Thông tư 23/2011/TT-BLĐTBXH hướng dẫn mức lương tối thiểu vùng đã được thay thế bởi Thông tư 29/2012/TT-BLĐTBXH hướng dẫn mức lương tối thiểu vùng và được áp dụng kể từ ngày 25/01/2013.
Nội dung toàn văn Thông tư 23/2011/TT-BLĐTBXH hướng dẫn mức lương tối thiểu vùng
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2011/TT-BLĐTBXH | Hà Nội, ngày 16 tháng 09 năm 2011 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC Ở CÔNG TY, DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ, TỔ HỢP TÁC, TRANG TRẠI, HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN VÀ CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC CÓ THUÊ MƯỚN LAO ĐỘNG
Căn cứ Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với nông nghiệp lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam).
2. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động.
3. Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác).
Các công ty, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và cá nhân quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều 1 Thông tư này sau đây gọi chung là doanh nghiệp.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động.
2. Viên chức quản lý hưởng lương trong các doanh nghiệp, bao gồm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên và những người làm công tác quản lý khác hưởng lương.
Điều 3. Mức lương tối thiểu vùng
1. Mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 01 tháng 10 năm 2011 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2012 được quy định tại Điều 2 Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là mức lương tối thiểu vùng) như sau:
a) Mức 2.000.000 đồng/người/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
b) Mức 1.780.000 đồng/người/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
c) Mức 1.550.000 đồng/người/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
d) Mức 1.400.000 đồng/người/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn thuộc vùng IV.
2. Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ.
3. Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng trong một số trường hợp cụ thể được quy định như sau:
a) Địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời thực hiện theo mức lương tối thiểu vùng đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách; trường hợp địa bàn được thành lập mới từ các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất; trường hợp thành lập thành phố trực thuộc tỉnh từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì thực hiện mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với địa bàn thuộc vùng III.
b) Doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn liền nhau có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất; doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn đó.
c) Khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất đó thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất; trường hợp khu công nghiệp, khu chế xuất có các phân khu nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì doanh nghiệp hoạt động trong phân khu nằm trên địa bàn nào, thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn đó.
Điều 4. Áp dụng mức lương tối thiểu vùng
1. Mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định là mức lương thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận tiền lương trả cho người lao động, nhưng mức tiền lương tính theo tháng trả cho người lao động chưa qua đào tạo làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận, không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
2. Mức tiền lương thấp nhất phải trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Người lao động đã qua học nghề bao gồm:
- Những người đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học nghề theo quy định tại Nghị định số 90/CP ngày 24 tháng 11 năm 1993 quy định cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng, chứng chỉ về giáo dục và đào tạo;
- Những người đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề theo quy định tại Luật Giáo dục năm 1998 và Luật Giáo dục năm 2005;
- Những người đã được cấp chứng chỉ theo chương trình dạy nghề thường xuyên, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc đã hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề quy định tại Luật Dạy nghề;
- Những người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ nghề của cơ sở đào tạo nước ngoài;
- Những người đã được doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề.
3. Mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định dùng làm căn cứ để xây dựng và điều chỉnh các mức lương của người lao động làm việc trong doanh nghiệp xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương theo quy định của pháp luật lao động như sau:
a) Đối với doanh nghiệp đã xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương thì căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định để xem xét, điều chỉnh các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, các mức lương trong hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ khác đối với người lao động cho phù hợp, nhưng phải bảo đảm các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương theo quy định tại Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương và Thông tư số 13/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 5 năm 2003, Thông tư số 14/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 5 năm 2003, Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH ngày 05 tháng 12 năm 2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
b) Đối với doanh nghiệp chưa xây dựng thang lương, bảng lương thì căn cứ mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định để tính các mức lương khi xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương của doanh nghiệp, nhưng phải bảo đảm các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương do pháp luật lao động quy định (các mức lương có thể được quy định bằng hệ số so với mức lương tối thiểu do doanh nghiệp lựa chọn hoặc mức tiền cụ thể, nhưng mức lương bậc 1 trong thang lương, bảng lương phải cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định); xác định, điều chỉnh các mức lương trong hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ khác đối với người lao động cho phù hợp.
c) Việc xác định mức điều chỉnh các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương (đối với doanh nghiệp đã xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương) hoặc xác định các mức lương khi xây dựng thang lương, bảng lương (đối với doanh nghiệp chưa xây dựng thang lương, bảng lương); mức điều chỉnh các mức lương trong hợp đồng lao động và các chế độ khác đối với người lao động theo quy định tại điểm a và điểm b, khoản 3 Điều này, do doanh nghiệp, Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời và người lao động thỏa thuận, nhưng phải bảo đảm quan hệ tiền lương hợp lý giữa lao động chưa qua đào tạo và lao động đã qua đào tạo, lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, lao động mới được tuyển dụng và lao động có thâm niên làm việc tại doanh nghiệp.
4. Khi áp dụng các quy định tại Thông tư này, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, tiền lương hoặc phụ cấp làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật lao động.
5. Khuyến khích các doanh nghiệp thỏa thuận áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định để làm căn cứ thực hiện các chế độ quy định tại khoản 3, Điều 4 Thông tư này; trả lương cho người lao động cao hơn so với quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 4 Thông tư này.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 10 năm 2011.
2. Khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức ăn giữa ca để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Mức tiền ăn giữa ca và việc tổ chức ăn giữa ca do doanh nghiệp, Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời và người lao động thỏa thuận trên cơ sở bảo đảm dinh dưỡng, chất lượng và an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, công ty mẹ - tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty nhà nước chưa chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần, các tổ chức, đơn vị hiện đang áp dụng chế độ tiền lương như công ty nhà nước tiếp tục thực hiện mức tiền ăn giữa ca theo quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 4 năm 2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Công ty, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 4, Điều 5 Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ, thực hiện mức lương tối thiểu chung để tính đơn giá tiền lương và các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ làm cơ sở để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động; trả lương cho người lao động bảo đảm đúng quy định về áp dụng mức lương tối thiểu vùng tại khoản 1 và khoản 2, Điều 4 Thông tư này.
Việc áp dụng mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng để xác định đơn giá tiền lương, quỹ tiền lương kế hoạch và quỹ tiền lương thực hiện đối với một số trường hợp cụ thể như sau:
3.1. Năm 2011:
Công ty, tổ chức, đơn vị không xây dựng và báo cáo đơn giá tiền lương theo quy định, hoặc không có lợi nhuận hoặc lỗ, hoặc có năng suất lao động thực hiện bình quân, lợi nhuận thực hiện thấp hơn so với kế hoạch, khi xác định quỹ tiền lương thực hiện thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định (từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2011 theo quy định tại Nghị định số 108/2010/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2010; từ ngày 01 tháng 10 năm 2011 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2011 theo quy định tại Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2011) để xác định quỹ tiền lương chế độ của người lao động và quỹ tiền lương chế độ của viên chức quản lý theo quy định tại Thông tư số 07/2005/TT-BLĐTBXH Thông tư số 08/2005/TT-BLĐTBXH ngày 05 tháng 01 năm 2005 và Thông tư số 27/2010/TT-BLĐTBXH ngày 14 tháng 9 năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
3.2. Từ năm 2012:
a) Công ty, tổ chức, đơn vị bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định tại điểm b, khoản 1, mục III Thông tư số 07/2005/TT-BLĐTBXH ngày 05 tháng 01 năm 2005; Điều 5 Thông tư số 27/2010/TT-BLĐTBXH ngày 14 tháng 9 năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, được lựa chọn áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn (không hạn chế mức tối đa) so với mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ để xác định đơn giá tiền lương của người lao động và quỹ tiền lương kế hoạch của viên chức quản lý. Ngoài ra, công ty, tổ chức, đơn vị được lựa chọn áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm quỹ tiền lương để xác định quỹ tiền lương kế hoạch của viên chức quản lý theo quy định tại Thông tư số 08/2005/TT-BLĐTBXH ngày 05 tháng 01 năm 2005 và Thông tư số 27/2010/TT-BLĐTBXH ngày 14 tháng 9 năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khi bảo đảm thêm điều kiện: mức tăng (theo tỷ lệ %) tiền lương bình quân kế hoạch so với thực hiện năm trước liền kề (từ quỹ tiền lương được chủ sở hữu phê duyệt, thẩm định) của viên chức quản lý chuyên trách không vượt quá mức tăng (theo tỷ lệ %) tiền lương bình quân kế hoạch so với thực hiện năm trước liền kề của người lao động.
b) Công ty, tổ chức, đơn vị không bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định tại điểm b, khoản 1, mục III Thông tư số 07/2005/TT-BLĐTBXH ngày 05 tháng 01 năm 2005; Điều 5 Thông tư số 27/2010/TT-BLĐTBXH ngày 14 tháng 9 năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hoặc kế hoạch sản xuất, kinh doanh lỗ hoặc không có lợi nhuận thì áp dụng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ để xác định đơn giá tiền lương của người lao động và quỹ tiền lương kế hoạch của viên chức quản lý theo quy định tại Thông tư số 07/2005/TT-BLĐTBXH Thông tư số 08/2005/TT-BLĐTBXH ngày 05 tháng 01 năm 2005 và Thông tư số 27/2010/TT-BLĐTBXH ngày 14 tháng 9 năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
c) Công ty, tổ chức, đơn vị không xây dựng và báo cáo đơn giá tiền lương, hoặc kết quả sản xuất, kinh doanh lỗ hoặc không có lợi nhuận, hoặc có năng suất lao động thực hiện bình quân, lợi nhuận thực hiện thấp hơn kế hoạch thì áp dụng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ để xác định quỹ tiền lương chế độ của người lao động và quỹ tiền lương chế độ của viên chức quản lý (đối với trường hợp không xây dựng và báo cáo đơn giá tiền lương, hoặc kết quả sản xuất, kinh doanh lỗ hoặc không có lợi nhuận), quỹ tiền lương chế độ khi điều chỉnh quỹ tiền lương thực hiện theo năng suất lao động và lợi nhuận (đối với trường hợp năng suất lao động thực hiện bình quân, lợi nhuận thực hiện thấp hơn kế hoạch).
Các công ty, tổ chức, đơn vị quy định tại điểm b và điểm c, khoản 3.2 Điều này khi xác định quỹ tiền lương thực hiện, đối với người lao động có mức tiền lương chế độ (hệ số lương hiện hưởng theo thang lương, bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ nhân với mức lương tối thiểu chung) thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định thì được tính bằng mức lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động.
d) Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc công ty, tổ chức, đơn vị được lựa chọn áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu chung, nhưng không được vượt quá mức lương tối thiểu do công ty, tổ chức, đơn vị lựa chọn để tính đơn giá tiền lương và phải bảo đảm không làm tăng thêm chi phí quản lý của Ban quản lý dự án làm cơ sở lập quỹ tiền lương để trả cho người lao động.
4. Kinh phí thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại Thông tư này được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
5. Bãi bỏ Thông tư số 36/2010/TT-BLĐTBXH ngày 18 tháng 11 năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động; khoản 1 và khoản 2, Điều 4 Thông tư số 12/2011/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 4 năm 2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để hướng dẫn bổ sung kịp thời.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |