Quyết định 828/QĐ-UB nghĩa vụ lao động nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã được thay thế bởi Quyết định 6699/QĐ-UB-NC bãi bỏ văn bản pháp luật lĩnh vực văn hóa xã hội hết hiệu lực do UBND thành phố ban hành từ 02/7/1976 đến 31/12/1996 và được áp dụng kể từ ngày 14/12/1998.
Nội dung toàn văn Quyết định 828/QĐ-UB nghĩa vụ lao động nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 828/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 5 năm 1978 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ NGHĨA VỤ LAO ĐỘNG CỦA NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chánh các cấp ngày 27-10-1962;
Căn cứ nghị quyết kỳ họp thứ 3 của Hội đồng Nhân dân thành phố khóa I ngày 31-3-1978, về nghĩa vụ lao động của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. – Nay công bố thi hành trong toàn thành phố quy định tạm thời về nghĩa vụ lao động của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (văn bản kèm theo quyết định này).
Điều 2. – Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, thủ trưởng các ban, ngành, sở, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyên chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ NGHĨA VỤ LAO ĐỘNG CỦA NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 828/QĐ-UB, ngày 23-3-1978)
Lao động là cơ sở để phát triển kinh tế quốc dân và nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, lao động là nghĩa vụ và vinh dự, đồng thời là quyền lợi của người công dân. Để bảo đảm cho nhân dân thực hiện đúng đắn nghĩa vụ lao động, phát huy quyền làm chủ tập thể của mình, đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng lại thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố quy định như sau:
I. NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI LAO ĐỘNG
Điều 1. Những người công dân cư trú chính thức tại thành phố trong độ tuổi quy định dưới đây được coi là có sức lao động và có nghĩa vụ lao động:
Nam từ 16 đến 60 tuổi, nữ từ 16 đến 55 tuổi không có trở ngại về thể chất hoặc tinh thần đến mức không thể lao động được, được coi là có sức lao động.
Nam từ 18 đến 60 tuổi, nữ từ 18 đến 55 tuổi có nghĩa vụ lao động.
Người ngoài tuổi nghĩa vụ lao động, có sức lao động nếu tự nguyện, có thể tham gia lao động và được hưởng mọi quyền lợi như người trong tuổi lao động.
Điều 2. Trường hợp được xét miễn hoặc giảm nghĩa vụ lao động:
Những người là chủ trì trong chùa, nhà thờ,… được miễn nghĩa vụ lao động.
Những người có giấy chứng nhận của bác sĩ ở các cơ sở y tế của Nhà nước:
Mất sức lao động (trường hợp được các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp đã cho nghỉ việc vì mất sức lao động, không cần có giấy của bác sĩ).
Có bịnh không lao động nặng được.
Điều 3. Công dân trong tuổi nghĩa vụ lao động có nghĩa vụ như sau:
a) Đăng ký lao động tại Sở Lao động, Phòng lao động quận, huyện hoặc tại Ủy ban Nhân dân phường, xã.
b) Chấp hành sự phân công lao động và sự điều động của cơ quan hoặc của Ủy ban Nhân dân nơi mình cư trú để phục vụ cho sản xuất, xây dựng.
c) Thi đua làm việc nhiều, nhanh, tốt; luôn luôn trau giồi trình độ nghề nghiệp, trình độ kỹ thuật, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
d) Chấp hành kỷ luật lao động, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và bảo vệ thành quả lao động xã hội.
đ) Chống hành động vô kỷ luật trong lao động, chống lười biếng, trốn tránh lao động và mọi vi phạm khác về pháp luật lao động;
Điều 4. Công dân trong tuổi nghĩa vụ lao động có quyền như sau:
a) Được sắp xếp việc làm theo khả năng lao động của mình và tùy theo yêu cầu xây dựng kinh tế và phân bố lao động của thành phố (về sản xuất, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp, thủy lợi,…); được bảo đảm những điều kiện lao động cần thiết để phát huy khả năng đó.
b) Được đề đạt nguyện vọng chính đáng về nghề nghiệp, được khuyến khích, giúp đỡ học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chính trị và nghề nghiệp.
c) Được đãi ngộ theo kết quả về số lượng và chất lượng lao động, khen thưởng bằng vật chất và tinh thần, hưởng các quyền lợi về nghỉ ngơi, về bảo hộ lao động, về bảo hiểm xã hội và về phúc lợi xã hội.
d) Tham gia công tác quản lý sản xuất, quản lý lao động và được khiếu nại, tố giác những vi phạm những quy định về lao động.
Điều 5. Tùy theo yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, Nhà nước huy động những người đến tuổi nghĩa vụ lao động làm nghĩa vụ quân sự kết hợp với nghĩa vụ lao động.
Điều 6. Ngoài nghĩa vụ lao động kể trên, mỗi người trong tuổi lao động, có sức lao động còn phải làm nghĩa vụ lao động xã hội chủ nghĩa theo chế độ đã quy định. (Quy định tạm thời số 648/QĐ-UB ngày 3-6-1977 của Ủy ban Nhân dân thành phố về nghĩa vụ lao động xã hội chủ nghĩa).
Trường hợp có thiên tai, địch họa, mọi công dân phải chấp hành lệnh huy động lao động khẩn cấp của các cấp Ủy ban Nhân dân.
Điều 7. Những người trong tuổi nghĩa vụ lao động, có sức lao động nhưng không làm việc trong một tổ chức của Nhà nước, đoàn thể xã hội, của hợp tác xã, tổ sản xuất hoặc chưa có việc làm chính đáng hoặc ổn định đều phải tham gia lao động có ích cho xã hội và cho Nhà nước trực tiếp điều phối. Những người này sẽ đượ giúp đỡ theo chính sách để chuyển sang sản xuất hoặc sẽ được sắp xếp vào các tổ, đội lao động chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp xây dựng thành phố (áp dụng theo quy định tạm thời số 439/QĐ-UB ngày 5-8-1977).
Điều 8. Những người thuộc diện nói ở điều 7, nếu không tuân thủ sự bố trí, sắp xếp lao động theo yêu cầu của Nhà nước, sẽ bị bắt buộc lao động theo chế độ cưỡng bức (áp dụng theo quyết định của Hội đồng Chính phủ số 201-CP ngày 30-4-1974).
II. VIỆC QUẢN LÝ LAO ĐỘNG
Điều 9. Sở Lao động thành phố có trách nhiệm xây dựng và đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố xét duyệt kế hoạch phân bố và tổ chức sử dụng có hiệu quả lực lượng lao động toàn thành phố; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp cho người lao động và kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách về lao động, để bảo đảm ngày càng đầy đủ quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động.
Điều 10. Ủy ban Nhân dân quận, huyện, phường, xã có trách nhiệm phân bố và sử dụng hợp lý lực lượng lao động địa phương mình, bảo đảm cho mọi người lao động thực hiện nghĩa vụ và quyền lao động; nghiêm chỉnh thực hiện kế hoạch phân bố lao động và các chính sách về lao động của Nhà nước.
Điều 11. Thủ trưởng các đơn vị trực tiếp sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức và sử dụng hợp lý lực lượng lao động, thực hiện nghiêm chỉnh chính sách về lao động chăm lo đời sống của người lao động, khen thưởng những người lao động tốt, đồng thời giáo dục, xử phạt những người vi phạm kỷ luật lao động.
Điều 12. Các cơ quan chính quyền Nhà nước phối hợp với các đoàn thể nhân dân, giáo dục động viên quần chúng tự giác thi hành nghĩa vụ lao động, hăng hái thi đua lao động xã hội chủ nghĩa; tham gia ý kiến với cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng các chính sách, chế độ lao động và giám sát việc thực hiện các chính sách, chế độ đó.
Điều 13. Các cá nhân và tập thể lao động có nhiều thành tích hoặc có những sáng kiến cải tiến tổ chức lao động, cải tiến kỹ thuật có hiệu quả tăng năng suất lao động, sẽ được Ủy ban Nhân dân phường, xã, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị biểu dương, khen thưởng hoặc đề nghị lên Ủy ban Nhân dân quận, huyện hay Ủy ban Nhân dân thành phố khen thưởng xứng đáng về vật chất và tinh thần; trường hợp đặc biệt xuất sắc sẽ được Ủy ban Nhân dân thành phố xét đề nghị lên Hội đồng Chính phủ tặng thưởng huân chương và danh hiệu anh hùng lao động.
III. VIỆC XỬ LÝ TRƯỜNG HỢP VI PHẠM
Điều 14. Những người cố ý vi phạm pháp luật lao động, trốn tránh nghĩa vụ lao động, vi phạm quyền lao động của công dân, thì tùy mức nhẹ hay nặng bị xử phạt như sau:
Thi hành kỷ luật hành chánh,
Bắt buộc lao động theo chế độ cưỡng bức,
Bị truy tố ra trước Tòa án nhân dân.
IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Sở Lao động có nhiệm vụ phổ biến và hướng dẫn thi hành quy định này.
Điều 16. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày công bố.