phù hợp hết hiệu lực Cần Thơ và được áp dụng kể từ ngày 21/10/2013.
Nội dung toàn văn Quyết định 45/2010/QĐ-UBND thu sử dụng kinh phí hoạt động Ban Đại diện cha mẹ
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 45/2010/QĐ-UBND | Cần Thơ, ngày 29 tháng 11 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THU VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN ĐẠI DIỆN CHA MẸ HỌC SINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 11/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28 tháng 3 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định việc thu và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày và đăng Báo Cần Thơ chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ THU VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN ĐẠI DIỆN CHA MẸ HỌC SINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 45/2010/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:
1. Kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh là nguồn đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh theo nghị quyết cuộc họp đầu năm và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban Đại diện cha mẹ học sinh.
2. Quy định này quy định việc thu và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh ở các cơ sở giáo dục gồm: trường mầm non, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học (gọi chung là nhà trường) trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
3. Quy định này quy định quy trình thu, sử dụng, trách nhiệm quản lý và kiểm tra xử lý vi phạm đối với kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh.
Điều 2. Nguyên tắc thu và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh:
1. Việc thu, sử dụng kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch.
2. Nhà trường không được dùng bất kỳ biện pháp hành chính nào đối với cha mẹ học sinh, nhằm mục đích thu quỹ này, biện pháp thu phải mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện đóng góp của cha mẹ học sinh nơi trường đóng.
3. Thu và sử dụng kinh phí Ban Đại diện cha mẹ học sinh phải thực hiện đúng nội dung, mục đích, thủ tục quy định và tiết kiệm. Chấm dứt tình trạng nhà trường, giáo viên yêu cầu cha mẹ học sinh đóng góp bất kỳ khoản gì nếu không đảm bảo nguyên tắc tự nguyện.
Điều 3. Mục đích thu, sử dụng kinh phí hoạt động Ban Đại diện cha mẹ học sinh:
Nội dung thu, sử dụng kinh phí hoạt động Ban Đại diện cha mẹ học sinh nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Đại diện cha mẹ học sinh với mục đích cải thiện điều kiện học tập, chăm sóc giáo dục học sinh. Cụ thể là:
- Văn phòng phẩm phục vụ hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh;
- Khen thưởng học sinh cuối học kỳ và cuối năm học; khen thưởng học sinh đạt thành tích cao trong các phong trào, các hội thi, học sinh có thành tích đột xuất;
- Giúp đỡ, hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh là dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, học sinh mắc bệnh hiểm nghèo, học sinh bị tai nạn, rủi ro;
- Bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém;
- Hỗ trợ công chức, giáo viên, nhân viên khi gặp hoạn nạn; hỗ trợ tổ chức họp mặt công chức, giáo viên, nhân viên vào các ngày lễ trong năm theo quy định của nhà nước; hỗ trợ tổ chức khai giảng năm học, sơ kết học kỳ, tổng kết năm học; hỗ trợ khen thưởng giáo viên có thành tích cao trong các phong trào;
- Hỗ trợ học sinh tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động ngoại khóa, tham quan học tập;
- Kinh phí để sửa chữa, tăng cường cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị dạy học mà ngân sách nhà nước, các chương trình, dự án chưa thực hiện, nhằm mục đích tạo cảnh quan, môi trường học tập được tốt hơn;
- Hỗ trợ hoạt động giảng dạy và học tập mà ngân sách nhà nước chưa đáp ứng đầy đủ như: photocopy tài liệu, đề kiểm tra; mua sách, tài liệu học tập bổ sung cho thư viện nhà trường; mua hóa chất, nguyên vật liệu học tập, thí nghiệm thực hành;
- Phụ cấp trách nhiệm cho người quản lý thu chi quỹ này;
- Thuê người dọn vệ sinh, giữ xe, phục vụ nước uống cho học sinh; thuê mướn thêm người bảo vệ, giám thị (khi có nhu cầu);
- Hỗ trợ các yêu cầu khác nhằm mục đích cải thiện điều kiện học tập, chăm sóc, giáo dục học sinh.
Chương II
QUY TRÌNH THU VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN ĐẠI DIỆN CHA MẸ HỌC SINH
Điều 4. Tổ chức thu và sử dụng kinh phí của Ban Đại diện cha mẹ học sinh:
1. Chuẩn bị năm học mới hàng năm, hiệu trưởng rà soát các nguồn tài chính đầu tư cho nhà trường, phối hợp với Ban Đại diện cha mẹ học sinh trường năm học trước xây dựng kế hoạch dự kiến thu và sử dụng kinh phí chung cho nhà trường đến hết tháng 8 năm sau (Điều 3) cụ thể từng mục.
2. Trong tháng 8 sau khi xếp lớp, giáo viên chủ nhiệm tổ chức phiên họp đề cử Ban Đại diện cha mẹ học sinh lớp; đồng thời trao đổi kế hoạch dự kiến hoạt động, kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh của trường (Điều 4 khoản 1) và các khoản thu chi riêng cho lớp. Kết quả phiên họp được ghi thành Nghị quyết, trong đó ghi cụ thể mức đóng góp từng mục đối với cha mẹ học sinh, chia ra làm hai phần: phần chi chung cho trường, phần chi riêng cho lớp. Việc đóng góp có xem xét miễn, giảm phù hợp với các đối tượng gia đình chính sách, nghèo, khó khăn.
3. Vào đầu năm học, hiệu trưởng chủ trì cuộc họp đầu tiên với trưởng ban và phó trưởng ban của tất cả các Ban Đại diện cha mẹ học sinh lớp để đề cử Ban Đại diện cha mẹ học sinh trường. Trong phiên họp này, hiệu trưởng giúp Ban Đại diện cha mẹ học sinh trường năm học trước báo cáo tình hình thu, chi, quyết toán kinh phí năm học trước; báo cáo tổng hợp phần trích nộp cho Ban Đại diện cha mẹ học sinh trường, phần giữ lại cho từng lớp theo Nghị quyết của Ban Đại diện cha mẹ học sinh các lớp; thông qua kế hoạch hoạt động hỗ trợ giáo dục; bàn giao nhiệm vụ cho Ban Đại diện cha mẹ học sinh năm học mới.
Kết quả cuộc họp phải được ghi thành nghị quyết của Ban Đại diện cha mẹ học sinh trường.
Điều 5. Quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh:
1. Căn cứ vào Nghị quyết phiên họp Ban Đại diện cha mẹ học sinh lớp (Điều 4 khoản 2) và nguồn tài trợ khác (nếu có), trưởng Ban Đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp thực hiện thu và sử dụng kinh phí hoạt động được đóng góp và chỉ sử dụng kinh phí sau khi được toàn thể các thành viên Ban Đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến.
2. Trưởng Ban Đại diện cha mẹ học sinh trường chủ trì phối hợp với hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí huy động được (Điều 4 khoản 3) và chỉ sử dụng kinh phí sau khi được toàn thể các thành viên Ban Đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.
3. Việc thu chi kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh phải đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch. Việc báo cáo công khai tình hình thu chi và quyết toán kinh phí được thực hiện tại các phiên họp cha mẹ học sinh lớp và các phiên họp Ban Đại diện cha mẹ học sinh trường.
Điều 6. Quản lý tài chính kinh phí của Ban Đại diện cha mẹ học sinh:
1. Để đảm bảo nguyên tắc thu và sử dụng kinh phí của Ban Đại diện cha mẹ học sinh, chủ tài khoản là trưởng Ban Đại diện cha mẹ học sinh và kế toán nhà trường kiêm nhiệm kế toán của Ban Đại diện cha mẹ học sinh. Ban Đại diện cha mẹ học sinh lớp phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tổ chức thu, trích nộp cho Ban Đại diện cha mẹ học sinh trường.
2. Chế độ kế toán kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh thực hiện theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Bộ Tài chính về việc ban hành Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.
Chứng từ giao cho cha mẹ học sinh khi nộp tiền là biên nhận có chữ ký của người nhận, do Ban Đại diện cha mẹ học sinh trường phát hành và thống nhất quản lý.
Chương III
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận, huyện:
Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định thu và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh các trường trực thuộc phòng Giáo dục và Đào tạo tại địa phương.
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo, của Phòng Giáo dục và Đào tạo:
1. Tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo các nhà trường thực hiện quy định này, kiểm tra việc thực hiện của các Ban Đại diện cha mẹ học sinh đối với các trường trực thuộc, kịp thời chấn chỉnh vi phạm.
2. Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo vi phạm quy định thu và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh.
Điều 9. Trách nhiệm của hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm lớp:
1. Tuyên truyền và phối hợp thực hiện quy định thu và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh đến tất cả cha mẹ học sinh của trường (kết hợp với triển khai Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh).
2. Tạo điều kiện và thực hiện đúng các nội dung quy định đối với hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm được quy định ở Quy định về việc thu và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh.
Chương IV
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 10. Khen thưởng:
1. Kết quả hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh; Quy định thu và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh là một trong những tiêu chuẩn xét thi đua khen thưởng đối với các nhà trường.
2. Các Ban Đại diện cha mẹ học sinh hoạt động tốt, thực hiện tốt có hiệu quả cao Quy định thu và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh, tùy theo thành tích sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.
Điều 11. Xử lý vi phạm:
Tổ chức cá nhân có hành vi cố ý cản trở hoặc làm sai Quy định thu và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Các Ban Đại diện cha mẹ học sinh, sau khi được đề cử, căn cứ vào Quy định này để thực hiện cho phù hợp.
Điều 13. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền, Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổng hợp, đề xuất ý kiến trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định./.