Quyết định 77/2016/QĐ-UBND

Quyết định 77/2016/QĐ-UBND Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Ninh Thuận

Nội dung toàn văn Quyết định 77/2016/QĐ-UBND quy chế trách nhiệm cơ quan nhà nước phòng chống buôn lậu Ninh Thuận


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 77/2016/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 24 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1206/TTr-SCT ngày 27 tháng 9 năm 2016.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 04 tháng 11 năm 2016 và thay thế Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh Ninh Thuận.

Trưởng Ban Chỉ đạo 389/ĐP, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lưu Xuân Vĩnh

 

QUY CHẾ

VỀ TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 77/2016/QĐ-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định trách nhiệm theo lĩnh vực, địa bàn và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các sở, ngành, các cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân cấp huyện (sau đây gọi tắt là cơ quan quản lý Nhà nước) trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và các hành vi kinh doanh trái phép khác (sau đây gọi tắt là công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả).

2. Đối tượng áp dụng:

a) Các sở, ngành, cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân cấp huyện thuộc tỉnh;

b) Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Ninh Thuận (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389/ĐP).

Điều 2. Nguyên tắc xác định trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động

1. Về trách nhiệm:

a) Thủ trưởng các sở, ngành và các cơ quan chức năng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao và phân công trách nhiệm trong quy chế này thực hiện việc chỉ đạo, tổ chức công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực sở, ngành mình quản lý theo nguyên tắc:

- Bảo đảm đúng quy định pháp luật hiện hành phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao đối với công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;

- Mỗi địa bàn, lĩnh vực do một cơ quan chịu trách nhiệm chính, chủ trì và tổ chức phối hợp với các cơ quan khác có liên quan trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định. Trường hợp phát hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả trên địa bàn hoặc lĩnh vực do cơ quan khác chịu trách nhiệm và chủ trì thì cơ quan phát hiện thông báo ngay cho cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp, hỗ trợ nhau kiểm tra, xử lý nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo và tổ chức công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, địa phương mình trực tiếp quản lý;

c) Trưởng Ban Chỉ đạo 389/ĐP giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sự phối hợp hoạt động trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh;

d) Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật, thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan chức năng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng, cơ quan, địa phương thuộc thẩm quyền quản lý chủ động tổ chức sự phối hợp hoạt động; trong đó, có phân định cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm chính và cơ quan phối hợp để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành và đạt hiệu quả cao trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn được phân công.

2. Về quan hệ phối hợp:

a) Quan hệ phối hợp phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật, đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao của các bên tham gia; đảm bảo hỗ trợ lẫn nhau, tránh chồng chéo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;

b) Quan hệ phối hợp được tiến hành theo nguyên tắc kịp thời, hiệu quả; quá trình phối hợp hoạt động không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chung của các bên tham gia; không gây khó khăn, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp trên thị trường;

c) Việc phối hợp hoạt động được tiến hành trên cơ sở yêu cầu công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từng thời gian, địa bàn và lĩnh vực cụ thể;

d) Việc trao đổi, thu thập thông tin, điều tra và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải đảm bảo quy định về chế độ bảo mật.

Chương II

TRÁCH NHIỆM TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI, HÀNG GIẢ CỦA BAN CHỈ ĐẠO 389/ĐP VÀ CÁC SỞ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG TRONG TỈNH

Điều 3. Trách nhiệm của Ban Chỉ đạo 389/ĐP

1. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch, phương án, biện pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong từng thời kỳ phù hợp với tình hình, diễn biến thị trường, đảm bảo đạt hiệu quả.

2. Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chủ trì giải quyết những vụ việc phức tạp, quan trọng liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp; tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các sở, ngành, địa bàn trọng điểm trong tỉnh.

3. Tổng hợp tình hình, đánh giá kết quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh theo định kỳ, theo chuyên đề để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.

4. Rà soát và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

5. Thành lập các đoàn liên ngành để triển khai thực hiện các chỉ đạo quan trọng của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh và kiểm tra, xử lý các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có tổ chức, quy mô lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội.

6. Tổ chức các phong trào thi đua và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có dấu hiệu bao che, bảo kê, tiếp tay với các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

7. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tấn báo chí xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

Điều 4. Trách nhiệm của các sở, ngành có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

1. Sở Công Thương:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương triển khai công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh;

b) Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, các cấp thực thi công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ, lưu thông hàng hóa trên thị trường, hoạt động xuất nhập khẩu; chống đầu cơ, găm hàng, tung tin đồn thất thiệt, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả và các vi phạm về giá, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác trên thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật;

- Chủ trì tổ chức kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa sản phẩm công nghiệp lưu thông trên thị trường; phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các lực lượng chức năng có liên quan kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm trong quá trình sản xuất, lưu thông trên thị trường; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra xử lý các vi phạm về sở hữu công nghiệp, đo lường, chất lượng, bản quyền tác giả;

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát các hoạt động về xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, bán hàng đa cấp; chống độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp;

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

2. Sở Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo thẩm quyền;

b) Phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong quá trình điều tra, xử lý các hành vi độc quyền và liên kết độc quyền về giá, hành vi cạnh tranh không lành mạnh về giá, hành vi bán phá giá, lợi dụng bán hàng bình ổn giá và sự biến động của thị trường giá cả, thiên tai, dịch bệnh để gian lận thương mại về giá, tăng giá, ép giá bất hợp lý;

c) Đề xuất các chế độ, chính sách hỗ trợ bổ sung kinh phí bảo đảm điều kiện làm việc, thông tin liên lạc, mua sắm trang thiết bị, phương tiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát cho các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

d) Phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy nhanh tiến độ định giá hàng tịch thu để bán đấu giá kịp thời, tránh tình trạng hư hỏng, mất giá do tồn đọng lâu dài.

3. Công an tỉnh:

a) Chỉ đạo Công an các đơn vị trực thuộc tiến hành phát hiện, bắt giữ, điều tra, xác minh làm rõ các đường dây, tổ chức, cá nhân buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu trên địa bàn tỉnh. Phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý những vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu theo quy định của pháp luật;

b) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông hỗ trợ, phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, dừng và bắt giữ các phương tiện vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng gian lận thương mại trên tuyến đường bộ;

c) Triển khai các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, điều tra, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, lưu thông trái phép hàng hóa, tiền tệ; sản xuất, vn chuyển, kinh doanh hàng giả và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

a) Chỉ đạo lực lượng kiểm soát quân sự kết hợp công tác tuần tra, kiểm soát theo chức năng, nhiệm vụ được giao; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra ngăn chặn và xử lý hành vi sử dụng phương tiện vận tải thuộc các đơn vị quốc phòng để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm hoặc lợi dụng khu vực do quân đội quản lý để tàng trữ trái phép hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, lâm sản, động vật rừng;

b) Chỉ đạo lực lượng quân sự địa phương tham gia phối hợp, hỗ trợ lực lượng kiểm lâm trong việc phát hiện, ngăn chặn hành vi phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản, động thực vật rừng trái pháp luật.

5. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

a) Chủ trì tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở khu vực ven biển, vùng biển thuộc phạm vi quản lý, tập trung vào những khu vực, vùng biển trọng điểm có mật độ tàu thuyền vận chuyển hàng hóa lớn, có nhiều khả năng xảy ra hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại;

b) Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quản lý thị trường tỉnh trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo nội dung quy chế phối hợp đã được ký kết giữa 2 đơn vị;

c) Phối hợp với cơ quan Hải Quan tỉnh và các lực lượng liên quan tiến hành kiểm tra, kiểm soát các hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ theo quy định của pháp luật;

d) Phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực ven biển, ngư dân hoạt động đánh bắt, khai thác thủy hải sản tích cực tham gia, hỗ trợ cơ quan chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không tiếp tay vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ trên biển.

6. Sở Y tế:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; tăng cường quản lý và thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc trên thị trường nội tỉnh, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu đối với các loại thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; phát hiện, ngăn chặn hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm qua đường ăn uống; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

7. Sở Khoa học và Công nghệ:

a) Tổ chức hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, sở hữu trí tuệ và các hoạt động liên quan đến giám định, thử nghiệm hàng hóa phục vụ cho công tác phòng, chống hàng giả và gian lận thương mại theo nhiệm vụ được phân công;

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và cơ quan chức năng thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và sở hữu trí tuệ.

8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện việc thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động: khai thác, vận chuyển, chế biến, buôn bán, tiêu thụ gỗ lậu, động vật và các sản phẩm từ động vật hoang dã, các loài động, thực vật rừng, động vật thủy sinh nguy cấp, quý hiếm;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi sản xuất, gia công sang chai, đóng gói, nhập khẩu, kinh doanh, vận chuyển lưu thông, quảng cáo và sử dụng các loại nguyên liệu, vật tư phục vụ nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, giống cây trồng, vật nuôi, nhập lậu, giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cấm sử dụng và ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam (trừ phân bón vô cơ);

c) Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản và muối; phát hiện và xử lý các hành vi vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, thủy sản và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa qua kiểm dịch.

9. Sở Giao thông vận tải:

a) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi vận chuyển trái phép hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại trong hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy và đường sắt;

b) Phối hợp với các sở, ngành có liên quan trong quản lý, kiểm soát các phương tiện vận tải tạm nhập, mang biển số nước ngoài sử dụng tại Việt Nam nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các phương tiện vận tải nhập lậu hoặc lưu hành trái phép.

10. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn kiểm tra hoạt động nhập khẩu đối với hàng hóa có ảnh hưởng đến môi trường thuộc diện cấm hoặc hạn chế nhập khẩu bao gồm cả phế liệu làm nguyên liệu sản xuất phù hợp với quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định pháp luật khác có liên quan.

11. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, về bản quyền phần mềm; chống buôn lậu văn hóa phẩm, in sang băng đĩa lậu và các ấn phẩm xuyên tạc, xâm phạm chủ quyền quốc gia; thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm đối với tổ chức, cá nhân trên lĩnh vực thuộc ngành quản lý theo quy định pháp luật.

12. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong việc nhận, gửi, chuyển phát thư, bưu kiện, bưu phẩm, gói hàng hóa qua mạng bưu chính; xuất bản phẩm, sản phẩm in không được phép nhập khẩu, xuất bản, in và phát hành trái phép; viễn thông và công nghệ thông tin;

b) Phối hợp, chỉ đạo Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận và các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; những tác hại, tác động xấu của hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với kinh tế - xã hội.

13. Sở Tư Pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật, công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; rà soát phát hiện những thiếu sót, chồng chéo, chưa rõ ràng, đồng bộ đối với các chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

14. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ninh Thuận phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát và quản lý hoạt động mua bán, thu đổi, sử dụng ngoại tệ, việc niêm yết giá và bán hàng bằng ngoại tệ, hoạt động kinh doanh vàng; xử lý các loại tiền giả lưu thông trên thị trường.

15. Cục Thuế tỉnh chủ trì thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các chính sách, pháp luật về thuế, triển khai đồng bộ các giải pháp chống thất thu ngân sách; quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phối hợp với các cơ quan chức năng phòng chống gian lận về thuế, xử lý các hành vi vi phạm về thuế theo thẩm quyền.

16. Chi cục Hải Quan Ninh Thuận kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thông qua hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh hàng hóa trong phạm vi, địa bàn hoạt động hải quan; xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan theo quy định của pháp luật.

17. Ban Quản lý Khu công nghiệp thường xuyên tự kiểm tra, nắm bắt tình hình về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong khu vực quản lý; đồng thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng, phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát, phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các đối tượng làm ăn bất chính lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư để tàng trữ trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu trong các doanh nghiệp, kho bãi nằm trong các khu công nghiệp.

18. Các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhằm ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển, mở rộng giao lưu hàng hóa.

Điều 5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

1. Tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chủ trương, chính sách và sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo 389/ĐP trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn phụ trách.

2. Chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện kiểm tra, kiểm soát đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo quy định của pháp luật.

3. Phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường của tỉnh trong công tác quản lý thị trường, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

4. Kiến nghị kịp thời với Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, các cơ quan liên quan cấp tỉnh để đề nghị với Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các Bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, văn bản pháp luật có liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

5. Tăng cường chỉ đạo, củng cố tổ chức bộ máy (thành lập Ban Chỉ đạo 389 cấp huyện), bố trí kinh phí, trang bị phương tiện, điều kiện làm việc cho các cơ quan chức năng trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, nhằm đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo quy định pháp luật.

Chương III

NỘI DUNG VÀ TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP

Điều 6. Nội dung phối hợp

Căn cứ chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo 389/ĐP, bám sát tình hình thực tiễn và theo chức năng nhiệm vụ được giao trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các sở, ngành, địa phương thực hiện hoặc chỉ đạo các lực lượng có chức năng kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc phạm vi quản lý, chủ động xác lập mối quan hệ phối hợp hoạt động theo nội dung sau:

1. Xây dựng Kế hoạch, phương án công tác trong đó phân định rõ phạm vi trách nhiệm quản lý và hoạt động, các biện pháp quản lý theo ngành, lĩnh vực, địa bàn; những vấn đề liên quan đến ngành, cơ quan hoặc địa phương khác cần có sự trao đổi, bàn bạc thống nhất trước khi triển khai thực hiện.

2. Phát hiện, thu thập, trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu gồm:

a) Thông tin về tình hình và công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong ngành và trên địa bàn, dự báo về tình hình thị trường, cung cầu hàng hóa, giá cả; kết quả công tác trong từng giai đoạn. Trong trường hợp có vấn đề đột xuất, phức tạp kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo 389/ĐP để thông báo cho các Sở, ngành, địa phương và cơ quan chức năng có biện pháp xử lý;

b) Thông tin về những quy định mới của pháp luật, trong hoạt động quản lý thị trường, quản lý biên giới, chính sách xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước, chính sách quản lý đối với từng ngành hàng, mặt hàng;

c) Thông tin về tình hình vi phạm pháp luật, quy luật, thủ đoạn, phương thức hoạt động của các đối tượng vi phạm, về tổ chức, đường dây, ổ nhóm, các tuyến, địa bàn trọng điểm liên quan đến hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và các hành vi gian lận thương mại khác;

d) Thông tin về quy trình, nghiệp vụ kiểm tra, xử lý; về những khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm thực tiễn của từng ngành, từng địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;

đ) Thông tin về kỹ thuật, các trang thiết bị, phương tiện và các tiến bộ khoa học, kỹ thuật có thể áp dụng cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;

e) Các thông tin, tài liệu khác theo đề nghị của các cơ quan chức năng có liên quan.

3. Tổ chức tuần tra, thanh tra, điều tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gồm:

a) Xây dựng kế hoạch, phương án kiểm tra và tổ chức lực lượng, phương tiện để kiểm tra ngăn chặn, bắt giữ, tư vấn, trao đổi nghiệp vụ chuyên môn để xử lý vụ việc vi phạm theo yêu cầu;

b) Phối hợp trong quá trình điều tra theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự và theo quy định của cơ quan pháp luật;

c) Khi xử lý phải có sự bàn bạc thống nhất giữa các bên tham gia phối hợp;

d) Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát nếu phát hiện tổ chức, cá nhân được kiểm tra, kiểm soát có những hành vi vi phạm mà không thuộc phạm vi chức năng, thẩm quyền xử lý của mình, thì đơn vị thực hiện kiểm tra, kiểm soát thông báo và chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Trong trường hợp vụ việc phức tạp, thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan thì giao Thường trực Ban Chỉ đạo 389/ĐP chủ trì phối hợp xem xét biện pháp xử lý cho phù hợp;

đ) Khi cần thiết có thể tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành để phối hợp kiểm tra. Cơ quan chủ trì, phối hợp kiểm liên ngành chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra theo thẩm quyền và theo quy định pháp luật. Các cơ quan tham gia hỗ trợ lực lượng chuyên môn, phương tiện trong quá trình kiểm tra, xử lý các vụ việc có tính chất phức tạp.

4. Đề xuất, kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật chưa phù hợp hoặc khi phát sinh những vấn đề mới trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước.

5. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, xây dựng lực lượng theo yêu cầu công tác; hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động liên quan đến đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi; phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nêu gương người tốt, việc tốt; tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ chuyên môn.

6. Phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền:

a) Tuyên truyền, phát động quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh chống các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;

b) Tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;

c) Phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; các doanh nghiệp, hiệp hội chủ động cung cấp thông tin cách nhận biết hàng thật, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ cho các cơ quan chức năng để làm căn cứ kiểm tra, xử lý vi phạm.

Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị phối hợp

1. Thực hiện đầy đủ, đúng mục đích, yêu cầu, nội dung các chương trình, kế hoạch, phương án phối hợp đã tham gia ký kết với các đơn vị phối hợp.

2. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo thường xuyên hoặc đột xuất với cơ quan chủ trì theo quy định chung về tình hình thị trường, giá cá, về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của đơn vị mình.

3. Tham gia phối hợp kiểm tra liên ngành khi cần thiết; trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của đơn vị chủ trì thì đơn vị được yêu cầu phối hợp phải hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, tăng cường lực lượng, phương tiện kịp thời ngăn chặn, xử lý các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

4. Tham dự các phiên họp do sở, ngành, địa phương chủ trì triệu tập và chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho phiên họp theo yêu cầu.

5. Tham gia xử lý các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có liên quan đến trách nhiệm của đơn vị mình, đảm bảo khách quan, đúng quy định của pháp luật.

Điều 8. Trách nhiệm trong chỉ đạo công tác phối hợp

1. Trách nhiệm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389/ĐP và Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389/ĐP (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận):

a) Ban Chỉ đạo 389/ĐP: chỉ đạo việc tổ chức các quan hệ phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương trong hoạt động đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo quy định tại Điều 3 Quy chế này;

b) Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389/ĐP (Chi cục Quản lý thị trường Ninh Thuận): là cơ quan tham mưu giúp Lãnh đạo Ban và Ban Chỉ đạo 389/ĐP chỉ đạo công tác phối hợp hoạt động và điều phối lực lượng phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong phạm vi địa bàn tỉnh. Tổng hợp, đánh giá báo cáo Ban Chỉ đạo 389/ĐP kết quả thực hiện quy chế định kỳ 06 tháng, 01 năm và đột xuất khi có yêu cầu.

2. Trách nhiệm của các sở, ngành có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả:

a) Tổ chức xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, phương án phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với lĩnh vực, địa phương được phân công phụ trách;

b) Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc sở, ngành mình phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chỉ đạo, chủ trì giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều sở, ngành, địa phương thuộc lĩnh vực Sở, ngành mình quản lý;

c) Yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước ở các sở, ngành khác và địa phương cung cấp thông tin, báo cáo kịp thời tình hình có liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực sở, ngành mình phụ trách, tổng hợp tình hình, đánh giá kết quả hoạt động để báo cáo Ban Chỉ đạo 389/ĐP và Ủy ban nhân dân tỉnh;

d) Kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan về các chủ trương, biện pháp cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực sở, ngành mình phụ trách;

đ) Phối hợp kiểm tra liên ngành khi cần thiết trường hợp khẩn cấp được yêu cầu các cơ quan có liên quan hỗ trợ lực lượng, phương tiện để kịp thời ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực được phân công phụ trách.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Báo cáo, sơ kết, tổng kết và khen thưởng, kỷ luật

1. Công tác báo cáo, sơ kết, tổng kết:

a) Các sở, ngành, địa phương tiến hành sơ kết (định kỳ 06 tháng), tổng kết (định kỳ 1 năm) đánh giá kết quả phối hợp hoạt động theo quy chế này và tổng hợp vào báo cáo kết quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (báo cáo thông qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389/ĐP) để tổng hợp báo cáo cho Ban Chỉ đạo 389/ĐP, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Hình thức sơ kết, tổng kết:

- Ban Chỉ đạo 389/ĐP chủ trì tổ chức sơ kết, tổng kết công tác phối hợp theo quy chế này cùng với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;

- Các sở, ngành, địa phương tổ chức sơ kết, tổng kết công tác phối hợp hoạt động theo các mối quan hệ phối hợp song phương, đa phương đã tham gia ký kết (nếu có).

2. Khen thưởng, kỷ luật:

a) Khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phối hợp, thực thi nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được xét khen thưởng theo quy định của pháp luật;

b) Kỷ luật:

- Người đứng đầu các sở, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả kéo dài hoặc nghiêm trọng thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Trưởng Ban Chỉ đạo 389/ĐP;

- Tập thể, cá nhân vi phạm Quy chế này sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Điều khoản thi hành

1. Căn cứ Quy chế này, thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm:

a) Xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể hàng năm; trong đó, có nội dung quan hệ phối hợp để tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn thuộc sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng ở địa phương mình.

2. Khi pháp luật hiện hành có quy định khác với Quy chế này về trách nhiệm phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các sở, ngành thì phải thực hiện theo quy định pháp luật đó.

3. Trong quá trình thực hiện, trường hợp phát sinh những khó khăn, vướng mắc, các sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan phản ánh về Thường trực Ban Chỉ đạo 389/ĐP (Sở Công Thương) thông qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389/ĐP để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 77/2016/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu77/2016/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành24/10/2016
Ngày hiệu lực04/11/2016
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Thương mại
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 77/2016/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 77/2016/QĐ-UBND quy chế trách nhiệm cơ quan nhà nước phòng chống buôn lậu Ninh Thuận


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản bị đính chính

        Văn bản được hướng dẫn

          Văn bản đính chính

            Văn bản hiện thời

            Quyết định 77/2016/QĐ-UBND quy chế trách nhiệm cơ quan nhà nước phòng chống buôn lậu Ninh Thuận
            Loại văn bảnQuyết định
            Số hiệu77/2016/QĐ-UBND
            Cơ quan ban hànhTỉnh Ninh Thuận
            Người kýLưu Xuân Vĩnh
            Ngày ban hành24/10/2016
            Ngày hiệu lực04/11/2016
            Ngày công báo...
            Số công báo
            Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Thương mại
            Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
            Cập nhật7 năm trước

            Văn bản thay thế

              Văn bản hướng dẫn

                Văn bản được hợp nhất

                  Văn bản gốc Quyết định 77/2016/QĐ-UBND quy chế trách nhiệm cơ quan nhà nước phòng chống buôn lậu Ninh Thuận

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 77/2016/QĐ-UBND quy chế trách nhiệm cơ quan nhà nước phòng chống buôn lậu Ninh Thuận