Thông tư liên tịch 11/2002/TTLT-BGD&ĐT-BTCCBCP-BTC-BLĐTB&XH chính sách nhà giáo cán bộ quản lý giáo dục trường chuyên biệt hướng dẫn 35/2001/NĐ-CP đã được thay thế bởi Thông tư liên tịch 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và được áp dụng kể từ ngày 13/05/2007.
Nội dung toàn văn Thông tư liên tịch 11/2002/TTLT-BGD&ĐT-BTCCBCP-BTC-BLĐTB&XH chính sách nhà giáo cán bộ quản lý giáo dục trường chuyên biệt hướng dẫn 35/2001/NĐ-CP
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2002/TTLT-BGDĐT-BTCCBCP-BTC-BLĐTBXH | Hà Nội, ngày 27 tháng 03 năm 2002 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 35/2001/NĐ-CP NGÀY 09/7/2001 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO, CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC ĐANG CÔNG TÁC Ở CÁC TRƯỜNG CHUYÊN BIỆT, Ở VÙNG CÓ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN
Thi hành Nghị định số 35/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2001 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác ở trường chuyên biệt, ở giáo dục và Đào tạo - Ban Tổ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như sau:
A. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong biên chế, người trong thời gian tập sự hoặc đang hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước (nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục hưởng lương từ ngân sách nhà nước) hiện đang công tác ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục không thuộc biên chế nhà nước, người trong thời gian tập sự hoặc hợp đồng hưởng lương từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị không thuộc ngân sách nhà nước (nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục không hưởng lương từ ngân sách nhà nước) hiện đang công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
3. Cán bộ quản lý giáo dục quy định tại điểm 1 và điểm 2 trên đây bao gồm:
a) Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc, Phó Giám đốc các trung tâm, cơ sở giáo dục và đào tạo;
b) Các cán bộ nguyên là nhà giáo, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc, Phó Giám đốc các cơ sở giáo dục và đào tạo được phân công làm nhiệm vụ tại các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ của các cơ sở giáo dục và đào tạo;
c) Các cán bộ nguyên là nhà giáo, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc, Phó Giám đốc các cơ sở giáo dục và đào tạo được điều động về công tác ở Phòng giáo dục và Đào tạo mà cơ quan Phòng giáo dục và Đào tạo đóng trên địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
II. PHẠM VI ÁP DỤNG
1. Các trường chuyên biệt bao gồm:
a) Trường phổ thông dân tộc nội trú
b) Trường phổ thông dân tộc bán trú;
c) Trường dự bị đại học;
d) Trường trung học phổ thông chuyên;
đ) Trường giáo dưỡng;
e) Trường, lớp dành cho người tàn tật;
g) Trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao được thành lập nhằm phát triển tài năng của học sinh trong các lĩnh vực này và hoạt động theo quy định của Luật Giáo dục.
2. Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm: vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo và những vùng khó khăn khác. Danh mục của những vùng này được ban hành kèm theo các Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 1999, Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2000, Quyết định số 42/QĐ-TTg ngày 26 tháng 3 năm 2001 và các quyết định bổ sung khác của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới, hải đảo thuộc phạm vi chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa.
3. Cơ sở giáo dục và đào tạo bao gồm: nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, trường mẫu giáo, mầm non, phổ thông, bổ túc văn hóa, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, cao đẳng, đại học; các trung tâm: kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, dạy nghề, giáo dục thường xuyên, nuôi dạy trẻ tàn tật.
III. NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG
1. Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngoài việc hưởng các chính sách như cán bộ,công chức công tác trong ngành giáo dục còn được hưởng thêm các chế độ phụ cấp,trợ cấp, ưu đãi quy định tại Thông tư này.
2. Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục khi nghỉ hưu hoặc thôi việc không hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi quy định trong Thông tư này.
Các chế độ phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi quy định trong Thông tư này không sử dụng để tính các chế độ phụ cấp khác, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp thôi việc.
Riêng phụ cấp thu hút, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp lưu động được tính để trích nộp 2% kinh phí công đoàn.
3. Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt không đóng trên địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chỉ hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp ưu đãi quy định cho các trường chuyên biệt hướng dẫn tại các Mục I, II và Mục III Phần B của Thông tư này;
- Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt mà trường chuyên biệt đứng trên địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì hưởng đủ các chế độ phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi quy định từ Mục I đến Mục XI tại Phần B của Thông tư này;
- Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chỉ hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi quy định cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ Mục I đến Mục XI (trừ Mục III) Phần B của Thông tư này.
4. Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi quy định tại Thông tư này do nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước chi trả;
Ngân sách trung ương chi trả cho các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt, các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc các Bộ, ngành Trung ương quản lý. Ngân sách địa phương chi trả cho các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, tại các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc địa phương quản lý;
Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cơ sở giáo dục và đào tạo vận dụng, thực hiện các chế độ trợ cấp, phụ cấp, ưu đãi quy định tại Thông tư này từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị.
B. CÁC CHẾ ĐỘ ĐƯỢC HƯỞNG
I. TRỢ CẤP THAM QUAN, HỌC TẬP, BỒI DƯỠNG CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ
1. Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thuộc đối tượng áp dụng tại Mục I Phần A Thông tư này hiện đang công tác tại trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn:
- Khi được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền cử đi học bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ thì được đài thọ tiền mua tài liệu học tập (không tính tài liệu tham khảo), tiền học phí và thanh toán tiền mua vé tầu, xe, tiền thuê chỗ ở, phụ cấp công tác phí trong thời gian đi học theo chế độ công tác phí hiện hành.
- Khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của năm học (đạt danh hiệu lao động giỏi, giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua, được cấp bằng lao động sáng tạo) thì được đơn vị tổ chức đi tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị trong nước mỗi năm ít nhất 1 lần và được đài thọ chi phí bao gồm tiền mua vé tầu, xe, tiền thuê chỗ ở, phụ cấp công tác phí theo chế độ công tác phí hiện hành và các chi phí khác cho việc tổ chức đi tham quan thực tế phát sinh có đủ chứng từ hợp lệ và trong phạm vi dự toán được duyệt.
2. Hàng năm, ngay từ đầu năm học các trường chuyên biệt, các cơ sở giáo dục và đào tạo đóng trên địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn căn cứ vào biên chế năm học lập kế hoạch trong năm của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đi học bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ; kế hoạch tổ chức cho các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có thành tích xuất sắc đi tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị, địa phương trong nước kèm theo dự toán kinh phí gửi cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo trực tiếp phê duyệt.
- Các trường chuyên biệt, các cơ sở giáo dục và đào tạo đang quản lý nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện việc thanh toán các khoản tiền mua tài liệu học tập, tiền học phí theo hóa đơn tài chính và biên lai thu của cơ sở đào tạo. Tiền mua vé tầu, xe, tiền thuê chỗ ở, phụ cấp công tác phí trong thời gian học tập được thanh toán theo chế độ hiện hành.
- Khoản tiền mua tài liệu học tập, tiền học phí, tiền mua vé tầu, xe, tiền thuê chỗ ở, phụ cấp công tác phí, chi phí tổ chức đi tham quan, học tập, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm được hạch toán vào các mục, tiểu mục thích hợp của chương, loại, khoản tương ứng theo Mục lục Ngân sách nhà nước.
II. PHỤ CẤP ƯU ĐÃI
1. Đối tượng được hưởng.
Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thuộc đối tượng áp dụng tại Mục I Phần A Thông tư này hiện đang công tác tại trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thời gian không được tính để trả phụ cấp ưu đãi cho các đối tượng nêu trên gồm có:
- Đi học tập dài hạn, đi công tác trên 3 tháng, nghỉ về việc riêng 1 tháng (liên tục);
- Nghỉ thai sản vượt quá tiêu chuẩn quy định trong Bộ Luật Lao động và nghỉ ốm theo quy định tại Điều lệ bảo hiểm xã hội;
- Trong thời gian chấp hành kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.
2. Mức phụ cấp.
2.1. Mức phụ cấp:
2.1.1. Mức phụ cấp 70% lương theo ngạch, bậc hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) áp dụng đối với các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại:
a) Các cơ sở giáo dục và đào tạo đóng trên địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
b) Các trường chuyên biệt sau:
- Trường trung học phổ thông chuyên;
- Trường phổ thông dân tộc nội trú;
- Trường, lớp dành cho người tàn tật;
- Riêng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại các trường giáo dưỡng đủ điều kiện được hưởng phụ cấp ưu đãi theo hướng dẫn tại Thông tư này mà có mức phụ cấp quốc phòng, an ninh và phụ cấp thâm niên hiện hưởng thấp hơn mức 70% lương theo ngạch, bậc hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) thì được hưởng thêm số tỷ lệ phần trăm (%) chênh lệch để đạt mức phụ cấp bằng 70%.
2.1.2. Mức phụ cấp 50% lương theo ngạch, bậc hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) áp dụng đối với các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại các trường chuyên biệt không đóng trên địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm:
- Trường phổ thông dân tộc bán trú;
- Trường dự bị đại học;
- Trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao.
2.1.3. Cách tính:
Tiền phụ cấp ưu đãi được hưởng trong 1 tháng = Mức lương tối thiểu x (hệ số lương hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) x 70% hoặc (50%).
Ví dụ 1: Một Hiệu trưởng trường tiểu học công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hệ số 2,59, hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo 0,25 được hưởng phụ cấp ưu đãi mức 70%. Tiền phụ cấp ưu đãi đối với trường hợp này trong 1 tháng được tính như sau:
Tiền phụ cấp ưu đãi 1 tháng = 210.000 đồng x (2,59 + 0,25) x 70% = 417.480 đồng.
Ví dụ 2: Nhà giáo Nguyễn Văn A, hiện đang công tác ở trường giáo dưỡng, cấp bậc Đại úy, có hệ số lương 4,15, hưởng phụ cấp thâm niên 20%.
Mức phụ cấp ưu đãi nhà giáo Nguyễn Văn A được hưởng thêm như sau:
Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng = 70% (phụ cấp ưu đãi theo quy định) - 20% (phụ cấp thâm niên) = 50%.
Tiền phụ cấp ưu đãi 1 tháng = 210.000 đồng x 4,15 x 50% = 435.750 đồng.
3. Phương thức chi trả.
3.1. Phụ cấp này được trả cùng kỳ lương hàng tháng (kể cả thời gian nghỉ hè).
3.2. Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã được hưởng phụ cấp ưu đãi theo hướng dẫn tại Thông tư này thì không hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 147/1998/TTLT-BTCCBCP-BTC-BLĐTBXH-BGDĐT ngày 05 tháng 3 năm 1998 của Liên tịch Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ - Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện Quyết định số 973/1997/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên đang trực tiếp giảng dạy trong các trường công lập của Nhà nước.
3.3. Khoản phụ cấp này được hạch toán vào Mục 102 tiểu mục 08 của chương, loại, khoản tương ứng theo Mục lục ngân sách nhà nước.
III. PHỤ CẤP TRÁCH NHIỆM
1. Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thuộc đối tượng áp dụng tại Mục 1 Phần A Thông tư này công tác tại trường chuyên biệt được hưởng phụ cấp trách nhiệm mức 0,3 so với lương tối thiểu và không hưởng phụ cấp trách nhiệm theo hướng dẫn tại Thông tư số 17/BLĐTBXH-TT ngày 02 tháng 6 năm 1993 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm.
2. Cách tính:
Tiền phụ cấp trách nhiệm được hưởng trong 1 tháng = Mức lương tối thiểu x 0,3.
3. Phương thức chi trả:
3.1. Phụ cấp trách nhiệm được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng.
3.2. Khoản phụ cấp này được hạch toán vào Mục 102 tiểu mục 03 của chương, loại,khoản tương ứng theo Mục lục Ngân sách nhà nước.
IV. PHỤ CẤP THU HÚT
1. Đối tượng được hưởng
Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục kể cả những người mới tốt nghiệp được cấp có thẩm quyền tuyển dụng và bố trí công tác (bao gồm cả người địa phương và người từ địa phương khác đến) được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền điều động từ nơi không thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đến công tác tại các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Mức phụ cấp và thời gian được hưởng:
- Mức phụ cấp bằng 70% lương theo ngạch, bậc hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có).
- Phụ cấp thu hút trả cho thời gian công tác thực tế của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng tối đa không quá 5 năm, kể từ ngày nhận quyết định điều động công tác.
3. Cách tính hưởng phụ cấp:
3.1. Tiền phụ cấp thu hút được hưởng trong 1 tháng = Mức lương tối thiểu x (hệ số lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có)) x 70%.
3.2. Mốc thời gian tính trả phụ cấp thu hút đối với những người được điều động trước ngày 25 tháng 7 năm 2001 được tính từ ngày 25 tháng 7 năm 2001 trở về sau. Trong những trường hợp này, phụ cấp thu hút cũng được trả theo thời gian thực tế còn tiếp tục công tác tại các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng tối đa cũng không quá 5 năm, kể từ ngày quyết định điều động có hiệu lực. Đối với những người được điều động từ ngày 25 tháng 7 năm 2001 trở về sau thì mốc thời gian được tính từ ngày nhận quyết định của cấp có thẩm quyền điều động cho đến ngày hoàn thành thời hạn được điều động.
Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A, tốt nghiệp trường trung học sư phạm, ngày 31 tháng 12 năm 1996 được Sở Giáo dục và Đào tạo điều động đến công tác tại trường tiểu học thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đến ngày 31 tháng 12 năm 2002 có quyết định thuyên chuyển về vùng không có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ông Nguyễn Văn A được hưởng phụ cấp thu hút mức 70% tính từ ngày 25 tháng 7 năm 2001 cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2002 (thời gian còn lại của 5 năm, kể từ ngày nhận quyết định điều động - tức là ông A được nhận phụ cấp thu hút 1 năm 5 tháng).
Ví dụ 2: Bà Hiệu trưởng Nguyễn Thị B công tác ở trường tiểu học được xếp lương mã ngạch 15114, bậc 7, hệ số 2,59, hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo 0,35. ngày 15 tháng 8 năm 2001 nhận quyết định điều động của Phòng Giáo dục và Đào tạo đến công tác tại trường tiểu học đóng trên địa bàn thuộc xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với thời hạn 3 năm đến ngày 15 tháng 8 năm 2004 hết hạn phục vụ, được hưởng phụ cấp thu hút 70%.
Tiền phụ cấp thu hút được hưởng trong 1 tháng tính cho trường hợp này = 210.000 đồng x (2,59 + 0,35) x 70% = 432.180 đồng và được trả trong thời gian 3 năm (36 tháng).
Hết 3 năm, Bà Nguyễn Thị B ở lại tiếp tục công tác tại cơ sở giáo dục đóng trận địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quyết định của cấp có thẩm quyền thêm 3 năm nữa và tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút thêm 2 năm.
4. Cách trả:
4.1. Phụ cấp này được tính để trả cùng kỳ lương hàng tháng (kể cả thời gian nghỉ hè);
4.2. Phụ cấp này chỉ được trả trong thời gian công tác thực tế ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
4.3. Phụ cấp này được hạch toán vào Mục 102, tiểu mục 02 của chương, loại, khoản tương ứng theo Mục lục Ngân sách nhà nước.
V. THỜI HẠN LUÂN CHUYỂN NHÀ GIÁO VÀ TRỢ CẤP CHUYỂN VÙNG
1. Đối tượng.
1.1. Nhà giáo hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cơ quan quản lý giáo dục - đào tạo có thẩm quyền quyết định luân chuyển từ địa bàn không thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đến nhận công tác tại các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn kể từ ngày 25 tháng 7 năm 2001 trở đi;
1.2. Người mới tốt nghiệp các trường đào tạo được cấp có thẩm quyền tuyển dụng mới và bố trí công tác tại các cơ sở giáo dục và đào tạo đóng trên địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn kể từ ngày 25 tháng 7 năm 2001 trở đi.
2. Thời hạn luân chuyển nhà giáo và chế độ được hưởng.
2.1. Thời hạn luân chuyển nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 5 năm đối với nam, 3 năm đối với nữ.
Trong thời gian công tác theo thời hạn luân chuyển quy định mà nhà giáo bị kỷ luật (khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; hạ ngạch) thì chưa được giải quyết luân chuyển. Chỉ sau khi chấm dứt hiệu lực kỷ luật thì nhà giáo mới được luân chuyển và thời gian bị kỷ luật không được tính vào thời gian phục vụ trong thời hạn luân chuyển.
2.2. Sau khi hoàn thành thời hạn phục vụ nêu trên, nhà giáo được cơ quan quản lý giáo dục - đào tạo có thẩm quyền sắp xếp luân chuyển công tác đến nơi không thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo những nguyên tắc dưới đây:
a) Đối với nhà giáo được điều động luân chuyển đến công tác tại cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được luân chuyển trở về nơi ở và làm việc cuối cùng trước khi được điều động đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
b) Đối với những người mới tốt nghiệp các trường đào tạo được cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng mới để bố trí công tác theo thời hạn luân chuyển tại các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (trừ những trường hợp khi tuyển sinh đi học tại các trường đào tạo đã có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn), được cơ quan quản lý giáo dục - đào tạo có thẩm quyền bố trí, sắp xếp đến công tác ở cơ sở giáo dục và đào tạo không thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
c) Nhà giáo có nguyện vọng thuyên chuyển công tác đi nơi khác, được cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo có thẩm quyền tạo điều kiện để di liên hệ thuyên chuyển công tác và giải quyết thuyên chuyển theo nguyện vọng;
d) Khi đã được quyết định luân chuyển về địa phương mới, nhà giáo phải phục tùng sự phân công công tác của cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương mới chuyển đến, nếu không chấp hành việc bố trí công tác thì tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành.
2.3. Những nhà giáo không thuộc đối tượng hưởng chế độ thời hạn luân chuyển và những nhà giáo nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ ngày 24 tháng 7 năm 2001 trở về trước thì không giải quyết việc luân chuyển theo thời hạn như nói ở trên.
2.5. Hết thời hạn phục vụ theo quy định ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nếu nhà giáo tình nguyện ở lại để tiếp tục công tác và ổn định cuộc sống lâu dài thì được Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ điều kiện cụ thể của huyện xét cấp đất làm nhà,làm kinh tế trang trại, kinh tế gia đình và được vay vốn làm nhà, làm kinh tế với lãi suất ưu đãi trả dần trong 10 năm.
2.6. Khi thực hiện quyết định luân chuyển (kể cả trường hợp chuyển đi và chuyển đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn), nếu nhà giáo có gia đình (cha; mẹ; vợ hoặc chồng; con) chuyển đi theo thì được trợ cấp tiền tầu, xe, cước hành lý (theo giá vé và hóa đơn tài chính phát hành) cho các thành viên đi cùng và được hưởng trợ cấp chuyển vùng bằng 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) cho một hộ (cả gia đình).
3. Cách trả trợ cấp chuyển vùng.
3.1. Khoản tiền trợ cấp chuyển vùng và khoản trợ cấp tiền vé tầu, xe, cước hành lý cho nhà giáo và các thành viên đi cùng do cơ sở giáo dục và đào tạo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (có nhà giáo luân chuyển đi và nhận đến) chi trả 1 lần.
3.2. Khoản chi trợ cấp tiền vé tầu, xe, cước hành lý, trợ cấp chuyển vùng được hạch toán vào Mục 105 tiểu mục 99 của chương, loại, khoản tương ứng theo Mục lục Ngân sách nhà nước.
VI. TRỢ CẤP LẦN ĐẦU
1. Đối tượng và điều kiện được hưởng.
Nhà giáo kể cả những người mới tốt nghiệp được cấp có thẩm quyền tuyển dụng và bố trí công tác được cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo có thẩm quyền luân chuyển đến công tác tại các cơ sở giáo dục và đào tạo đóng trên địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn kể từ ngày 25 tháng 7 năm 2001 trở về sau.
2. Mức trợ cấp và giải quyết chỗ ở.
- Nhà giáo đủ điều kiện trên đây được hưởng một khoản trợ cấp lần đầu 3.000.000 đồng (ba triệu đồng) cho một người để hỗ trợ mua sắm những vật dụng cần thiết sớm ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình.
- Nhà giáo luân chuyển đến công tác ở cơ sở giáo dục và đào tạo được Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi tiếp nhận giải quyết chỗ ở. Căn cứ vào số lượng nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục và đào tạo có nhu cầu nhà ở và tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng trong huyện xây dựng nhà ở tập thể (nhà công vụ) giáo viên hoặc xây thêm phòng ở tại khu tập thể giáo viên cho phù hợp điều kiện thực tế địa phương.
3. Cách trả:
3.1. Trợ cấp này được cơ sở giáo dục và đào tạo nơi tiếp nhận nhà giáo chi trả sau khi nhà giáo đã nhận công tác.
3.2. Khoản trợ cấp này được hạch toán vào Mục 105 tiểu mục 99 của chương, loại, khoản tương ứng theo Mục lục Ngân sách nhà nước.
VII. PHỤ CẤP TIỀN MUA VÀ VẬN CHUYỂN NƯỚC NGỌT VÀ SẠCH
1. Đối tượng và điều kiện được hưởng.
Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thuộc đối tượng áp dụng tại Mục I Phần A Thông tư này đang công tác và sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà tại nơi đang sinh sống có vùng thực sự thiếu nước ngọt và nước sạch theo mùa (gọi chung là vùng thiếu nước ngọt).
2. Xác định vùng thiếu nước ngọt, thời gian và mức được phụ cấp.
Vùng thiếu nước ngọt và nước sạch theo mùa là vùng do điều kiện tự nhiên không có nước hoặc có nhưng không thể dùng để phục vụ cho sinh hoạt từ 1 tháng liên tục trở lên trong năm.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể của vùng có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn thuộc quyền quản lý để quy định vùng thiếu nước ngọt và nước sạch, thời gian và mức hưởng phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và nước sạch cho phù hợp.
3. Cách tính:
3.1. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục và đào tạo tính chi phí phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt theo hướng dẫn sau:
- Căn cứ để tính chi phí thực tế cho một người bao gồm:
+ Định mức tiêu chuẩn: 6 m3/người/tháng (a);
+ Số tháng thực tế thiếu nước ngọt trong 1 năm (b);
+ Tiền chi phí mua và vận chuyển 1m3 nước ngọt đến nơi ở và làm việc của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định (c);
+ Tiền nước sinh hoạt đã được tính trong tiền lương là 600 đồng/1m³.
- Mức phụ cấp tiền mua nước ngọt là phần chênh lệch giữa chi phí thực tế với phần tiền đã được tính trong tiền lương (600 đồng/m³ x 6m³ =3.600 đồng).
Mức phụ cấp được hưởng trong 1 tháng = (a) x (c) - 3.600 đồng.
3.2. Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thuộc đối tượng áp dụng tại Mục I Phần A Thông tư này công tác ở các trường thuộc Trung ương quản lý đóng trên địa bàn được hưởng phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch thì được hưởng theo mức quy định của địa phương có trường đóng.
4. Cách trả:
- Khoản phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch được trả bằng tiền cùng kỳ lương hàng tháng;
- Khoản chi phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch được hạch toán vào Mục 105 tiểu mục 99 của chương, loại, khoản tương ứng theo Mục lục Ngân sách nhà nước.
VIII. PHỤ CẤP LƯU ĐỘNG
1. Đối tượng và điều kiện được hưởng:
Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thuộc đối tượng áp dụng tại Mục I Phần A Thông tư này công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đang làm chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục mà trong tháng có từ 15 ngày trở lên đi đến các thôn, bản, phum, sóc.
2. Mức phụ cấp và cách tính trả:
- Mức phụ cấp 0,2 so với mức lương tối thiểu.
- Cách tính trả phụ cấp thực hiện theo hướng dẫn tại Mục IV Thông tư số 19/LĐTBXH-TT ngày 02 tháng 6 năm 1993 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp lưu động.
- Khoản phụ cấp này được hạch toán vào Mục 102 tiểu mục 06 của chương, loại, khoản tương ứng theo Mục lục Ngân sách nhà nước.
IX. PHỤ CẤP DẠY BẰNG TIẾNG VÀ CHỮ VIẾT CỦA NGƯỜI DÂN TỘC ÍT NGƯỜI
1. Đối tượng và điều kiện được hưởng.
Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thuộc đối tượng áp dụng tại Mục I Phần A Thông tư này hiện đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được người đứng đầu đơn vị, cơ sở giáo dục phân công trách nhiệm và đang trực tiếp dạy bằng tiếng và chữ viết của dân tộc ít người theo chương trình, tài liệu dạy học do ngành giáo dục và đào tạo ban hành, làm công tác quản lý, chỉ đạo không phân biệt hình thức dạy thuần tiếng dân tộc hay dạy song ngữ (tiếng dân tộc - tiếng Việt).
2. Thời gian được hưởng
2.1. Nếu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trực tiếp dạy bằng tiếng và chữ viết của người dân tộc ít người 2 học kỳ trong 1 năm học thì được hưởng phụ cấp 9 tháng trong 1 năm học;
2.2. Nếu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trực tiếp dạy bằng tiếng và chữ viết của người dân tộc ít người 1 học kỳ trong 1 năm học thì được hưởng phụ cấp 4,5 tháng trong 1 năm học;
2.3. Nếu dạy không đủ 1 học kỳ trong 1 năm học thì dạy tháng nào được trả phụ cấp trong tháng đó.
3. Mức phụ cấp và cách tính.
Tiền phụ cấp dạy bằng tiếng và chữ viết của người dân tộc ít người bằng 50% lương theo ngạch, bậc hiện hưởng và phụ cấp chức vụ (nếu có).
Mức phụ cấp được hưởng trong 1 tháng = Mức lương tối thiểu x (hệ số lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có)) x 50%.
4. Cách trả:
4.1. Phụ cấp này được tính để trả cùng kỳ lương hàng tháng.
4.2. Phụ cấp này chỉ được trả trong thời gian nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và trực tiếp dạy bằng tiếng và chữ viết của người dân tộc ít người.
4.3. Khoản phụ cấp này được hạch toán vào Mục 102 tiểu mục 99 của chương, loại, khoản tương ứng theo Mục lục Ngân sách nhà nước.
X. CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP TỰ HỌC TIẾNG DÂN TỘC ÍT NGƯỜI ĐỂ PHỤC VỤ CÔNG TÁC
(quy định tại khoản 2 Điều 14 của Nghị định số 35/2001/NĐ-CP).
1. Đối tượng và điều kiện được hưởng.
Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thuộc đối tượng áp dụng tại Mục I Phần A Thông tư này đang công tác (bao gồm cả người dân tộc thiểu số tự học và sử dụng tiếng dân tộc ít người khác) tại các vùng dân tộc ít người thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn phải thực sự tự học và sử dụng được thành thạo chữ viết và tiếng nói của người dân tộc ít người ở địa phương vào công tác giảng dạy, giáo dục học sinh được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền xác nhận đạt chuẩn quy định.
2. Chế độ được hưởng:
2.1. Được thanh toán tiền mua tài liệu học tập phục vụ cho việc tự học (không tính tài liệu tham khảo) tiếng và chữ viết của người dân tộc ít người (nếu có) theo hóa đơn tài chính.
2.2. Được trợ cấp tiền bồi dưỡng cho việc tự học tiếng và chữ viết của người dân tộc ít người. Mức hưởng cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo nhưng không vượt quá 5 triệu đồng cho một người.
3. Cách trả:
3.1.Tiền mua tài liệu học tập (không tính tiền mua tài liệu tham khảo) được cấp mỗi năm 1 lần theo hóa đơn tài chính thực mua và được trả không quá 3 năm.
3.2. Tiền bồi dưỡng tự học được cấp 1 lần khi nhà giáo cán bộ quản lý giáo dục tự học đạt được trình độ sử dụng thành thạo tiếng nói và chữ viết của người dân tộc ít người vào công tác giảng dạy, giáo dục học sinh và được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền xác nhận.
3.3. Khoản tiền mua tài liệu và tiền bồi dưỡng tự học được hạch toán vào các tiểu mục thích hợp thuộc Mục 119 của chương, loại, khoản tương ứng theo Mục lục Ngân sách nhà nước.
XI. KHEN THƯỞNG
Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tính thời gian quy đổi để được xét phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, được xét tặng Huy chương vì sự nghiệp giáo dục và các chính sách khen thưởng khác của Nhà nước.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Dự toán kinh phí chi trả các chế độ phụ cấp, trợ cấp ưu đãi theo hướng dẫn tại Thông tư này cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các cơ sở giáo dục và đào tạo (theo Biểu 1, Biểu ba, 2b kèm theo)* được lập cùng kỳ với dự toán ngân sách chi thường xuyên tại mỗi cấp, mỗi đơn vị để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện.
2. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập chịu trách nhiệm xét duyệt và lập dự toán chi trả theo năm cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước (trong đó có phân tích chi tiết việc chi trả các chế độ phụ cấp, trợ cấp cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của đơn vị mình) gửi cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp trước ngày 30 tháng 4 năm 2002 để xét duyệt theo biểu mẫu kèm theo Thông tư này.
3. Các Bộ, ngành Trung ương có trách nhiệm tổng hợp đối với các trường, cơ sở do Bộ, ngành quản lý (theo Biểu số 3, 4a, 4b và 5 kèm theo)* gửi báo cáo về liên Bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) trước ngày 31 tháng 5 năm 2002 để làm căn cứ cấp phát kinh phí.
Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm tổng hợp đối với các trường, cơ sở do địa phương quản lý (theo Biểu số 3, 4a, 4b và 5 kèm theo)* về dự toán kinh phí thực hiện các chế độ phụ cấp, trợ cấp tại Thông tư này báo cáo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tổng hợp báo cáo liên Bộ giáo dục và Đào tạo, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 31 tháng 5 năm 2002 về tình hình thực hiện ở địa phương.
Từ năm 2003 trở đi, việc xét duyệt bổ sung các đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp theo Nghị định số 35/2001/NĐ-CP nêu trên do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định việc phân công, phân cấp cho các đơn vị chức năng cấp dưới trực thuộc giải quyết.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 7 năm 2001. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, các đơn vị phản ánh kịp thời để lên Bộ xem xét, bổ sung cho phù hợp./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
KT. BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG BAN BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
* Không in các biểu mẫu