Thông tư 12/2011/TT-BYT tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch viên chức hộ sinh đã được thay thế bởi Thông tư liên tịch 26/2015/TTLT-BYT-BNV mã số tiêu chuẩn chức danh nghề điều dưỡng hộ sinh kỹ thuật y và được áp dụng kể từ ngày 20/11/2015.
Nội dung toàn văn Thông tư 12/2011/TT-BYT tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch viên chức hộ sinh
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2011/TT-BYT | Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2011 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN NGHIỆP VỤ CÁC NGẠCH VIÊN CHỨC HỘ SINH
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ sửa đổi một số Điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 06/2011/TT-BNV ngày 01 tháng 3 năm 2011 của Bộ Nội vụ Ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức hộ sinh;
Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ tại công văn số 575/BNV-CCVC ngày 01 tháng 3 năm 2011, Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức hộ sinh như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức hộ sinh bao gồm: Hộ sinh chính, hộ sinh, hộ sinh cao đẳng, hộ sinh trung cấp, hộ sinh sơ cấp.
2. Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức hộ sinh là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ viên chức làm công tác hộ sinh tại các đơn vị sự nghiệp y tế của Nhà nước.
Điều 2. Tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch hộ sinh chính
1. Chức trách
Hộ sinh chính là viên chức chuyên môn kỹ thuật cao nhất trong ngành hộ sinh; chủ trì, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra và tổ chức thực hiện các kỹ thuật cao, phức tạp thuộc chuyên khoa phụ sản và sơ sinh tại cơ sở y tế.
2. Nhiệm vụ
a) Chủ trì, tổ chức xây dựng kế hoạch chăm sóc, phục vụ sản phụ, sơ sinh và người bệnh bảo đảm an toàn, chất lượng theo đúng quy chế chuyên môn.
b) Thực hiện các kỹ thuật phức tạp, kỹ thuật cao, chuyên sâu thuộc chuyên khoa; tổ chức ứng dụng những kỹ thuật mới trong hoạt động chuyên ngành.
c) Kiểm tra việc theo dõi, đánh giá toàn diện sản phụ, sơ sinh, người bệnh, phát hiện, xử trí kịp thời những trường hợp nặng, những trường hợp cấp cứu và báo cáo những diễn biến bất thường cho bác sĩ điều trị hoặc người phụ trách.
d) Lập kế hoạch quản lý, sử dụng, bảo quản, bổ sung trang thiết bị và dự trù vật tư, hoá chất, sinh phẩm, thuốc của đơn vị, của khoa.
đ) Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ kiểm soát nhiễm khuẩn, an toàn trong công tác chuyên môn và công tác thống kê, báo cáo các hoạt động chuyên môn, bảo quản, lưu trữ các tài liệu đúng quy định.
e) Tổ chức, chỉ đạo thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu thuộc chuyên khoa.
g) Tổ chức triển khai công tác chỉ đạo tuyến, nghiên cứu khoa học, đào tạo, hướng dẫn thực hành về lĩnh vực chăm sóc bà mẹ trẻ em và sức khỏe sinh sản cho học viên và hộ sinh ở ngạch thấp hơn.
h) Lập kế hoạch, kiểm tra, giám sát và tổ chức tư vấn, giáo dục sức khoẻ cho người bệnh, gia đình người bệnh và cộng đồng.
i) Thực hiện các quy định khác của pháp luật liên quan đến lĩnh vực y tế.
3. Tiêu chuẩn về năng lực
a) Có kiến thức về chăm sóc trước sinh, trong khi sinh, sau khi sinh và chăm sóc sơ sinh. Có kỹ năng thực hành các kỹ thuật hộ sinh phức tạp, có khả năng làm việc chủ động, sáng tạo, phát hiện, giải quyết các vấn đề thuộc chuyên ngành; có khả năng chỉ đạo và làm việc theo nhóm.
b) Có phương pháp làm việc khoa học, cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới; đề xuất các giải pháp bảo đảm chất lượng kỹ thuật chuyên khoa.
c) Sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và đúng quy chế.
d) Giải thích được các nguyên lý và áp dụng các biện pháp thực hiện kế hoạch hóa gia đình phù hợp với từng đối tượng phục vụ.
đ) Thực hiện và tổ chức cho đội ngũ hộ sinh thực hiện được chức trách, nhiệm vụ của viên chức y tế trong lĩnh vực hộ sinh.
e) Có khả năng đào tạo, nghiên cứu khoa học.
4. Tiêu chuẩn về trình độ
a) Có trình độ sau đại học chuyên ngành hộ sinh.
b) Có thời gian ở ngạch hộ sinh từ 9 năm trở lên.
c) Biết một ngoại ngữ thông dụng ở trình độ C trong hoạt động chuyên môn.
d) Sử dụng thành thạo máy vi tính và các trang thiết bị, phần mềm tin học ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn.
đ) Chủ trì hoặc tham gia đề tài nghiên cứu khoa học được hội đồng khoa học cấp cơ sở trở lên công nhận và áp dụng có hiệu quả.
Điều 3. Tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch hộ sinh
1. Chức trách
Hộ sinh là viên chức chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế, thực hiện các kỹ thuật phức tạp thuộc chuyên khoa phụ sản và sơ sinh tại cơ sở y tế.
2. Nhiệm vụ
a) Tổ chức tiếp đón, hướng dẫn sản phụ, người bệnh đến khám, điều trị.
b) Lập kế hoạch, dự trù đủ, đúng và kịp thời các phương tiện, dụng cụ, thuốc, hồ sơ bệnh án phục vụ cho công tác khám bệnh, cấp cứu và điều trị.
c) Lập kế hoạch chăm sóc toàn diện sản phụ, sơ sinh, người bệnh và tổ chức thực hiện kế hoạch theo đúng quy định.
d) Thực hiện các kỹ thuật phức tạp trong chuyên khoa theo y lệnh của bác sĩ điều trị hoặc sự phân công của người phụ trách.
đ) Theo dõi, đánh giá toàn diện, ghi chép diễn biến hàng ngày của sản phụ, sơ sinh, người bệnh, đặc biệt là những trường hợp nặng, những trường hợp cấp cứu; phát hiện, xử trí ban đầu và báo cáo kịp thời những diễn biến bất thường cho bác sĩ điều trị hoặc người phụ trách.
e) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện thống kê, báo cáo các hoạt động chuyên môn và bảo quản lưu trữ các tài liệu đúng quy định.
g) Quản lý, sử dụng, bảo quản phương tiện máy móc, trang thiết bị được phân công; phát hiện những hỏng hóc và đề xuất phương án xử lý kịp thời; chịu trách nhiệm cá nhân về số thuốc và tài sản được phân công quản lý.
h) Tổ chức và thực hiện các chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu thuộc chuyên khoa.
i) Tham gia chỉ đạo tuyến, nghiên cứu khoa học, đào tạo, hướng dẫn thực hành về lĩnh vực chăm sóc bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản cho học viên và hộ sinh ở ngạch thấp hơn; thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới trong lĩnh vực chuyên khoa.
k) Thực hiện các quy định khác của pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, sơ sinh và sức khỏe sinh sản.
l) Lập kế hoạch và tổ chức tư vấn, giáo dục sức khoẻ, đôn đốc nhắc nhở người bệnh, người nhà người bệnh và cộng đồng giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường.
3. Tiêu chuẩn năng lực
a) Thực hiện thành thạo kỹ thuật thăm khám thai, quản lý thai nghén, đỡ đẻ thường, chăm sóc sơ sinh, các kỹ thuật chuyên khoa phức tạp và các kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, người cao tuổi, nam giới, phòng nhiễm khuẩn đường sinh sản và nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cho thai phụ, tư vấn phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
b) Thực hiện quy trình vận hành, bảo quản, bảo dưỡng một số máy móc và trang thiết bị hiện đại thuộc chuyên khoa.
c) Sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và đúng quy chế.
d) Tư vấn và hướng dẫn cho đối tượng phục vụ lựa chọn, sử dụng biện pháp thực hiện kế hoạch hóa gia đình thích hợp.
e) Thực hiện và tổ chức cho đội ngũ hộ sinh thực hiện được chức trách, nhiệm vụ của viên chức y tế trong lĩnh vực hộ sinh ở ngạch hộ sinh và các ngạch ngạch thấp hơn.
4. Tiêu chuẩn trình độ
a) Tốt nghiệp đại học chuyên ngành hộ sinh.
b) Biết một ngoại ngữ thông dụng ở trình độ B trong hoạt động chuyên môn.
c) Sử dụng thành thạo máy vi tính và các trang thiết bị, phần mềm tin học ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn.
Điều 4. Tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch hộ sinh cao đẳng
1. Chức trách
Hộ sinh cao đẳng là viên chức chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế, thực hiện các kỹ thuật cơ bản và một số kỹ thuật phức tạp thuộc chuyên khoa phụ sản và sơ sinh tại cơ sở y tế.
2. Nhiệm vụ
a) Tổ chức tiếp đón, hướng dẫn sản phụ, người bệnh đến khám, điều trị.
b) Dự trù và chuẩn bị đủ, đúng, kịp thời các phương tiện, dụng cụ, thuốc, hồ sơ bệnh án phục vụ cho công tác khám bệnh, cấp cứu và điều trị.
c) Lập kế hoạch chăm sóc toàn diện sản phụ, sơ sinh, người bệnh và tổ chức thực hiện kế hoạch theo đúng quy định.
d) Thực hiện các kỹ thuật cơ bản trong chuyên khoa, phụ giúp thực hiện một số kỹ thuật chuyên khoa phức tạp theo y lệnh của bác sĩ hoặc sự phân công của hộ sinh phụ trách.
đ) Theo dõi, đánh giá toàn diện, ghi chép diễn biến hàng ngày của sản phụ, sơ sinh, người bệnh, đặc biệt là những trường hợp nặng, những trường hợp cấp cứu; phát hiện và báo cáo kịp thời những diễn biến bất thường cho bác sĩ hoặc hộ sinh phụ trách xử trí.
e) Sử dụng, bảo quản, vệ sinh phương tiện máy móc, trang thiết bị được phân công; phát hiện những hỏng hóc và đề xuất phương án xử lý kịp thời; chịu trách nhiệm cá nhân về số thuốc và tài sản được phân công quản lý.
g) Tổ chức thực hiện tư vấn giáo dục sức khoẻ, đôn đốc nhắc nhở người bệnh, người nhà người bệnh và cộng đồng giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường.
h) Thực hiện các chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu thuộc chuyên khoa.
i) Tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo, hướng dẫn thực hành kỹ thuật chuyên khoa hộ sinh cho học viên và viên chức hộ sinh ở ngạch thấp hơn.
k) Thực hiện các quy định khác của pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, sơ sinh và sức khỏe sinh sản.
3. Tiêu chuẩn năng lực
a) Thực hiện thành thạo kỹ thuật thăm khám thai, quản lý thai nghén, đỡ đẻ thường, chăm sóc sơ sinh, một số kỹ thuật chuyên khoa phức tạp và các kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, người cao tuổi, nam giới, phòng nhiễm khuẩn đường sinh sản và nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cho thai phụ, tư vấn phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
b) Thực hiện quy trình vận hành, bảo quản một số máy móc và trang thiết bị cơ bản thuộc chuyên khoa.
c) Sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và đúng quy chế.
d) Tư vấn và hướng dẫn cho đối tượng phục vụ lựa chọn, sử dụng biện pháp thực hiện kế hoạch hoá gia đình thích hợp.
e) Thực hiện được chức trách, nhiệm vụ của viên chức y tế trong lĩnh vực hộ sinh của ngạch cao đẳng và các ngạch thấp hơn.
4. Tiêu chuẩn trình độ
a) Tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành hộ sinh.
b) Biết một ngoại ngữ thông dụng ở trình độ B trong hoạt động chuyên môn.
c) Sử dụng thành thạo máy vi tính và các trang thiết bị, phần mềm tin học ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn.
Điều 5. Tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch hộ sinh trung cấp
1. Chức trách
Hộ sinh trung cấp là viên chức chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế, thực hiện các kỹ thuật chuyên môn thông thường thuộc chuyên khoa phụ sản và sơ sinh tại cơ sở y tế và tại cộng đồng.
2. Nhiệm vụ
a) Tiếp đón, hướng dẫn sản phụ, người bệnh đến khám bệnh, điều trị.
b) Chuẩn bị đủ, đúng và kịp thời các phương tiện, dụng cụ, thuốc, hồ sơ bệnh án phục vụ cho công tác khám bệnh, cấp cứu và điều trị.
c) Thực hiện các thủ thuật, kỹ thuật thông thường về sản phụ khoa và chăm sóc sơ sinh, kế hoạch hóa gia đình. Tư vấn và thực hiện các kỹ thuật thông thường về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, người cao tuổi, nam giới, phòng nhiễm khuẩn đường sinh sản và nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; tư vấn phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho thai phụ.
d) Lập kế hoạch quản lý thai nghén, chăm sóc toàn diện sản phụ, sơ sinh, người bệnh và tổ chức thực hiện kế hoạch theo sự phân công.
đ) Theo dõi, ghi chép diễn biến hàng ngày của sản phụ, sơ sinh, người bệnh, đặc biệt là những trường hợp nặng, những trường hợp cấp cứu; phát hiện và báo cáo kịp thời những diễn biến bất thường cho bác sĩ hoặc hộ sinh phụ trách xử trí.
e) Sử dụng, bảo quản, vệ sinh phương tiện máy móc, trang thiết bị được phân công; phát hiện những hỏng hóc và đề xuất phương án xử lý kịp thời. Chịu trách nhiệm cá nhân về số thuốc và tài sản được phân công quản lý.
g) Thực hiện tư vấn giáo dục sức khoẻ, đôn đốc, nhắc nhở người bệnh, người nhà người bệnh giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường.
h) Thực hiện các chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu thuộc chuyên khoa.
i) Tham gia hướng dẫn thực hành kỹ thuật chuyên khoa hộ sinh thông thường cho học viên và viên chức hộ sinh sơ cấp.
k) Thực hiện các quy định khác của pháp luật liên quan đến lĩnh vực chuyên khoa hộ sinh.
3. Tiêu chuẩn về năng lực
a) Nắm vững và thực hành thành thạo kỹ thuật thăm khám thai, quản lý thai nghén, đỡ đẻ thường và kỹ thuật chăm sóc sản phụ, sơ sinh, người bệnh.
b) Sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và đúng quy chế.
c) Tư vấn cho đối tượng phục vụ lựa chọn biện pháp thực hiện kế hoạch hóa gia đình thích hợp.
d) Thực hiện được chức trách, nhiệm vụ của viên chức y tế trong lĩnh vực hộ sinh ở ngạch trung cấp và ngạch sơ cấp.
4. Tiêu chuẩn về trình độ
a) Tốt nghiệp trung cấp hộ sinh.
b) Biết một ngoại ngữ thông dụng ở trình độ A trong hoạt động chuyên môn.
c) Sử dụng thành thạo máy vi tính và các trang thiết bị, phần mềm tin học ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn.
Điều 6. Tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch hộ sinh sơ cấp
1. Chức trách
Hộ sinh sơ cấp là viên chức chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế, phụ giúp, chăm sóc sản phụ, sơ sinh tại cơ sở y tế và cộng đồng.
2. Nhiệm vụ
a) Tiếp đón, hướng dẫn sản phụ và người bệnh khi được phân công.
b) Tham gia, chuẩn bị dụng cụ theo yêu cầu của chuyên môn.
c) Phụ giúp hoặc trực tiếp thực hiện một số kỹ thuật thông thường thuộc chuyên khoa theo sự phân công, trực tiếp đỡ đẻ thường khi không có cán bộ chuyên môn ở ngạch cao hơn tại tuyến y tế cơ sở; Tư vấn và thực hiện các kỹ thuật thông thường về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, người cao tuổi, nam giới, phòng nhiễm khuẩn đường sinh sản và nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; tư vấn phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho thai phụ.
d) Bảo quản thuốc và dụng cụ, vật tư y tế khi được giao; chịu trách nhiệm cá nhân về số thuốc và tài sản được phân công quản lý.
đ) Tham gia giáo dục sức khoẻ, đôn đốc, nhắc nhở người bệnh, người nhà người bệnh giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường.
e) Tuyên truyền các chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu thuộc chuyên khoa.
g) Thực hiện các quy định khác của pháp luật liên quan đến lĩnh vực chuyên khoa hộ sinh.
3. Tiêu chuẩn về năng lực
a) Nắm được quy trình kỹ thuật cơ bản thăm khám thai, quản lý thai nghén, đỡ đẻ thường, đỡ đẻ ngoài cơ sở y tế, chăm sóc thông thường, theo dõi sản phụ, sơ sinh ở các cơ sở y tế, cộng đồng và các chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu thuộc chuyên khoa.
b) Nắm được quy chế sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.
c) Thực hiện được chức trách, nhiệm vụ của viên chức y tế trong lĩnh vực hộ sinh của ngạch sơ cấp.
4. Tiêu chuẩn về trình độ
Tốt nghiệp sơ cấp hộ sinh
Điều 7. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2011.
2. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Y tế để xem xét giải quyết.
| BỘ TRƯỞNG |