Quyết định 91/2010/QĐ-UBND quản lý chất lượng phân bón đã được thay thế bởi Quyết định 31/2015/QĐ-UBND quản lý chất lượng phân bón Nghệ An và được áp dụng kể từ ngày 07/06/2015.
Nội dung toàn văn Quyết định 91/2010/QĐ-UBND quản lý chất lượng phân bón
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 91/2010/QĐ-UBND | Vinh, ngày 19 tháng 11 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG PHÂN BÓN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá số 05/2007/QH12;
Căn cứ Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07/10/2003 và Nghị định số 191/2007/NĐ-CP ngày 31/12/2007 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2003/NĐ-CP về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón;
Căn cứ Thông tư số 36/2010/TT-BNNPTNT ngày 24/6/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Ban hành quy định sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón;
Căn cứ Thông tư số 52/2010/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Hướng dẫn khảo nghiệm, công nhận, đặt tên phân bón mới;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 2561/TT-SNN ngày 04/11/2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định quản lý chất lượng phân bón trên địa bàn tỉnh Nghệ An".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 62/2009/QĐ-UBND ngày 06/7/2009 của UBND tỉnh Nghệ An Quy định quản lý chất lượng phân bón trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và đầu tư, Công thương, Tài chính; Giám đốc Công an tỉnh; Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các đơn vị cấp huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH |
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG PHÂN BÓN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 91/2010/QĐ-UBND ngày 19/11/2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Bản quy định này áp dụng trong lĩnh vực sản xuất, gia công, kinh doanh và dịch vụ phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
2. Phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp tại quy định này bao gồm: Phân bón rễ, phân bón lá, phân đơn, phân phức hợp, phân trộn (phân khoáng trộn), phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh, phân vi sinh, phân trung lượng, phân vi lượng, phân đa lượng, phân có bổ sung chất điều hoà sinh trưởng, chất phụ gia phân bón và chất cải tạo đất (gọi chung là phân bón).
3. Quy định này quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng phân bón trên địa bàn tỉnh Nghệ An, theo Nghị định số 113/2003/Nđ-CP ngày 07/10/2003 của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón và Nghị định số 191/2007/Nđ-CP ngày 31/12/2007 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2003/Nđ-CP ngày 07/10/2003 của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón; Thông tư số 36/2010/TT-BNNPTNT ngày 24/6/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Quy định sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón; Thông tư số 52/2010/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Hướng dẫn khảo nghiệm, công nhận, đặt tên phân bón mới;
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng phân bón trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
2. Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài (gọi tắt là đơn vị) sản xuất, gia công, kinh doanh và dịch vụ phân bón trên địa bàn Nghệ An có trách nhiệm thực hiện quy định này và các quy định khác của pháp luật còn hiệu lực trong lĩnh vực quản lý chất lượng phân bón.
Điều 3. Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau
1. Phân bón rễ là các loại phân được bón trực tiếp vào đất hoặc vào nước để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng thông qua bộ rễ.
2. Phân bón lá là loại phân bón được tưới hoặc phun trực tiếp vào lá hoặc thân để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng thông qua lá.
3. Phân đơn là loại phân vô cơ chỉ chứa một yếu tố dinh dưỡng.
4. Phân phức hợp là loại phân đa yếu tố được sản xuất trên cơ sở hoá hợp các loại nguyên liệu.
5. Phân trộn là loại phân đa yếu tố được sản xuất bằng cách trộn cơ giới nhiều loại phân đơn.
6. Phân hữu cơ khoáng là loại phân được sản xuất ra từ nguyên liệu hữu cơ được trộn thêm một hay nhiều yếu tố dinh dưỡng khoáng.
7. Phân hữu cơ sinh học là loại phân được sản xuất ra từ nguyên liệu hữu cơ có sự tham gia của vi sinh vật sống có ích hoặc các tác nhân sinh học khác.
8. Phân hữu cơ vi sinh là loại phân được sản xuất ra từ nguyên liệu hữu cơ có chứa một hay nhiều chủng vi sinh vật sống có ích, với mật độ phù hợp với tiêu chuẩn đã ban hành.
9. Phân vi sinh là loại phân có chứa một hay nhiều loại vi sinh vật sống có ích với mật độ phù hợp với tiêu chuẩn đã ban hành.
10. Phân có bổ sung chất điều hoà sinh trưởng là loại phân bón vô cơ hoặc hữu cơ được bổ sung một lượng nhỏ các vitamin, các enzim, các axit hữu cơ, hoặc các chất hoá học có tác dụng kích thích hoặc kìm hãm quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
11. Phân đa lượng là loại phân trong thành phần chủ yếu có chứa ít nhất một trong ba yếu tố dinh dưỡng sau: N, P205 hữu hiệu, K20 hoà tan.
12. Phân trung lượng là phân trong thành phần chủ yếu có chứa một hay một số các yếu tố dinh dưỡng sau: Canxi (Ca), Magiê (Mg), Lưu huỳnh (S) và Silic (Si).
13. Phân vi lượng là phân trong thành phần chủ yếu có chứa một hay một số các yếu tố dinh dưỡng sau: Sắt (Fe), Kẽm (Zn), đồng (Cu), Bo (B), Môlipđen (Mo), Mangan (Mn), Clo (Cl) và Co ban (Co).
14. Phân bón hữu cơ là loại phân bón được sản xuất chủ yếu từ các nguồn nguyên liệu hữu cơ với hàm lượng chất hữu cơ đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
15. Chất cải tạo đất là chất khi bón vào đất có tác dụng nâng cao độ phì, cải thiện đặc điểm lý tính, hoá tính, sinh học đất.
16. Chất phụ gia phân bón là các chất vô cơ hoặc hữu cơ được phối trộn với các chất dinh dưỡng trong quá trình sản xuất phân bón.
17. Phân bón không đảm bảo chất lượng là các loại phân bón không đảm bảo được các chỉ tiêu bắt buộc kiểm tra theo quy định; không đạt một trong các chỉ tiêu về mức sai số định lượng, định lượng bắt buộc cho phép và đơn vị tính đối với các yếu tố có trong phân bón theo quy định.
18. Phân bón giả là loại phân bón có một trong các dấu hiệu sau:
a) Sản xuất trái pháp luật có hình dáng giống loại phân bón được nhà nước cho phép sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu; giả, nhái về nhãn mác đối với loại phân bón đã được bảo hộ;
b) Không có giá trị sử dụng đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng theo tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc mức quy định trong danh mục phân bón;
c) Hàm lượng định lượng tổng các chất dinh dưỡng đạt từ 0 đến 50% mức tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc mức quy định trong danh mục phân bón;
19. Các từ ngữ khác trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ phân bón không giải thích ở Quy định này được áp dụng theo các quy định khác có liên quan của nhà nước còn hiệu lực thi hành.
Chương II
QUẢN LÝ VỀ CHẤT LƯỢNG PHÂN BÓN ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ SẢN XUẤT, GIA CÔNG, KINH DOANH VÀ DỊCH VỤ PHÂN BÓN
Điều 4. Các điều kiện về sản xuất, gia công, kinh doanh và dịch vụ phân bón
1. Điều kiện đối với đơn vị sản xuất, gia công phân bón:
a) Có Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
b) Tự công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy và chứng nhận hợp quy (nếu có).
c) Có đủ các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng, đáp ứng yêu cầu công nghệ sản xuất của từng loại phân bón.
d) Có ít nhất 1 cán bộ kỹ thuật có trình độ kỹ sư hoá hoặc nông học và đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật nắm vững về công nghệ sản xuất phân bón (nếu không có kỹ sư phải thuê tư vấn).
đ) Có đủ các thiết bị kiểm nghiệm chất lượng phân bón hoặc phải hợp đồng với cơ sở khác có đủ điều kiện và tư cách pháp nhân để kiểm tra chất lượng cho tất cả các lô phân bón trước khi xuất xưởng.
e) Nơi sản xuất phân bón phải có hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo sản xuất không gây ô nhiễm môi trường và đảm bảo các điều kiện về an toàn lao động, an toàn vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về môi trường.
2. Điều kiện của đơn vị kinh doanh và dịch vụ phân bón:
a) Có giấy phép kinh doanh ngành nghề phân bón do cơ quan có thẩm quyền cấp.
b) Có bản công bố tiêu chuẩn chất lượng hoặc giấy chứng nhận hợp quy của loại phân bón đơn vị đang kinh doanh, dịch vụ.
c) Có nơi kinh doanh, dịch vụ phân bón thoáng, mát, không gây ô nhiễm môi trường.
d) Có bảng niêm yết giá phân bón từng loại bằng tiếng Việt rõ ràng.
đ) Có kho chứa phân bón các loại đảm bảo thoáng mát, không mưa dột, không gần khu dân cư, trường học và bệnh viện.
Điều 5. Công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với phân bón
1. Các đơn vị sản xuất phân bón phải tự công bố tiêu chuẩn chất lượng phân bón, gồm các nội dung sau:
a) Tiêu chuẩn cơ sở, do cơ sở tự xây dựng.
b) Tiêu chuẩn Việt Nam.
c) Tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.
Nội dung của tiêu chuẩn được công bố không trái với quy định hiện hành của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.
2. Hồ sơ tự công bố gồm có:
a) Tiêu chuẩn chất lượng công bố (tiêu chuẩn cơ sở).
b) Bản công bố tiêu chuẩn chất lượng (Tên phân bón, tên đơn vị sản xuất, địa chỉ giao dịch và sản xuất).
c) Có quyết định sản xuất loại phân bón công bố chất lượng.
d) Cam kết của đơn vị sản xuất phân bón.
e) Kết quả phân tích chất lượng phân bón của loại phân bón công bố.
3. Các đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón phải gửi 1 bộ hồ sơ tự công bố tiêu chuẩn áp dụng phân bón đến Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp và theo dõi. Nếu loại phân bón phải công bố hợp quy thì khi hồ sơ, thủ tục đúng quy định, Sở Nông nghiệp và PTNT cấp phiếu tiếp nhận công bố phù hợp tiêu chuẩn chất lượng phân bón cho đơn vị (ngoài hồ sơ tự công bố nói trên kèm thêm công văn gửi Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị ra giấy tiếp nhận công bố hợp quy).
Điều 6. Quản lý nhãn hiệu hàng hoá đối với phân bón
Các đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ phân bón phải ghi nhãn hàng hoá theo đúng quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hoá, gồm các nội dung bắt buộc sau:
a) Tên phân bón.
b) Tên và địa chỉ của đơn vị chịu trách nhiệm về phân bón.
c) định lượng phân bón trong bao gói đóng sẵn.
d) Thành phần cấu tạo chính.
d) Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu.
đ) Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng.
e) Thông tin, cảnh báo an toàn.
f) Hướng dẫn sử dụng và bảo quản.
Đối với phân bón nhập khẩu, nếu nhãn hàng hoá bằng tiếng nước ngoài, thì đơn vị sản xuất, dịch vụ phân bón phải làm nhãn phụ ghi những thông tin thuộc nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và đính kèm theo nhãn gốc.
Điều 7. Khảo nghiệm, công nhận phân bón mới và sử dụng phân bón
1. Hoạt động khảo nghiệm, công nhận và đặt tên phân bón mới thực hiện theo Thông tư hướng dẫn số 52/2010/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn khảo nghiệm, công nhận, đặt tên phân bón mới.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn và tổng hợp hồ sơ đăng ký khảo nghiệm và công nhận phân bón mới của các đơn vị trên địa bàn tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp giấy đăng ký khảo nghiệm.
b) Chỉ đạo các đơn vị khảo nghiệm thực hiện đúng Quy phạm khảo nghiệm đối với loại phân bón và đối tượng cây trồng khảo nghiệm, yêu cầu đơn vị khảo nghiệm báo cáo kết quả khảo nghiệm về Sở Nông nghiệp và PTNT và Cục Trồng trọt.
c) Theo dõi, nhận xét đánh giá kết quả khảo nghiệm và khả năng sử dụng phân bón khảo nghiệm trên địa bàn trước khi đưa ra Hội đồng khoa học công nghệ thẩm định.
d) Xây dựng và hướng dẫn sử dụng phân bón cho từng loại cây trồng phù hợp với từng loại đất theo mùa vụ.
Điều 8. Trách nhiệm đơn vị sản xuất phân bón
1. Chỉ được sản xuất các loại phân bón sử dụng cho sản xuất nông nghiệp có tên trong danh mục của Bộ Nông nghiệp và PTNT (không phải qua khảo nghiệm, đạt các tiêu chuẩn quy định). Các loại phân bón phải qua khảo nghiệm thì khi khảo nghiệm xong mới được sản xuất và cung ứng ra thị trường.
2. Từ ngày 05-15 tháng 12 hàng năm có báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm và kế hoạch năm tiếp theo gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp và theo dõi.
3. đơn vị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng phân bón đã công bố và đang sản xuất, cung ứng trên địa bàn tỉnh.
4. Phải thực hiện đầy đủ các điều kiện sản xuất, nhằm đảm bảo chất lượng phân bón đúng với tiêu chuẩn đơn vị đã công bố.
5. Tất cả các loại phân bón sản xuất ra phải tổ chức tự kiểm tra chất lượng và phải có phiếu xác nhận chất lượng kèm theo hoá đơn xuất kho.
6. Đơn vị phải đảm bảo đo lường chính xác để có định lượng phân bón từng bao hàng đóng sẵn đúng trên nhãn hàng hóa.
7. Chịu trách nhiệm nộp phí và lệ phí về khảo nghiệm, công nhận phân bón mới theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí và chịu mọi phí tổn khi khiếu nại về kết quả phân tích chất lượng phân bón (theo thoả thuận tự nguyện).
8. Cung cấp đủ số bao của từng lô phân bón để lấy mẫu phân bón theo quy định.
Điều 9. Trách nhiệm đơn vị kinh doanh và dịch vụ phân bón
1. Chỉ được kinh doanh và dịch vụ các loại phân bón sử dụng cho sản xuất nông nghiệp có tên trong danh mục của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định. Cấm bán các loại phân bón giả, phân quá hạn sử dụng, phân bị đình chỉ sản xuất, đình chỉ tiêu thụ, phân không có nhãn hàng hoá và nhãn hiệu không đúng với đăng ký.
2. Từ ngày 05-15 tháng 12 hàng năm báo cáo UBND cấp huyện trên địa bàn về kết quả kinh doanh, dịch vụ trong năm và kế hoạch kinh doanh, dịch vụ phân bón của đơn vị năm tiếp theo, bao gồm loại phân bón của hãng nào, số lượng, chủng loại...
3. Đơn vị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng phân bón mà đơn vị kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
4. Chịu trách nhiệm Cung cấp đủ số bao của từng lô phân bón để lấy mẫu phân bón theo quy định và chịu mọi phí tổn khi khiếu nại về kết quả kiểm tra chất lượng phân bón (theo thoả thuận tự nguyện).
5. đơn vị phải đảm bảo các điều kiện về kinh doanh và dịch vụ theo quy định tại Khoản 2 điều 4 quy định này.
Chương III
KIỂM TRA TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG PHÂN BÓN
Điều 10. Kiểm tra chất lượng phân bón
1. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì tổ chức, phối hợp với một số ngành để tổ chức việc kiểm tra chất lượng phân bón định kỳ tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phân bón trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
2. Chế độ và nội dung kiểm tra định kỳ:
a) Kiểm tra 2 lần/năm đối với tất cả các đơn vị sản xuất, gia công, kinh doanh và dịch vụ phân bón trên địa bàn tỉnh.
b) Thủ tục và thành phần đoàn kiểm tra:
- Thủ tục: Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT Quyết định thành lập đoàn và giao nhiệm vụ cho đoàn kiểm tra thông qua kế hoạch làm việc của đoàn được Giám đốc Sở phê duyệt.
- Thành phần đoàn kiểm tra: Do Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT quyết định, gồm: Phòng Trồng trọt, Thanh tra, Quản lý chất lượng. Ngoài ra mời đại diện Chi cục Tiêu chuẩn và đo lường chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ. đoàn có ít nhất 4 thành viên tham gia.
c) Nội dung kiểm tra:
- Kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng phân bón từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
- Lấy mẫu phân bón để gửi phân tích nhằm đánh giá chất lượng phân bón của đơn vị bị kiểm tra.
- Kiểm tra việc chấp hành các quyết định xử lý những vi phạm về chất lượng phân bón ở kỳ kiểm tra trước.
d) Phạm vi kiểm tra:
- Tại các đơn vị sản xuất, gia công, kho lưu giữ, các quầy bán hàng.
- Tại các đơn vị kinh doanh và dịch vụ phân bón trên thị trường.
3. Kiểm tra đột xuất.
a) Được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
- Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm về chất lượng phân bón.
- Do đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
b) Nhiệm vụ kiểm tra:
- Căn cứ vào đơn thư hoặc chỉ đạo của cấp trên để xây dựng nhiệm vụ kiểm tra phù hợp.
- Thành phần đoàn kiểm tra: Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT căn cứ nhiệm vụ kiểm tra để trình Chủ tịch UBND tỉnh Quyết định thành lập đoàn kiểm tra.
- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt kế hoạch kiểm tra, giao đoàn kiểm tra thực hiện.
4. Kiểm tra thường xuyên:
a) Cơ quan chủ trì và thành phần đoàn kiểm tra:
Do UBND các đơn vị cấp huyện thực hiện. đoàn kiểm tra do Chủ tịch UBND quyết định thành lập (nhất thiết phải có các thành phần: phòng Nông nghiệp và PTNT, Công thương, quản lý thị trường, Thanh tra).
b) Đối tượng kiểm tra: Thực hiện đối với các đơn vị kinh doanh và dịch vụ phân bón trên địa bàn.
c) Chủ tịch UBND các đơn vị cấp huyện phê duyệt kế hoạch kiểm tra và giao nhiệm vụ cho đoàn.
d) Nội dung kiểm tra:
- Kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng phân bón đang kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.
- Lấy mẫu phân bón để gửi phân tích nhằm đánh giá chất lượng phân bón của đơn vị bị kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Quy định về lấy mẫu phân bón của đoàn kiểm tra
1. Việc lấy mẫu phân bón do đoàn kiểm tra thực hiện tại các đơn vị sản xuất, gia công, kinh doanh và dịch vụ phân bón trên địa bàn tỉnh.
2. Quy trình lấy mẫu phân bón:
a) Mẫu phân bón được lấy theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Khi lấy mẫu có thể dùng xiên để lấy hoặc lấy 1/2 phía đầu bao và 1/2 phía cuối bao hoặc lấy theo xác suất.
b) Đoàn kiểm tra phải có ít nhất 1 người có chứng chỉ lấy mẫu để chịu trách nhiệm lấy mẫu, các thành viên khác của đoàn chỉ phục vụ cho công tác lấy mẫu.
c) Mỗi loại phân bón lấy 1 mẫu chung và được chia làm 3 mẫu riêng có giá trị như nhau, trong đó có: 1 mẫu niêm phong lưu giữ tại nơi lấy mẫu; 1 mẫu niêm phong lưu giữ tại đoàn kiểm tra; 1 mẫu gửi đi phân tích chất lượng.
d) Thời hạn lưu giữ mẫu niêm phong có giá trị trong vòng 120 ngày kể từ ngày lập văn bản lấy mẫu.
3. Mẫu kiểm tra được gửi phân tích tại một trong những phòng kiểm nghiệm
có tư cách pháp nhân do Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận và do trưởng đoàn kiểm tra quyết định.
Điều 12. Khiếu nại kết quả kiểm tra
1. Sau khi có kết quả phân tích chất lượng, Sở Nông nghiệp và PTNT thông báo cho đơn vị được kiểm tra biết và sau 7 ngày kể từ khi thông báo gửi đi bằng thư chuyển nhanh nếu đơn vị không có kiếu nại thì được xem như đã chấp nhận kết quả thông báo đó.
2. Khiếu nại kết quả phân tích chất lượng: đơn vị được kiểm tra có quyền khiếu nại về kết quả phân tích chất lượng phân bón sau khi nhận được thông báo kết quả kiểm tra, gửi văn bản khiếu nại về đoàn kiểm tra (qua Sở Nông nghiệp và PTNT), chậm nhất sau 5 ngày kể từ ngày nhận được văn bản khiếu nại. Khi nhận được đơn khiếu nại, trưởng đoàn kiểm tra tổ chức họp đoàn và lấy mẫu lưu của đoàn tại Sở tổ chức phân tích lần 2 tại một đơn vị phân tích có tư cách pháp nhân, khác với đơn vị phân tích lần đầu được Bộ Nông nghiệp và PTNT giới thiệu. Kết quả phân tích lần 2 là cơ sở đánh giá chất lượng phân bón đã kiểm tra.
3. Trong thời gian khiếu nại kết quả phân tích chất lượng phân bón, đoàn kiểm tra tuyệt đối không được thông báo kết quả phân tích lần một cho bất kỳ ai. Khi có kết quả phân tích lần 2 sẽ tiến hành xử lý.
Điều 13. Xử lý vi phạm
1. Hội đồng xử lý gồm: 1 đại diện Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, đoàn kiểm tra và đơn vị vi phạm.
2. Lập biên bản vi phạm của doanh nghiệp, tổ chức, chủ hộ có phân bón không đảm bảo chất lượng theo mức công bố tiêu chuẩn hàng hóa thông qua kết quả phân tích các mẫu phân bón. Biên bản được lập ngay trong buổi họp xử lý.
3. Đoàn kiểm tra tham mưu quyết định xử phạt hoặc Tờ trình trình UBND tỉnh xử phạt theo quy định đối với đơn vị vi phạm. đối tượng bị xử phạt là đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phân bón trên địa bàn tỉnh.
4. Thẩm quyền xử lý vi phạm: đơn vị nào tổ chức kiểm tra thì đơn vị đó xử lý vi phạm theo quy định. đối với đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và PTNT, đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính, trình lãnh đạo Sở Quyết định xử phạt theo khung quy định. Nếu vượt khung, đoàn kiểm tra tham mưu Sở trình UBND tỉnh Quyết định xử phạt.
5. Đơn vị vi phạm nội dung quy định về sản xuất, gia công, mua bán, vận chuyển, cung ứng dịch vụ phân bón thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. đồng thời phải bồi thường thiệt hại kinh tế theo quy định của pháp luật hiện hành.
6. Thành phần đoàn kiểm tra phân bón nếu lợi dụng quyền hạn hoặc có hành vi vi phạm nội dung của quy định này và có các hành vi khác trái với các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước về phân bón, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại kinh tế theo quy định của pháp luật hiện hành.
7. Đơn vị vi phạm phải chấp hành đầy đủ, kịp thời các quyết định xử phạt, nếu cố tình kéo dài thời gian hoặc không thực hiện sẽ bị cưỡng chế thi hành.
8. Khi có Quyết định xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp, tổ chức, chủ hộ vi phạm về chất lượng phân bón, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ thông báo kết quả xử phạt cho Báo Nghệ An, đài PTTH Nghệ An đăng tin, bài; qua đó để mọi người dân biết, từ đó không dùng phân bón của đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phân bón kém chất lượng.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG PHÂN BÓN CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP
Điều 14. Trách nhiệm Sở Nông nghiệp và PTNT
1. Xây dựng kế hoạch sản xuất phân bón hàng năm, bao gồm số lượng, chủng loại phân bón đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp.
2. Tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về quản lý phân bón, các quy trình, quy phạm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phân bón, các tiêu chuẩn phân bón và cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng phân bón.
3. Hướng dẫn đơn vị thực hiện khảo nghiệm phân bón mới, được quy định tại Thông tư hướng dẫn số 52/2010/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn khảo nghiệm, công nhận, đặt tên phân bón mới. Nếu kết quả khảo nghiệm đạt yêu cầu, Sở Nông nghiệp và PTNT làm thủ tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa vào danh mục phân bón được phép sản xuất lưu thông tại Việt Nam.
4. Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, hướng dẫn các đơn vị công bố phù hợp tiêu chuẩn chất lượng và ra giấy tiếp nhận hợp quy chất lượng phân bón theo quy định.
5. Chủ trì, tổ chức thực hiện việc kiểm tra chất lượng phân bón theo định kỳ và đột xuất, trên cơ sở các quy định của nhà nước về quản lý chất lượng phân bón từ sản xuất đến lưu thông. Hướng dẫn và phối hợp với UBND các đơn vị cấp huyện để quản lý chất lượng phân bón đang sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
6. Lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý chất lượng phân bón và Quyết định xử phạt. Nếu vượt khung, tham mưu trình UBND tỉnh Quyết định xử phạt theo đúng quy định của pháp luật. Giám sát, đôn đốc các đơn vị vi phạm thực hiện nghiêm Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
7. Chủ trì và phối hợp với các ngành liên quan và UBND các đơn vị cấp huyện trong quá trình quản lý chất lượng phân bón trên địa bàn.
Điều 15. Trách nhiệm Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn và đo lường Chất lượng
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về chất lượng phân bón trên địa bàn tỉnh Nghệ An và cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất.
Điều 16. Trách nhiệm Công an tỉnh, Sở Công thương, Chi cục quản lý thị trường
Cử thành viên tham gia các đoàn kiểm tra đột xuất. đồng thời thường xuyên kiểm tra quá trình lưu thông phân bón để loại bỏ các loại phân giả, phân chất lượng kém và chống gian lận thương mại về sản xuất, gia công, kinh doanh, dịch vụ phân bón trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều 17. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các đơn vị cấp huyện
1. Tổ chức kiểm tra thường xuyên chất lượng phân bón đang kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn địa phương quản lý được quy định tại Khoản 4 điều 10 của quy định này và phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các ngành cấp tỉnh có liên quan để tổ chức quản lý chất lượng phân bón đang kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn.
2. Xử lý các vi phạm về chất lượng phân bón đối với các đơn vị kinh doanh và dịch vụ đúng theo quy định của pháp luật.
3. Trước khi thành lập đoàn kiểm tra chất lượng phân bón trên địa bàn, phải thông báo cho Sở Nông nghiệp và PTNT biết để phối hợp thực hiện đúng quy trình theo quy định của nhà nước hiện hành.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm tổ chức phổ biến và theo dõi thực hiện nội dung Quy định này.
2. Các ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân các đơn vị cấp huyện phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT để triển khai thực hiện các nội dung tại quy định này.
3. Các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, các ngành, các cấp kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, xử lý./.