Quyết định 84/2005/QĐ-UBND chế độ trợ cấp học sinh dân tộc thiểu số ở thôn, xã, miền núi, vùng cao địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được thay thế bởi Quyết định 93/2008/QĐ-UBND quy định chế độ trợ cấp đối với học sinh dân tộc thiểu số ở các thôn, xã, miền núi, vùng cao trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và được áp dụng kể từ ngày 10/11/2008.
Nội dung toàn văn Quyết định 84/2005/QĐ-UBND chế độ trợ cấp học sinh dân tộc thiểu số ở thôn, xã, miền núi, vùng cao địa bàn tỉnh Bình Thuận
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 84/2005/QĐ-UBND | Phan Thiết, ngày 15 tháng 12 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI HỌC SINH DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở CÁC THÔN, XÃ, MIỀN NÚI, VÙNG CAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh đã được Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng xâu, vùng xa;
Xét đề nghị của Ban Dân tộc Tỉnh, Sở Tài chính, Sở Giáo dục Đào tạo tại văn bản liên tịch số 412/LS-TC-DT-GDĐT ngày 30/8/2005 về việc đề nghị sử đổi quyết định số 64/2002/QĐ-UBBT ngày 18/10/2002 của Ủy ban nhân dân Tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định chế độ trợ cấp đối với học sinh dân tộc thiểu số ở các thôn, xã, miền núi, vùng cao” trên địa bàn Tỉnh Bình Thuận
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 64/2002/QĐ-UBBT ngày 18/10/2002 của Ủy ban nhân dân Tỉnh.
Điều 3. Giao trách nhiệm cho Trưởng Ban dân tộc Tỉnh chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
Điều 4. Chánh văn phòng UBND Tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc Tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI HỌC SINH DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở CÁC THÔN, XÃ MIỀN NÚI, VÙNG CAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 84 /2005/QĐ-UBND ngày 15 /12/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng áp dụng.
1. Các đối tượng được hưởng trợ cấp theo Quy định này là: Học sinh hệ mầm non 5 tuổi (một số trường hợp đặc biệt do phát triển chậm, khi theo học lớp mầm non vẫn được hưởng chế độ trợ cấp này); học sinh tiểu học; học sinh trung học cơ sở là con em người dân tộc thiểu số vùng cao (K’Ho, Raglay, Rai, Châuro) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
2. Những đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp theo Quy định này thì không được hưởng chế độ theo quy định tại Quyết định số 76/QĐ/UBBT ngày 21/11/2001 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc ban hành quy định tạm thời về chính sách hỗ trợ học tập cho học sinh nghèo ở tỉnh Bình Thuận.
Điều 2. Địa bàn thực hiện.
Học sinh nêu tại điểm 1, điều 1 quy định này, đang cư trú tại:
1. Các xã: Phan Dũng (huyện Tuy Phong); Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Điền, Phan Tiến (huyện Bắc Bình); Đông Giang, La Dạ, Đông Tiến (huyện Hàm Thuận Bắc); Hàm Cần, Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam); La Ngâu (huyện Tánh Linh).
2. Các thôn xen ghép thuộc các xã miền núi, vùng cao: Phong Phú, Vĩnh Hảo (Tuy Phong); Thuận Minh, Thuận Hòa, Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc); Tân Đức, Tân Phúc, Sông Phan, Tân Hà, Tân Xuân (huyện Hàm Tân); Măng Tố, Đức Bình, Đức Thuận, Lạc Tánh, Gia Huynh, Suối Kiết, Đức Phú (huyện Tánh Linh); Trà Tân, Đức Tín, Mê Pu (huyện Đức Linh).
Chương II
CÁC CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP
Điều 3. Hệ mầm non (5 tuổi).
1. Gạo: 05 kg/học sinh/ tháng học.
2. Dụng cụ dạy học: 20.000 đồng/học sinh/năm học.
Điều 4. Hệ tiểu học.
1. Sách giáo khoa: Cấp cho mượn 01 học sinh/01 bộ/năm học; cuối năm thu lại. Hàng năm cấp bổ sung 30% để bù lại cho số sách bị hư hỏng hoặc mất không thu hồi lại được và do nhà trường quản lý.
Trường hợp năm học sau số học sinh nhiều hơn năm học trước sẽ cấp mới bổ sung thêm cho số chênh lệch này.
2. Vở viết học sinh (96 trang/tập):
- Lớp 1, 2, 3 : 5 tập/học sinh/năm học.
- Lớp 4,5 : 7 tập/học sinh/năm học.
3. Viết máy loại thường : 01 cây/học sinh/năm học.
4. Mực viết : 01 lọ/học sinh/năm học.
5. Cặp học sinh : 01 cái/học sinh/năm học.
6. Quần áo, nón : 01 bộ/học sinh/năm học.
7. Dép nhựa, thắt lưng : 01 bộ/học sinh/năm học.
8. Dầu hỏa thắp sáng : 01 lít/học sinh/tháng học (đối với hộ chưa có điện).
9. Gạo : 08 kg/học sinh/tháng học.
Điều 5. Hệ trung học cơ sở.
1. Sách giáo khoa: Cấp cho mượn 01 học sinh/01 bộ/năm học, cuối năm thu lại. Hàng năm cấp bổ sung 20% để bù lại cho số sách bị hư hỏng hoặc mất không thu hồi lại được và do nhà trường quản lý.
Trường hợp năm học sau số học sinh nhiều hơn năm học trước sẽ cấp mới bổ sung thêm cho số chênh lệch này.
2. Vở viết học sinh (96 trang/tập) :10 tập/ học sinh/năm học.
3. Viết máy loại tốt : 01 cây/ học sinh/năm học
4. Mực viết : 01 lọ/ học sinh/năm học
5. Cặp học sinh : 01 cái/ học sinh/năm học
6. Quần áo, nón, dép : 01 bộ/ học sinh/năm học
7. Dép nhựa, thắt lưng : 01 bộ/ học sinh/năm học
8. Dầu hỏa thắp sáng : 01 lít/ học sinh/năm học (đối với hộ chưa có điện).
9. Gạo : 10 kg/học sinh/tháng học.
Chương III
CHƯƠNG THỨC CẤP PHÁT
Điều 6. Dụng cụ dạy học, sách giáo khoa, vở viết học sinh, viết máy, mực viết, cặp học sinh, quần áo, nón, dép nhựa, thắt lưng được cấp phát một lần vào đầu năm học trên cơ sở sổ điểm danh học sinh đi học do giáo viên chủ nhiệm lập, có xác nhận của Hiệu trưởng nhà trường, Phòng Giáo dục huyện và Phòng Dân tộc hoặc Dân tộc – Tôn giáo huyện.
Điều 7. Gạo, dầu hoả thắp sáng được cấp phát hàng tháng trên cơ sở sổ điểm danh học sinh đi học do giáo viên chủ nhiệm lập, có xác nhận của Hiệu trưởng nhà trường, Phòng Giáo dục huyện và Phòng Dân tộc hoặc Dân tộc – Tôn giáo huyện.
Chương IV
PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN, QUYẾT TOÁN
Điều 8. Toàn bộ hàng hoá cấp phát cho học sinh phải có danh sách theo sổ điểm danh học sinh đi học do giáo viên chủ nhiệm lớp lập, có chữ ký của học sinh, nếu không ký được phải lăn rõ dấu vân tay ngón tay trỏ của bàn tay phải (không được đánh dấu x), có chữ ký của người cấp phát, có xác nhận của giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng, Phòng Giáo dục huyện và Phòng Dân tộc hoặc Dân tộc – Tôn giáo huyện.
Điều 9. Đơn vị được phân công cấp phát các mặt hàng cho học sinh, chịu trách nhiệm quyết toán chi tất cả các mặt hàng cấp phát cho học sinh theo điều 2 của Quy định này và cuối mỗi học kỳ của năm học gửi báo cáo quyết toán về Ban Dân tộc Tỉnh và Sở Tài chính theo quy định.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Các nội dung của Quy định này được áp dụng kể từ năm học 2005 – 2006 trở về sau.
Điều 11. Trưởng Ban Dân tộc Tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giáo dục - Đào tạo hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo đúng quy định này.
Điều 12. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối từ nguồn kinh phí hàng năm để chi trả cho các chế độ theo quy định này.
Điều 13. Giao Trung tâm dịch vụ phát triển thương mại miền núi chịu trách nhiệm cung cấp toàn bộ các mặt hàng: Quần áo, nón, dép nhựa, mũ, thắt lưng, gạo, dầu hoả, sách giáo khoa, giấy viết học sinh, viết máy, mực viết, cặp học sinh, dụng cụ dạy học theo đúng Quy định này.
Điều 14. Quá trình triển khai thực hiện Quy định này, nếu có vấn đề gì phát sinh, vướng mắc, các ngành, các địa phương phản ảnh kịp thời về Ủy ban nhân dân Tỉnh để xem xét sửa đổi, bổ sung./.