Quyết định 45/2013/QĐ-UBND

Quyết định 45/2013/QĐ-UBND về Quy định quản lý và hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

Quyết định 45/2013/QĐ-UBND Quy định quản lý hoạt động báo chí địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được thay thế bởi Quyết định 44/2017/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản pháp luật Thông tin Truyền thông Tiền Giang và được áp dụng kể từ ngày 15/12/2017.

Nội dung toàn văn Quyết định 45/2013/QĐ-UBND Quy định quản lý hoạt động báo chí địa bàn tỉnh Tiền Giang


 ỦY BAN NHÂN DÂN
 TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 Số: 45/2013/QĐ-UBND

 Tiền Giang, ngày 26 tháng 11 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/ 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Báo chí ngày 28/12/1989; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12/6/1999;

Căn cứ Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí;

Căn cứ Nghị định số 88/2012/NĐ-CP ngày 23/10/2012 của Chính phủ quy định về hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam;

Căn cứ Thông tư số 13/2008/TT-BTTTT ngày 31/12/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thi hành việc thành lập và hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của các cơ quan báo chí;

Căn cứ Thông tư số 21/2011/TT-BTTTT ngày 13/7/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 13/2008/TT-BTTTT ngày 31/12/2008 hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của các cơ quan báo chí và Quyết định số 28/2002/QĐ-BVHTT ngày 21/11/2002 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) ban hành Quy chế xuất bản bản tin, tài liệu, tờ rơi; phát hành thông cáo báo chí; đăng, phát hành bản tin trên màn hình điện tử của các cơ quan, tổ chức nước ngoài, pháp nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 03/2007/QĐ-BVHTT ngày 7/02/2007 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) về việc ban hành Quy chế cải chính trên báo chí;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý và hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Ngoại vụ; thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thanh Đức

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ VÀ HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 45/2013/QĐ-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Quy định này quy định về quản lý và hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

2. Quy định này áp dụng đối với các cơ quan báo chí, phóng viên, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí

1. Ủy ban nhân dân tỉnh là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Báo chí và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí và các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí.

2. Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động báo chí, bao gồm:

a) Hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động báo chí.

b) Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về báo chí; chế độ lưu chiểu báo chí của địa phương.

c) Cấp, thu hồi giấy phép hoạt động bản tin cho các cơ quan, tổ chức.

d) Trả lời về đề nghị tổ chức họp báo đối với các cơ quan, tổ chức của địa phương.

đ) Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và đề nghị các cấp có thẩm quyền cấp thẻ nhà báo, cấp phép hoạt động báo chí, giấy phép xuất bản các ấn phẩm báo chí, ấn phẩm thông tin khác theo quy định của pháp luật cho các cơ quan báo chí.

e) Cho phép các cơ quan báo chí trung ương, các cơ quan báo chí của địa phương khác đặt cơ quan đại diện thường trú, phóng viên thường trú hoạt động tại Tiền Giang.

g) Quản lý, cấp đăng ký sử dụng thiết bị thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

h) Kiến nghị các chính sách, chế độ về hoạt động báo chí, tham gia thẩm định các dự án phát triển sự nghiệp báo chí, hệ thống phát thanh - truyền hình, báo mạng điện tử.

i) Thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên mạng thông tin máy tính và trên xuất bản phẩm.

3. Sở Ngoại vụ là cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động báo chí của các tổ chức, hãng thông tấn báo chí, phóng viên nước ngoài (sau đây gọi chung là phóng viên nước ngoài) hoạt động trên địa bàn tỉnh, gồm:

a) Phối hợp với các cơ quan liên quan lập chương trình cụ thể, chi tiết cho các đoàn phóng viên nước ngoài theo đúng giấy phép hoạt động báo chí đã được Bộ Ngoại giao cấp.

b) Hướng dẫn chương trình làm việc của phóng viên nước ngoài hoạt động ngắn hạn tại tỉnh và cử thành viên cùng đoàn phóng viên đi theo các đoàn cấp cao đến thăm và làm việc tại tỉnh.

c) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động báo chí của các tổ chức nước ngoài, phóng viên nước ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh.

4. Cơ quan chủ quản của các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về báo chí, gồm:

a) Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí đối với cơ quan báo chí trực thuộc.

b) Trực tiếp quản lý, chỉ đạo cơ quan báo chí trực thuộc.

c) Có trách nhiệm giải quyết các vướng mắc, khiếu nại liên quan đến cơ quan báo chí trực thuộc.

Chương II

QUẢN LÝ VỀ HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ

Điều 3. Điều kiện và thủ tục thành lập cơ quan đại diện của các cơ quan báo chí Việt Nam tại Tiền Giang

Điều kiện, hồ sơ, thủ tục xin thành lập cơ quan đại diện phải thực hiện theo khoản 1, khoản 3, Mục II, Thông tư số 13/2008/TT-BTTTT ngày 31/12/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của các cơ quan báo chí; khoản 1, khoản 2, Điều 1, Thông tư số 21/2011/TT-BTTTT ngày 13/7/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 13/2008/TT-BTTTT ngày 31/12/2008 hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của các cơ quan báo chí và Quyết định số 28/2002/QĐ-BVHTT ngày 21/11/2002 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) ban hành Quy chế xuất bản bản tin, tài liệu, tờ rơi; phát hành thông cáo báo chí; đăng, phát bản tin trên màn hình điện tử của các cơ quan, tổ chức nước ngoài, pháp nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 4. Tiêu chuẩn phóng viên thường trú của cơ quan báo chí Việt Nam tại Tiền Giang

Phóng viên thường trú (thuộc cơ quan đại diện hoặc hoạt động độc lập) tại Tiền Giang có các tiêu chuẩn sau:

1. Phải là người trong biên chế chính thức của cơ quan báo chí hoặc được cơ quan báo chí ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định của pháp luật về lao động.

2. Đã được cấp thẻ nhà báo tại cơ quan báo chí xin đặt cơ quan đại diện hoặc cử phóng viên thường trú.

3. Có đủ phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, không bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên trong thời hạn 01 năm tính đến khi cơ quan báo chí xin phép đặt cơ quan đại diện hoặc cử phóng viên thường trú.

Điều 5. Chế độ hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú trong nước tại Tiền Giang

1. Hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú:

a) Cơ quan đại diện chỉ được phép hoạt động sau khi được Sở Thông tin và Truyền thông đồng ý bằng văn bản.

b) Hoạt động của cơ quan đại diện và phóng viên thường trú phải đúng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm do cơ quan báo chí giao và tuân thủ Luật Báo chí, các quy định của pháp luật về báo chí và các quy định khác của pháp luật.

c) Cơ quan đại diện, phóng viên thường trú chịu sự quản lý trực tiếp của cơ quan báo chí và chịu sự quản lý nhà nước về báo chí của Sở Thông tin và Truyền thông.

d) Phóng viên hoạt động nghiệp vụ báo chí phải có thẻ nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp hoặc giấy giới thiệu của cơ quan báo chí.

2. Đình chỉ hoạt động cơ quan đại diện, phóng viên thường trú:

a) Cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ngừng hoạt động ngay sau khi cơ quan báo chí có cơ quan đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã bị đình chỉ hoạt động hoặc bị thu hồi giấy phép hoặc thu hồi thẻ nhà báo (của phóng viên thường trú độc lập) theo quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

b) Cơ quan đại diện bị thu hồi văn bản đồng ý thành lập và đình chỉ hoạt động; phóng viên thường trú bị đình chỉ hoạt động khi cơ quan đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật.

3. Thời gian gửi văn bản thông báo về việc thành lập, đình chỉ hoạt động cơ quan đại diện; cử và đình chỉ hoạt động của phóng viên thường trú:

a) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Sở Thông tin và Truyền thông Tiền Giang có văn bản chấp thuận việc thành lập hoặc có văn bản đình chỉ hoạt động cơ quan đại diện tại địa phương hoặc khi cơ quan đại diện chấm dứt hoạt động tại Tiền Giang thì cơ quan báo chí phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Thông tin và Truyền thông.

b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày cử phóng viên thường trú, phóng viên thường trú bị đình chỉ hoạt động hoặc chấm dứt hoạt động tại Tiền Giang thì cơ quan báo chí phải thông báo bằng văn bản cho Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang và Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong văn bản thông báo phải ghi rõ họ và tên, ngày, tháng, năm sinh và số hiệu thẻ nhà báo của phóng viên thường trú.

Điều 6. Hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài tại Tiền Giang

1. Phóng viên không thường trú

Thủ tục cấp phép hoạt động thông tin, báo chí; chế độ hoạt động thông tin, báo chí của phóng viên không thường trú, phóng viên nước ngoài đi theo đoàn khách nước ngoài thực hiện theo quy định tại mục 1, chương II, Nghị định 88/2012/NĐ-CP ngày 23/10/2012 của Chính phủ quy định về hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

2. Văn phòng thường trú, phóng viên thường trú

Thủ tục thành lập Văn phòng thường trú; thủ tục cử phóng viên thường trú và hoạt động thông tin, báo chí của Văn phòng thường trú, phóng viên thường trú thực hiện theo quy định tại mục 2, chương II, Nghị định 88/2012/NĐ-CP ngày 23/10/2012 của Chính phủ quy định về hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 7. Cải chính trên báo chí

1. Báo chí, tác giả tác phẩm báo chí đăng, phát sóng thông tin sai sự thật; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; gây hiểu lầm làm tổn hại đến uy tín, danh dự, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và xã hội thì phải đăng, phát sóng lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả tác phẩm báo chí. Trong trường hợp có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan báo chí, tác giả tác phẩm báo chí phải thực hiện việc cải chính và đăng, phát sóng nội dung văn bản kết luận đó.

2. Tổ chức, cá nhân có quyền phát biểu bằng văn bản về những nội dung đề cập trên báo chí khi có căn cứ cho rằng báo chí đã thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến mình. Cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng lời phát biểu của tổ chức, cá nhân đối với thông tin đã được đăng, phát sóng trên báo chí của mình.

Lời phát biểu của tổ chức, cá nhân không được xúc phạm cơ quan báo chí, danh dự, nhân phẩm của tác giả và không vi phạm các quy định pháp luật.

3. Thời gian đăng, phát sóng thông tin cải chính, văn bản kết luận, lời phát biểu của tổ chức, cá nhân là 01 (một) ngày đối với báo chí điện tử trên mạng Internet, 05 (năm) ngày đối với báo ngày, đài phát thanh, đài truyền hình, 10 (mười) ngày đối với báo tuần và trong số ra gần nhất đối với tạp chí.

4. Lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả tác phẩm báo chí, văn bản kết luận và lời phát biểu của tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải được đăng, phát sóng tương xứng với thông tin do báo chí đã đưa ra theo quy định của pháp luật.

5. Trong trường hợp cơ quan báo chí không cải chính, xin lỗi hoặc cải chính, xin lỗi không đúng các quy định của pháp luật về báo chí, không đăng, phát sóng lời phát biểu của tổ chức, cá nhân thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khiếu nại với cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại tòa án.

Chương III

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 8. Khen thưởng

1. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông khen thưởng đối với các cơ quan báo chí, nhà báo, tổ chức và công dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có thành tích đặc biệt xuất sắc trong hoạt động báo chí.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ ngân sách theo quy định của pháp luật, để trao tặng giải thưởng báo chí hằng năm và khen thưởng đột xuất cho các tác phẩm báo chí xuất sắc của tỉnh Tiền Giang.

Điều 9. Xử lý vi phạm

Các cơ quan, đơn vị, các cơ quan báo chí, phóng viên vi phạm các hoạt động về báo chí thì xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Ngoại vụ có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, hướng dẫn thực hiện và quản lý các hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh theo Quy định này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan báo chí, phóng viên phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung./.

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 45/2013/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu45/2013/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành26/11/2013
Ngày hiệu lực06/12/2013
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 15/12/2017
Cập nhật6 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 45/2013/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 45/2013/QĐ-UBND Quy định quản lý hoạt động báo chí địa bàn tỉnh Tiền Giang


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 45/2013/QĐ-UBND Quy định quản lý hoạt động báo chí địa bàn tỉnh Tiền Giang
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu45/2013/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Tiền Giang
                Người kýTrần Thanh Đức
                Ngày ban hành26/11/2013
                Ngày hiệu lực06/12/2013
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 15/12/2017
                Cập nhật6 năm trước

                Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Quyết định 45/2013/QĐ-UBND Quy định quản lý hoạt động báo chí địa bàn tỉnh Tiền Giang

                      Lịch sử hiệu lực Quyết định 45/2013/QĐ-UBND Quy định quản lý hoạt động báo chí địa bàn tỉnh Tiền Giang